Valencia giàu lịch sử và rực lửa với lễ hội Las Fallas
Valencia là thủ phủ của Cộng đồng tự trị Valencia, nơi có những công trình kiến trúc và nền ẩm thực đặc trưng cùng lễ hội Fallas rực lửa.
“Vào năm 2014, họ đã mời giám đốc của dự án phục hồi nhà nguyện Sistine. Ngài giám đốc đã đến và thốt lên rằng, “Tại sao trước đó không ai nói với tôi rằng chúng ta có nhà nguyện Sistine ở Valencia?” Hướng dẫn viên của chúng tôi trong chuyến hành trình khám phá Valencia, anh Konstantin, đã dừng lại khi tôi và vợ, nhìn chằm chằm vào những tia sáng mặt trời sau làn khói hương, khi những tia sáng ấy soi chiếu một bức bích họa tuyệt đẹp. “Khi bạn chỉ nhìn thấy nhà thờ từ bên ngoài, chắc bạn sẽ không muốn đi vào trong.”
Đúng vậy, thánh đường St. Nicholas và Bari và St. Peter Martyr được xây theo phong cách Gothic, khiến khách tham quan mong chờ những điều thú vị với nội thất. Và dù đã biết trước về sự lộng lẫy bên trong những nhà thờ Gothic, tôi vẫn choáng ngợp bởi những bức bích họa những vị thánh và những thiên thần theo phong cách Baroque trên trần, chúng đẹp đến nỗi khiến tôi liên tưởng đến những tuyệt tác của Michelangelo. Nhà thờ có những tác phẩm kể lại cuộc đời của những vị thánh và một vài nhân vật lịch sử, bao gồm cả ngài tổng giám mục, người đã cho tu sửa nhà thờ từ vào thập niên 1690. Công cuộc phục dựng kết thúc vào năm 2016, và sự so sánh với nhà nguyện Sistine cũng không còn.
Trung tâm lịch sử của Valencia
Được thành lập vào năm năm 138 sau công nguyên với tên gọi là Valentia, một tiền đồn quân sự của La Mã, Valencia hiện là thủ phủ của một tỉnh tự trị ở Tây Ban Nha – cả ba đều tên là Valencia. Từ thời vừa được hình thành cho đến Tây Ban Nha đương đại, Valencia mang rất nhiều giá trị lịch sử, nơi này từng là vương quốc Aragon và trải qua 5 thế kỷ được trị vì bởi Moor. Trung tâm thành phố có những con đường nhỏ hẹp với nhiều công trình lịch sử.
Chúng tôi đã đặt phòng tại Only YOU Hotel xa hoa, nơi khách làm thủ tục check-in tại lobby bar, nơi bữa sáng được phục vụ trên sân thượng trong ánh bình minh rực rỡ đằng xa đường chân trời nhìn ra biển.
Trước khi đến nhà nguyện Sistine Valencian, Konstantin đã đưa chúng tôi tham quan La Lonja de la Seda, còn được gọi là Silk Exchange (Sàn giao dịch lụa) trong tiếng Anh, là một trung tâm thương mại được xây dựng theo kiến trúc Gothic vào năm 1533. Hội trường là nơi các thương nhân đến để thương thảo hợp đồng, hoặc họ đến khu nhà ngục nằm ở tầng tầng ba để thăm các phạm nhân.Trên tường có các cụm từ tiếng Latin về đạo đức kinh doanh đối với các thương nhân. Thêm vào đó, công trình này chính là một di sản thế giới được công nhận bởi UNESCO. Nó trông giống như một lâu đài nhỏ với thành lũy có khoét lỗ để đặt súng thần công, và ta có thể thấy lá cờ của Valencia tung bay tại tháp trung tâm. Tại sảnh thương thảo dùng để bàn bạc công việc làm ăn, sàn được lát đá cẩm thạch nhiều màu sắc, có những cột trụ xoắn, một nhà nguyện và sân trồng đầy cây cam.
Chuyến đi này cũng dẫn chúng tôi đến nhà thờ thánh Mary. Nhà thờ này được xây dựng tại một địa điểm mà trước đó từng có nhà thờ khác và một thánh đường Hồi giáo. St. Mary được xây dựng từ năm 1270 đến thế kỷ 17, điều này mang đến cho nó nhiều điểm thú vị trong thiết kế, tuy nhiên, phong cách kiến trúc Gothic vẫn là màu sắc chủ đạo.
Sau đó, chúng tôi tự tìm lối về men theo những con đường uốn cong của nơi từng trung tâm lịch sử, đó là một chuyến quay về tuyệt vời. Sau khi thưởng thức món tapas và rượu vermouth ở một quán bên đường, chúng tôi băng qua một quảng trường nhỏ, nơi có đài phun nước, và dừng lại ở một cửa hàng gốm sứ thủ công. Qua ô cửa sổ, tôi thấy một nghệ nhân, là người truyền thừa ở thế hệ thứ ba đang tỉ mẩn vẽ những họa tiết trên những chiếc quạt cầm tay truyền thống. Trước khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi đứng dưới một tòa tháp của nhà thờ Santa Catalina, ngay phía đối diện là một cửa hàng cùng tên bán món horchata, nơi hứa hẹn sẽ thết đãi chúng tôi món bánh chorrus và chocolate nóng. Tuy nhiên, thay vì gọi chorrus và chocolate nóng, chúng tôi đã gọi món bánh mì ngọt đặc sản địa phương, món bánh mì Tây Ban Nha – farton, và thức uống orxata. Món Orxata được phát âm giống như món sữa gạo horchata, là một thức uống gồm sữa và hạt hổ, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe và uống ngon nhất khi mới vừa được pha chế.
Thành phố ẩm thực
Valencia là nơi khởi nguồn của món cơm thập cẩm paella, vậy nên khi bạn lên kế hoạch cho một chuyến đi, hãy đặt chỗ trước (hãy nhớ đặt chỗ trước khi bạn lên máy bay) tại nhà hàng La Barraca de Toni Montoliu. Nhà hàng miền thôn dã nổi tiếng của Tây Ban Nha được bao quanh bởi một trang trại gia đình, nơi món cơm thập cẩm paella truyền thống của Valencian được xào nấu trong một chiếc chảo khổng lồ trên ngọn lửa được đốt bằng thứ củi có màu cam.
Đi bộ một quãng ngắn từ khách sạn, chúng tôi đến nhà hàng Palace Fesol để dùng bữa trưa theo đúng phong cách Tây Ban Nha (trong hai giờ). Chúng tôi dùng một số món khai vị, một chai D.O.P sản xuất tại địa phương, rượu trắng cùng một chảo cơm paella hải sản. Người phục vụ nhắc chúng tôi nên thưởng thức chậm lại, và làm cho chúng tôi một chén bơ aioli, đây là chén aioli ngon nhất mà tôi từng được thưởng thức. Rồi cô cho một muỗng lớn đầy bơ trên chảo cơm paella. “Phải làm như vầy,” cô phục vụ nói. Món ăn trông hấp dẫn đến độ khó chối từ. Bữa trưa hai giờ đồng hồ kết thúc với hai món tráng miệng cùng một ly mistela, thức uống dùng sau bữa ăn này được làm từ nho và rượu muscatel. Sau đó, chúng tôi ngủ trưa, một truyền thống của Tây Ban Nha.
Lễ hội Las Fallas
Mỗi năm, Valencia tổ chức một sự kiện mang tên Las Fallas (hoặc được gọi là Falles tại Valencian). Lễ hội diễn ra từ ngày 01/03 đến 19/03. Theo lời khuyên từ Visit Valencia, tôi đã đến bảo tàng Fallas Museum. Như tên gọi, nơi đây có vẻ như chỉ dành riêng cho việc trưng bày các xe hoa diễn hành tại sự kiện Fallas. Tuy nhiên, bảo tàng này còn chứa nhiều điều bất ngờ hơn thế. Hai tầng của nó chứa những chiếc xe diễu hành đã giành chiến thắng, với những nhân vật được làm bằng giấy tại trung tâm của xe được giữ lại. Và phần còn lại của những chiếc xe diễn hành đoạt giải sẽ được đốt cuối buổi lễ hội.
Lễ hội xuất phát từ truyền thống làm mộc của thành phố Valencia. Mỗi dịp xuân về, họ sẽ đốt lửa từ những mảnh gỗ mà họ dùng để lấy ánh sáng trong suốt mùa đông, với những ngọn lửa này, họ sẽ đốt trang phục và những vật cá nhân không còn dùng đến. Và kết quả là những món đồ chất đống này được thổi hồn với nhân cách của con người, làm thành những con rối khổng lồ có tên là ninot. Và không có gì đáng ngạc nhiên, những hình nộm ninot này mang đậm màu sắc chính trị xã hội, không giống nhưng lễ hội diễn hành tại những nền văn hóa khác, và những vật trưng bày tại viện bảo tàng trở thành nơi chứa của các bộ sưu tập các nhân vật trên xe diễu hành theo từng thời kỳ.
Mỗi ngày lễ hội, sẽ có một tràng pháo được đốt vào lúc 2 giờ chiều trên Quảng trường Tòa thị chính – Plaza del Ayuntamiento, và một màn trình diễn pháo hoa lớn sẽ được diễn ra vào lúc nửa đêm vào ngày 18 tháng 3. Tuy nhiên, ở đêm chung kết diễn ra vào ngày 19 tháng 3: nghi thức Cremà sẽ được diễn ra, khi tất cả những xe diễn hành sẽ bị thiêu cháy. Thật khó có thể tin rằng chi phí để thiêu hủy những hiện vật đẹp đẽ và có thể cao chót vót này tiêu tốn hàng triệu euro. Nhưng cuộc sống, cũng như cái đẹp và cả những tác phẩm nghệ thuật này, suy cho cùng, cũng chỉ là phù du. Vậy thì đốt tất cả đi cũng có thể xem như một cách để ăn mừng.
Thiên Vân, Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times