Vợ luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh không ngừng tìm kiếm người chồng đã mất tích 5 năm
Luật sư Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), “lương tâm Trung Hoa”, đã bị cưỡng bức mất tích trong lúc bị quản thúc tại gia vào năm 2017. Đã năm năm trôi qua và vợ ông, bà Cảnh Hòa (Geng He), vẫn tiếp tục hành trình tìm kiếm chồng mình — một vị luật sư nhân quyền Trung Quốc dũng cảm.
Gần đây, bà Cảnh đã chia sẻ suy nghĩ của mình về việc tìm kiếm ông Cao với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Bà cho biết bà trân trọng sự sáng suốt và kiên định của ông Cao trong việc phản đối chính quyền cộng sản Trung Quốc, đồng thời bày tỏ rằng hành trình tìm kiếm ông Cao vẫn sẽ được duy trì.
Không ngừng tìm kiếm
Bà Cảnh nói rằng một người bằng hữu đã đến thăm quê hương của ông Cao vào ngày 09/08 với hy vọng tìm được câu trả lời cho tung tích của ông. Tuy nhiên, chuyến thăm đã bị rút ngắn vì trời mưa rất to.
Gia đình đã thuê các luật sư để tìm kiếm ông Cao thông qua nhiều kênh khác nhau, chẳng hạn như các cục công an, Hiệp hội Luật sư Bắc Kinh, và Bộ Tư pháp; nhưng những yêu cầu của các luật sư này đã bị từ chối vì thiếu thông báo tạm giam. Bà Cảnh nói rằng ông Cao không tự nguyện bị bắt đi và nhà chức trách không đưa ra bất kỳ thông báo tạm giam nào. Đã bao lần tìm kiếm, nhưng vẫn chưa thấy được bất kỳ vết tích nào.
Một gia đình bị sách nhiễu
Năm 2009, bà Cảnh trốn chạy khỏi Trung Quốc cùng con gái 16 tuổi và con trai 5 tuổi với sự giúp đỡ của các nhóm tín ngưỡng ngầm. Họ được Hoa Kỳ cung cấp tị nạn.
Bà đã không liên lạc với thân nhân ở Trung Quốc trong sáu tháng vì mỗi cuộc điện thoại chỉ cung cấp cho nhà cầm quyền thêm lý do để sách nhiễu người nhà của bà.
Bà nói, “Mãi đến dạo gần đây, tôi mới biết là chính quyền đã tịch thu căn cước công dân (ID) của từng thành viên trong gia đình tôi ngay sau khi chúng tôi rời Trung Quốc,” và mục đích là để hạn chế các thành viên trong gia đình tìm kiếm ông Cao.
Ở Trung Quốc, nếu không có căn cước công dân, quý vị thậm chí không thể mua được vé đi các phương tiện công cộng.
Người anh rể bị bệnh nặng của bà Cảnh đã tự vẫn hồi tháng 04/2021 vì không có căn cước công dân, ông không thể nhận đơn thuốc để điều trị ung thư. Nhà chức trách từ chối trả lại giấy tờ tùy thân vì bà Cảnh đã gọi điện cho em gái bà.
Chị gái của ông Cao đã tự vẫn hồi tháng 05/2020. Bà bị trầm cảm sau nhiều năm bị cảnh sát sách nhiễu và phải chịu đựng nỗi nhớ em trai mình — luật sư Cao Trí Thịnh.
Bà Cảnh nói rằng gia đình bà đã không nói với bà những gì đã xảy ra trong một thời gian rất dài, bởi vì chính quyền sẽ tạo ra nỗi kinh hoàng thậm chí còn lớn hơn cho họ nếu họ nói cho bà biết tin tức này.
Bà Cảnh nói, “Tôi cảm thấy có lỗi vì đã đặt tất cả thân nhân của mình vào tình cảnh khó khăn và khổ ải to lớn như vậy.”
Hình ảnh ông Cao được làm bằng vỏ đạn
Hôm 20/06, bà Cảnh đã đăng một video trên tài khoản Twitter của mình cho thấy bà và các con đang cùng nhau làm một bức tranh về ông Cao bằng vỏ đạn rỗng.
Bà Cảnh nói rằng đó là niềm an ủi cho bà, điều mà gia đình có thể làm trong khi họ cố gắng giải cứu ông Cao. Trong năm năm, sự lo lắng và cảm giác tội lỗi “đã trở thành điều thường hằng trong cuộc sống,” bà cho biết.
Họ sẽ đến Hoa Thịnh Đốn vào khoảng ngày 20/09 cho một loạt các cuộc họp báo và công bố tác phẩm này tại Bảo tàng Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản ở Hoa Thịnh Đốn.
