Văn phòng Tổng Thanh tra DOD phát hiện sai sót trong việc thẩm tra lý lịch tân binh về hành vi cực đoan và băng đảng
Một đánh giá mới của Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng (DOD), cho thấy các quân nhân tuyển tân binh đã không thẩm tra lý lịch toàn diện những tân binh tiềm năng để tìm ra mối liên hệ với các nhóm chính trị cực đoan và tổ chức tội phạm.
Báo cáo dài 82 trang này được công bố hôm 03/08 vừa qua, xác định rằng trong khi thẩm tra lý lịch những người ứng tuyển, nhiều quân nhân tuyển tân binh đã không hoàn thành tất cả các bước bắt buộc trong hồ sơ được văn phòng Tổng thanh tra của Bộ Quốc Phòng xem xét.
Hiện tại, quân đội Hoa Kỳ có một lệnh cấm nhập ngũ đối với những ai có tiền án nghiêm trọng hoặc có liên kết với các băng đảng bạo lực hoặc các nhóm cực đoan.
Nghiên cứu của văn phòng Tổng Thanh tra được tiến hành từ tháng 07/2021 đến tháng 01/2022 và phân tích 224 người ứng tuyển trong số 193,702 đơn xin nhập ngũ.
Báo cáo của DOD cho biết các quân nhân tuyển tân binh “có thể đã không xác định được tất cả những người ứng tuyển xin nhập ngũ có liên đới với băng nhóm cực đoan hoặc tội phạm trong quá trình sàng lọc.”
Các quân nhân tuyển tân binh đôi khi bỏ qua các cuộc phỏng vấn bắt buộc, bảng câu hỏi, biểu tượng hình xăm, kiểm tra dấu vân tay, và thậm chí cả điều tra lý lịch, vốn cho phép một số người ứng tuyển được nhập ngũ.
Theo báo cáo, 41% các quân nhân tuyển tân binh đã không đưa ra các câu hỏi hoặc biểu mẫu thẩm tra lý lịch có liên quan cho những người ứng tuyển. 9% không xác định được các dấu hiệu khả dĩ liên quan đến băng đảng thông qua hình xăm và chỉnh hình trên cơ thể, và 9% khác không thực hiện nhận dạng dấu vân tay đúng cách.
Ông Robert Storch, Tổng thanh tra của Ngũ Giác Đài, nói rằng những sai sót như vậy đã làm tăng “nguy cơ xảy ra rủi ro an ninh và phá vỡ trật tự và kỷ luật tốt” trong quân đội.
Ông nói trong một thông cáo báo chí: “Việc tuyển quân nhân có phẩm chất tốt để sẵn sàng làm nhiệm vụ là điều cần thiết.”
Mặc dù hầu hết các quân nhân tuyển tân binh thường tuân theo các hướng dẫn, nhưng cơ quan giám sát của Ngũ Giác Đài đã khuyến nghị DOD ban hành một thông tri chính sách để chỉ thị các quân nhân tuyển binh hoàn thành tất cả các bước trong việc thẩm tra lý lịch những người tân binh tiềm năng.
DOD đã cập nhật các hướng dẫn và câu hỏi thẩm tra lý lịch đối với các đơn ứng tuyển nhập ngũ với các câu hỏi bổ sung nhằm phát hiện ra nguy cơ có tham gia nào vào các nhóm thành kiến chủng tộc hoặc hoạt động cực đoan.
Ngũ Giác Đài cũng khuyến nghị các bộ trưởng của từng quân chủng tiến hành đánh giá định kỳ đối với thủ tục thẩm tra lý lịch vào năm 2024.
Theo The Navy Times, để đáp lại cuộc kiểm tra của văn phòng Tổng Thanh tra, ông Jeffrey Angers, Phó Trợ lý Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ, đã chuyển một thông tri ngày 10/07 tới Bộ Chỉ huy Tuyển quân Lục quân Hoa Kỳ, nhắc nhở các quân nhân tuyển tân binh phải hỏi những người ứng tuyển về mối liên hệ của họ với các nhóm cực đoan hoặc các băng nhóm.
