Vì tham tiền tài mà hại chết mạng người, lang băm chịu quả báo đền mạng
Lục Chí, một danh tướng đời Đường từng nói: “Y dĩ hoạt nhân vi tâm, cố viết y nãi nhân thuật” (Ngành y lấy mạng người đặt trong tâm, vì vậy ngành y cũng chính là sự nhân từ ). Lòng nhân từ là yếu tố quan trọng cần có ở một người thầy thuốc, bởi vì điều này có thể đem đến những quả báo tương ứng trong cuộc đời họ.
Trong “Thái Vi Tiên Quân Công Quá Các” ghi chép lại công tội của người thầy thuốc có nói rằng “Thông qua phương thức phù hợp mà cứu được một người bệnh nặng, thì một người là mười công. Bệnh nhẹ thì một người là năm công. Nếu nhận hối lộ từ người nhà bệnh nhân, thì tính là không có công. Trị bệnh một lần được tính là một công, chế thuốc một lần được tính một công. Ngược lại, Phàm gặp người bệnh nặng mà không cứu, một người thì tính là hai tội. Bệnh nhẹ thì một người tính là một tội. Chữa không khỏi còn nhận hối lộ, 100 tiền thì tính là một tội, một quan tiền thì tính là mười tội. Chế thuốc độc hại người thì tính là mười tội. Hại chết người thì tính là một trăm tội. Cho dù là sơ ý làm chết người cũng tính là tám mươi tội”.
Sử liệu thời nhà Tống có ghi chép lại câu chuyện lang băm vì tham lam tiền tài mà bất cẩn hại chết người. Đối với loại lang băm này, Hứa Phỉ đời nhà Tống trong “Tiều Đàm” có ghi rằng: “Sát nhân giả tử, định pháp dã. Khốc lại sát nhân bất tử, mậu tướng sát nhân bất tử, dung y sát nhân bất tử, pháp định hồ?” (Tạm dịch : Pháp luật quy định rằng kẻ giết người phải chết. Nếu quan lại tàn bạo hại chết người mà không giết, quân tướng hại chết người mà không giết, lang băm hại chết người mà không giết thì định ra luật pháp làm gì?). Có thể thấy rằng, thầy thuốc đúng ra nên cứu người, nếu chẳng cứu người mà còn hại chết người thì quả báo sẽ đến ngay sau đó.
Lợi dụng y thuật mưu lợi hại người sẽ bị đọa vào địa ngục đền tội.
Tại một thị trấn thuộc Tuyên Thành, tỉnh An Huy, có một người họ Phù, mọi người đều gọi anh ta là “Trợ giáo Phù”. Anh ta có sở trường chữa mụn độc, nhưng khi chữa bệnh cho người, anh ta không chuyên tâm nghĩ đến việc làm cách nào để chữa khỏi bệnh mà chỉ tính toán làm cách nào để lừa được càng nhiều tiền càng tốt. Gặp người bệnh mụn độc mà độc tính không đủ mạnh, thì đầu tiên anh ta dùng thuốc để tăng độc tính trên vết thương để dựa vào đó mà lừa tiền của người bệnh. Anh ta đã làm ra không ít những chuyện xấu xa như vậy.
Một ngày nọ, Phù trợ giáo vào thành trị bệnh, trên đường về ngang qua chợ anh ta bèn ghé vào mua một ít hoa quả. Trong lúc đang ngồi nghỉ chân ở một cửa tiệm nọ, thì thấy một vị nha sai toàn thân mặc y phục màu vàng đột nhiên xuất hiện ngay trước mặt anh ta và trừng mắt hỏi: “Ngươi chính là Phù trợ giáo đúng không? Phán quan dưới địa phủ đang truyền ngươi đó”. Phù trợ giáo nghe xong hoảng sợ vội hỏi “Tôi có thể về nhà một chuyến trước không?”. Vị nha sai nói: “Lẽ ra ta phải đưa ngươi đi ngay, nhưng nếu ngươi đã nói như vậy thì ta cho ngươi thời hạn 7 ngày” . Nói xong, vị nha sai liền biến mất.
Trợ giáo Phù vào bờ và lên thuyền về nhà. Nhưng thuyền vừa cập bến thì đã nhìn thấy vị nha sai lúc nãy đã đứng đợi sẵn trên bờ. Anh ta vừa đi đến trước mặt thì vị nha sai đột nhiên rút ra một cây gậy đánh vào lưng anh ta. Phù trợ giáo la lên “Đau quá !”. Ngay lúc này, trên lưng anh ta xuất hiện một cục mụn độc lớn. Vì lưng đau không chịu nổi, nên ngày nào anh ta cũng than khóc, cứ như vậy đúng 7 ngày thì anh ta qua đời.
Lợi dụng nguy nan của người khác để trục lợi, người bệnh sau khi chết hiện về đòi mạng.
