Hoa Kỳ mời tân ngoại trưởng Trung Quốc sau khi ông Tần Cương bất ngờ bị cách chức
Hôm 01/08, Hoa Kỳ cho biết, lời mời trước đó dành cho cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã được chuyển đến cho người kế nhiệm ông ấy là ông Vương Nghị (Wang Yi). Ông Vương vừa được bổ nhiệm trở lại hồi tuần trước (24-30/07).
Ông Tần đã bị cách chức vào ngày 25/07 sau một tháng không xuất hiện trước công chúng, và chỉ bảy tháng sau khi nhận chức. Lần cuối cùng ông xuất hiện trên truyền thông nhà nước Trung Quốc là vào ngày 25/06, khi ông tiếp đón các nhà ngoại giao từ Nga, Sri Lanka, và Việt Nam.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tái bổ nhiệm ông Vương làm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, vị trí mà ông Vương đã giữ trong 10 năm cho đến cuối năm 2022. Không có lời giải thích nào cho việc thay đổi nhân sự này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết Hoa Thịnh Đốn đã gửi lời mời tới ông Vương trong cuộc gặp giữa Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink và Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ và Châu Đại Dương Dương Đào (Yang Tao) tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 31/07.
Ông nói với các phóng viên rằng: “Trong cuộc họp ngày hôm qua, chúng tôi đã gửi lời mời trước đây đã được gửi tới cựu ngoại trưởng Tần Cương và nói rõ rằng lời mời đó đã được chuyển tới Bộ trưởng Vương Nghị.”
Lời mời ban đầu được gửi tới ông Tần trong chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 18/06. Hai bên đã đồng ý lên lịch “chuyến thăm lẫn nhau vào thời điểm phù hợp cho song phương.”
Khi được hỏi liệu ông Vương có chấp nhận lời mời hay không, ông Miller nói rằng ông ấy sẽ để Bắc Kinh giải quyết vấn đề từ phía họ nhưng nói thêm rằng Hoa Kỳ mong đợi chuyến thăm diễn ra.
“Chúng tôi chắc chắn mong đợi rằng đó là điều mà họ sẽ chấp nhận, và đó là một chuyến đi mà chúng tôi mong đợi sẽ diễn ra, nhưng chúng tôi vẫn chưa lên lịch,” ông Miller nói thêm.
Cuộc gặp của ông Kritenbrink với ông Dương tại Hoa Thịnh Đốn diễn ra trong bối cảnh chính phủ Tổng thống Biden đang nỗ lực cải thiện mối bang giao với Trung Quốc. Trong cuộc gặp còn có bà Sarah Beran, giám đốc cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hai bên đã có “cuộc thảo luận thẳng thắn, thực chất, và hiệu quả” về các vấn đề song phương, toàn cầu, và khu vực, bao gồm cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và các vấn đề xuyên eo biển.
Ba nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ — ông Blinken, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, và đặc phái viên về khí hậu John Kerry — đã đến thăm Bắc Kinh trong những tháng gần đây để gặp gỡ các quan chức Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Sự biến mất của ông Tần Cương vẫn còn là bí ẩn
Lý do đằng sau sự vắng mặt của ông Tần vẫn chưa rõ ràng. Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trước đó đã thông báo nguyên nhân là vì “lý do sức khỏe.”
Tại Diễn đàn An ninh Aspe hôm 22/07, khi được hỏi về suy đoán về nơi ở của ông Tần, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã trả lời: “Chúng tôi không biết, chúng tôi thực sự không biết.”
Ông Sullivan đề cập rằng ông Blinken dự kiến sẽ gặp ông Tần tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Indonesia nhưng thay vào đó lại gặp ông Vương.
Các hãng truyền thông Hồng Kông và Đài Loan cho rằng sự vắng mặt của ông ấy có thể là do ngoại tình với xướng ngôn viên truyền hình Trung Quốc Phó Hiểu Điền. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị đã bác bỏ suy đoán này, nói rằng các mối quan hệ ngoài hôn nhân thường được sử dụng như một cái cớ để giới tinh hoa ĐCSTQ loại bỏ đối thủ.
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một nhà phân tích chính trị Trung Quốc kỳ cựu sống tại Úc, cho biết ông tin rằng sự ra đi đột ngột của ông Tần là kết quả của tranh đấu chính trị nội bộ.