Ông Angers viết: “Các hệ tư tưởng cũng như các mối liên kết của tổ chức thù địch và cực đoan là trái ngược với các giá trị cốt lõi của Lục quân.”
“Điều quan trọng là phải tuân theo tất cả các bước bắt buộc để thẩm tra lý lịch của những người ứng tuyển để xem họ có liên đới với các băng đảng tội phạm cực đoan và thù địch trong quá trình gia nhập quân ngũ hay không … Những người ứng tuyển có liên đới với những tín ngưỡng và/hoặc tổ chức này thì không được phép cũng như không phù hợp để gia nhập Lục quân Hoa Kỳ.”
Chính phủ ông Biden nhổ bỏ ‘chủ nghĩa cực đoan’
Việc đánh giá này được thực hiện sau một thông tri hồi tháng 04/2021 của Bộ Quốc Phòng, trong đó ủy quyền cho một nhóm giám sát giải quyết những lo ngại về những điều mà họ định nghĩa là các nhóm cực đoan trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.
Ông Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống Joe Biden, hứa sẽ dập tắt điều mà ông gọi là chủ nghĩa cực đoan chính trị trong hàng ngũ quân nhân.
Tòa Bạch Ốc đã bày tỏ lo ngại về những người có quan điểm chính trị nào đó trong quân đội, đặc biệt là sau khi một số cựu chiến binh và quân nhân tại ngũ bị bắt sau vụ xâm phạm Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021.
Tuy nhiên, nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville (Cộng Hòa-Alabama), đã cảnh báo rằng không nên gắn nhãn cho một số tân binh là phần tử cực đoan vì các mối liên đới chính trị của họ, những người vốn cũng có thể không tin vào “nghị trình của ông Joe Biden.”
Một nghiên cứu của Tập đoàn RAND công bố vào tháng Năm vừa qua cho thấy các cựu chiến binh Mỹ không cực đoan bằng công dân Mỹ bình thường.
Theo nghiên cứu này, khoảng 5.5% cựu chiến binh ủng hộ nhóm khuynh tả cực đoan Antifa, so với con số 10% của công chúng Mỹ.
Chỉ 0.7% rất nhỏ các cựu chiến binh là ủng hộ những tổ chức theo chủ nghĩa người da trắng tối thượng, so với con số 7% của dân số Hoa Kỳ.
Chỉ 17.7% cựu chiến binh nói với những người khảo sát rằng họ ủng hộ nhu cầu bạo lực chính trị, so với con số 19% những người không phải là cựu chiến binh được hỏi.
Ông Todd Helmus, tác giả dẫn đầu nghiên cứu này của tập đoàn RAND, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh cho quan điểm rằng cộng đồng cựu chiến binh, nhìn chung, có tỷ lệ ủng hộ cho các nhóm cực đoan bạo lực hoặc các tín ngưỡng cực đoan cao hơn so với công chúng Mỹ.”
“Tuy nhiên, phát hiện của chúng tôi cho thấy một vài công việc cần được tiếp tục để bảo đảm rằng các cựu chiến binh không dễ được tuyển mộ bởi những người có tư tưởng cực đoan,” ông Helmus nói trong một thông cáo báo chí.
Không tìm được tân binh
Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng thêm nhân sự, đặc biệt là kể từ khi đại dịch bùng phát và Tổng thống Biden lên nhậm chức.
Lục quân, Hải quân, và Không quân đều được cho là sẽ không đạt được mục tiêu tuyển quân trong năm nay, vì quân đội không thu hút đủ thanh niên nhập ngũ, trong khi thậm chí rất ít người trong số họ có thể vượt qua các tiêu chuẩn cơ bản nhất.
Hồi tháng Tư vừa qua, Tướng Randy George, Phó Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, nói với các nhà lập pháp, rằng chỉ có 23% thanh niên Mỹ đủ tiêu chuẩn nhập ngũ.
Những người ứng tuyển có thể bị loại vì một số lý do, kể cả việc không qua được bài kiểm tra thể lực, từng sử dụng và đang sử dụng ma túy, cũng như điểm kiểm tra kém.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc từ The Epoch Times