Việt Nam nắm bắt cơ hội để trỗi dậy nhanh chóng khi Trung Quốc bất hòa với phương Tây
Bước sang năm 2023, khi Hoa Kỳ tiếp tục áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau đối với Trung Quốc và các công ty Mỹ đang đẩy nhanh việc rút khỏi đất nước này, thì Việt Nam đang nhận được những hành động ưu ái từ phía Hoa Kỳ.
Một phái đoàn doanh nghiệp lớn của Mỹ sắp đến thăm Việt Nam đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, khiến mọi người ngày càng quan tâm hơn đến quốc gia Á Châu đang phát triển nhanh chóng này — một nước láng giềng phía nam của Trung Quốc.
Các nhà quan sát đã xác định ba yếu tố thúc đẩy chính đằng sau sự trỗi dậy nhanh chóng của Việt Nam: sự cải tổ hệ thống, một vị trí chiến lược trong bối cảnh kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và lợi thế nhân khẩu học.
Doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam
Theo bản tin của Reuters hôm 17/03, hơn 50 công ty, trong đó có SpaceX, Netflix, và Boeing, sẽ tham gia một phái đoàn do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tổ chức để tìm hiểu cơ hội đầu tư và thương mại tại Việt Nam.
Ông Vũ Tú Thành, trưởng đại diện của hội đồng này tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam sắp đón phái đoàn lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử của mình.”
Hôm 14/02, trang tin tức của chính phủ Việt Nam đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai tại Hà Nội hôm 13/02 để kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
Bản tin cho biết thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã vượt 123 tỷ USD vào năm 2022, tăng 11% so với cùng thời kỳ năm ngoái, đóng góp đáng kể vào quan hệ đối tác toàn diện.
Bà Tai ca ngợi sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình hội nhập khu vực và nhấn mạnh cam kết của Hoa Thịnh Đốn trong việc tăng cường quan hệ đối tác với các nước trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Kể từ năm 2018, Việt Nam được hưởng lợi từ tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, khi các ngành công nghệ cao lần lượt rút khỏi Trung Quốc và chuyển giao sang cho Việt Nam. Ngoài ra, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2019, nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề do chính sách “Zero-COVID” của Bắc Kinh. Ngược lại, Việt Nam đã mở rộng thành công hoạt động kinh doanh chuỗi cung ứng của mình bất chấp suy thoái toàn cầu.
Hôm 31/12/2022, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước tăng 8.02% so với cùng thời kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong một thập niên. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 95.6 triệu đồng (tương đương 4,110 USD) vào năm 2022, tăng 393 USD so với năm 2021.
Ngày càng có nhiều công ty ngoại quốc ưu tiên Việt Nam hơn Trung Quốc cho các nhà máy của họ.
Các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam bao gồm 3M, Amway, Apple, Bank of America, Boeing, ExxonMobil, Google, Medtronic, Netflix, Nike, Roche, UPS, và Visa.
Hơn nữa, Intel đã đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam trong năm 2021. Ford cũng đang có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam.
Lợi thế từ nhân khẩu học
Theo thông tin công khai, gần 88% dân số có việc làm ở Việt Nam nằm trong độ tuổi từ 25 đến 59, mang lại cho nước này lợi thế về tuổi rõ ràng so với Trung Quốc.
Tốc độ tăng dân số trung bình của Việt Nam cũng lên đều đặn.
Đất nước này được dự đoán sẽ trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và là quốc gia đông dân thứ ba ở Đông Nam Á, với dân số vượt quá 100 triệu người vào tháng 04/2023, cùng với Indonesia và Philippines.
Chi phí lao động cũng rất cạnh tranh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước và việc Việt Nam chào đón công dân thứ 100 triệu là dấu mốc đáng tự hào.
Bên cạnh các ngành sản xuất và dịch vụ, Việt Nam cũng tự hào có một ngành nông nghiệp phát triển mạnh, với lịch sử trồng lúa lâu đời. Nữ thần Lúa là một vị thủy tổ chung được cả 54 dân tộc trong cả nước thờ cúng.
Chính phủ Việt Nam trao quyền sử dụng đất cho nông dân vào năm 1993. Kể từ đó, chỉ trong vòng hơn 20 năm, đất nước này đã chuyển đổi từ một quốc gia thiếu lương thực thành một nước xuất cảng gạo lớn. Năm ngoái, Việt Nam xuất cảng tổng cộng 7 triệu tấn gạo, đứng thứ hai thế giới.
Nghiêng về phương Tây
Năm 2011, Việt Nam bắt đầu ngả về phương Tây. Sự trỗi dậy của Việt Nam ngày nay gợi nhớ đến “Kỳ tích sông Hàn” — sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Nam Hàn sau Chiến tranh Triều Tiên nhờ sự trợ giúp to lớn của Hoa Kỳ.
Quốc gia này cũng đã phát triển các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, và thậm chí là quan hệ đối tác chiến lược, với hầu hết các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Đài Loan, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, và Philippines.
Đặc biệt, Hoa Kỳ đã đưa 2 hàng không mẫu hạm thăm Việt Nam trong 2 năm trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 05/03/2018, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã đến Đà Nẵng, Việt Nam trong chuyến thăm 4 ngày, trở thành hàng không mẫu hạm đầu tiên cập cảng nước này kể từ sau Chiến tranh Việt Nam.
Chuẩn Đô đốc John V. Fuller, chỉ huy đội tấn công Carl Vinson, nhận xét rằng mục tiêu là “thúc đẩy an ninh, ổn định, và thịnh vượng trong khu vực này.”
Ngày 05/03/2020, Việt Nam đón hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt của Hoa Kỳ và một tàu thuộc nhóm tấn công của Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng.
Rõ ràng, nhà cầm quyền Việt Nam đã nắm bắt cơ hội ngàn năm có một khi thế giới đang dần tách khỏi ĐCSTQ.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times