Vụ kiện bầu cử năm 2020: Cựu TT Trump đệ đơn kháng cáo yêu cầu quyền miễn trừ tổng thống
Bên công tố có thời hạn đến ngày 30/12 để đệ trình phúc đáp trong vụ án xét xử nhanh này.
Theo lệnh của tòa án, cựu Tổng thống (TT) Donald Trump và các luật sư của ông đã đệ trình bản tóm tắt kháng cáo đầu tiên (opening brief) lên một tòa phúc thẩm Khu vực Thủ đô, yêu cầu tòa án này, dựa trên quyền miễn trừ của tổng thống, phải hủy bỏ vụ kiện của Bộ Tư pháp cáo buộc ông âm mưu lật ngược cuộc bầu cử năm 2020.
Tòa phúc thẩm Địa hạt Liên bang Khu vực Thủ đô trước đó đã đồng ý đẩy nhanh tiến độ xét xử vụ án đang gây nhiều tranh cãi, cho phép bên kháng cáo có thời hạn đến ngày 23/12 để nộp các lập luận đầu tiên để kháng cáo.
Đơn kháng cáo được đưa ra sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết hôm 22/12 không đẩy nhanh vụ truy tố cựu TT Trump của Bộ Tư pháp khi biện lý đặc biệt của Bộ Tư pháp Jack Smith đã cố gắng tuân thủ thời hạn xét xử vào ngày 04/03. Bên biện hộ phản đối bất kỳ yêu cầu nào về việc đẩy nhanh thủ tục tố tụng tại tòa phúc thẩm, cho rằng yêu cầu của bên công tố đặc biệt chỉ nhằm mục đích sắp xếp thời điểm cho việc truyền thông điệp chính trị chống lại cựu TT Trump từ đối thủ của ông là TT Joe Biden trước cuộc bầu cử sơ bộ Siêu Thứ Ba.
Bên biện hộ cũng lưu ý rằng bên công tố đã không nêu ra được lý do tại sao ngày xét xử 04/03 sắp tới — vốn được nêu rõ trong yêu cầu của bên công tố — lại quan trọng đến vậy.
Với phán quyết của Tối cao Pháp viện, tòa phúc thẩm giờ đây có thể tiếp tục giải quyết đơn kháng cáo của cựu TT Trump.
Kết quả kháng cáo sẽ quyết định liệu vụ truy tố cựu TT Trump của Bộ Tư pháp có hiệu quả hay không, và cũng sẽ góp phần xác định khi nào vụ án mang tính chất chính trị này sẽ được xét xử. Nếu phiên tòa diễn ra, cựu TT Trump sẽ phải có mặt tại một tòa án ở Hoa Thịnh Đốn mỗi ngày trong tuần trong hai hoặc ba tháng, mà điều này có thể gây trở ngại nghiêm trọng cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông bằng việc hạn chế các hoạt động của ông theo tiến trình xét xử của tòa án.
Một bản ý kiến của Tối cao Pháp viện năm 1982 đã thiết lập quyền miễn trừ tuyệt đối cho các tổng thống đối với các vụ kiện dân sự. Về truy tố hình sự, cả hai bên đều cho rằng giới hạn miễn trừ vẫn chưa được xác định.
Bên biện hộ đã khẳng định trong kháng cáo của mình, “Tiền lệ không bị gián đoạn này về việc không thực hiện quyền lực được cho là mạnh mẽ để truy tố hình sự một tổng thống vì các hành động theo thẩm quyền — mặc dù có nhiều động cơ và cơ hội để làm như vậy, trong nhiều thế kỷ — ngụ ý rằng quyền lực đó không tồn tại,” luật sư của của cựu TT Trump, ông D. John Sauer đã viết trong bản tóm tắt kháng cáo đầu tiên.
Ông lập luận rằng bất kỳ cuộc truy tố một cựu tổng thống nào cũng sẽ đòi hỏi tổng thống đó phải bị Quốc hội đàn hặc thành công vì những tội danh tương tự.
“Trong hệ thống phân quyền của chúng ta, nhánh tư pháp không thể phán xét các hành động theo thẩm quyền của tổng thống,” ông nói. “Nguyên tắc đó không gây tranh cãi,” thể hiện sự cần thiết phải ngăn chặn một tổng thống Hoa Kỳ trở thành nạn nhân của những cáo buộc sai trái do đối thủ chính trị đưa ra, điều này có nguy cơ làm suy yếu toàn bộ tiến trình bầu cử dân chủ.
Hồi đầu tháng Mười Hai, Thẩm phán Tòa án Địa hạt Liên bang Tanya Chutkan đã ra phán quyết theo hướng ngược lại, nói rằng một cựu tổng thống có thể bị truy tố hình sự vì những hành động theo thẩm quyền được thực hiện trong khi đương chức.
Các thẩm phán xét xử vụ án này gồm Thẩm phán Karen L. Henderson do cựu TT George H.W. Bush bổ nhiệm, Thẩm phán Florence Y. Pan, và Thẩm phán J. Michelle Childs đều do TT Biden bổ nhiệm.
Bên công tố có thời hạn đến ngày 30/12 để nộp hồ sơ trả lời. Các cuộc tranh luận trực tiếp được ấn định vào ngày 09/01.
Thẩm phán Chutikan đã giữ nguyên, hoặc tạm dừng, vụ án vào ngày 13/12 cho đến khi kháng cáo của cựu TT Trump được xét xử. Theo lệnh của mình, bà tuyên bố rằng thời hạn ban đầu mà bà đã đặt ra không bị bỏ trống, có nghĩa là nếu vụ án được tiếp tục lại ở tòa án địa hạt, bà sẽ cố gắng tuân thủ lịch trình ban đầu và tiến gần nhất có thể đến phiên tòa vào ngày 04/03. Tuy nhiên, hiện tại điều đó khó có thể thực hiện được do lịch trình trước khi xét xử sẽ được rút ngắn đáng kể.
Nếu tòa phúc thẩm ra phán quyết bất lợi cho cựu TT Trump, ông vẫn có quyền yêu cầu xét xử lại với toàn bộ thẩm phán trong vòng 45 ngày và 90 ngày để yêu cầu Tối cao Pháp viện xem xét lại phán quyết của tòa phúc thẩm.
Bản tin có sự đóng góp của Catherine Yang
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times