Từ cứu trợ đại dịch đến lạm phát nhất thời, Fed đã lâm vào tình cảnh hiện nay như thế nào?
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang thực hiện một chiến dịch ngăn chặn lạm phát. Trong cuộc họp tháng Chín của ủy ban hoạch định chính sách của Fed, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), các thành viên của ủy ban này đã nâng lãi suất quỹ liên bang chuẩn thêm 75 điểm cơ bản lên phạm vi mục tiêu 3.0-3.25%, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Theo đồ thị điểm dữ liệu — một cuộc khảo sát về các thành viên ủy ban thiết lập lãi suất và dự báo kinh tế của họ — lãi suất dự kiến sẽ tăng lên 4.4% vào cuối năm nay và 4.6% vào năm 2023.
Các quan chức Fed tin rằng việc tăng lãi suất sẽ hạn chế nhu cầu, liều thuốc chữa bách bệnh cho lạm phát giá tràn lan. Mặc dù có những lo ngại rằng việc tăng lãi suất có khả năng gây ra một cuộc suy thoái kinh tế mạnh, nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng sự của ông tin rằng “sự đau đớn” này là cần thiết để thiết lập lại sự ổn định giá cả cho nền kinh tế Mỹ.
Nhưng các điều kiện ở Hoa Kỳ đã đi đến tình trạng này như thế nào? Mọi chuyện bắt đầu khi tình trạng hỗn loạn thị trường hình thành trong làn sóng đầu tiên của đại dịch virus corona.
Những ngày đầu đại dịch
Trong năm 2019, Cục Dự trữ Liên bang đã cắt giảm lãi suất ba lần, tổng cộng là 75 điểm cơ bản, bất chấp nền kinh tế đang chững lại. Quốc gia đã có thêm 2.1 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp đã kết thúc năm 2019 ở mức 3.5%, mức thấp nhất trong vòng 50 năm, và nền kinh tế đã mở rộng với tốc độ mạnh mẽ là 2.3% hàng năm. Nhưng Fed vẫn can thiệp bằng cách cắt giảm lãi suất, hạ mức lãi suất chuẩn xuống phạm vi 1.5-1.75%.
Ông Raphael Bostic, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực Atlanta, không quan tâm đến những ảnh hưởng mà COVID-19 sẽ có đối với nền kinh tế Hoa Kỳ hồi đầu tháng 02/2020. Trong khi nói chuyện bên lề hội nghị Trung tâm Phụ thuộc Lẫn nhau Toàn cầu (GIC) ở San Diego, California, ông bác bỏ ý kiến cho rằng virus corona sẽ hoành hành khắp nền kinh tế thế giới; do vậy, theo ông, yếu tố này “không thay đổi quan điểm của tôi hoặc kỳ vọng của tôi về lộ trình lãi suất của chúng tôi.”
Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC hôm 21/02/2020, ông James Bullard, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực St. Louis, đã bác bỏ ý tưởng cắt giảm lãi suất, giải thích rằng những kỳ vọng nới lỏng sẽ mất dần một khi nỗi sợ virus corona giảm.
“Khả năng cao là virus corona sẽ biến mất như các loại virus khác, chỉ là một sự xáo động tạm thời và mọi thứ sẽ quay trở lại,” ông Bullard nói với đài CNBC vào thời điểm đó. “Nhưng có khả năng thấp rằng điều này có thể trở nên tệ hơn nhiều.”
Phó Chủ tịch Fed đương thời, ông Richard Clarida, nói với Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Hoa Kỳ (NABE) hôm 26/02/2020 rằng sẽ là “quá sớm để thậm chí suy đoán về quy mô hoặc sự tiếp tục tồn tại” của virus corona. Ông gợi ý rằng Hoa Kỳ có thể chịu được một số biến động bởi vì nền kinh tế đang ở “một vị thế tốt.”
“Lạm phát của Hoa Kỳ vẫn thấp,” ông nói. “Và kỳ vọng lạm phát — những kỳ vọng được đo lường bằng các đợt khảo sát, giá thị trường, và các mô hình kinh tế lượng — nằm ở mức thấp nhất của một phạm vi mà tôi cho là phù hợp với nhiệm vụ ổn định giá của chúng tôi.”
Sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại 29,398, Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones đã sụp đổ, giảm hơn 10,000 điểm trong khoảng một tháng. Trong đợt bán tháo dữ dội này, chỉ số S&P 500 đã giảm từ 3,380 xuống mức chỉ trên 2,300. Chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ cũng giảm gần 3,000 điểm sau khi đạt mức cao kỷ lục gần 9,600.
Và rồi mọi thứ đã thay đổi hôm 15/03/2020.
Trong một hành động khẩn cấp được công bố vào một ngày Chủ Nhật, Fed xác nhận sẽ cắt giảm lãi suất xuống 0% và khởi động một đợt nới lỏng định lượng mới. Chương trình này bao gồm các giao dịch mua tài sản trị giá 700 tỷ USD, trong đó có Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (MBS).
Ông Powell nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi sẽ duy trì lãi suất ở mức này cho đến khi chúng tôi tự tin rằng nền kinh tế đã vượt qua các sự kiện gần đây và đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu ổn định giá cả và việc làm tối đa của chúng tôi.”
Một tuần sau, ngân hàng trung ương đã gây bất ngờ cho các thị trường tài chính khi công bố kế hoạch to lớn hơn tất cả mọi kế hoạch nới lỏng tiền tệ. Đầu tiên là sáng kiến mua lại một số lượng không giới hạn Trái phiếu Kho bạc và MBS để hỗ trợ thị trường tài chính. Thứ hai là chương trình cho vay trị giá 300 tỷ USD để giúp các công ty buộc phải đóng cửa vì cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này. Đề nghị cuối cùng là mua trái phiếu doanh nghiệp và các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) là các quỹ nắm giữ các khoản đầu tư này, thực tế là làm theo cách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Các biện pháp bất thường của Fed, cũng như các nỗ lực kích thích tài chính và cứu trợ lớn từ các Tổng thống Donald Trump và Joe Biden, đã dẫn đến một trong những thị trường tăng giá lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, khi các chỉ số chuẩn hàng đầu, các loại hàng hóa, mã kim, và nhiều loại tài sản khác tăng vọt lên mức kỷ lục hoặc mức thách thức phá vỡ các mức đỉnh đã được lập ra trong nhiều năm.
Lạm phát là ‘nhất thời’
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ duy trì dưới mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong suốt năm 2020. Mãi đến đầu năm 2021, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) mới bắt đầu tăng tốc.
Bất chấp những cảnh báo từ các kinh tế gia và các nhà phân tích thị trường hàng đầu, lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang đã bác bỏ những lo ngại về lạm phát.
Ví dụ, trong cuộc họp báo hôm 27/01/2021, ông Powell tỏ ra không quá lo lắng về lạm phát tràn lan, khi lưu ý rằng “chúng tôi có các công cụ” để chống lại các tỷ lệ lạm phát “khó chịu” và “kéo dài”.
Ông nói: “Đối phó với lạm phát quá thấp thì khó hơn rất nhiều.”
Hai tháng sau, ông Powell cảnh báo rằng lạm phát có thể gia tăng, nhưng ông bảo đảm với Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện rằng mức tăng này “sẽ không quá lớn và cũng không dai dẳng.”
Trong vài tháng nữa, ông nhấn mạnh rằng lạm phát là “nhất thời” và cuối cùng sẽ suy yếu.
Ông Powell nói với Tiểu ban Đặc biệt Hạ viện về Cuộc khủng hoảng Virus Corona: “Dữ liệu đang hình thành rất phù hợp với quan điểm rằng đây là những yếu tố sẽ suy yếu theo thời gian, và sau đó lạm phát sẽ giảm dần theo hướng mục tiêu của chúng tôi.”
Không chỉ có mỗi ông Powell là người ôm giữ tâm lý này. Ông John Williams, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực New York, dự báo rằng lạm phát sẽ trượt xuống 2% vào năm 2022. Ông Bullard cũng lưu ý rằng một vài phần trong lạm phát chỉ là nhất thời. Ông Clarida tuyên bố rằng tăng trưởng giá cả vào năm 2021 sẽ “chỉ có tác động nhất thời lên lạm phát cơ bản.”
