‘Trộm cướp cũng có đạo’: Một lời nhân nghĩa đủ đoạn ác tâm
Thời Trung Quốc cổ đại mỗi lần thay đổi triều đại, khi xã hội xuất hiện rối loạn, thì cứ nhiên giặc cướp sẽ thịnh hành, phần lớn bọn họ vì bị ép vào đường cùng, vì sinh tồn mà đi tới con đường này. Có điều, đạo đức xã hội lúc bấy giờ vẫn duy trì ở tiêu chuẩn nhất định, cho dù là giặc cướp cũng giữ vững ít nhiều tư tưởng chính phái, cũng đều duy trì sự tôn trọng nên có đối với những người chí hiếu, đối với những người tuân thủ nghiêm ngặt đạo nghĩa. Sách sử cũng có ghi lại một số chuyện như vậy.
Chí hiếu cảm động bọn cướp
Những năm cuối thời Tây Hán, ở Bành Thành thuộc Sở Quận có một người tên là Lưu Bình, làm người đứng đầu của một quận vào thời Vương Mãng, ông rất có năng lực, đã quản lý khu vực thuộc thẩm quyền của mình an ổn và phát triển. Sau khi Lục Lâm quân xây dựng chính quyền mới, thiên hạ đại loạn, trộm cướp nổi lên khắp nơi. Lưu Trọng là em trai của Lưu Bình cũng đã bị giặc cướp giết chết.
Một hôm, một đám giặc cướp đến khu vực thuộc quyền quản lý của Lưu Bình. Lưu Bình ôm con gái của Lưu Trọng mới vừa một tuổi, dìu mẹ già chạy ra bên ngoài lánh nạn. Trong lúc quá vội vàng, Lưu Bình đã để con trai còn nhỏ của mình lại trong nhà. Người mẹ già muốn mang cháu trai theo cùng, Lưu Bình không chịu, nói rằng: “Nếu như mang theo nó chạy nạn, mọi người đều không thể nào sống sót, mà con không thể để cho Lưu Trọng không có người nối dõi được”.
Lưu Bình và mẹ già cùng cháu gái trốn ở trong núi. Lúc thiên hạ đại loạn, khắp nơi đều là nạn đói, có nhiều nơi thậm chí đã xuất hiện tình huống ăn thịt người. Trong quá trình đi tìm thức ăn, Lưu Bình đã gặp phải mấy kẻ cướp cũng đang đi tìm đồ ăn, bọn chúng bắt Lưu Bình lại, định nướng lên ăn. Lưu Bình dập đầu rưng rưng cầu xin rằng: “Mẹ già của tôi còn đang chờ tôi mang mấy thứ về ăn, chờ tôi sau khi hầu hạ mẹ già ăn xong, sẽ quay trở lại chịu chết”.
Lòng hiếu thảo của Lưu Bình làm cho bọn cướp cảm động, đồng ý thả ông đi. Nhưng khiến cho bọn chúng hết sức kinh ngạc chính là, sau khi mẹ của Lưu Bình ăn xong, Lưu Bình quả thật đã quay lại. Lưu Bình nói: “Chính nghĩa không thể dối lừa”. Bọn cướp ngơ ngác nhìn nhau rồi nói: “Chúng ta thường nghe nói ‘Liệt sĩ’, hôm nay mới gặp được. Ông nhanh đi đi, chúng tôi không nỡ làm hại ông”. Vì vậy Lưu Bình được bảo toàn tính mạng.
Cuối thời nhà Hán cũng có một chuyện tương tự như thế. Một vị tên là Triệu Tư đã từng làm Thái thú của vùng Đôn Hoàng, cũng bởi vì “có tấm lòng hiếu thảo” mà được tiến cử làm quan. Về sau vì bị bệnh nên ông từ quan về nhà, dẫn dắt con cháu làm ruộng để sinh sống, đồng thời phụng dưỡng mẹ già.
Một hôm vào ban đêm, một nhóm cướp đến nhà Triệu Tư. Triệu Tư lo lắng mẹ bị kinh sợ, ông đi đến trước cửa đón tiếp bọn cướp, mang đồ ăn ra mời chúng ăn, còn nói với chúng rằng: “Mẹ già của tôi đã 80 tuổi rồi, lại bị bệnh, trong nhà cất giữ lương thực không nhiều lắm. Cầu xin các vị có thể chừa lại cho tôi một ít lương thực và quần áo đồ dùng, để tôi có thể phụng dưỡng mẹ già”.
Bọn cướp nghe xong, đều cảm thấy hổ thẹn, liền quỳ lạy rồi rời đi, không lấy bất kỳ thứ gì. Triệu Tư lấy ra một vài thứ rồi chạy theo ra cửa, nhưng bọn cướp đã chạy xa rồi, đuổi theo không kịp. Danh tiếng về lòng hiếu thảo của Triệu Tư được truyền bá khắp nơi.
Tình cảm anh em làm cảm động bọn cướp
Từ thời Vương Mãng đến năm đầu tiên của nhà Đông Hán, ở vùng Bái Quốc Kỳ (vùng An Huy ngày nay) có một người tên là Triệu Hiếu, phụ thân của ông từng làm tướng quân Điền Hòa dưới thời kỳ tân chính của Vương Mãng, Triệu Hiếu nổi tiếng hiếu thuận.
