Vũ khí nào của Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phải dè chừng (Phần 7)
Hiện tại, rõ ràng đang có một cuộc chạy đua sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung Quốc đang ráo riết phát triển hỏa tiễn DF (Dongfeng) để đối phó với quân đội Hoa Kỳ, nhằm cố gắng ngăn chặn Hoa Kỳ can thiệp vào các cuộc xung đột ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngoài hỏa tiễn DF, Trung Quốc có tương đối ít những vũ khí thường quy có lực uy hiếp thực sự. Ngược lại, Hoa Kỳ lại trang bị rất nhiều vũ khí tối tân khiến Trung Quốc không khỏi kiêng dè, do đó không dám phát động chiến sự.
Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Hoa Kỳ
Nói về các loại vũ khí thường quy, Hoa Kỳ sở hữu nhiều vũ khí hơn và hiệu quả hơn Trung Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng trang bị nhiều vũ khí hạt nhân và có khả năng chuyển giao linh hoạt hơn Trung Quốc. Mặc dù Hoa Kỳ không hứa sẽ không trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng để phòng tránh xảy ra chiến tranh hạt nhân, Hoa Kỳ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược một cách thận trọng. Không những thế, Hoa Kỳ còn sử hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật với mức độ linh hoạt hơn nhiều.
Nếu Hoa Kỳ nhận thấy Trung Quốc có dấu hiệu phát động một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc vận chuyển quy mô lớn các hoả tiễn tầm trung, thì Hoa Kỳ rất có khả năng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đánh phủ đầu. Ngoài việc đảm bảo triệt phá các cơ sở hạt nhân và căn cứ hoả tiễn tầm trung của Trung Quốc, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Hoa Kỳ còn có thể dùng để tấn công các căn cứ phóng không gian, trung tâm giám sát và điều khiển vệ tinh, cơ sở sản xuất và nghiên cứu phát triển quân sự, căn cứ hải quân nòng cốt, cũng như các cơ quan chỉ huy quân sự và cơ sở thông tin liên lạc cốt lõi, v.v. của Trung Quốc.
Quân đội Hoa Kỳ đã tiêu huỷ hơn 90% vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình, đến nay chỉ giữ lại khoảng 230 quả bom hạt nhân chiến thuật B61. Bom hạt nhân B61 có nhiều phiên bản khác nhau, tương ứng với sức công phá khác nhau. Do đó tùy theo kích thước mục tiêu và nhu cầu sử dụng, quân đội Hoa Kỳ có thể lựa chọn loại bom B61 phù hợp để giảm thiểu tối đa các thiệt hại có thể xảy ra.
Bom hạt nhân B61 có sức công phá tối thiểu là 0.3 kiloton (300 tấn TNT) và có các kiểu mẫu đa dạng như 1.5 kiloton, 5 kiloton, 10 kiloton, 45 kiloton, 60 kiloton và 80 kiloton. Đương lượng cao nhất của B61 là 170 kiloton, thuộc cấp độ vũ khí hạt nhân chiến lược. Các mẫu có đương lượng lớn hơn đã bị tiêu huỷ. Để dễ dàng hình dung, hai quả bom hạt nhân mà Hoa Kỳ thả xuống Nhật Bản có sức công phá lần lượt là 13-18 kiloton và 20-22 kiloton.
Về máy bay ném bom chiến lược, Hoa Kỳ sở hữu 20 máy bay ném bom B-2, 40 máy bay có thể ném bom B-52, bom hạt nhân chiến lược B83 và bom hạt nhân chiến thuật B61. Hoa Kỳ cũng trang bị máy bay ném bom B-1B để chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ném bom thông thường. Tất nhiên, máy bay ném bom B-1B cũng có thể mang hoả tiễn hạt nhân chiến thuật hành trình tầm xa.
Ngoài ra, các chiến đấu cơ hạng nặng như F-15E, F-16, F/A-18 và F-35 của quân đội Hoa Kỳ cũng đều có thể mang bom hạt nhân B-61. Trong số các loại B-61 thì bom B61-11 có thể xuyên thủng mục tiêu pháo đài ngầm, chúng được trang bị trên máy bay ném bom tàng hình B-2. Bom B61-11 có sai số bắn là 110 – 170 mét, trong khi bom B61-12 có sai số bắn thấp hơn là 30 mét.
Hoa Kỳ có nên lựa chọn đánh phủ đầu trước?
Kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đến lục địa Hoa Kỳ, cho nên Hoa Kỳ đã lắp đặt các máy vệ tinh để theo dõi nhất cử nhất động của Trung Quốc. Trong kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có chủ yếu là hoả tiễn xuyên lục địa, một số được bố trí trong các hầm cố định, số còn lại đặt trên các phương tiện phóng và có thể vận chuyển linh hoạt. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã nắm bắt được những căn cứ này, do đó chỉ cần Lực lượng Hỏa tiễn Chiến lược của phía Trung Quốc phát sinh điều dị thường, quân đội Hoa Kỳ sẽ lập tức có thể ra đòn phủ đầu.
Hoa Kỳ còn có thể lập tức khởi động tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio để phản công. Tuy nhiên, nếu tàu này phóng hoả tiễn thì sẽ đánh động đến Nga, khiến nước này đưa ra những phán đoán sai lầm. Nếu tổng thống Hoa Kỳ do dự và bỏ lỡ cơ hội ra đòn phủ đầu, dù có thể đánh chặn được Hỏa tiễn Xuyên lục địa của Trung Quốc hay không, thì Hoa Kỳ vẫn rơi vào thế bị động và chỉ có thể ra đòn phản kích. Ngay cả như vậy vẫn có thể sẽ khiến Nga trở nên cảnh giác và đưa ra phán đoán sai lầm.
Việc Hoa Kỳ quyết định giành quyền tấn công trước có thể là lựa chọn sáng suốt nhất. Vì nó có thể bảo vệ lục địa Hoa Kỳ khỏi bị tấn công và tránh được rất nhiều rủi ro. Ngoài ra, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng sẽ linh hoạt hơn so với việc kích hoạt vũ khí hạt nhân chiến lược.
Oanh tạc cơ tàng hình B-2 được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ giống như cái tên của nó. Hai khoang chứa bom bên trong có thể mang 16 bom hạt nhân B61 hoặc B83. Tất nhiên nó còn có thể chở 80 quả bom định vị thông minh, 2 quả bom GBU-57 nặng khoảng 13 tấn hoặc hoả tiễn tấn công mặt đất AGM-154 và AGM-158.
Để đảm bảo tiêu diệt được các căn cứ hoả tiễn DF-5, DF-31, DF-41, v.v của Trung Quốc, thì bom B61 phải đảm bảo đạt sức công phá tối đa. Các căn cứ hoả tiễn hạt nhân chiến lược Trung Quốc thường nằm ở những vùng hẻo lánh, nên quân đội Hoa Kỳ có thể điều chỉnh đương lượng của B-61 cao hơn một chút mà vẫn không gây nhiều tổn thất đến dân chúng.
Oanh tạc cơ tàng hình B-2
Oanh tạc cơ B-2 có tầm hoạt động khoảng 11,000 km. Nếu xuất phát từ lục địa Hoa Kỳ và được tiếp nhiên liệu trên không, nó có thể tiếp cận vào nội địa Trung Quốc trong vòng một ngày. Nếu điều B-2 đến Hawaii hoặc Đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương thuộc Anh thì thời gian bay còn ngắn hơn. Oanh tạc cơ B-2 chỉ cần hai phi công và cũng có thể chở phi công thứ ba. B-2 có tính năng tự động cao, trong hành trình bay, chỉ cần một phi công vận hành, một thành viên còn lại có thể nghỉ ngơi để đáp ứng yêu cầu bay đường dài.
Diện tích mặt cắt ngang radar (RCS) tối đa của B-2 chỉ là 0.1 m2 khiến nó chỉ như một con chim lớn bay trên bầu trời. Ngoài ra, B-2 còn được trang bị hệ thống giảm phát các tín hiệu như tia hồng ngoại, ánh sáng khả kiến, tiếng ồn, v.v giúp đánh lạc hướng và tránh bị radar phát hiện. Đến nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới tuyên bố đã phát hiện được oanh tạc cơ B-2.
Trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999, sáu chiếc B-2 đã bay thẳng từ lục địa Hoa Kỳ đến Kosovo trong tổng cộng 30 giờ. Dù chỉ có 50 lần dùng B-2 trong tổng số 34,000 lần không kích của NATO, nhưng chúng đã thả 11% tổng số bom. Vào ngày 7/5/1999, một oanh tạc cơ B-2 đã thả 5 quả bom thông minh xuống Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư.
