Vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn học thuật xuống cấp biến Đại học Vũ Hán thành ‘con tàu đắm’
Đại học Vũ Hán (WHU) vừa tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm ngày thành lập trường, nhưng không phải ai cũng có tâm trạng để ăn mừng. Một số cựu sinh viên chỉ trích sự thụt lùi và xuống cấp trong tiêu chuẩn học thuật của trường. Hơn nữa, một nhóm nhân quyền còn cáo buộc rằng một số giáo sư của trường đại học này đã tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc.
Hôm 29/11, WHU đã tổ chức một bữa tiệc với sự tham dự của các quan chức cao cấp, các vị khách quý, và cựu sinh viên.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ sinh viên tốt nghiệp WHU đều hòa mình trong bầu không khí náo nhiệt đó. Ông Nhiêu Hải (Rao Hai), cựu phó giáo sư tại Trung tâm Khoa học Y tế thuộc Đại học Texas ở San Antonio, Texas, bày tỏ mối lo ngại của mình trong một bài báo đăng trên trang web của anh trai ông, có tên là “Nhiêu Bàn luận về Khoa học” (Rao Discussions Science), đặt ra câu hỏi liệu trường đại học này có đang phản ánh nghiêm túc về tình trạng tiêu chuẩn học thuật sa sút của mình hay không.
Ông Nhiêu cho biết 30 năm trước, WHU xếp thứ tư trong số 19 trường đại học lớn về khoa học tự nhiên ở Trung Quốc; giờ đây, trường này đã tụt xuống vị trí thứ chín. Ông cho biết, mặc dù tiêu chuẩn học thuật sa sút, nhưng ban quản lý của trường đại học này dường như đang dành hết sự tập trung cho các hoạt động gây quỹ.
Ông Nhiêu ví sự sa sút của WHU với một “con tàu đắm” và đặt câu hỏi về mục đích gây quỹ. Ông cho rằng gốc rễ của vấn đề là ở cách lãnh đạo của trường đại học này.
Vi phạm đạo đức nghề nghiệp
Anh trai của ông Nhiêu, ông Nhiêu Nghị (Rao Yi), một giáo sư sinh học tại Đại học Bắc Kinh, cũng có cùng quan điểm.
Vào tháng 01/2018, ông Nhiêu Nghị đã công bố một báo cáo trên trang web của mình, do một chuyên gia của trường WHU viết, cáo buộc ông Lý Hồng Lương (Li Hongliang), trưởng Khoa Y học Cơ bản của Đại học Vũ Hán, đã xuất bản hai bài báo trên tạp chí Nature Medicine bị nghi ngờ là gian lận, cung cấp “bằng chứng không thể chối cãi.”
Vào ngày 29/11/2019, ông Nhiêu Nghị đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc chống lại ông Lý và những người khác vì tội gian lận trong học thuật, cáo buộc rằng ông Lý đã gian lận trong suốt 17 năm. Tháng 09/2020, ông Lý từ chức và bị loại khỏi các chức vụ hành chính khác.
Một số giáo sư bị cáo buộc không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn tiếp tay cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền.
Cuộc bức hại Pháp Luân Công
Vào tháng 09/2017, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) báo cáo rằng một số giáo sư triết học của WHU bị phát hiện đã hợp tác với ĐCSTQ trong cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Tổ chức phi chính phủ này tuyên bố rằng WHU đã trở thành nơi đào tạo những người ủng hộ chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần gồm bộ công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên tắc căn bản là chân, thiện, và nhẫn. Theo ước tính chính thức vào thời điểm đó, môn tu luyện này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, với 70 triệu đến 100 triệu người theo học vào cuối thập niên này.
Chế độ cộng sản vô thần lo ngại số lượng học viên đó sẽ trở thành một mối đe dọa đối với quyền cai trị độc tài của mình nên đã phát động một chiến dịch sâu rộng vào ngày 20/07/1999 để xóa sổ môn tu luyện này — một chiến dịch vẫn tiếp diễn đến ngày nay. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi giam giữ.
Theo WOIPFG, kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu, một nhóm giáo sư từ Khoa Triết học của WHU đã tích cực phỉ báng và vu khống Pháp Luân Công bằng nhiều cách khác nhau, bịa ra một “cơ sở lý thuyết” [để biện minh] cho các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
Họ lấy “Hiệp hội Chống Tà giáo tỉnh Hồ Bắc” làm nền tảng để thực hiện chính sách xóa sổ của ĐCSTQ đối với môn tu luyện này. Vào năm 2014, nhóm này đã hợp tác với Đài Truyền hình tỉnh Hồ Bắc và Hiệp hội Khoa học và Công nghệ tỉnh Hồ Bắc để công kích Pháp Luân Công qua nhiều sự kiện có tổ chức, chương trình truyền hình, báo chí, điện thoại di động, và nền tảng truyền thông xã hội WeChat.
Ngoài ra, người đứng đầu Khoa Nghiên cứu Tôn giáo, ông Đoạn Đức Trí (Duan Dezhi), được cho là người dẫn dắt viết cuốn sách “Là tà giáo chứ không phải là tôn giáo” để bôi nhọ môn tu luyện này, và cuốn sách đó đã trở thành một công cụ tư tưởng chính cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Khoa Triết học đã thực hiện ít nhất tám dự án nghiên cứu do “Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc” tài trợ, vốn phù hợp với luận điệu của Bắc Kinh và thao túng dư luận.
Vào tháng 12/2017, Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Tà giáo Quốc tế của WHU đã tổ chức một diễn đàn trong đó một số giáo sư đã có bài thuyết trình công kích Pháp Luân Công. Cơ quan truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đã đăng một báo cáo tuyên bố rằng 30 học giả phương Tây đã tham gia vào diễn đàn này và họ đều “đồng ý rằng Pháp Luân Công là một tà giáo đang lan truyền tin đồn nhằm bôi nhọ Trung Quốc.”
Một trong những diễn giả được mời, ông Michael Kropveld, trước đây đã nói với The Epoch Times rằng bài báo của Tân Hoa Xã đã bóp méo nhận xét của ông và xuyên tạc nội dung của hội nghị. Ông Kropveld, người sáng lập và giám đốc điều hành của Info-Cult/Info-Secte, cho biết chỉ có bốn chuyên gia nước ngoài tham dự diễn đàn, và có hai chuyên gia không đồng tình với quan điểm của ĐCSTQ về môn tu luyện Pháp Luân Công.
Thu hoạch nội tạng
Năm 2006, nạn thu hoạch nội tạng được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã bị hai nhà hoạt động nhân quyền người Canada là ông David Kilgour và ông David Matas vạch trần, thu hút sự chú ý của quốc tế. Kể từ đó, ngành công nghiệp thu hoạch và cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ đã không ngừng mở rộng, nhắm vào không chỉ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp mà còn nhắm vào các nhóm bị đàn áp khác, những nhóm dân số dễ bị tổn thương, và thậm chí cả những công dân bình thường.
WOIPFG đã công bố hai báo cáo điều tra vào ngày 30/04/2021, cáo buộc rằng hai bệnh viện trực thuộc Đại học Vũ Hán là Bệnh viện Trung Nam và Bệnh viện Nhân dân có liên quan đến hoạt động thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Báo cáo đầu tiên bao gồm các chi tiết từ các cuộc phỏng vấn qua điện thoại với các bác sĩ của Bệnh viện Trung Nam. Các bác sĩ thừa nhận đã sử dụng nội tạng của học viên Pháp Luân Công để cấy ghép và phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Vũ Hán của Quân khu Quảng Châu để lấy thận, với thời gian chờ đợi khoảng hai tuần.
Năm 2017, một bác sĩ ghép gan khẳng định: “Chúng tôi thường xuyên thực hiện các ca ghép gan cấp cứu.”
Báo cáo liệt kê những nhân sự chủ chốt, gồm Phó trưởng khoa Diệp Khải Phát (Ye Qifa) và chín giáo sư khác.
Báo cáo thứ hai tuyên bố rằng Bệnh viện Nhân dân thuộc Đại học Vũ Hán là một trong những cơ sở y tế đầu tiên tiến hành cấy ghép nội tạng, dẫn đầu tỉnh Hồ Bắc về số ca ghép thận trong nhiều năm. Năm 2015, các ca phẫu thuật ghép tim yêu cầu bệnh nhân chờ hai tuần. Vào tháng 10/2017, bệnh viện cho biết đã hoàn thành 300 ca ghép thận trong năm đó. Năm 2018, các nhân viên y tế đã tiến hành bốn ca ghép tim trong bảy ngày. Bệnh viện này tự nhận là trung tâm ghép thận hàng đầu của tỉnh và là một trong những bệnh viện ghép tạng lớn nhất thành phố Vũ Hán.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times