Thời đó do nạn đói, ở vùng của ông cũng đã xuất hiện tình cảnh ăn thịt người. Một ngày, em trai của Triệu Hiếu là Triệu Lễ bị một đám cướp đói khát bắt đi. Khi Triệu Hiếu biết được tin này, ông tự trói mình lại rồi đến gặp bọn cướp và nói: “Em trai Triệu Lễ của ta lâu nay không được ăn no, đã đói đến gầy còm, trên người không có nhiều thịt bằng ta.”
Bọn cướp kinh hãi, cho thả Triệu Hiếu ra, bảo anh ta đi tìm một ít thức ăn đến chuộc lại em trai của mình. Triệu Hiếu không cách nào tìm được lương thực, lần nữa tìm đến bọn cướp, nguyện ý chết thay cho em trai. Tinh thần đó của anh ta đã làm bọn cướp cảm động, cho thả cả hai anh em đi. Về sau, bởi vì hiếu đễ nên Triệu Hiếu được tiến cử làm quan, còn nhận được tán thưởng của Hoàng Đế.
Một câu chuyện tương tự như vậy cũng xảy ra trong thời kỳ này. Nhi Manh tự là Tử Minh người nước Tề và Xa Thành tự là Tử Uy ở quận Lương là hai huynh đệ, cả hai đều bị quân Xích Mi bắt được. Trước khi hai người họ sắp bị giết chết, cả hai đều dập đầu cầu xin được chết thay cho người kia. Quân Xích Mi rất cảm động, lệnh cho thả cả hai người họ.
Tuân Cự Bá vì nghĩa xả thân bảo vệ quận thành
Thời kỳ Hoàn Đế cuối thời Đông Hán, có một người tên là Tuân Cự Bá từ xa đến thăm một người bạn đang bị bệnh, đúng lúc gặp phải quân Hồ đang tấn công vào quận thành. Người bạn nói với Tuân Cự Bá: “Hiện nay tôi gần chết rồi! Ông nên rời đi đi.” Tuân Cự Bá nói: “Tôi từ xa đến thăm ông, ông lại bảo tôi rời đi, bảo tôi vứt bỏ chính nghĩa để bảo vệ tính mạng mình, chuyện thế này sao lại là chuyện mà Tuân Cự Bá tôi đây làm được!” Ông kiên quyết ở lại bên cạnh bạn mình.
Sau khi quân Hồ vào thành, nói với Tuân Cự Bá: “Đại quân của chúng ta vừa đến, toàn bộ người của Quận thành đều chạy hết, ngươi là ai, lại dám một mình ở lại?” Tuân Cự Bá nói: “Bạn của ta bị bệnh, ta không đành lòng bỏ mặc bạn mình, ta tình nguyện lấy tính mạng của mình để bảo vệ người bạn này.”
Quân Hồ bàn luận với nhau: “Chúng ta là những người không hiểu đạo nghĩa, lại xâm phạm vào quận thành trọng đạo nghĩa!” Vì vậy rút đại quân về. Toàn bộ quận thành nhờ vậy đã được bảo toàn.
Vì cứu mạng người, tên trộm chủ động nhận tội
Trong những năm Đại Thuận thời kỳ Quang Khải dưới thời vua Đường Hy Tông, ở huyện Bao Trung đã xảy ra vụ án đào trộm mộ, quan phủ đã điều tra trong một thời gian dài cũng chưa bắt được tội phạm, mà cấp trên lại thúc giục phá án rất gấp.
Rốt cục có một hôm, quan phủ bắt được một người, nhưng kéo dài hơn một năm mà người này cũng không nhận tội. Cuối cùng, dưới sự tra tấn tàn khốc của lính canh ngục, người này không chỉ thú nhận tội của mình, còn làm liên lụy thêm vài người. Người này bị kết án tử hình.
Nhưng ngay tại thời điểm hành hình, một người trong đám người vây xem đứng ra nói: “Vương pháp sao có thể oan uổng người vô tội. Người trộm mộ là ta, người này có tội gì đâu, lại sắp bị mất đầu? Nhanh thả anh ta ra.” Người này còn lấy ra tang vật trộm được từ trong mộ. Qua sự kiểm tra của các quan sai, chứng minh đúng là những thứ trộm từ trong mộ ra.
Phiên soái (Tiết độ sứ) tự mình thẩm vấn người nhận tội lúc trước. Người này nói: “Tôi mặc dù biết mình vô tội, nhưng không thể chịu đựng được các cực hình tra tấn liên tục, cho nên bảo người nhà làm giả tang vật, hy vọng được chết sớm một chút.”
Phiên soái nghe xong quá kinh sợ, liền đem tình tiết vụ án báo lên triều đình. Cuối cùng kết quả xử lý là: Đem quan coi ngục thẩm tra xử lý vụ án này bắt lại và trị tội, thả người bị bắt oan, người tự đứng ra đầu thú được thu nhận làm nha dịch, đồng thời nhận được khen thưởng.
Cổ ngữ có câu “trộm cướp cũng có đạo”, chính là nói rằng cho dù là trộm cướp, thì họ vẫn có những quy tắc cho hành vi của mình. Từ những ví dụ được kể ở trên, có thể chứng minh được câu nói này là không hề giả.
Tư liệu tham khảo:
1 . “Hậu Hán thư”
2 . “Thế thuyết tân ngữ”
3 . “Thái bình quảng ký” dẫn từ “Ngọc đường nhàn thoại”
Do Lý Tịnh Thành biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