Kể từ khi chiến tranh Iraq bùng nổ vào năm 2003, tính đến năm 2011, oanh tạc cơ B-2 đã thả tổng cộng 680 tấn bom và đạn đạo, trong đó có 583 quả bom thông minh JDAM.
Năm 2011, được sự uỷ nhiệm của Liên Hiệp Quốc, ba oanh tạc cơ B-2 đã thả 40 quả bom xuống các sân bay của Libya.
Năm 2013, hai oanh tạc cơ B-2 đã bay từ lục địa Hoa Kỳ đến Hàn Quốc để diễn tập. Chúng đã thực hiện đường bay dài 13,000 dặm (xấp xỉ 21,000 km) và thả bom giả ở trường bắn Jik Do.
Vào ngày 18/01/2017, các oanh tạc cơ B-2 đã ném bom vào một trại huấn luyện của ISIS cách Sirte, Libya 30 km về phía tây nam. Vụ ném bom khiến khoảng 84 tên khủng bố thiệt mạng.
Nếu Hoa Kỳ điều động 20 oanh tạc cơ B-2 để thực hiện tấn công 20 mục tiêu cùng một lúc, thì có thể bao vây hoàn toàn các căn cứ hoả tiễn chiến lược lục địa của Trung Quốc.
Tiêu diệt lực lượng hạt nhân nòng cốt của Trung Quốc chỉ trong một lần
Lực lượng hoả tiễn của Trung Quốc có tổng cộng khoảng 40 lữ đoàn. Trong đó có 13-15 lữ đoàn trang bị DF-5A, DF-5B, DF-31, DF-31A (G) và DF-41, v.v. Các lữ đoàn này chủ yếu đặt căn cứ ở Vân Nam, Hồ Nam, Cam Túc, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam, Sơn Đông, Nội Mông, v.v.
Ngoài ra, hoả tiễn đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc có khả năng bắn tới đảo Guam và một số có thể mang đầu đạn hạt nhân. Còn oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc cũng có thể được trang bị một số lượng nhỏ bom hạt nhân để dùng trong trong các cuộc tấn công.
Nếu 20 oanh tạc cơ B-2 thực hiện các cuộc tấn công cùng lúc, thì trong đợt không kích đầu tiên, chúng cơ bản có thể phá huỷ các cơ sở vũ khí hạt nhân trên đất liền của Trung Quốc. Đợt không kích thứ hai sẽ nhắm mục tiêu vào các kho nghiên cứu, sản xuất và cất giữ vũ khí của ngành công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc. Điều này sẽ khiến Trung Quốc không thể kịp thời khôi phục khả năng tấn công hạt nhân.
Đợt không kích thứ hai cũng có thể tấn công vào một số trung tâm phóng không gian lớn của Trung Quốc, khiến Trung Quốc mất khả năng phóng các hỏa tiễn đẩy và tấn công hệ thống vệ tinh của Hoa Kỳ. Hoặc cũng có thể đánh vào hệ thống giám sát, kiểm soát và liên lạc của vệ tinh ở dưới mặt đất, khiến Trung Quốc mất khả năng kiểm soát vệ tinh. Điều này vừa khiến vệ tinh không thể thay đổi quỹ đạo để tấn công vệ tinh Hoa Kỳ, vừa phá huỷ hầu hết các khả năng sử dụng của vệ tinh.
Các đợt không kích tiếp theo có thể không cần đến bom hạt nhân B-61 mà chỉ cần dùng bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) để tấn công các cơ sở sản xuất, phát triển và nghiên cứu hoả tiễn, phương tiện phóng, vệ tinh, chiến đấu cơ của Trung Quốc. Ngoài ra, mục tiêu cũng có thể là trung tâm chỉ huy, trung tâm liên lục quân sự của Trung Quốc.
Mỗi oanh tạc cơ B-2 có thể mang theo cả bom hạt nhân chiến thuật B61 kết hợp với hàng chục quả bom JDAM. Chỉ cần 2 – 3 đợt không kích đã có thể gần như làm tê liệt hoàn toàn khả năng tấn công tầm trung và tầm xa, khả năng tái tạo, cũng như làm tê liệt một phần khả năng chỉ huy của Trung Quốc.
Có thể không cần điều cả 20 oanh tạc cơ B-2, nhưng nếu tất cả chúng xuất trận thì sẽ có thể tấn công nhiều mục tiêu hơn, bao gồm cả các căn cứ hải quân và không quân trọng yếu của Trung Quốc. Tất nhiên, tiêm kích tàng hình F-35 cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ tương tự.