Khi lạm phát rõ ràng đang vượt khỏi tầm kiểm soát, dao động quanh mức 8% vào thời điểm đó, ông Powell đã chính thức rút lại lời nói trước Quốc hội hôm 30/11/2021.
“Chúng tôi có xu hướng sử dụng [từ tạm thời] với ý nghĩa rằng nó sẽ không để lại dấu ấn vĩnh viễn dưới dạng lạm phát cao hơn. Tôi nghĩ có lẽ đây là thời điểm thích hợp để rút lại từ đó và cố gắng giải thích rõ ràng hơn ý của chúng tôi,” ông nói với Ủy ban Các vấn đề Đô thị, Nhà ở, và Ngân hàng Thượng viện. “Quý vị đã thấy chính sách của chúng tôi thích ứng, và quý vị sẽ thấy nó tiếp tục thích ứng. Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ của mình để bảo đảm rằng lạm phát cao hơn không trở thành cố hữu.”
Hãy để việc thắt chặt tiền tệ bắt đầu
Lần đầu tiên kể từ năm 2018, Fed đã kích hoạt việc tăng lãi suất một phần tư điểm, nâng lãi suất quỹ của Fed lên phạm vi 0.25-0.5%. Hồi tháng Năm, FOMC đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và công bố kế hoạch thu hẹp bảng cân đối 8.9 ngàn tỷ USD bắt đầu từ ngày 01/06.
Tại cuộc họp của FOMC hồi tháng Sáu, ông Powell và các đồng sự của ông đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994.
“Rõ ràng, mức tăng 75 điểm cơ bản ngày hôm nay là một mức lớn bất thường, và tôi không mong đợi những hành động ở quy mô này là phổ biến,” ông Powell nói, mặc dù Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp trong hai cuộc họp kế tiếp.
Khi Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám tăng lên mức 8.3% nóng-hơn-dự-kiến, đã có một số kỳ vọng rằng Fed sẽ chọn tiếp tục tăng 100 điểm cơ bản. Tuy nhiên, Fed vẫn phù hợp với các ước tính của thị trường, và giờ đây dự kiến Fed sẽ thông qua mức tăng 75 điểm cơ bản vào tháng 11 và tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 12.
Trong những tuần gần đây, thông điệp trên toàn hệ thống Cục Dự trữ Liên bang là đồng nhất và đơn giản: lãi suất sẽ tăng, và chúng sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài.
Theo một khảo sát Fed Survey của đài CNBC với các kinh tế gia, các nhà quản lý quỹ, và các chiến lược gia, lãi suất cho vay dự kiến sẽ đạt 3.9% vào tháng 12 năm nay và sau đó tăng lên 4.3% vào tháng 03/2023. Sau đó, họ dự đoán lãi suất cho vay sẽ giảm xuống 3.8% vào tháng 12/2023 và giảm xuống 3.2% một năm sau đó.
Chủ tịch Fed đã quả quyết rằng mục tiêu quan trọng của ngân hàng trung ương là ổn định giá cả, ngay cả khi điều đó có nghĩa là “sự đau đớn” đối với các doanh nghiệp và gia đình.
“Mặc dù lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm hơn, và điều kiện thị trường lao động yếu hơn sẽ làm giảm lạm phát, nhưng chúng cũng sẽ mang lại một vài sự đau đớn cho các gia đình và doanh nghiệp,” ông Powell nói trong bài diễn văn tại Hội nghị Kinh tế Jackson Hole hồi tháng Tám. “Đây là những chi phí đáng tiếc của việc giảm lạm phát. Nhưng thất bại trong việc khôi phục sự ổn định giá cả sẽ đồng nghĩa với nỗi đau lớn hơn nhiều.”
Kỳ vọng ở Wall Street là Fed sẽ kích hoạt một cuộc suy giảm kinh tế mạnh, trong khi những người khác lo ngại rằng tổ chức này có thể đã quá thắt chặt chính sách tiền tệ. Và kỳ vọng này diễn ra khi nhiều giám đốc tài chính (CFO) tin rằng lạm phát vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm.
Một cuộc khảo sát Hội đồng Giám đốc tài chính gần đây của đài CNBC cho thấy 57% giám đốc điều hành nghĩ rằng “lạm phát sẽ ở đây lâu dài.” Gần một nửa (48%) số người được hