Video: Lũ lụt nhiều nơi tại Trung Quốc, người dân biểu tình phản đối chính quyền
Gần đây lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc khiến người dân đứng lên phản đối sau khi phát hiện những hành động mờ ám của chính quyền.
Đơn cử như người dân thôn Tiền Tiến, quận Song Thành, Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang phát hiện chính quyền đóng cửa cống, nên họ lo sợ việc này sẽ dẫn đến lũ lụt nên đã phản kháng. Người dân ở Trác Châu, Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, phát hiện nhân viên của chính quyền địa phương bí mật đào bờ kè phía tây của cây cầu lớn, sau đó hai bên đã xảy ra xung đột. Dân làng ở Bá Châu, Bảo Định, đến trụ sở của chính quyền địa phương để phản đối việc chính quyền đưa tin sai sự thật về tình hình thảm họa.
Người dân quận Song Thành phản kháng chính quyền địa phương
Hôm 05/08, Cục Thủy lợi của quận Song Thành, Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, cử người đến thôn Tiền Tiến để đóng cửa cống.
Đoạn video cho thấy cảnh sát vũ trang, cảnh sát đặc nhiệm được điều động đến hiện trường, cảnh sát và người dân đã đối đầu nhau từ sáng đến đêm.
Người quay video cho biết: “Tất cả lực lượng cảnh sát ở quận Song Thành (đã đến).”
Nhiều người chỉ vào hai vị quan chức của Cục Thủy lợi và hét lên: “Xuống đi …”
Một video khác cho thấy cuộc biểu tình của người dân tiếp tục diễn ra đến tối. Người quay video nói: “Đã hơn 8 giờ [tối], sự việc vẫn chưa kết thúc. Lãnh đạo huyện, trưởng phòng đều ở đây … Họ muốn đóng cửa cống, nhưng dân chúng không cho đóng, hãy đợi xem. Cửa cống mà đóng, thì dân chúng cũng bị chết đuối.”
Ngoài ra còn có video cho thấy vào tối ngày 05/08, một số người dân đã nhảy xuống nước để ngăn cản quan chức đóng cửa cống, những người dân xung quanh đứng theo dõi sự việc. Rất nhiều người kêu lên: “Có người nhảy sông …” Rất nhanh sau đó, lại có rất nhiều người nhảy xuống nước.
Người dân nói: “Mạng sống của người dân nguy đến nơi rồi!” Một người dân khác nói rằng cảnh sát đã xịt hơi cay để giải tán người dân.
Một quan chức tự xưng là phó thị trưởng quận Song Thành và giám đốc Sở Công an đã bảo dân làng rời đi, nói rằng: “Bây giờ chắc chắn mọi người sẽ bị ngập lụt. Mọi người phải di tản. Mọi người không thể nhìn thấy tình hình nước bây giờ đâu, tôi chắc chắn là nơi này sẽ bị ngập …” Dân làng chất vấn: “Di tản, chúng tôi phải sơ tán đến đâu?”; “Di tản đến sảnh của Diêm vương à! Chịu mất mạng à!”
Mấy ngày trước, lũ lụt xảy ra ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, thành phố Mẫu Đơn Giang, và những nơi khác ở tỉnh Hắc Long Giang. Khu vực đô thị Cáp Nhĩ Tân, thành phố Ngũ Thường, và thành phố Thượng Chí thuộc Cáp Nhĩ Tân đều bị ngập. Trung tâm sản xuất “gạo Ngũ Thường” ở thành phố Ngũ Thường ngập sâu, ruộng lúa thất bát, chính quyền địa phương vẫn tăng cường xả lũ hồ chứa ở thượng nguồn.
Người dân Hà Bắc phản đối việc bị dùng làm nơi chứa lũ
Kể từ cuối tháng Bảy, Bắc Kinh xả lũ, Môn Đầu Câu, Phòng Sơn và các quận khác ở Bắc Kinh phải hứng chịu tai họa, Trác Châu thuộc quyền quản lý của thành phố Bảo Định ở tỉnh Hà Bắc bị nhấn chìm trong nước. Trên Internet lan truyền rộng rãi câu nói rằng Trác Châu đã trở thành nơi chứa lũ để bảo vệ Bắc Kinh và Hùng An.
Bắc Kinh là trung tâm chính trị và kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và việc xây dựng tân khu Hùng An là “Kế hoạch Thiên niên kỷ” do ĐCSTQ ra quyết định. Hôm 03/08, ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), chuyên gia về tài nguyên đất và thủy lợi hiện đang sinh sống tại Đức, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, để bảo vệ hạ lưu Hùng An, các quan chức đã đào một khu chứa lũ ở Trác Châu, Hà Bắc và dẫn nước qua đó.
Một số người ở Hà Bắc phản đối việc chính quyền sử dụng khu vực này làm nơi chứa lũ. Một đoạn video được công bố hôm 04/08 cho thấy dân làng ở Cao Bi Điếm (Gaobeidian) thuộc thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, đã bảo vệ đê suốt đêm khi các quan chức đến đây đào phá bờ đê. Người quay video cho biết, bốn chiếc máy xúc đã đến và chuẩn bị đào bờ đê. Dân làng lần lượt kéo đến hiện trường, khả năng xảy ra xung đột.
Một đoạn video được đăng trên Internet cho thấy vào sáng sớm ngày 02/08, cảnh sát đã cưỡng chế xả nước lũ tại một ngôi làng ở Trác Châu, dân làng đến phản đối nhưng đã bị cảnh sát giải tán.
Người quay video nói: “Các anh em, cảnh sát đã trấn áp dân làng Tân Trang, trấn áp dân làng Tân Trang, [dân làng] sẽ không cho xả lũ, sẽ không cho xả lũ, [nhưng họ] nhất định sẽ phá đê xả lũ, lập tức xả lũ”; “Cảnh sát vũ trang, cảnh sát đặc nhiệm đều đã vào vị trí.”
Sau đó, cảnh sát bắt đầu xua đuổi dân làng canh giữ bờ đê. Những bức ảnh được đăng trên Internet cho thấy, “Cảnh sát đặc nhiệm đã bắt giữ dân làng, cưỡng chế đào bờ đê để xả lũ. Dòng nước ngay lập tức nhấn chìm toàn bộ ngôi làng. Họ sẽ thông báo ra bên ngoài rằng, xả lũ là tất nhiên, bỏ Trác Châu để bảo vệ Bắc Kinh.”
Một đoạn video được đăng trên mạng cho thấy vào nửa đêm ngày 01/08, các quan chức đã cử người bí mật đào bờ kè phía tây của cầu lớn ở thôn Hà Tỳ, Bạch Câu, Trác Châu. Dân làng đã đến ngăn cản khi phát hiện ra, và hỏi họ: “Các ông lấy văn bản nào để đào ở chỗ chúng tôi?”; “Từ xưa tới nay, đây không phải là vùng phân lũ.” “Lãnh đạo, các anh có ý đồ gì khi đến đào lén?” Đã xảy ra sự giằng co giữa dân làng tại hiện trường và cảnh sát.
Người dân ở Bá Châu phản đối chính quyền đưa tin sai sự thật về tình hình thảm họa
Ngoài ra, người dân ở Bá Châu, tỉnh Hà Bắc, đã biểu tình trước tòa thị chính vì chính quyền đưa tin sai sự thật về tình hình thảm họa.
Trong bản tin về lũ lụt tại nhiều nơi ở miền Bắc Trung Quốc hôm 04/08, CCTV vẫn đề cao cái gọi là “thành tích cứu hộ” và đưa tin sai sự thật về tình hình thảm họa. Khi đề cập đến tình hình thảm họa ở Bá Châu, tỉnh Hà Bắc, CCTV cho biết một số ngôi làng “chịu ảnh hưởng bởi lượng mưa” và bị “ngập nước,” “nhiều người dân mắc kẹt,” nhân viên cứu hộ đã tiến hành “phản ứng khẩn cấp kéo dài 12 giờ.”
Những tuyên truyền này khiến người dân phẫn nộ. Cùng ngày 04/08, nhiều người dân ở Bá Châu, Hà Bắc, đã tố cáo hành vi “đưa tin giả” của CCTV trên Internet: “Chúng tôi xả lũ, chứ không phải do mưa to!”; đồng thời yêu cầu cơ quan ngôn luận “hãy cho người dân Bá Châu chúng tôi một lời giải thích!” Sáng ngày 05/08, nhiều người dân địa phương phẫn nộ và đã đến chính quyền thành phố để phản đối.
Đoạn video cho thấy người dân giăng biểu ngữ tại hiện trường: “Hãy trả lại nhà cho tôi. Rõ ràng xả lũ là nguyên nhân, nhưng lại đổ cho trời mưa!” Rất nhiều người trong y phục đen đến địa điểm biểu tình để giữ trật tự, và xảy ra mâu thuẫn gay gắt với người dân.
Một nữ dân làng ở Đông Dương Trang, Bá Châu, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng hàng ngàn người dân đã đến hiện trường. Vào thời điểm đó, chính quyền địa phương không cử nhân sự có chức trách đến thương lượng với dân làng để thảo luận về việc bồi thường cho người dân.
Tiêu Luật Sinh thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