Trung tướng đã về hưu: Chính sách DEI tại Học viện Không quân Hoa Kỳ gây hại cho sự phát triển của học viên
Các chính sách và việc đào tạo các hệ tư tưởng Đa dạng, Công bằng, và Hòa nhập (DEI) đang gây hại cho sự phát triển của các học viên tại Học viện Không quân Hoa Kỳ ở Colorado, một trung tướng Không quân đã về hưu và là một người cha có con trai đang theo học tại học viện này cho biết.
The Epoch Times đã nói chuyện với ông Rod Bishop, Trung tướng Không quân (đã về hưu) kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của nhóm vận động Cùng Nhau Chống Lại Chủ Nghĩa Phân Biệt Chủng Tộc và Chủ Nghĩa Cấp Tiến trong Quân đội. Ông Bishop, người đã kết bạn với một số học viên đang theo học tại học viện, cho biết ông đã nghe rất nhiều câu chuyện về những gì một số học viên đang trải qua.
Ông nói, trong một vụ việc gần đây, mở đầu một học kỳ, một giáo sư là thường dân đã gọi các học viên nam da trắng trong lớp học là “cậu bé da trắng số một, cậu bé da trắng số hai, và cậu bé da trắng số ba, bởi vì tất cả thanh niên da trắng các cậu đều trông như nhau.” Trong một lớp học khác, các học viên da trắng được yêu cầu đưa ra một ví dụ về “đặc quyền người da trắng” của họ, ông nói thêm. Các học viên cũng đã được dạy rằng gọi cha mẹ của họ là cha và mẹ có thể gây xúc phạm và gọi họ là người giám hộ hoặc phụ huynh sẽ bao quát hơn.
Kể từ năm 2020, các nhà lãnh đạo Ngũ Giác Đài đã buộc nghĩa vụ quân sự phải được kết hợp cùng với các chính sách DEI, một hành động gây phản cảm mạnh mẽ đối với Đảng Cộng Hòa và những người có tư tưởng bảo tồn truyền thống.
“Vì DEI bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx và lịch sử, dòng dõi, và ý định chia rẽ phản ánh hệ tư tưởng dựa trên chủ nghĩa Marx đó, nên không phải là điều mỉa mai sao khi quân đội Hoa Kỳ lại dang rộng vòng tay chào đón và tiếp nhận những khái niệm này khi chúng ta đã hy sinh 95,000 sinh mạng người Mỹ ở Bắc Hàn và Việt Nam để chiến đấu chống lại chính hệ tư tưởng này?” ông Bishop nói. “Chúng ta đã chi hàng ngàn tỷ trong ngân khố quốc gia của mình kể từ kết thúc Đệ nhị Thế chiến để chống lại quá trình tạo dựng và những lời hứa hão huyền của chủ nghĩa này trên khắp thế giới.”
Vị trung tướng đã về hưu cho biết những khái niệm công bằng xã hội này không nên được phép tích hợp vào quân đội Hoa Kỳ, vốn lẽ ra phải là một thể chế phi chính trị.
“Quân đội của chúng ta chỉ nên tập trung vào tính sẵn sàng và khả năng răn đe.” Ông nói, nếu việc răn đe thất bại, thì “chiến thắng trong các cuộc chiến tranh của quốc gia chúng ta trở thành điều tối quan trọng, và làm công việc đó với khả năng tốt nhất của chúng ta có nghĩa là không còn thời gian để tham gia vào các cuộc chiến tranh văn hóa đang xâm chiếm xã hội của chúng ta.”
Ông mô tả DEI là một phiên bản cải tiến của thuyết chủng tộc trọng yếu (CRT), một khuôn khổ bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx vốn xem Hoa Kỳ là phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống, đồng thời gọi thuyết này là CRT “khoác lên mình những từ ngữ nghe có vẻ bùi tai.”
“DEI dường như có ở khắp mọi nơi — từ Hollywood đến các công ty Mỹ, từ hệ thống giáo dục đến hệ thống luật pháp của chúng ta, từ phương tiện truyền thông đến cộng đồng y tế của chúng ta, từ nhiều chính trị gia đến thư viện của chúng ta,” ông Bishop nói.
‘Con đường dẫn đến sự tầm thường’
Nhưng theo ông Bishop, DEI “đặc biệt nguy hiểm” khi được đưa vào lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ.