Tỉnh An Huy có một vị thầy thuốc rất giỏi trị bệnh mụn độc. Bởi vì trên cổng nhà ông ta có vẽ một cái lầu gác để làm kí hiệu, vì vậy người dân trong vùng đều gọi ông là Từ Lầu Gác. Cháu nội của ông ta là Từ Đại Lang, kế thừa y học truyền thừa của gia đình, vì vậy đối với các bệnh về mụn độc cũng vô cùng tinh thông.
Vào năm Thiệu Hưng thứ 8 ( năm 1138 ), ở huyện Lật Thủy tỉnh Giang Tô, có một người giàu có tên là Giang Thuấn Minh, vì trên lưng mọc lên một cục mụn độc, nên không quản đường xa đến tìm nhà họ Từ cầu cứu. Từ Đại Lang nói: “Bệnh này tôi chữa được”. Nhà họ Giang nghe xong liền hứa “Chỉ cần bệnh được chữa khỏi, Từ Đại Lang sẽ nhận được ba trăm ngàn tiền tạ lễ”.
Sau khoảng 10 ngày điều trị, Giang Thuấn Minh đã có thể ăn uống bình thường, còn có thể nói cười được, xem ra tinh thần rất tốt, nhưng khi đứng và nằm đều cần người giúp đỡ. Một ngày nọ, mụn độc trên lưng ông ta đột nhiên đau ngứa trở lại, bèn gọi Từ Đại Lang đến để điều trị. Từ Đại Lang nói: “Phải đợi mụn độc lở loét mưng mủ, đẩy mủ và máu ra ngoài thì bệnh mới khỏi”.
Đêm đến, Từ Đại Lang dùng một loại phương thuốc dân gian để bắt đầu điều trị cho Giang Thuấn Minh, rất nhiều người đều tụ tập lại xem. Đầu tiên, anh ta dùng kim đâm vỡ mụn độc, tiếp đó xoắn một mảnh giấy thành một thanh giấy mỏng dài 5 thốn. Sau đó nhúng thuốc rồi trực tiếp cắm vào chỗ mụn độc vừa bị đâm. Lúc này, Giang Thuấn Minh hét lớn: “Đau quá!”, tiếng hét càng lúc càng lớn. Nhưng Từ Đại Lang lại nói với nhà họ Giang rằng: “Các người còn phải trả thêm hai mươi lăm lượng bạc nữa thì ta mới có thể rút thanh giấy ra. Đợi máu và mủ đều chảy ra hết rồi thì ông ta sẽ không còn đau nữa” .
Con trai của Giang Thuấn Minh rất tức giận và kiên quyết không đồng ý. Anh ta nói: “Lúc trước chúng tôi đã trả không ít rồi, đêm nay anh hãy trị khỏi bệnh cho cha của tôi trước, rồi ngày mai chúng tôi sẽ trả tiền cho anh”. Từ Đại Lang không chịu, nhất quyết yêu cầu nhà họ Giang phải đưa tiền trước. Người nhà họ Giang bèn nói với con trai của Giang Thuấn Minh rằng: “Cha của ngươi đã đau đến mức này rồi mà ngươi còn quan tâm đến tiền sao?”. Con trai của Giang Thuấn Minh bất đắc dĩ đành phải đưa tiền cho Từ Đại Lang.
Trong lúc mọi người nói chuyện thì thanh giấy mỏng dài 5 thốn đó đã cắm vào lưng của Giang Thuấn Minh hơn một canh giờ rồi, lúc Từ Đại Lang rút ra thì máu mủ cũng theo đó mà phun ra. Một lúc sau thì không còn nghe tiếng la hét của Giang Thuấn Minh nữa. Từ Đại Lang cho rằng mình đã trị xong bệnh cho bệnh nhân rồi, nhưng khi người nhà họ Giang đến xem thì phát hiện Giang Thuấn Minh đã chết rồi, nhưng máu và mủ từ vết thương trên lưng của ông ta vẫn không ngừng chảy ra.
Chưa đầy một năm sau, Từ Đại Lang đột nhiên bị sốt. Anh ta nằm trên giường, không ngừng than khóc và tự lẩm bẩm: “Giang Thuấn Minh à, cầu xin ông đừng đánh tôi nữa, tôi tuy đã phạm sai lầm, nhưng con trai ông cũng có chỗ không đúng cơ mà!” Từ Đại Lang bị dày vò mấy hôm thì tắt thở mà chết. Không lâu sau, vợ anh ta lấy người khác và dẫn theo hai con trai, nhà họ Từ vì vậy mà không còn nữa, cả y thuật gia truyền của tổ tiên cũng không người thừa kế.
Vì tham lam tiền tài mà dùng thuốc bừa bãi, hại chết người sau phải đền mạng.
Thôn Thủy Dương thuộc Tuyên Thành tỉnh An Huy có một vị thầy thuốc tên là Lục Dương. Năm Kiến Viêm thời Nam Tống, sử quan Chu Tân vì tránh chiến tranh loạn lạc đã ngồi thuyền từ bắc trốn về phương nam. Vì không có nơi ở cố định, ông đành cùng gia đình sống trên thuyền.
