Tại sao Trung Quốc chuẩn bị cho khủng hoảng lương thực kỹ hơn Hoa Kỳ?
Lương thực là yếu tố cần thiết để tồn tại, vì vậy đó là lý do tại sao quý vị lại nghĩ rằng an ninh lương thực — bao gồm việc lưu trữ lương thực dự trữ lâu dài cho các trường hợp khẩn cấp — cần phải là một ưu tiên quan trọng hơn của chính phủ quốc gia chúng ta.
Đặc biệt là sau khi chúng ta chứng kiến chuỗi cung ứng và nguồn cung cấp lương thực của mình gần như đã ngừng hoạt động hoàn toàn một cách nhanh chóng như thế nào do hậu quả của đại dịch. Mặc dù quý vị có thể nghĩ rằng những gì chúng ta đã trải qua trong hai năm qua sẽ đem lại sự nhận thức và đánh giá mới cao hơn đối với ngành nông nghiệp của chúng ta, nhưng các cộng đồng nông dân của chúng ta thực sự đang phải trải qua sự đối đãi hoàn toàn trái ngược.
Trên thực tế, hiện đang có một cuộc chiến chống lại nông dân Mỹ.
Hãy cân nhắc sự thật rằng chính quyền Trung Quốc đang ưu tiên vấn đề an ninh lương thực. Điều này sẽ đặt Trung Quốc ở một vị thế dẫn trước Mỹ một cách đáng kể và cho phép Trung Quốc có quyền kiểm soát mạnh mẽ hơn đối với chuỗi cung ứng lương thực của Hoa Kỳ.
Những gì Trung Quốc đang làm để đạt được tự cung tự cấp lương thực
Trung Quốc đã ưu tiên an ninh lương thực trong vài thập niên và mục tiêu này đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch năm năm của nước này.
- Tăng sản xuất lương thực: Nhu cầu về lương thực gia tăng là yếu tố đầu tiên buộc Trung Quốc phải tăng cường sản xuất lương thực. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản xuất lương thực trong nước đã tăng thêm nhiều hơn.
- Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển nông nghiệp: Theo Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), “Ý chí chính trị và khả năng đối mặt với các thách thức an ninh lương thực trong tương lai được thể hiện qua vị thế của nước này trong vai trò là hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D) nông nghiệp công lớn nhất trên thế giới, với 33% dân số Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều hơn toàn bộ dân số Hoa Kỳ.”
- Nghiên cứu hiện đại hóa hạt giống cây trồng: Trung Quốc đang đầu tư một số lượng lớn thời gian và tiền bạc vào nghiên cứu hiện đại hóa hạt giống cây trồng. Kế hoạch năm năm thứ 13 “nhằm đạt tự cung tự cấp 97% sản lượng cây trồng chính và tăng trưởng năng suất ngũ cốc thêm 50% từ các loại hạt giống mới.” Bên cạnh hàng tỷ dollar đầu tư vào các chương trình phát triển hạt giống cây trồng biến đổi gene (GMO) ở Trung Quốc, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang gửi các giống cây lên không gian để xem các giống cây trồng này sẽ phát triển như thế nào trong các khí hậu khác nhau. Ở Trung Quốc, hạt giống cây trồng được xem là “vi mạch máy điện toán của ngành nông nghiệp.”
- Tích trữ lương thực: Bắt đầu từ năm 1990, Trung Quốc đã bắt đầu tích trữ ngũ cốc, và cho đến nay họ vẫn tiếp tục làm như vậy. Theo The Upheaval, “Đến cuối năm [2022], với 20% dân số thế giới, Trung Quốc dự kiến sẽ tích trữ khoảng 65% lượng ngô của thế giới và 53% lượng lúa mì của thế giới.”
- Ngăn chặn lãng phí thực phẩm: Tháng 04/2021, “Luật Chống Lãng phí Thực phẩm” quốc gia đã có hiệu lực. Theo luật này, những ai đặt đồ ăn vượt quá mức quy định sẽ có thể bị phạt tiền.
- Mua các nhà máy chế biến thực phẩm tại Hoa Kỳ: Nhiều công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã mua các công ty thực phẩm tại Hoa Kỳ. Ag Web Farm Journal đưa tin: “Năm 2013, Tập đoàn Song Hối (Shuanghui International, nay là WH Group, hay tập đoàn Vạn Châu Quốc Tế) đã mua Smithfield Foods có trụ sở tại Hoa Kỳ. (Tại thời điểm bán, Smithfield có 25 nhà máy ở Hoa Kỳ, 460 trang trại, và hợp đồng với 2,100 nhà sản xuất ở 12 tiểu bang). Năm 2014, Tập đoàn Thực phẩm, Dầu khí và Lương thực Trung Quốc (COFCO) đã mua hai công ty thương mại nông nghiệp lớn là Noble Agri và Nidera. Năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Trung Quốc (ChemChina) chi gần 46 tỷ USD để mua lại Syngenta, mang lại cho Đảng Cộng sản Trung Quốc quyền tiếp cận hợp pháp các giống hạt biến đổi gene và các sản phẩm bảo vệ thực vật.”
- Mua đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ: Trung Quốc tiếp tục mua đất ở Hoa Kỳ. Trung Quốc đã sở hữu hơn 191,000 mẫu đất của Hoa Kỳ trước khi mua thêm 300 mẫu ở North Dakota. Đó là một mối lo ngại lớn đến mức một ủy ban Hạ viện đã bỏ phiếu ngăn chặn Trung Quốc và các quốc gia ngoại quốc khác (Nga, Bắc Hàn, và Iran) mua trang trại ở Hoa Kỳ vào tháng 06/2022. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có luật chính thức nào được thông qua.
Tại sao Trung Quốc lại quan tâm đến tình trạng mất an ninh lương thực
Theo The Diplomat, “Hồi tháng 04/2021, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng ‘an ninh lương thực là một nền tảng quan trọng đối với an ninh quốc gia.’”
Tại sao an ninh lương thực lại quan trọng như vậy? Có một vài lý do đằng sau nhận định này.
Đầu tiên, Trung Quốc đã trải qua sự gia tăng dân số đáng kể. Do đó, họ cần nhiều lương thực hơn để nuôi sống dân số đang bùng nổ của mình. Thứ hai, Trung Quốc đã từng trải qua nạn đói trước đây. Trong những năm 1950, hàng triệu người dân Trung Quốc đã thiệt mạng vì đói. Cuối cùng, họ muốn chắc chắn rằng họ kiểm soát được lương thực. Nếu quý vị kiểm soát được lương thực, thì quý vị sẽ sẽ kiểm soát được người dân.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được trích dẫn khi nói rằng: “Bát cơm của người Trung Quốc lúc nào cũng phải do người Trung Quốc làm ra và nằm chắc trong tay người Trung Quốc.”
Nếu Trung Quốc buộc phải phụ thuộc vào các quốc gia khác về lương thực để tồn tại, thì họ sẽ không chủ động kiểm soát được. Mà đó lại là những gì họ muốn. Họ muốn kiểm soát người dân của mình, và họ muốn trở thành cường quốc nông nghiệp của thế giới.
Tờ Trung Quốc Nhật Báo (China Daily) đưa tin: “Chủ tịch nhấn mạnh an ninh lương thực là một vấn đề lớn, gọi đó là vấn đề mà quốc gia này không thể mang tâm tự mãn. Ông bác bỏ quan điểm cho rằng an ninh lương thực không còn là vấn đề quan trọng trong thời đại công nghiệp hóa hay Trung Quốc có thể dựa vào thị trường quốc tế như một giải pháp. Ông nói, Trung Quốc phải ổn định việc sản xuất lương thực và ngô, mở rộng diện tích trồng đậu nành và các loại cây lấy dầu khác, giữ sản lượng lúa gạo hàng năm ở mức hơn 650 triệu tấn và bảo đảm tự cung tự cấp lương thực.”
Các kế hoạch an ninh lương thực của Trung Quốc đang làm tổn thương Hoa Kỳ như thế nào
Thật dễ dàng để xem các kế hoạch an ninh lương thực của Trung Quốc như một diễn biến nào đó đang xảy ra phía bên kia thế giới. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những hậu quả trực tiếp tại Hoa Kỳ.
Theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc, “Những nỗ lực này đặt ra một số rủi ro đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Ví dụ, việc các công ty Trung Quốc mua lại các đàn heo ở Hoa Kỳ có thể tiết kiệm tiền cho Trung Quốc và nâng cao năng lực trong nước của nước này; tuy nhiên, điều này cũng có thể làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với sản xuất có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và phân phối lại các tác động môi trường của chất thải từ heo sang cho các cộng đồng Hoa Kỳ. Nếu việc hợp nhất và đầu tư của Trung Quốc vào tài sản nông nghiệp của Hoa Kỳ tiếp tục diễn ra, thì Trung Quốc có thể có đòn bẩy quá lớn đối với chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ. Việc Trung Quốc tiếp cận tài sản trí tuệ nông nghiệp của Hoa Kỳ cũng có thể làm xói mòn khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ trong công nghệ nông nghiệp phục vụ cho sản xuất lương thực. Ngoài ra, việc Trung Quốc mua trái phép hạt giống biến đổi gene tạo bước khởi đầu cho việc phát triển hạt giống như vậy của chính Trung Quốc, tước đi doanh thu của các công ty Hoa Kỳ, và tạo cơ hội khám phá các điểm yếu trong các loại cây trồng của Hoa Kỳ.”
Ngoài ra, hãy xem xét cách Mỹ quốc đang cản trở nông dân và nhà máy chế biến thực phẩm của chính mình bằng các quy định mới.
Trong khi chúng ta đang đầu tư thời gian và tiền bạc vào năng lượng xanh và các phương pháp canh tác bền vững, thì Trung Quốc đã dỡ bỏ các trang trại quang năng để tạo ra nhiều đất nông nghiệp có năng suất cao hơn.
Chúng ta có thể làm gì để hiện thực hóa tự cung cấp lương thực
Sự thật là Mỹ quốc đang đi sau khi nói đến khả năng tự chủ về lương thực. Nếu chúng ta phải đối mặt với một hoàn cảnh nào đó cực đoan, thì chúng ta không thể phụ thuộc vào chính phủ để nuôi sống chúng ta. Chúng ta phải có khả năng nuôi sống bản thân.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times