Liên Hiệp Quốc cảnh báo suy thoái toàn cầu đang rình rập do thắt chặt tiền tệ ‘quá mức’
Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm thứ Hai (03/10) cảnh báo rằng một cuộc suy thoái toàn cầu và tình trạng trì trệ kéo dài đang ở phía trước, được thúc đẩy bởi các chính sách tiền tệ và tài khóa của các nền kinh tế tiên tiến, bao gồm cả chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.
Trong báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), cơ quan quốc tế này cảnh báo rằng tất cả các khu vực trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái, nhưng nhấn mạnh rằng các nước đang phát triển sẽ tiến gần đến khả năng vỡ nợ trừ khi các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến đảo ngược hành động của họ.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục tăng lãi suất nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát, hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm, bằng cách thực hiện thêm một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa vào tháng trước.
Các quan chức Fed đã gợi ý rằng nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm trong tương lai, trong khi các mức tăng lãi suất tương tự cũng sắp diễn ra ở Anh Quốc và Âu Châu.
LHQ cho biết, việc tăng lãi suất nhanh chóng và thắt chặt tài khóa ở các nền kinh tế tiên tiến, cùng với nhiều cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 và cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đã “biến sự suy giảm toàn cầu thành một cuộc suy thoái với mục tiêu hạ cánh mềm như mong muốn trở nên khó xảy ra.”
UNCTAD cho biết trong một tuyên bố: “Thắt chặt tiền tệ quá mức có thể mở ra một thời kỳ trì trệ và bất ổn kinh tế đối với nhiều nước đang phát triển và một số nước phát triển.”
LHQ lưu ý rằng việc thắt chặt tiền tệ quá mức như vậy xảy ra vào thời điểm tiền lương thực tế giảm, bất ổn tài chính, và “sự hỗ trợ và phối hợp đa phương thiếu đầy đủ.”
Họ nói: “Bất kỳ niềm tin nào rằng họ [các ngân hàng trung ương] sẽ có thể hạ giá cả bằng cách dựa vào lãi suất cao hơn mà không tạo ra suy thoái đều là … một canh bạc thiếu khôn ngoan.”
‘Đảo chiều’ về việc nâng lãi suất
Các quan chức Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo rằng một cuộc suy thoái toàn cầu có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn cuộc khủng hoảng tài chính 2008–09 và cú sốc đại dịch COVID-19 vào năm 2020, đồng thời kêu gọi các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển “đảo ngược hành động và tránh bị cuốn theo việc cố gắng khiến giá giảm bằng cách dựa vào lãi suất cao hơn bao giờ hết.”
UNCTAD dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại 2.5% vào năm 2022 và giảm xuống 2.2% vào năm 2023, dẫn đến suy thoái toàn cầu khiến tổng sản phẩm quốc nội thực tế vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch và khiến thế giới mất hơn 17 ngàn tỷ USD do thiệt hại về năng suất.
Tổ chức quốc tế cho biết hồi chuông cảnh báo đang đặc biệt rung lên đối với các nước đang phát triển, nơi tốc độ tăng trưởng trung bình được dự báo sẽ giảm xuống dưới 3%, mà các quan chức Liên Hiệp Quốc cho là “một tốc độ không đủ cho sự phát triển bền vững, tiếp tục siết chặt tài chính công và tư nhân và làm tổn hại đến triển vọng việc làm.”
Báo cáo nhấn mạnh các quốc gia như Zambia, Suriname, và Sri Lanka, vốn đã có dấu hiệu lâm vào cảnh túng quẫn trước khi đại dịch bắt đầu, và cho biết tình hình ở các quốc gia này sẽ còn trở nên tồi tệ hơn.
Sri Lanka, chẳng hạn, đã rơi vào tình trạng vỡ nợ quốc gia vào đầu năm nay, và kể từ đó đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về quỹ cứu trợ 2.9 tỷ USD.
UNCTAD cho biết 60% các nước có thu nhập thấp và 30% các nền kinh tế thị trường mới nổi đã hoặc sắp lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất, đồng thời nhắc lại nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu tiềm tàng.
Báo cáo cảnh báo rằng các đợt tăng lãi suất năm nay của Hoa Kỳ sẽ cắt giảm khoảng 360 tỷ USD thu nhập trong tương lai của các nước đang phát triển (không bao gồm Trung Quốc) và có thể gây hỗn loạn hơn nữa.
‘Chúng tôi có các công cụ để làm dịu lạm phát’
Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nói: “Vẫn còn thời gian để lùi lại khỏi bờ vực suy thoái.” “Chúng ta có các công cụ để làm dịu lạm phát và hỗ trợ tất cả các nhóm dễ bị tổn thương. Đây là vấn đề về sự lựa chọn chính sách và ý chí chính trị. Nhưng chuỗi hành động hiện tại đang làm tổn thương những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, và có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái toàn cầu.”
UNCTAD kêu gọi các chính phủ ban hành một tổ hợp chính sách thực dụng hơn bao gồm tăng chi tiêu công, kiểm soát giá chiến lược và quy định thị trường hàng hóa chặt chẽ hơn để giúp giảm giá thực phẩm, năng lượng và các lĩnh vực khác đang ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng.
Các quan chức cũng kêu gọi các chính phủ khai triển các biện pháp chống độc quyền và thuế bạo lợi đánh vào “các khoản lợi nhuận doanh nghiệp quá mức” và chuyển hướng các quỹ này để giúp hỗ trợ những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất.
Các quan chức cũng kêu gọi các nhà đầu tư nhà nước và tư nhân chuyển thêm tiền vào nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời kêu gọi tăng cường hỗ trợ trong Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hiệp Quốc đứng đầu và được Liên Hiệp Quốc và Türkiye đứng ra làm trung gian, nhằm mục đích nối lại việc xuất cảng lương thực thiết yếu và phân bón từ Ukraine sang phần còn lại của thế giới.
Ông Richard Kozul-Wright, giám đốc bộ phận toàn cầu hóa của UNCTAD, cho biết trong một tuyên bố: “Vấn đề thực sự mà các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt không phải là một cuộc khủng hoảng lạm phát do quá nhiều tiền chạy theo quá ít hàng hóa, mà là một cuộc khủng hoảng phân phối với quá nhiều công ty trả cổ tức quá cao, quá nhiều người phải sống chật vật bằng đồng lương, và quá nhiều chính phủ sống sót qua các kỳ trả lãi trái phiếu.”
Báo cáo của UNCTAD được đưa ra sau khi một báo cáo sửa đổi của chính phủ cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã suy giảm hai quý liên tiếp trong năm nay, về mặt kỹ thuật đáp ứng định nghĩa thông thường cho một cuộc suy thoái.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times