Việc Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ nông nghiệp của Hoa Kỳ là mối đe dọa an ninh quốc gia ‘to lớn’
Dù chỉ nhỏ xíu như vậy, nhưng phần nhân của một hạt giống không khác gì một chiếc máy điện toán sinh học mini. Trong đó là tất cả mã di truyền, tài sản trí tuệ chứa hàng tỷ USD giá trị tiềm năng, mà nếu rơi vào tay một địch thủ, thì có thể trao cho họ quyền kiểm soát sản xuất lương thực của một quốc gia và hơn thế nữa.
Theo ông Ross Kennedy, một nhà phân tích chuỗi cung ứng và logistic tại Fortis Analysis, một đối thủ hiển nhiên ở đây là Trung Quốc.
Ông nói với hãng thông tấn NTD liên kết với The Epoch Times rằng, ở đất nước 1.4 tỷ dân đó, “việc sở hữu các phương tiện để tăng cường an ninh lương thực trong nước là công việc số một.”
“Nói dối, ăn cắp, đổi chác, bất cứ điều gì cần thiết để có được công nghệ đó, Trung Quốc đã chứng tỏ họ sẵn sàng làm thế.”
Ông Kennedy gọi công nghệ nông nghiệp là một lĩnh vực dành cho “chiến tranh phi đối xứng trong vùng xám”. Ông cho biết, bằng cách đánh cắp các công nghệ nông nghiệp của Hoa Kỳ và phát triển một phiên bản riêng của họ, Trung Quốc sẽ có thể đáp ứng các nhu cầu căn bản nhất của đất nước, đồng thời hạ gục Hoa Kỳ, về mặt kinh tế và ngoại giao, nhằm theo đuổi vị thế dẫn đầu toàn cầu về sản xuất nông nghiệp.”
Ông Kennedy nói: “Hầu hết mọi người không nhận ra rằng quý vị có thể ăn cắp một số hạt bắp, hoặc một vài hạt đậu nành, và duy trì một chiến dịch gián điệp công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.”
Ông nói: “Nếu quý vị có thể ‘bẻ khóa mã’ của một sinh vật biến đổi gene, thì quý vị sẽ có thể đánh cắp hàng trăm triệu hoặc thậm chí hàng tỷ USD tài sản trí tuệ.”
“Trong những năm gần đây, nếu quý vị có thể làm được điều đó, thì quý vị đang giải mã được những bí mật về sự sống của loại bắp đó, loại đậu tương đó, và tạo cho mình một bước tiến vượt bậc về thời gian và chi phí để nuôi sống người dân của mình.”
Hạt giống như một vũ khí
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Trung Quốc là nhà nhập cảng nông sản lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch nhập cảng là 133.1 tỷ USD trong năm 2019.
Bị cản trở bởi diện tích đất canh tác đang thu hẹp, thiên tai, và nhu cầu lương thực ngày càng tăng để nuôi ⅙ dân số thế giới, trong nhiều năm qua, quốc gia này đã thể hiện sự quan tâm đáng kể đến các tài sản nông nghiệp của Hoa Kỳ, trong đó, “tài sản có giá trị nhất và dễ chuyển nhượng nhất là các hạt giống,” một báo cáo nghiên cứu hồi tháng Năm (pdf) của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCC) nêu rõ.
Đổi mới hạt giống đã tạo ra hàng tỷ USD cho các công ty công nghệ sinh học nông nghiệp của Hoa Kỳ như công ty Monsanto. Theo báo cáo trên, năm 2021, Hoa Kỳ xuất cảng hạt giống trị giá khoảng 174 triệu USD sang Trung Quốc, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất cảng của nước này.
Tầm quan trọng của công nghệ hạt giống tân tiến đã không bị Trung Quốc bỏ qua. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã mô tả các hạt giống là “các vi mạch bán dẫn” của nền nông nghiệp, và từ lâu lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã xem an ninh ngũ cốc là một “nền tảng cốt lõi của an ninh quốc gia.”
Trong chuyến thị sát một phòng thí nghiệm hạt giống ở tỉnh Hải Nam, cực nam Trung Quốc hồi tháng Tư, ông Tập đã kêu gọi đất nước “nắm chắc hạt giống Trung Quốc bằng chính đôi tay của chúng ta” để “giữ cho chén cơm của Trung Quốc ổn định và đạt được an ninh lương thực.”
Tuy nhiên, một số nhà khoa học Trung Quốc đã đi tắt đón đầu bằng cách thẳng tay đánh cắp các bí mật thương mại nông nghiệp của Hoa Kỳ.
Vài ngày trước chuyến đi của ông Tập tới Hải Nam, ông Hướng Hải Đào (Xiang Haitao), quốc tịch Trung Quốc, một cựu khoa học gia hình ảnh tại công ty Monsanto ở tiểu bang Missouri, đã bị một tòa án liên bang Hoa Kỳ kết án 29 tháng tù sau khi nhận tội đánh cắp các bí mật thương mại từ nhân viên cũ của mình. Các công tố viên cho biết ông Hướng đã cố gắng đánh cắp một thuật toán giúp nông dân tối ưu hóa năng suất nông nghiệp để mang lại lợi ích cho một viện nghiên cứu quốc doanh Trung Quốc.
Trong một trường hợp khác, ông Mạc Hải Long (Mo Hailong), một giám đốc đặc trách kinh doanh quốc tế của một công ty kinh doanh nông sản có trụ sở ở Bắc Kinh có mối liên hệ với chính quyền Trung Quốc, đã cố gắng đánh cắp các hạt giống bắp từ các cánh đồng thử nghiệm của công ty Monsanto và một nhà sản xuất hạt giống khác của Hoa Kỳ là công ty Dupont Pioneer từ năm 2011 đến năm 2012. Ông Mạc đã bị kết án lên đến ba năm tù liên bang hồi năm 2016, sau khi ông nhận tội âm mưu đánh cắp các bí mật thương mại.
Năm 2018, hai nhà nghiên cứu lúa gạo người Trung Quốc đã đến thăm các cơ sở nghiên cứu và sản xuất khác nhau của Hoa Kỳ. Các công tố viên Hoa Kỳ buộc tội họ âm mưu đánh cắp công nghệ sản xuất gạo cho biết họ đã tìm thấy các hạt giống gạo bị đánh cắp trong hành lý của hai người này tại phi trường Honolulu khi họ cố gắng bay về Trung Quốc. Hiện họ đang tự do ở Trung Quốc. Hai nhà nghiên cứu lúa gạo khác của Trung Quốc đã giúp tổ chức chuyến đi của hai người này đã bị kết án trong một vụ án liên quan hồi năm 2018, và hai người này lần lượt bị tuyên án 1 năm tù và 10 năm tù.
Ông Kennedy nói: “Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng nếu quý vị có thể có được ba, bốn, năm, sáu, 10 loại hạt giống khác nhau, thì giờ đây, quý vị có khả năng không chỉ thiết kế ngược khả năng chống chịu của hạt đó với nhiều loại thuốc trừ sâu hoặc côn trùng khác nhau.”
Thông qua thiết kế ngược (reverse engineering), Trung Quốc cũng có thể giải mã khả năng của một hạt giống trong việc tạo ra năng suất cao và thích ứng với các điều kiện khí hậu khác nhau, chẳng hạn như môi trường nóng hơn và ẩm ướt hơn.
Ông Kennedy nói: “Có những nơi ở Trung Quốc, họ rất muốn có thể trồng những thứ như bắp hoặc đậu nành, nhưng họ không thực sự tiếp cận được với công nghệ di truyền tốt để tạo ra các hạt giống có thể phát triển trong những điều kiện khó khăn hơn.”
“Vì vậy, một hạt giống là một vấn đề,” ông nói. “Nhưng nếu Trung Quốc nhúng tay vào nhiều hạt giống “thì đột nhiên giờ đây quý vị gặp một vấn đề lớn hơn nhiều.”
Theo nhà phân tích này, ĐCSTQ cũng có thể vũ khí hóa hạt giống để xóa sổ khả năng sản xuất mùa màng trên quy mô lớn của đối thủ. Ông nói, họ có thể làm điều này bằng cách bật hoặc tắt các tác nhân di truyền khiến mùa màng thất bát, tạo ra độc tố trong thực vật để đầu độc động vật, hoặc tạo ra sự yếu ớt đối với một số loại vi khuẩn hoặc nấm để “làm tăng đáng kể áp lực dịch bệnh lên đất.”
‘Đòn bẩy ngoại giao lớn’
Ông Kennedy cho biết, với việc chỉ có một số công ty trong nước như Công ty Hóa chất Dow và Dupont kiểm soát phần lớn việc sản xuất lương thực của Hoa Kỳ, Trung Quốc có những mục tiêu rõ ràng.
“Quý vị thực sự chỉ cần thâm nhập hoặc tạo ra vấn đề với một công ty,” ông nói. “Bây giờ quý vị đang nói về 1.4 tỷ miệng ăn để thị trường thức ăn chăn nuôi ở một nơi như Trung Quốc vốn từng phải mua công nghệ gene của Hoa Kỳ và Âu Châu. Và giờ thì họ có phương tiện để làm việc riêng của họ, và chạy đua phía trước và cung cấp điều đó cho phần còn lại của thế giới, và đồng thời làm suy yếu các nỗ lực của Hoa Kỳ theo cách đó.”
Theo ông Kennedy, hành vi đánh cắp công nghệ như vậy có thể trở thành một “đòn bẩy ngoại giao lớn” đối với Trung Quốc và cho phép nước này làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.
“Theo cách tương tự như họ sẽ xuất cảng công nghệ xây dựng cho ‘Vành đai và Con đường’, quý vị cũng có thể thực hiện Vành đai và Con đường với lương thực, và năng lượng,” ông Kennedy nói, đề cập đến dự án ngàn tỷ USD của Bắc Kinh nhằm tạo thuận lợi cho các mối quan hệ đối tác thương mại và cơ sở hạ tầng với Á Châu, Phi Châu, Âu Châu, và Châu Mỹ Latinh.
Theo ông Kennedy, ở những nơi như Phi Châu, nơi có nhiều đất canh tác và lao động, nhưng thiếu công nghệ hạt giống hiện đại, “Trung Quốc có thể đến và nói, ‘Này, chúng tôi có thể cung cấp thiết bị nông nghiệp, phương pháp, máy móc, và tài sản trí tuệ rất đắt tiền này, chúng tôi có thể cung cấp đất cho quý vị để giúp quý vị thoát khỏi các vấn đề lương thực hoặc nghèo đói, nhưng chúng tôi muốn tiếp cận với những khoáng chất quan trọng này, hoặc chúng tôi muốn xây dựng một căn cứ quân sự trên bờ biển của quý vị hoặc bất cứ điều gì có thể.’”
Những người chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường đã gọi dự án này là một hình thức “ngoại giao bẫy nợ”, gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển với các mức nợ bền vững và do đó khiến họ dễ bị tổn thương khi phải nhượng lại cơ sở hạ tầng và nguồn lực chiến lược cho Bắc Kinh. Tháng Chín năm ngoái (2021), phòng nghiên cứu AidData đã thống kê được ít nhất 42 quốc gia có mức nợ công đối với Trung Quốc vượt quá 1/10 tổng sản phẩm quốc nội của mình.
Nhưng nhà phân tích này lưu ý rằng các hạt giống biến đổi gene khác với các dự án xây dựng ở chỗ chúng có tuổi thọ tương đối ngắn: chúng “chỉ có tác dụng một lần, và thực sự chỉ lưu trữ trong túi được từ một hoặc hai năm.”
Ông Kennedy nói: “Đây là cách mà Trung Quốc có một phương thức hàng năm để duy trì quyền kiểm soát đối với một số thứ.” Bằng cách kiểm soát các hạt giống, Trung Quốc có thể đưa ra các điều khoản mà các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này phải tuân theo.
Ông nói thêm: “Đó là một dạng biến thể của ngoại giao bẫy nợ, nhưng nó cũng là một kiểu tấn công ngay lập tức và đánh rất, rất gần nhà theo cách mà việc chiếm lại quyền sở hữu cây cầu của quý vị hoặc đường sắt của quý vị có lẽ sẽ không làm được.”
Bảo đảm đất đai cho Trung Quốc
Việc Trung Quốc mua đất nông nghiệp của Hoa Kỳ, một khía cạnh khác của việc Bắc Kinh can dự vào lĩnh vực nông nghiệp của Hoa Kỳ, cũng đã làm dấy lên những báo động về kinh tế và an ninh quốc gia.
Năm 2013, nhà chế biến thịt Trung Quốc Shuanghui International Holdings (nay là WH Group) đã tiếp quản nhà sản xuất thịt heo hàng đầu thế giới, công ty Smithfield Foods có trụ sở tại Virginia, đánh dấu thương vụ mua lại một thương hiệu tiêu dùng của Mỹ lớn nhất của Trung Quốc cho đến nay.
Theo báo cáo của USCC, thỏa thuận này đã mang lại cho công ty có trụ sở tại Hồng Kông này hơn 146,000 mẫu đất trải khắp 6 tiểu bang, cung cấp cho Trung Quốc lượng thịt heo kỷ lục vào năm 2020 khi bệnh Dịch tả lợn Phi Châu làm giảm đàn heo và các đợt phong tỏa đại dịch làm đình trệ sản xuất ở Trung Quốc.
Mục tiêu của Bắc Kinh là có thể chuyển đổi càng nhiều đất nông nghiệp của Hoa Kỳ càng tốt để cung cấp riêng cho Trung Quốc.
Ông nói: “Bây giờ quý vị đã có được diện tích đất đó, và quy mô lên đến hàng trăm ngàn mẫu Anh, quý vị đã có được chuỗi cung ứng của riêng mình cho đất nước của quý vị với tư cách là chủ sở hữu của mảnh đất đó, ngay cả khi nó nằm trên đất ngoại quốc.”
Theo báo cáo của USDA năm 2020 (pdf), đầu tư chính thức của Trung Quốc vào đất nông nghiệp của Hoa Kỳ đã tăng hơn 25 lần từ 13,720 mẫu Anh lên 352,140 mẫu Anh trong thập niên từ 2010 đến 2020.
Mặc dù con số này vẫn chiếm khoảng 1% tổng số mẫu đất do ngoại quốc nắm giữ ở Hoa Kỳ, nhưng báo cáo của USCC cho biết không có cơ chế nào ở cấp liên bang để theo dõi quyền sở hữu và sử dụng đất, và các nhà đầu tư Trung Quốc có thể phá vỡ các quy tắc mà không bị ảnh hưởng nhiều.
Ông Kennedy nói: “Đây là một vấn đề rất lớn. Không phải là một vấn đề có thể bỏ qua.”
Ông Kennedy cho biết những vùng đất như vậy có thể trở thành một vector tiềm năng để nhà cầm quyền Trung Quốc thực hiện các hình thức gián điệp khác nhau chống lại Hoa Kỳ. Hồi tháng 11 năm ngoái, nhà cung cấp dinh dưỡng động vật Trung Quốc Fufeng Group thông báo rằng họ đang đàm phán để mua 370 mẫu đất ở Grand Forks, tiểu bang North Dakota, để xây dựng cơ sở xay bắp đầu tiên ở Hoa Kỳ. Vị trí đề nghị của nhà máy này nằm cách Căn cứ Không quân Grand Forks khoảng 12 dặm, đã làm dấy lên những lo ngại về việc địa điểm này được sử dụng để do thám các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực.
Ông nói: “Một khi quý vị có đất, quý vị có các lựa chọn.” Ông cho biết thêm rằng việc tiếp quản những vùng đất rộng lớn “đã là một ưu tiên to lớn của Trung Quốc trong một thời gian dài.”
Một số nhà lập pháp đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Cuối tháng trước (05/2022), Dân biểu Dan Newhouse (Cộng Hòa-Washington) đã giới thiệu dự luật nhằm cấm các công dân ngoại quốc có liên đới với Bắc Kinh mua đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ.
Ông Newhouse cho biết trong một thông cáo báo chí: “Nếu chúng ta bắt đầu nhượng lại trách nhiệm đối với chuỗi cung ứng thực phẩm của mình cho một quốc gia ngoại quốc đối địch, thì chúng ta có thể bị buộc phải xuất cảng thực phẩm được trồng trong biên giới của chúng ta và được dành riêng cho mục đích sử dụng của chúng ta.”
Theo ông Kennedy, các mối đe dọa từ hoạt động gián điệp nông nghiệp của Trung Quốc đòi hỏi phải nâng cao nhận thức trên toàn quốc và thay đổi tư duy.
Theo nhà phân tích này, khi nói đến sự hợp tác liên quan đến công nghệ nhạy cảm, điều đầu tiên cần đặt ra là: “Đây có phải là phương án cuối cùng để hợp tác với Trung Quốc về vấn đề này không?”
Ông Kennedy nói rằng thay vì xem xét lợi ích của sự hợp tác chỉ từ một quan điểm kinh tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và học thuật cũng cần phải coi trọng an ninh quốc gia và đặt ra câu hỏi: “Chúng ta có bất kỳ lựa chọn nào khác trong tay để có thể đạt được mục tiêu của bất kỳ chương trình hoặc bất kỳ sáng kiến nào không? Nếu câu trả lời là có, thì điều đó cần được theo đuổi.”
Cô Eva Fu là một nhà văn ở New York cho The Epoch Times tập trung vào các mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, tự do tôn giáo và nhân quyền. Liên hệ với cô Eva tại [email protected]