Vụ nổ lớn xảy ra ở vùng ngoại ô của Bắc Kinh
Các phóng viên truyền thông của ĐCSTQ đã bị công an địa phương xua đuổi một cách thô bạo.
Một vụ nổ lớn đã xảy ra ở vùng ngoại ô của Bắc Kinh ngay sau Kỳ họp Lưỡng hội, hai phiên họp chính trị cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền.
Chính quyền địa phương đã ngăn cấm tất cả giới truyền thông đưa tin về vụ nổ này, trong đó có cả đài truyền hình nhà nước CCTV của ĐCSTQ, khiến Hiệp hội Ký giả Trung Quốc do chính quyền kiểm soát phải đưa ra một tuyên bố hiếm hoi phản đối cách công an đối xử với các phóng viên.
Vụ nổ xảy ra vào sáng ngày 13/03 tại đường Nghênh Tân, thị trấn Yến Giao, thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc, giáp với vùng ngoại ô của Bắc Kinh. Một khách sạn bốn tầng đã đổ sập sau vụ nổ.
Hôm 14/03, chính quyền thành phố Tam Hà cho biết hoạt động cứu hộ tại chỗ đối với “tai nạn do cháy nổ” xảy ra ở thị trấn Yến Giao, thành phố Tam Hà đã hoàn thành. Các nhà chức trách loan báo vụ tai nạn này khiến 7 người thiệt mạng và 27 người bị thương.
Ông Nghiêm, một người dân địa phương, nói với The Epoch Times hôm 14/03 rằng địa điểm xảy ra vụ nổ gần khu đại học, nơi có mật độ dân số rất cao, và có thể còn nhiều người khác bị thương.
Theo video được đăng tải trên mạng, vụ nổ này đã lan sang khắp khu vực xung quanh. Người dân địa phương cho biết cửa sổ bằng kính của các tòa nhà cách đó 50 đến 60 mét (164 đến 197 feet) đều bị vỡ.
Hôm 13/03, Cục Quản lý Khẩn cấp thành phố Tam Hà đưa tin vụ nổ này bị nghi ngờ là do rò rỉ khí gas tại một nhà hàng gà rán. Tuy nhiên, nhiều hãng truyền thông Trung Quốc bày tỏ nghi ngờ trước thông tin này. Tờ Tài chính Thời đại (Times Finance) hôm 14/03 đưa tin chỉ có một tiệm gà rán tên là “Gà rán Vĩnh Thuận” ở khu vực xảy ra vụ việc. Một nhân viên của nhà hàng gà rán nói với giới truyền thông: “Cửa hàng của chúng tôi không phát nổ và cũng không sử dụng gas. Chúng tôi chỉ sử dụng điện để nấu ăn.”
Trong báo cáo chính thức đầy đủ về vụ việc được công bố sáng ngày 14/03, chính quyền thành phố không đề cập đến nguyên nhân vụ nổ mà chỉ gọi đó là một vụ “cháy nổ.” Đến chiều, ông Lưu Phúc Lai (Liu Fulai), trưởng nhóm điều tra vụ tai nạn, cho biết rò rỉ đường ống vận chuyển [khí gas] là nguyên nhân gây ra vụ nổ ở Yến Giao.
Ngăn chặn phóng viên truyền thông nhà nước đưa tin
Sau vụ nổ, chính quyền địa phương ngay lập tức cấm các hãng truyền thông đưa tin trực tiếp tại hiện trường, và các phóng viên truyền thông nhà nước đã bị công an địa phương xua đuổi một cách thô bạo và bắt đi.
Theo các video được đăng tải trên mạng xã hội, vào sáng ngày 13/03, khi nữ phóng viên Dương Hải Ninh (Yang Haining) của CCTV, đài truyền hình nhà nước ĐCSTQ, đang được phát sóng trực tiếp tại hiện trường vụ nổ, một công an đã dùng thân mình chặn camera, và buổi phát sóng trực tiếp này đành phải chuyển về trường quay để thực hiện.
Chiều hôm đó, một phóng viên CCTV khác là Hứa Mộng Triết (Xu Mengzhe) cũng bị công an đuổi đi một cách thô bạo khi đang phỏng vấn người dân địa phương tại hiện trường. Cô Hứa sau đó đã đăng một đoạn video ghi lại cảnh cô bị hơn chục công an xua đuổi khỏi hiện trường. Không lâu sau đó, trương mục mạng xã hội của cô cũng bị khóa.
Vào tối ngày 13/03, Hiệp hội Ký giả của ĐCSTQ đã đăng một bài viết trên trương mục chính thức của mình trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Weibo với tiêu đề “Phỏng vấn Hợp pháp là Quyền của Ký giả” để ủng hộ các phóng viên CCTV và nêu ra ba câu hỏi: Phóng viên có nên tiến hành phỏng vấn không? Các phóng viên có làm tăng thêm sự hỗn loạn không? Thông cáo báo chí có thực sự thay thế được việc đưa tin trực tiếp ngoài hiện trường không?
Hôm 14/03, Chính quyền thành phố Tam Hà của ĐCSTQ đã đưa ra lời xin lỗi, thừa nhận rằng “nhân viên hiện trường có kỹ năng giao tiếp kém, sử dụng các phương pháp thô bạo và đơn giản” đồng thời “cảm thấy có lỗi sâu sắc và xin lỗi” vì đã cản trở việc đưa tin của phóng viên CCTV ở Yến Giao.
Nhà bình luận và cây viết độc lập về thời sự Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) nói với The Epoch Times hôm 14/03 rằng các phóng viên CCTV là những người phát ngôn thay mặt cho ĐCSTQ, và nếu nhân viên an ninh địa phương ngăn cản Đảng lên tiếng thì vấn đề sẽ rất nghiêm trọng.
Ông Thái cho rằng thứ nhất là do Yến Giao quá gần Bắc Kinh: “Yến Giao từng được gọi là vùng ngoại ô phía đông của Bắc Kinh; thứ hai, bởi vì một nửa số người sống ở Yến Giao là người Bắc Kinh, nửa còn lại là người không phải dân địa phương làm việc ở Bắc Kinh. Vì không thể giấu được tin tức này, nên quan chức đành phải báo tin.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times