Không lâu sau, phu nhân của ông đổ bệnh nên ông đã mời Lục Dương đến để chữa trị. Phu nhân gặp Lục Dương liền nói: “Tôi luôn cảm thấy huyết khí không đủ, thuốc giải nhiệt lại không uống được. Bây giờ mặc dù cảm thấy khô nóng trong ngực nhưng lại không muốn uống nước. Điều này có thể là do quá hoảng sợ trong quá trình chạy trốn cường đạo, thêm cảnh sống màn trời chiếu đất, không chăm sóc sức khỏe cẩn thận. Ông đừng nên chỉ nhìn triệu chứng bên ngoài rồi bảo tôi uống thuốc giải nhiệt, tôi thật không uống được. Nhưng sử quan nhà tôi thì lại khác, ông ấy rất thích uống rượu, hơn nữa còn thường xuyên cảm thấy khát, vì vậy ông ấy nhất định phải uống thuốc giải nhiệt, ông cũng không cần hỏi lại ông ấy làm gì. Tôi ở đây có một ít trân châu cất giấu riêng, xem như là tiền thuốc, ông đừng lo về chi phí, chỉ cần dùng thuốc tốt là được rồi” .
Nhưng sau khi Lục Dương chẩn mạch cho phu nhân của sử quan xong thì nhất quyết cho rằng bà mắc bệnh thương hàn, bèn nấu canh sài hồ cho bà uống. Phu nhân sau khi ngửi mùi thì cảm thấy có gì đó không đúng liền nói với Lục Dương: “Thuốc này ngửi mùi có vẻ như là sài hồ, ông nhất định phải cẩn thận, tôi mà uống phải thuốc đó thì sẽ chết đấy”. Lục Dương nghe xong thì dỗ dành bà: “Không sao đâu, đây không phải là sài hồ, bà yên tâm đi” .
Bà phu nhân nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng Lục Dương vẫn một mực khẳng định rằng dược liệu mà anh ta dùng không phải là sài hồ. Kết quả, bà vừa uống xong thuốc thì bắt đầu nôn mửa và tiêu chảy. Một lúc sau tình trạng càng tệ hơn. Bà dùng hơi thở cuối cùng để nói với Lục Dương rằng: “Chuyện này chưa xong đâu, đợi ngươi xuống âm tào địa phủ ta sẽ tính sổ với ngươi”, nói xong thì bà tắt thở chết.
Vài năm sau, có con trai nhà họ Lý ở huyện Lật Thủy, tỉnh Giang Tô, tên là Lục Lang mắc phải bệnh lao bèn tìm đến Lục Dương để chữa trị. Ông ta chữa trị mấy ngày nhưng bệnh tình của Lục Lang vẫn không chút khởi sắc. Vậy nhưng ông ta vẫn điềm nhiên đến kỹ viện uống rượu mua vui, thậm chí còn yêu cầu nhà họ Lý trả chi phí chữa bệnh và cả tiền rượu. Anh trai của Lục Lang vô cùng tức giận và kiên quyết không đưa tiền cho ông ta.
Một buổi tối, ông ta đến nhà họ Lý trong tình trạng say khướt và ép Lục Lang uống mấy chục viên thuốc. Lục Lang uống thuốc xong thì không ngừng hét lên: “Thuốc ở trong ngực như bị lửa thiêu đốt”, “Thuốc ở trong bụng, như bị lửa thiêu đốt”, “Thuốc ở dưới rốn, như bị lửa thiêu đốt”. Cứ như vậy một lúc lâu, Lục Lang chỉ cảm thấy bụng đau không dứt, kêu lớn một tiếng rồi từ trên giường lăn xuống đất. Đến nửa đêm, Lục Lang dần dần ngừng kêu la. Lục Dương tiếp tục yêu cầu anh ta uống thảo ô và chu sa, nhưng Lục Lang lúc này không thể nuốt nổi bất cứ thứ gì nữa. Lục Dương nhìn thấy tình hình này liền lo sợ vội vàng bỏ trốn. Trời chưa sáng thì Lục Lang đã qua đời.
Nhiều năm sau, Lục Dương đột nhiên phát bệnh, trong lúc bệnh nặng ông ta không ngừng la hét thảm thiết: “Chu phu nhân, Lý Lục Lang, các người đừng đánh ta nữa, ta sẽ đến ngay đây”. Mười ngày sau thì Lục Dương chết.
Có thể thấy, câu nói của người Trung Quốc xưa quả thật không sai chút nào: “Thiện báo, ác hữu ác báo, bất thị bất báo, thời hậu vị đáo, thời hậu nhất đáo, lập khắc tựu báo” (tạm dịch: thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, không phải không báo, chỉ là chưa đến lúc, một khi đến lúc thì lập tức phải chịu báo ứng ).
Nhan Văn
Do Lý Tịnh Thành biên tập
Oanh Lê biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times