UNDP: Hơn 50% người nghèo nhất thế giới cần được xóa nợ cấp bách khi khủng hoảng nợ nghiêm trọng bùng phát
Hôm 11/10, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tuyên bố rằng một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng đang bùng phát có thể gây ra những tác động thảm khốc đối với những người nghèo nhất trên thế giới.
Trong một báo cáo mới, “Ngăn Ngừa ‘Quá Ít, Quá Muộn’ Trong Xóa Nợ Quốc Tế” (“Avoiding ‘Too Little, Too Late’ on International Debt Relief”), UNDP ước tính rằng 50% những người nghèo nhất trên thế giới cần được xóa nợ cấp bách để ngăn chặn một cuộc đại khủng hoảng phát triển mang tính hệ thống.
“Một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng đang diễn ra trên khắp các nền kinh tế đang phát triển, và khả năng về một viễn cảnh xấu đi là rất cao,” UNDP nêu trong báo cáo. “54 nền kinh tế đang phát triển chiếm hơn một nửa số người nghèo nhất thế giới cần được xóa nợ cấp bách do hậu quả của các cuộc khủng hoảng toàn cầu.”
UNDP lưu ý rằng đại dịch COVID-19 đã khiến tình trạng suy yếu trong nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển thêm phần nặng nề và tình hình này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Báo cáo viết: “Mặc dù có một số sáng kiến xóa nợ đã được thông qua kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhưng cho đến nay việc ứng phó này vẫn chưa đủ. Để tránh đi vào vết xe đổ từ quá khứ khi các cuộc khủng hoảng nợ lan sang các cuộc khủng hoảng phát triển, thì các nỗ lực quốc tế phải được khẩn cấp đẩy mạnh.”
Báo cáo đưa ra một số hành động chính sách nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ, trong đó cần chuyển trọng tâm từ giãn nợ sang tái cấu trúc và xóa nợ để cho phép các quốc gia đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trở lại.
Báo cáo còn đề xướng cung cấp cứu trợ rộng rãi hơn cho ngày càng nhiều quốc gia, bổ sung các điều khoản đặc biệt vào những hợp đồng trái phiếu nhằm cho phép có thêm không gian hòa hoãn trong những lần khủng hoảng chưa từng có và mở rộng điều kiện được hưởng của Khung khổ Chung về Giải quyết Nợ phù hợp cho tất cả các quốc gia mắc nợ nhiều.
Báo cáo nêu rõ rằng các chủ nợ nên có nghĩa vụ hợp pháp để hợp tác “thiện chí” trong việc tái cấu trúc Khung khổ Chung một khi khoản nợ được phát hiện là không thể giải quyết được và các quốc gia có thể đề nghị thực hiện các biện pháp liên quan đến khí hậu, thiên nhiên, và môi trường để khuyến khích các chủ nợ giảm bớt nợ cho họ.
Cộng đồng quốc tế phải ‘hành động nhanh chóng’
“Cộng đồng quốc tế không nên đợi cho đến khi lãi suất giảm hoặc một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra thì mới bắt đầu hành động: Đã đến lúc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng phát triển kéo dài,” UNDP nêu rõ. “Các quốc gia chủ nợ, các quốc gia mắc nợ, và các quốc gia bảo lãnh phải hành động nhanh chóng và dứt khoát để tránh những sai lầm trong quá khứ khi việc xóa nợ được thực hiện ‘quá ít quá muộn.’”
Ông Achim Steiner, quản trị viên của UNDP, cho biết trong một tuyên bố kèm theo báo cáo này: “54 quốc gia gặp phải các vấn đề nợ nần nghiêm trọng là nơi sinh sống của hơn một nửa số người nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, họ đại diện cho dưới 3% nền kinh tế toàn cầu. Việc xóa nợ sẽ là một viên thuốc nhỏ mà các nước giàu có thể nuốt trôi, nhưng cái giá phải trả của việc không hành động là tàn bạo đối với những người nghèo nhất thế giới. Chúng ta không thể lặp lại sai lầm khi xóa nợ quá ít, quá muộn, trong việc quản lý gánh nặng nợ nần của các nền kinh tế đang phát triển.”
Báo cáo được đưa ra sau khi Liên Hiệp Quốc tuyên bố hồi tuần trước (03-09/10) rằng một cuộc suy thoái toàn cầu và tình trạng trì trệ kéo dài đang ở phía trước, mà các quan chức Liên Hiệp Quốc cho biết một phần là do các chính sách tài chính và tiền tệ của các nền kinh tế phát triển, trong đó có chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.
Hôm 10/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, cùng với các bộ trưởng tài chính của nhóm G-20, đã bắt đầu tổ chức các cuộc họp tại Hoa Thịnh Đốn. Trong các cuộc họp đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass và Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu trong bối cảnh mà họ mô tả là một “kỷ nguyên đầy biến động.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times