Vì sao trẻ không muốn đọc sách?
Trời tối dần, sau cả ngày làm việc với cơ thể mệt mỏi, cuối cùng bạn cũng trở về nhà.
Dỡ túi xách xuống, thả mình trên ghế sofa êm ái, toàn thân thả lỏng. Lúc này muốn xem cái gì, bạn sẽ lấy điện thoại di động từ trong túi ra, lướt trên Facebook và các trang mua sắm trực tuyến? Hay là bấm điều khiển từ xa và bật TV? Hoặc cầm một cuốn sách trên kệ? Cuốn sách đó có phải là cuốn sách kinh điển – “Hồng Lâu Mộng” không?
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, tất nhiên đây là lúc để thư giãn! Vì vậy, việc lướt điện thoại và xem TV thường được ưu tiên, nó có thể khiến mọi người thả lỏng một hơi và cảm thấy thư giãn, còn về “Hồng Lâu Mộng”… khi nào có thời gian thì hẵng nói tiếp!
Vậy nếu đặt con trẻ vào tình huống tương tự thì sao?
Sau cả ngày học ở lớp và trung tâm luyện thi, đầu óc quay cuồng, cuối cùng đứa trẻ cũng trở về nhà.
“Con về rồi!”. Đứa nhỏ vừa vào cửa liền ném cặp sách xuống đất, nhảy lên sofa, sau đó lấy điện thoại di động trong túi ra, bắt đầu chơi game… Lúc này, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Bạn nhẹ nhàng nói với con: “Con à, con học hành cả một ngày chắc cũng mệt lắm rồi, hãy nghỉ ngơi một chút đi!”. Hay là hét lên trong cơn thịnh nộ rằng: “Có thời gian không đọc thêm sách, còn nghịch điện thoại di động?”
Nếu chúng ta từng cảm thấy rằng cần được thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi, thì khẳng định có thể hiểu mong muốn được nghỉ ngơi sau một ngày dài học tập của trẻ. Chỉ là, kỳ vọng đối với con cái dường như đã khiến chúng ta quên mất sự đồng cảm.
Trong cuộc sống hiện đại, “thế giới Internet” nhanh chóng, tiện lợi, phong phú, đa dạng và hấp dẫn, tự nhiên đã trở thành sự lựa chọn tốt nhất để thư giãn và giải trí. Nó cũng trở thành một trong những trở ngại trong việc nuôi dưỡng sở thích đọc sách của trẻ em.
Chúng ta đều biết rằng đọc sách có rất nhiều lợi ích, nhưng trong môi trường hiện đại, việc trau dồi thói quen đọc sách không phải là điều dễ dàng! Để có thể “bốc thuốc đúng bệnh”, trước hết cần nhìn xem đứa trẻ đang gặp những khó khăn gì khi đọc sách trong môi trường hiện nay?
Tại sao không thể tập trung vào việc đọc sách?
Cách đây vài năm, mẹ con tôi thường nhóm lửa trong sân dưới ánh trăng và cùng nhau chuẩn bị nướng thịt. Khi tôi cuộn một tờ báo lại và cho vào bếp lửa để ngọn lửa bùng lên, thì mẹ tôi chợt thốt lên xót xa rằng: “Khi còn nhỏ, mẹ đã từng bị bà nội mắng cho một trận vì ngồi lên báo, không như bây giờ, còn có thể lấy ra để đốt lửa và lau sàn…”
Đúng vậy! Từng có thời giáo dục tri thức vẫn chưa phổ biến, chỉ cần chữ được in trên giấy thì sẽ được coi là biểu tượng của tri thức, và phải được đốt trong chiếc lò vàng đặc biệt trong ngôi miếu “Tích Tự Đình” [Miếu tiếc chữ]. Ngay cả một tờ báo còn được đánh giá cao như vậy, huống hồ là một cuốn sách đầy chữ.
Còn có một hình ảnh khác mà tôi không bao giờ quên.
Vào mùa xuân nọ, khi tôi dạy học cho trẻ em thổ dân ở một trường tiểu học trên núi, có một cậu bé chỉ vào bông hoa mới nở trên cây trong sân chơi và nói với tôi bằng tiếng Trung với giọng địa phương rằng: “Cô giáo nhìn kìa! Thật là một bông hoa ‘sặc sỡ’!”. Tôi nhìn đứa bé lớp 5 da ngăm đen, đôi mắt to răng trắng này với vẻ mặt kinh ngạc: “Tại sao con lại dùng từ ‘rực rỡ’? Con có biết nghĩa của nó là gì không?”
“Biết ạ! Trên cuốn sách của con có viết ‘đỏ, vàng, tím, màu sắc thật sặc sỡ…’. Nó phải là rất nhiều màu!”. Sau khi tiếp tục trò chuyện, tôi được biết cậu bé chỉ có hai cuốn sách của riêng mình, được anh trai “giao lại” sau khi đọc xong, cậu bé gần như đã có thể thuộc lòng nội dung.
Trong thời đại và hoàn cảnh “của hiếm thì quý”, sách vở có được không dễ, con người tự nhiên sẽ nâng niu trân quý và tận dụng nó. Ngược lại, ở thời hiện đại, số lượng sách xuất bản nhiều vô số, thị trường sách bùng nổ và nguồn tài nguyên tràn ngập, ngược lại khiến người ta cảm thấy hụt hẫng và không biết chọn gì, đừng nói đến chữ hai chữ “trân quý”.
Từng có đứa trẻ mang cuốn sách do một thần tượng viết đến lớp học, và tôi tò mò mượn nó để đọc. Chưa giở ra thì không sao, vừa giở ra tôi thiếu chút nữa thì té xỉu. Cuốn sách rất nhiều màu sắc, được trang trí rất đẹp mắt, bên trong phần lớn đều là những bức ảnh của thần tượng, kèm theo một vài dòng chữ như: “Nắng hôm nay ấm quá! Bạn dậy rồi à?”
Tôi thắc mắc: “Đây là… sách à?”.
Đứa trẻ nhìn tôi không bằng lòng, bĩu môi giật lại cuốn sách: “Cô giáo không hiểu! Nó được gọi là ‘sách ảnh’!”
Dù là một cuốn album ảnh hay một cuốn sách ảnh, những tờ giấy viết như vậy sẽ mang lại điều gì cho con em chúng ta? Nó có thể được lưu giữ trong bao lâu? Mang theo bao nhiêu giá trị? Nhãn dán màu vàng của từ “Special 599” lóe lên trên trang bìa khiến tôi không khỏi xúc động.
Tác giả: Lượng Ngữ Phu Thê
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