Theo bà Cảnh, bức tranh của ông Cao cũng phần nào là “câu trả lời ngắn gọn” của bà dành cho các con bà.
Bước ngoặt trong các vụ lạm dụng nhân quyền của ĐCSTQ
Sự biến mất của ông Cao được coi là một trường hợp mang tính bước ngoặt trong các vụ vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản này.
Dưới thời ĐCSTQ, người dân ở Trung Quốc đang trải qua sự tàn bạo mỗi ngày.
“Để che đậy tội ác của họ, ĐCSTQ một mặt bức hại những người bất đồng chính kiến bằng các phương thức xấu xa, mặt khác, xâm lược thế giới bằng xiềng xích của lợi ích và tham nhũng,” bà nói.
Bà muốn kêu gọi các quốc gia văn minh hợp tác cùng nhau để ngăn chặn sự xâm phạm nền văn minh của ĐCSTQ trên toàn thế giới.
Bà sẽ tham gia một sự kiện ở Texas để kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Viện trợ Trung Quốc (China Aid Association) hôm 15/09. Với tư cách là một công dân Mỹ, bà Cảnh hy vọng sẽ kêu gọi xã hội chú ý đến trường hợp của ông Cao Trí Thịnh bằng sự hiện diện của mình trong sự kiện này.
‘Lương tâm Trung Hoa’
Bà Cảnh đề cao phẩm giá của ông Cao trong việc thách thức nhà cầm quyền Trung Quốc. Bà nói, “Ông ấy đã thấy rõ bản chất của họ, và sẽ không phục tùng quyền uy; ông ấy sẽ không hợp tác, hay thỏa hiệp.”
Bà Cảnh đã đề cập đến cuộc đối thoại giữa ông Cao và một quan chức, bà tin rằng cuộc trò chuyện này rất đáng để biết.
Trong thời gian bị giam giữ, ông Cao đã ghi lại những sự cố khi lực lượng an ninh quốc gia cố gắng làm việc với ông. Bà mô tả ngắn gọn: Họ cử những người khác nhau, thử nhiều cách tra tấn khác nhau, và thậm chí kết bạn với ông bằng những viên đạn pháo bọc đường, nhưng không có cách nào trong số đó có hiệu quả.
Cuối cùng, một quan chức cao cấp đến gặp ông và nói rằng mọi người chủ yếu truy cầu danh lợi; nhưng ông Cao nói rằng đó không phải là thứ mà ông muốn. Quan chức này tin rằng hành vi của ông Cao đã đi ngược lại bản tính con người.
Ông Cao nói với quan chức kể trên, “Không hợp tác với quyền thế chính là để bảo vệ danh tiếng của tôi. Nói rằng tôi không theo đuổi tiền bạc là không đúng, bởi vì tôi có nhiều tài sản ở Bắc Kinh.”
Bà Cảnh kể lại cuộc sống của họ ở Bắc Kinh. Ông Cao không bao giờ nói với bà bất cứ điều gì về những vụ án mà ông đã giải quyết trong vai trò là một luật sư. Bà chỉ biết về những vụ án khác nhau sau khi bà rời khỏi Trung Quốc. Bà nói, “Ông ấy sẽ không nói với tôi bất cứ điều gì, vì sợ rằng tôi sẽ lo lắng.”
Các nạn nhân của lạm dụng nhân quyền
Ông Cao đã trở thành một nạn nhân trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ vì ông đã giải quyết nhiều vụ án nhân quyền ở Trung Quốc như các học viên Pháp Luân Công và các nạn nhân bị cưỡng chế phá dỡ nhà ở bất chấp sự cảnh báo và đàn áp của Hiệp hội Luật sư Bắc Kinh và cơ quan tư pháp.
Cuối cùng vào năm 2005, Văn phòng Tư pháp Bắc Kinh đã đóng cửa công ty luật của ông và tước giấy phép hành nghề của ông. Ông bị bắt hồi tháng 08/2006, sau đó bị kết án ba năm tù giam và năm năm quản chế với tội danh kích động lật đổ quyền lực nhà nước.
Trong khoảng thời gian này, gia đình ông Cao liên tục bị công an sách nhiễu, và những vị công an đó thậm chí còn chuyển vào ở tại nhà riêng của gia đình. Trong Thế vận hội năm 2008, con gái của ông đã bị cấm đến trường, hành động giọt nước tràn ly này đã buộc bà Cảnh Hòa và các con phải đào thoát khỏi Trung Quốc.
Ngày 13/08/2017, ông Cao đột nhiên biến mất trong khi bị quản thúc tại gia.
Trong hơn năm năm, nhà cầm quyền đã không trả lời các câu hỏi của cộng đồng quốc tế về nơi ở của ông Cao.