Tiêm kích tàng hình F-35 có thể khởi động các cuộc không kích bất cứ lúc nào
F-35 Tia chớp II (F-35 Lightning II) hiện đang là chiến đấu cơ đa năng chủ lực của quân đội Hoa Kỳ. Ngoài tiêm kích F-22 chiếm ưu thế trên không, F-35 cũng là chiến đấu cơ không có địch thủ trong không chiến. Tiêm kích tàng hình F-35 có ưu thế đặc biệt khi tấn công mặt đất và trên biển. Không quân Hoa Kỳ đã lắp ráp được hơn 300 chiếc, biên chế tổng cộng hơn 1,700 chiếc. Tương lai F-35 sẽ thay thế hoàn toàn gần 1,000 chiến đấu cơ F-16 đang hoạt động trong quân đội Hoa Kỳ.
Sau khi chiến đấu cơ F-35I được bàn giao cho Israel, chúng đã nhiều lần tham chiến ở mặt trận Trung Đông và khiến hoả tiễn phòng không S-300 của Nga cộng với radar do Trung Quốc cung cấp không kịp trở tay, không thể đưa ra cảnh báo sớm.
F-35A có tầm bay tối đa 2,200 km và phạm vi chiến đấu 1,239 km mà không cần tiếp nhiên liệu trên không. Hoa Kỳ có căn cứ quân sự ở Okinawa, Nhật Bản, chỉ cách Thượng Hải khoảng 830 km. Như vậy, nếu F-35 được tiếp nhiên liệu trên không sau khi cất cánh, thì chúng có thể xâm nhập vào các khu vực ven biển của Trung Quốc ít nhất vài trăm km. Thêm vào đó, F-35 có kho đạn tích hợp để mang được bom hạt nhân chiến thuật B-61, hoặc bom JDAM, nên nó hoàn toàn có khả năng tiêu diệt các căn cứ hoả tiễn DF-21, DF-17 và DF-26, thậm chí cả căn cứ hoả tiễn tầm ngắn DF-16 nằm dọc theo bờ biển của Trung Quốc. Như thế, Trung Quốc sẽ mất khả năng tấn công các căn cứ của Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản, và không thể đe dọa đến hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.
Trung Quốc còn có căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược đặt ở Hải Nam. Nơi này có thể là mục tiêu chủ chốt khi F-35 và B-2 thực hiện không kích. Ngoài ra, các căn cứ tàu ngầm khác của Trung Quốc ở Thanh Đảo, bao gồm cả tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường, cũng có thể nằm trong phạm vi tấn công.
Việc Hoa Kỳ đảm bảo các căn cứ ở Nhật Bản và đảo Guam không bị tấn công là chìa khóa giúp quân đội Hoa Kỳ có thể nhanh chóng ứng phó với chiến sự ở Tây Thái Bình Dương. F-35 cũng có thể cất cánh từ đảo Guam, hoặc từ bang Alaska và Australia. Nếu Hoa Kỳ đem hàng chục chiếc F-35 và B-2 cùng nhau tác chiến và cùng lúc tấn công vào các cơ sở quân sự của Trung Quốc, chúng sẽ ngăn chặn hoàn toàn mối đe dọa tấn công hỏa tiễn vào lục địa và các căn cứ quân sự tiền tuyến của Hoa Kỳ.
Kết luận
Với kinh nghiệm dày dặn trong việc tổ chức và thực hiện các cuộc không kích quy mô lớn, có lẽ quân đội Hoa Kỳ đã sớm vạch ra những kế hoạch tác chiến. Chỉ là họ còn đang đợi Toà Bạch Ốc có cho phép tấn công trước hay không.
Điều đáng chú ý là, dù oanh tạc cơ tàng hình thế hệ mới B-21 còn chưa ra mắt, không quân Hoa Kỳ đã mong muốn đặt 100 chiếc. Điều này cũng tiết lộ ý định tác chiến quy mô lớn của Hoa Kỳ, và mục tiêu rất có thể là các cơ sở quân sự của Trung Quốc.
Tất nhiên, các cuộc không kích kiểu này cũng có thể nhắm vào cơ quan đầu não của Trung Quốc, đây có lẽ là điều khiến các nhà lãnh đạo của Trung Cộng sợ hãi nhất. Do đó, nếu Trung Quốc có ý định khai chiến, thì phải tính toán hết sức kỹ lưỡng từng đường đi nước bước.
(Hết)
Do Cao Nghĩa, Châu Điền thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: