Vẽ những viên ngọc nhỏ của rừng xanh: Chim ruồi
Tình yêu của họa sĩ người Mỹ Martin Johnson Heade dành cho loài chim nhỏ tỏa sáng trong các bức tranh của ông.
Cây cối bao phủ từng tấc đất trong bức tranh “Rừng Brazil” của họa sĩ người Mỹ Martin Johnson Heade, tạo nên một môi trường sống rậm rạp cho muôn vài loài động vật ẩn náu. Ở giữa bức tranh, một cây dương xỉ với những chiếc lá to lớn ngả ra muôn hướng, trông như một chiếc dù bị gãy, mà họa sĩ Heade dùng để thu hút sự chú ý của chúng ta đến dòng thác cuồn cuộn bên dưới và vạt rừng núi rộng lớn, phủ sương mờ phía xa. Những thân cây phủ đầy địa y và dây leo ở giữa bức tranh vươn cao vút lên bầu trời, cao quá cả khung tranh. Nơi đây, thiên nhiên ngự trị, và họa sĩ Heade đã thể hiện rõ hơn điều này bằng cách vẽ vào bức tranh một người thợ săn mặc áo gi lê đỏ và đội mũ rộng vành đang lội qua thảm thực vật ngập đến thắt lưng ông. Con chó săn của ông tháp tùng theo, luôn cảnh giác với dàn đồng ca của các loài động vật trong rừng.
Họa sĩ Heade (1819–1904) hoàn thành bức tranh “Rừng Brazil” trong xưởng vẽ của ông ở London, khi ông vừa trở về sau chuyến đi Brazil vào năm 1864, ngay trong cuộc Nội chiến Mỹ. Mọi thứ ông khắc họa trong bức tranh này đều là những gì ông tận mắt chứng kiến trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Ví dụ, ở mặt sau bức tranh, ông đề dòng chữ “Từ nghiên cứu về rừng ở Nam Mỹ – Cây dương xỉ.”
Mặc dù họa sĩ Heade nổi tiếng với những bức tranh phong cảnh biển, đầm lầy muối, và tranh tĩnh vật hoa, nhưng chuyến đi đến Brazil là khởi đầu cho niềm yêu mến trọn đời dành cho những vùng đất nhiệt đời và loài chim ruồi, tình yêu thuở thiếu thời của ông. Nhà kinh doanh nghệ thuật và sử học nghệ thuật Robert G. McIntyre đã trích lời ông rằng, “[Chỉ] vài năm sau khi chào đời, tôi đã bị cuốn hút bởi cơn say mê chim ruồi, và tình yêu ấy chưa từng rời khỏi tôi.”
Đỉnh cao trong sự nghiệp của họa sĩ Heade có thể là những bức tranh chim ruồi và những loài hoa nhiệt đới mà ông say mê sáng tác vào cuối sự nghiệp 70 năm của mình.
Trầm trồ trước những chú chim ruồi
Người ta kể rằng họa sĩ Heade thường mang theo một ống nước đường nhỏ để cho chim ruồi ăn. Trong tập “Ghi chép về chim ruồi,” ông đã viết: “Đối với những trái tim dù chỉ có một chút rung động với thi ca, thì chúng [chim ruồi] cũng có một sức hấp dẫn lạ kỳ, mà kể cả bộ óc tinh tế nhất cũng không thể giải thích nổi, nhưng tất cả những ai đã nghiên cứu chúng đều phải thừa nhận họ cũng cảm nhận thấy điều này.”
Ông bắt đầu vẽ chim ruồi vào năm 1863 ở Brazil. Sau đó, sau chuyến du ngoạn đến Nicaragua và Colombia vào năm 1866, Panama, và Jamaica vào năm 1870, ông đã thêm hoa lan vào những bức tranh vẽ chim ruồi của mình, đặc biệt là giống lan nụ lớn Cattleya labiata, một giống hoa lan hồng được phát hiện ở Brazil vào đầu thế kỷ 19.
Nhà sử học nghệ thuật Theodore E. Stebbins Jr. đã ghi chú trong cuốn sách “Cuộc Đời và Những Tác Phẩm của Họa Sĩ Martin Johnson Heade: Phân Tích Phê Bình và Danh Mục Liệt Kê Hoàn Chỉnh” rằng: “Mặc dù hoa lan là một loài hoa được giới thám hiểm, nhà tự nhiên học, và họa sĩ vẽ minh họa đánh giá cao; nhưng hoa lan khá ít được biết đến cả trong mỹ thuật và trong những cuốn sách hoa đại chúng.”
Họa sĩ Heade đã xây dựng một thư viện hoàn chỉnh gồm những nghiên cứu thực địa về các loài chim mà ông yêu thích cũng như môi trường sống tự nhiên của chúng. Từ năm 1880 đến năm 1904, ông đã chia sẻ chuyên môn của mình bằng cách viết hơn 100 lá thư và bài báo về chim ruồi và các chủ đề liên quan cho tạp chí Forest and Stream (Rừng và Suối).
Theo trung tâm đấu giá nghệ thuật Christie’s, họa sĩ Heade đã phát triển một phong cách riêng biệt cho những bức tranh về chim ruồi và hoa lan của mình: “Ông thường làm nổi bật những vật thể ở tiền cảnh, tạo sự tương phản với khung cảnh mờ ảo ở phía sau — và ông cũng đối lập sự mềm mại tinh tế của những bông hoa lan với những màu sắc rực rỡ, đậm nét của những chú chim.”
Trong một trong những tác phẩm đầu tiên về hoa lan và chim ruồi của ông, “Hoa lan cattleya và ba chú chim ruồi,” hoa lan chiếm một nửa mặt phẳng tranh và ba chú chim ruồi thì vây quanh tổ. Hai chú chim ruồi sao chổi thạch anh tím Brazil (giống Calliphlox amethystina) tí hon ở chung khung tranh với một chú chim ruồi sao chổi đuôi đỏ (giống Sppho sparganurus). Địa y và rêu bám đầy những cành cây khô héo, và một màn sương xanh xám bao phủ khung cảnh rừng rậm rộng lớn, khuất lấp sau sương. Đối với họa sĩ Heade, vẽ nhiều chim ruồi vào một khung tranh như vậy là điều bất thường; bởi ngoại trừ mùa giao phối, chim ruồi thường là loài sống đơn độc, và người nghệ sĩ đã thể hiện rõ tập tính này trong các tác phẩm của ông.
Ông Stebbins Jr. ghi chú trong cuốn sách của ông rằng, “Tác phẩm về sau của Heade có ít chim ruồi hơn — [chỉ] một hoặc hai con, cùng một bông hoa lan Cattleya labiata màu hồng giữa núi rừng nhiệt đới.” Chúng ta có thể thấy điều này trong bức tranh “Hoa lan và chim ruồi bên thác nước trên núi cao.” Bức tranh này sáng tác năm 1902, khi ông 83 tuổi, chỉ hai năm trước khi ông qua đời. Ở đây, họa sĩ Heade đã vẽ một bầu trời u ám tương tự như trong tác phẩm “Hoa lan Cattleya và ba chú chim ruồi” thời đầu, nhưng bức tranh sau này có vẻ tinh tế hơn. Màu sắc của chú chim ruồi cổ màu hồng ngọc nổi bật trên nền hoa lan Cattleya labiata mới nở, với một thác nước lấp lánh ẩn hiện qua thảm thực vật rậm rạp, và những tia sáng hồng phớt của hoa trải khắp thung lũng.
Vẽ với niềm đam mê
Một tác phẩm tiêu biểu khác của họa sĩ Heade là “Chim ruồi và những đóa hoa lạc tiên,” mà các học giả tin rằng ông đã vẽ trong khoảng 10 năm.
Bông hoa lạc tiên đỏ thắm, hình dáng như mặt trời, nổi bật trên nền trời u ám trong bức tranh của Heade. Có lẽ ông đã khắc họa bầu trời u ám như vậy để tôn vinh thông điệp Cơ Đốc Giáo của loài hoa này. Các nhà truyền giáo đặt tên cho loài này là “passionflower” (lạc tiên) bởi họ tin rằng chúng tượng trưng cho Cuộc Khổ nạn của Chúa Jesus (Passion of Christ): Các chỉ nhị trông như chiếc mão gai, ba nhụy hoa là ba chiếc đinh, và 10 cánh hoa tượng trưng cho 10 tông đồ có mặt trong buổi Chúa Jesus bị đóng đinh trên thánh giá. Những sợi dây leo của hoa lạc tiên trong bức tranh có hình dáng gần giống loài rắn, và tất nhiên điều này tượng trưng cho sự sa ngã của loài người, và cây hoa lạc tiên là biểu tượng của sự hy sinh mà Chúa Jesus đã chịu đựng để cứu rỗi chúng ta.
Họa sĩ Heade đã khắc họa bông hoa cao nhất rủ xuống như ánh đèn sân khấu, như thể chiếu sáng cho tâm điểm của bức tranh: bộ lông màu ngọc lục bảo lấp lánh của chú chim ruồi tiên tai đen (giống Heliothryx auritus auritus) với bộ ngực trắng muốt.
Những khổ thơ cuối trong bài thơ “Lời cầu nguyện mùa xuân” của thi sĩ Robert Frost dường như bày tỏ lòng cảm kích sâu sắc của họa sĩ Heade đối với loài chim ruồi và vùng đất này.
Và chú chim bay vút mang đến niềm hân hoan,
Bỗng nhiên cất tiếng trên cả loài ong mật,
Như cơn sao băng, lao đến với mỏ nhọn như kim,
Đậu trên chùm hoa, bất động giữa không trung.
Vì đây chính là tình yêu, và không gì khác là tình yêu,
Điều thuộc về Chúa trên cao
Để thánh hóa đến những tầm cao hơn
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times