Báo cáo: Nguồn vũ khí đạn dược của Hoa Kỳ sẽ cạn kiệt trong cuộc chiến với Trung Quốc
Một báo cáo mới cho biết, Hoa Kỳ có thể sẽ cạn kiệt các loại vũ khí quan trọng trong một cuộc xung đột lớn với nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc vì không thể điều động đầy đủ cơ sở công nghiệp quốc phòng.
Báo cáo có nhan đề “Những Chiếc Thùng Rỗng trong Bối cảnh Chiến tranh” này nghiên cứu kỹ lưỡng xem cách Hoa Kỳ đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ vũ khí quan trọng qua việc viện trợ khí tài cho lực lượng kháng chiến của Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga, đồng thời làm phép ngoại suy xem trong một kịch bản chiến tranh thì một tình huống tương tự có thể tác động tiêu cực đến quốc gia này như thế nào.
Báo cáo này được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn chuyên về an ninh, công bố hôm 23/01. Báo cáo cho biết, “Cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ không được chuẩn bị đầy đủ cho môi trường an ninh cạnh tranh hiện đang tồn tại.”
“Trong một cuộc xung đột lớn trong khu vực — chẳng hạn như xung kích với Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan — Hoa Kỳ có thể sẽ sử dụng lượng vũ khí vượt quá cả lượng vũ khí dự trữ hiện tại của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DoD), dẫn đến một vấn đề đó là ‘những chiếc thùng rỗng.’”
Báo cáo “Những Chiếc Thùng Rỗng” được đưa ra ngay sau khi CSIS công bố kết quả từ các kịch bản diễn tập chiến tranh, trong đó cho thấy Hoa Kỳ sẽ khốn đốn bởi số lượng ít ỏi vũ khí đạn dược sống còn trong cuộc xung kích với Trung Quốc vì để duy trì nền độc lập trên thực tế của Đài Loan.
Kịch bản diễn tập chiến tranh đó cho thấy rằng Nhật Bản và Hoa Kỳ có khả năng đánh bại cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc cộng sản, nhưng chắc chắn phải chịu tổn hại rất lớn về nhân tài và vật lực. Trong một cuộc xung đột như vậy, có thể Hoa Kỳ sẽ dùng hết chỗ hỏa tiễn chống hạm tầm xa (LRASM) của mình trong một sớm một chiều.
“Vấn đề là kho dự trữ hỏa tiễn chống hạm tầm xa của Hoa Kỳ thấp đến mức trong các kịch bản tác chiến của chúng tôi, trong nhiều lần lặp lại của cuộc diễn tập tác chiến này, hầu như lần nào chúng ta cũng hết [LRASM] trong vòng chưa đầy một tuần,” ông Seth Jones, tác giả của báo cáo “Những Chiếc Thùng Rỗng” cho biết trong một video được liên kết.
“Chúng ta không thể chiến đấu trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến kéo dài vì chúng ta không có đủ nguồn cung cấp trang bị vũ khí.”
Hoa Kỳ không được chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đại chiến
Sự thiếu chuẩn bị của Hoa Kỳ cho một cuộc xung đột với Trung Quốc cộng sản từ lâu đã là một điểm gây tranh cãi giữa các nhà lập pháp và các chuyên gia chính sách quốc phòng.
Chẳng hạn, hồi năm 2021, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ “có thể sẽ thua” trong cuộc chiến vì Đài Loan, đồng thời tiết lộ rằng trong các kịch bản chiến tranh vài năm qua đều thấy một xu hướng đó là Hoa Kỳ thường thua trước Trung Quốc trong các kịch bản mô phỏng cuộc xâm lược Đài Loan.
Báo cáo “Những Chiếc Thùng Rỗng” bổ sung thêm bối cảnh cho vấn đề này bằng cách phân tích việc chi viện cho Ukraine đã khiến nguồn vũ khí then chốt của Hoa Kỳ cạn kiệt nhanh như thế nào, nhấn mạnh rằng kho dự trữ hỏa tiễn đất đối không Stinger, lựu pháo 155mm và đạn dược, và hệ thống hỏa tiễn chống tăng Javelin của quốc gia này cũng đang giảm mạnh.