Ông nói: “DEI [là] một chất độc tinh vi mà lặng lẽ nhưng nhanh chóng phá hủy các cơ quan của xã hội cùng với trái tim và linh hồn của quân đội chúng ta: tinh thần chiến binh phục vụ quên mình.”
“Cho đến khi họ dành thời gian bóc củ hành tây, kiểm tra nguồn gốc cũng như hiểu được ngôn ngữ kiểu Aesop của nó, ai có thể phản đối những từ ngữ nghe có vẻ bùi tai như đa dạng và hòa nhập?” ông nói.
Ông nói: “Nhân danh sự đa dạng, các quy tắc đang được thay đổi để ưu tiên một đặc điểm cụ thể không được phép thay đổi của một người hơn một người khác, những người có thể đã làm việc chăm chỉ hơn và có trình độ cao hơn.” Mặc dù sự đa dạng về tư tưởng, nền tảng, kinh nghiệm, và giáo dục luôn được hoan nghênh trong quân đội, nhưng ông cho biết “trong thế giới ngày nay với việc sử dụng rộng rãi ngôn ngữ kiểu Aesop, sự đa dạng hầu như luôn đề cập đến giới tính hoặc màu da và những đặc điểm bất biến này thường trở thành yếu tố quyết định trong việc thăng chức của một người so với người khác hoặc lựa chọn vào các học viện nghĩa vụ quân sự của chúng ta.”
“Ghép sự đa dạng với sự bình đẳng — kết quả bình đẳng cho các nhóm đặc trưng thay vì bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người — và một mô hình nguy hiểm bắt đầu xuất hiện,” ông Bishop nói thêm. “Điều này đặt quân đội của chúng ta vào con đường trở nên tầm thường thay vì trọng dụng nhân tài, nơi chúng ta bắt đầu chỉ đơn giản là lựa chọn những người chỉ đủ tiêu chuẩn, chẳng hạn như không phải những người có trình độ tốt nhất để lãnh đạo.”
Ông nói, sự công bằng không nên là ưu tiên hàng đầu trong quân đội, bởi vì “quốc gia và an ninh quốc gia của chúng ta xứng đáng có được những nhà lãnh đạo giỏi nhất, chứ không chỉ những người vừa đủ tiêu chuẩn [vì] tương lai của đất nước và an ninh quốc gia của chúng ta phụ thuộc vào điều đó.”
Ông nói, sự hòa nhập là “mảnh ghép cuối cùng của câu đố DEI đang gây hại cho quân đội” và đặt các học viên vào những tình huống khó khăn. Ông nói: “Ví dụ, một người theo đạo Cơ Đốc hoặc người Hồi Giáo sùng đạo bị ép buộc phải khẳng định — chứ không chỉ chấp nhận — phong trào chuyển giới.” Ngoài ra, ông nói, “Tắm với một ‘phụ nữ’ vẫn còn bộ phận sinh dục nam không nằm ở đầu danh sách ‘muốn làm’ của các học viên nữ.”
Trích dẫn câu nói của một học viên Học viện Không quân ẩn danh, ông Bishop nói, “DEI chẳng qua là chính trị bản sắc ở một cấp độ hoàn toàn mới.” Theo ông, “Hệ tư tưởng dựa trên chủ nghĩa Marx này sẽ gây chia rẽ và hoàn toàn không có chỗ đứng trong một quân đội, vốn phụ thuộc vào sự đoàn kết và gắn bó để thực hiện thành công một chiến dịch quân sự.”
Thâm nhập
Cựu phi công của Lực lượng Không quân Athena Raven đã phục vụ trong quân đội được hơn 30 năm. Bà đã nói chuyện với The Epoch Times bằng cách sử dụng biệt danh vì sợ con trai mình, người hiện đang theo học Học viện Không quân như bà đã từng học trước đây, phải chịu những tác động tiêu cực.
Trong khi con trai bà vẫn “mạnh mẽ và không bị ảnh hưởng bởi sự truyền bá tràn lan” trong những năm gần đây, bà cho biết học viện rõ ràng đã “bị hệ tư tưởng điên rồ này thâm nhập,” đề cập đến CRT, DEI và các chính sách “thức tỉnh” khác.
“Có thời điểm, [chủ nghĩa chuyển giới] không được cho phép, và tại thời điểm khác, đó là ‘Đừng Hỏi, Đừng Nói’” (một chính sách yêu cầu quân nhân Mỹ không được cố gắng tìm hiểu hoặc tiết lộ giới tính của những quân nhân đồng tính hay lưỡng tính kín, và không khuyến khích những người như vậy nhập ngũ). Hôm nay, bà Raven cho biết, “Tôi vẫn chưa hiểu tại sao phong trào chuyển giới lại được thúc đẩy như vậy.”
Các cá nhân chuyển giới đã bị cấm phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ trong nhiều thập niên cho đến khi các quan chức dỡ bỏ lệnh cấm hồi tháng Sáu năm 2016. Tổng thống đương thời, ông Donald Trump đã ban hành lệnh cấm mới hồi tháng Bảy năm 2017. Ngay sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, ông đã đảo ngược lệnh cấm tuyển dụng người chuyển giới của chính phủ ông Trump.
Năm 2021, Ngũ Giác Đài đã cập nhật chính sách để cho phép các quân nhân tiếp cận các quy trình chuyển đổi giới tính bằng y tế do quân đội tài trợ.
“Nếu ai đó sẵn sàng hy sinh vì đất nước của chúng ta, thì tôi thực sự không quan tâm đến xu hướng tính dục của họ, nhưng tại sao chúng ta lại phục vụ cho họ?” bà Raven băn khoăn. Về vấn đề này, bà cho biết, “quân đội không việc gì phải trả tiền cho những người được cho là đang chuyển đổi giới tính.”
Chuẩn bị không đầy đủ
Theo bà Raven, việc đào tạo tại Học viện cũng trở nên ít khắt khe hơn.
Bà được con trai kể rằng “một người hướng dẫn đang sắp xếp [các học viên] theo thứ tự [vì lý do chiến thuật] trong một tình huống huấn luyện sinh tồn, yêu cầu những người thấp bé ở giữa.” Nhưng một số học viên đã bị xúc phạm.
Bà nói: “Chúng ta đáng ra phải đào tạo những chiến binh chứ không phải những đứa trẻ bị xúc phạm bởi những điều nhỏ nhặt nhất.”
“Trong quá trình huấn luyện, các học viên không được đưa dao vì lãnh đạo sợ rằng họ sẽ tự làm tổn thương lẫn nhau,” bà nói thêm. Bà nói, trong quá trình huấn luyện đào tẩu, các học viên cũng không được phép chạy vì e sợ điều tương tự. “Họ cũng không cho phép học viên đốt lửa vì họ nghĩ rằng chúng sẽ làm cháy rừng.”
Trong một phần của khóa đào tạo học viên được mô tả là “Tuần lễ Địa ngục,” bà Raven nói, “mục tiêu là cố gắng làm ai đó suy sụp về mặt tinh thần và đẩy họ đến giới hạn của mình.” Nhưng trái ngược với kinh nghiệm của bà tại học viện nhiều thập niên trước, “ngày nay, nếu ai đó bắt đầu khóc, quý vị thậm chí không thể tiếp tục la mắng họ,” bà nói.
Theo bà, “chiến tranh không tử tế, cũng không dễ dàng” và bà ngờ rằng “những tân binh này sẽ không thể chịu đựng được sự trừng phạt của chiến tranh.” Thay vào đó, bà nói, “Họ sẽ bị xúc phạm và sẽ gục ngã mà không cần nỗ lực nhiều.”
“Chiến tranh là khắc nghiệt và chỉ những người giỏi nhất mới sống sót, vì vậy hãy cung cấp cho những học viên này sự huấn luyện mà họ cần và xứng đáng thay vì khuyến khích sự kém cỏi và yếu kém.”
Bà Raven cho biết chính quyền Trung Quốc “rất, rất kiên nhẫn” và “họ không làm bất cứ điều gì nhanh chóng.” “Từ từ, nhưng chắc chắn, họ đang thâm nhập vào đất nước của chúng ta, và tôi sợ chết khiếp về những gì họ có thể làm.”
Bà nói: “Khi quân đội [Mỹ] tiếp tục bị giải tán, tôi e rằng chúng ta sẽ không có cách nào ngăn cản họ làm bất cứ điều gì họ muốn làm.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times