Câu chuyện Thần tiên: Thành tâm kính Đạo cảm động tiên nhân
Con trâu già sống lại, vàng ngọc tự bay đến, báu vật cũng tự mình tập hợp… đó là những trải nghiệm kỳ diệu của người đàn ông thành tâm kính Đạo.
Xưa có một người tên là Phùng Đại Lượng, sống ở huyện Đạo Giang, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Mặc dù xuất thân trong gia cảnh bần hàn và mang tâm cầu Đạo, nhưng Phùng Đại Lượng không tu tập bất kỳ pháp môn nào. Mỗi khi thấy có Đạo sĩ hoặc tu sĩ đi ngang qua, ông đều mở cửa nghênh đón hoặc mời họ ở lại nhà một đoạn thời gian.
Nhà Phùng Đại Lượng chỉ có duy nhất một con trâu già làm đầu cơ nghiệp. Một ngày nọ con trâu già đột nhiên chết đi, vợ ông khóc lóc nỉ non rằng: “Cái ăn cái mặc của cả gia đình đều dựa vào con trâu này, giờ nó chết rồi, chúng ta dựa vào thứ gì để duy trì cuộc sống?”.
Hồi ấy trên núi Từ Mẫu có một Đạo sĩ, mỗi lần đi ngang qua nhà họ Phùng đều dừng chân nghỉ lại ít ngày. Lúc này vị Đạo sĩ lại đến, vợ chồng ông đem chuyện trâu già kể cho Đạo sĩ nghe.
Vị Đạo sĩ nói: “Ông còn giữ bộ da và sừng trâu không?”. Phùng Đại Lường gật đầu và mang ra những gì còn lại. Vị Đạo sĩ bèn buộc tấm da thành hình con trâu, cắt bốn miếng gỗ để làm chân, rồi dùng dây thừng buộc miệng lại, sau đó lớn tiếng đuổi đi thì con trâu liền sống dậy, vẫn mạnh khoẻ béo tròn như trước. Đạo sĩ nói: “Con trâu này không cần ăn hay uống, nhưng lại có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm. Ông có thể dùng nó để cày bừa hoặc kéo cối xay, sức mạnh của nó gấp đôi con trâu bình thường. Nhưng nhớ là tuyệt đối không được tháo dây thừng cột miệng nó ra”. Kể từ đó, vị Đạo sĩ cũng không còn đến thăm Phùng gia nữa.
Vào một năm ngày hè oi bức, con trâu bận rộn làm việc đến mức thở hổn hển. Cậu bé chăn cừu thương con trâu vất vả bèn cởi dây thừng ra cho nó, bất ngờ là con trâu lại biến thành một đống da và xương. Tuy nhiên, lúc này nhà họ Phùng đã trở nên giàu có, gia nghiệp không còn phụ thuộc vào con trâu như trước. Sau đó Phùng Đại Lượng liền cải tạo phòng xay cối thành một quán rượu.
Phùng Đại Lượng thường dùng quán rượu này để phụng Đạo, bày tỏ lòng biết ơn đối với Tiên nhân, đồng thời, ông vẫn làm việc thiện giúp người và vẫn tỏ lòng hiếu khách với các vị tu sĩ.
Một số bậc lão nhân đi kiếm củi thường đến quán của Phùng Đại Lượng uống rượu. Ông không lấy tiền mà còn dùng lễ để đối đãi, cho dù họ đã uống miễn phí nhiều lần thì ông vẫn tỏ lòng tôn kính. Một ngày nọ, có vị lão nhân nói với Phùng Đại Lượng: “Ngày mai tám người chúng tôi sẽ đến đây uống cho đến khi say mới thôi, ông đừng ngạc nhiên khi thấy chúng tôi đông như vậy”.
Hôm sau, tám bậc lão nhân cùng nhau đến, một vị lấy từ tay áo ra cây trinh nam nhỏ cao khoảng năm đến sáu tấc (20 cm), rồi đem trồng ở trong sân, sau đó uống rượu cho đến khi thỏa thích mới rời đi.
Trước khi đi, vị ấy nói: “Cảm ơn ông đã thiết đãi rượu ngon, chúng tôi không có gì để báo đáp nên đã trồng cho ông một gốc cây nhỏ trong sân. Khi đường kính của thân cây này khoảng một thước (33 cm) thì nhà ông tài phú bạc triệu rồi. Khi đó, ông có thể đem đi tiến cống, giúp đỡ thiên tử mà lưu danh sử sách. Mười năm sau, chúng ta sẽ còn gặp lại tại cung Cự Nhân trên đỉnh núi Mân Sơn, khi ấy chúng tôi sẽ dạy ông đạo Phi Tiên”. Nói xong họ liền rời đi.
Mười ngày sau, gốc cây nhỏ lớn lên cao đến hơn chục trượng, đường kính thân cây cũng dài đủ một thước. Sau đó, vàng ngọc tự động bay đến nhà Phùng Đại Lượng, báu vật cũng tự mình tụ hợp. Phùng Đại Lượng trở nên vô cùng giàu có, ngay cả những nhà đại phú như Trác Vương Tôn hay Mi Trúc Giá cũng không thể sánh bằng.
Năm năm sau, Đường Huyền Tông tị nạn tại nước Thục, Phùng Đại Lượng đã cống hiến ba mươi vạn quan tiền để trợ giúp hoàng đế.
Không ai rõ sau này Phùng Đại Lượng có gặp lại các vị lão nhân và được truyền dạy đạo Phi Tiên hay không, nhưng những gì ông được chứng kiến thì thật là kỳ tích. Người ta nói, ấy là do ông cả đời thành tâm kính Đạo, nên đã làm cảm động các vị Tiên nhân.
Nguồn: “Tiên truyện thập di”.
Chỉnh lý lại từ Chánh Kiến Net.