Ông Sebastian Gorka: Việc Hoa Kỳ phụ thuộc 90% vào Trung Quốc về dược phẩm có thể gây ra thảm họa
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên chương trình Newsmakers của NTD và The Epoch Times hôm 25/01, ông Sebastian Gorka nói rằng Hoa Kỳ đã không quản lý tốt các nguồn lực quân sự của mình. Nhưng một mối quan tâm đáng kể hơn là Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc cho 90% dược phẩm của mình.
“Có những vấn đề rộng lớn hơn nhiều so với việc Mỹ có bao nhiêu đạn và bom,” ông Gorka nói. “Hãy nghĩ về điều này, hơn 90% các loại thuốc chúng ta có ở Mỹ, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, chúng ta đều mua từ Trung Quốc.”
“Nếu Trung Quốc quyết định rằng họ muốn chiếm Đài Loan, họ muốn gây hấn quân sự ở khu vực Thái Bình Dương, và như một tổn thất xảy ra do việc đó, họ nói, ‘Ồ, nhân tiện, chúng tôi sẽ không bán thuốc cho các ông, những loại thuốc mà các ông đã mua từ chúng tôi trong 30 năm qua.’ Sau đó, chúng ta không những không thể chiến đấu trên nhiều mặt trận chống lại kẻ xâm lược tiềm năng này, mà chúng ta có thể sẽ không có đủ dược phẩm và thuốc men để cung cấp cho công dân của chính mình.”
Ông Gorka, một cựu chiến lược gia của Tổng thống Donald Trump, là một chuyên gia chống khủng bố và từng phụng sự trong lực lượng trừ bị của Quân đội Anh trong một đơn vị Tình báo Quân đội. Ông có bằng tiến sĩ Khoa học Chính trị và là nghiên cứu sinh tại Trường Chính phủ Kennedy của Harvard.
Ông Gorka cho biết quyết định gửi thiết vận xa M1 Abrams tới Ukraine của Tổng thống (TT) Joe Biden là một “hành động ngu ngốc”, nhưng việc “hợp tác với Trung Quốc Cộng sản” thậm chí còn có vấn đề hơn.
Sự ngu ngốc về mặt địa chính trị
Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nếu một “cuộc xung đột lớn trong khu vực” — chẳng hạn như xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan — xảy ra, thì Hoa Kỳ sẽ cạn kiệt “một số loại đạn dược” trong vòng chưa đầy một tuần.
“Việc sử dụng đạn dược của Hoa Kỳ có thể sẽ vượt quá kho dự trữ hiện tại của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Theo kết quả của một loạt các mô phỏng chiến tranh của CSIS, Hoa Kỳ có thể sẽ cạn kiệt một số loại đạn dược — chẳng hạn như đạn tầm xa, đạn dẫn đường chính xác — trong vòng chưa đầy một tuần trong một cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan,” báo cáo này cho biết.
Báo cáo nêu rõ thêm: “Cuộc chiến ở Ukraine cũng đã bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng trong cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ và là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng một cuộc xung đột kéo dài có thể là một cuộc chiến công nghiệp đòi hỏi ngành công nghiệp quốc phòng phải có khả năng sản xuất đủ đạn dược, các hệ thống vũ khí, và vật tư để thay thế các kho dự trữ đã cạn kiệt.”
Ông Gorka đồng ý một phần với báo cáo của CSIS và cho biết việc TT Biden gửi thiết vận xa M1 Abrams tới Ukraine là một ví dụ điển hình về việc chính phủ ông Biden “không biết mình đang làm gì trong các vấn đề liên quan đến địa chính trị và an ninh quốc gia.”
“Thiết vận xa M1 Abrams không phải là thứ mà người Ukraine đã từng sử dụng. Họ chưa được đào tạo về loại phương tiện đó. Họ không có đạn dược cho nó,” ông Gorka nói. “Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, tôi đã biết rất rõ. Đây là cuộc chiến mà đất nước Ukraine phải tự chiến đấu.”
“Chúng ta có thể trợ giúp họ, nhưng chúng ta phải giúp họ theo những cách hợp lý. Ukraine là một phần của Liên Xô. Họ biết cách sử dụng các thiết bị thời Liên Xô, cho dù đó là AK-47, dòng thiết vận xa T, hay dòng xe bọc thép chở quân BTL hay súng phóng lựu RPG. … Sao họ lại cần thiết vận xa M1 Abrams mà họ không hề có kinh nghiệm sử dụng chứ? Hãy cung cấp cho họ những thứ mà họ có thể sử dụng và họ biết cách sử dụng, chứ không phải hàng đống tiền mặt và thiết bị của Mỹ.”
Ông Gorka cho biết việc cung cấp thiết vận xa M1 Abrams cho Ukraine và việc chính phủ TT Biden để lại “thiết bị trị giá 83 tỷ USD” ở Afghanistan là những ví dụ về việc Hoa Kỳ không quản lý tốt các nguồn lực của mình.
“Nếu quý vị nhìn vào những gì đã xảy ra với số thiết bị đó — số thiết bị trị giá 83 tỷ USD bị bỏ lại trên lãnh thổ Afghanistan khi ông Biden đầu hàng và rời khỏi quốc gia đó một cách chóng vánh hồi tháng 09/2021 — thì họ cũng không có nhiều cân nhắc về những gì chúng ta đang cung cấp cho Nga, Ukraine và mức độ nhanh chóng mà chúng ta đang cung cấp,” ông Gorka nói.
Những quyết định kiểu đó, và sự thiếu hiểu biết về địa chính trị, đã khiến Hoa Kỳ rơi vào tình thế không thể chiến đấu hiệu quả trong một cuộc chiến tranh đa mặt trận.
Vấn đề về bức tranh lớn hơn
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn đối với việc Hoa Kỳ không có sự chuẩn bị vì chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc và thiếu sản xuất trong nước.
“Chúng ta đã bắt tay với Trung Quốc Cộng sản quá lâu, quá lâu rồi. Và đây là một quốc gia có các trại lao động. Với hệ thống lao cải (Laogai). Đây là một chế độ cộng sản từ trong cốt lõi. Với tư cách là con trai của một người đã thoát khỏi nhà tù cộng sản, tôi không hiểu được tại sao chúng ta lại làm ăn với Trung Quốc,” ông Gorka kết luận.
Lao cải (Laogai) là từ viết tắt của cụm từ Lao động cải tạo (Laodonggaizao) và có nghĩa là “cải biến thông qua lao động.” Theo Quỹ Nghiên cứu LAOGAI, “Lao cải được thành lập hợp pháp hồi năm 1954. Vào thời điểm đó, mục đích chính của hệ thống này là quản giáo làn sóng tù nhân chính trị ở Trung Quốc. Trong một nhà tù Lao cải có một số biện pháp ‘cải tạo thông qua các đội lao động.’”
Ngoài ra, các trại lao động cưỡng bức được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiết kế nhằm “tẩy não các tù nhân để họ chấp nhận vô điều kiện hệ tư tưởng và sự cai trị của Đảng.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times