Báo cáo này còn cho biết số hỏa tiễn Stinger mà Hoa Kỳ gửi tới Ukraine trong năm ngoái (2022) nhiều hơn cả số hỏa tiễn được chế tạo cho tất cả các khách hàng ngoài Mỹ quốc trong 20 năm qua. Ở một trường hợp tương tự khác, quốc gia này đã cung cấp hơn 1 triệu viên đạn pháo 155mm cho Ukraine, và các đơn đặt hàng chỉ có thể bổ sung được một phần nhỏ trong số đó.
Báo cáo viết: “Nói rộng hơn, cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh rằng sự cạnh tranh và xung đột giữa các đại cường quốc sẽ đòi hỏi một cơ sở công nghiệp vững chắc ở Hoa Kỳ cũng như ở các nước đồng minh chủ chốt và các nước đối tác.”
“Nỗ lực khai triển, trang bị vũ khí, tiếp tế, và cung cấp cho quân đội là một nhiệm vụ lớn lao, và việc tiêu thụ một lượng lớn thiết bị, hệ thống, phương tiện, và các loại vũ khí đạn dược đòi hỏi phải có một cơ sở công nghiệp quy mô lớn để tái cung cấp.”
Do đó, báo cáo cho biết, vấn đề của Hoa Kỳ không phải nằm ở việc viện trợ cho Ukraine. Mà bởi vì việc bảo vệ Đài Loan chủ yếu sẽ dựa vào các hệ thống vũ khí và các loại đạn dược khác nhau, vậy nên vấn đề đang nằm ở quy trình mua sắm chậm chạp của Hoa Kỳ và thiếu cơ sở công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ để sản xuất các loại vũ khí.
Chẳng hạn, hệ thống hỏa tiễn đất đối không Javelin yêu cầu thời gian sản xuất khoảng 30 tháng. Điều này có nghĩa là, nếu Hoa Kỳ đặt hàng các bộ phận mới của hệ thống này ngay hôm nay, thì phải mất hơn hai năm quân đội mới có trong tay những cấu kiện đó.
Đáng lưu ý đây là những con số ước tính có thể đạt được trong thời bình. Còn trong thời chiến, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và các thành phần tối quan trọng như nguyên tố đất hiếm trở nên khan hiếm, thì việc mua sắm có thể còn mất nhiều thời gian hơn.
Báo cáo cho biết: “Những thiếu sót này sẽ khiến Hoa Kỳ rất khó để có thể cầm cự qua được một cuộc xung đột kéo dài — và điều đáng lo ngại không kém là tình trạng thiếu hụt này làm suy yếu khả năng răn đe.”
“Họ cũng nhấn mạnh rằng cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ thiếu năng lực ứng phó nhanh thích hợp cho một cuộc đại chiến.”
Để đạt được mục tiêu đó, báo cáo này khuyến nghị tạo ra một kế hoạch “cảnh báo khẩn cấp” trong đó chính phủ có thể hợp lý hóa sản xuất công nghiệp, thu mua lại, và khai triển trong thời chiến.
Tương tự, báo cáo gợi ý rằng Hoa Kỳ nên tạo ra một kho dự trữ vũ khí chiến lược bao gồm các thành phần phụ có thời gian sản xuất dài, như kim loại và điện tử.
Báo cáo cho biết chỉ bằng cách củng cố hệ thống phòng thủ và xây dựng lại các kho dự trữ của mình, Hoa Kỳ mới có thể ngăn chặn hoặc giành chiến thắng trong một cuộc xung đột sau này.
Báo cáo viết, “Vấn đề chính là cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ — bao gồm cả cơ sở công nghiệp vũ khí — hiện không được trang bị để hỗ trợ một cuộc chiến tranh thông thường kéo dài.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times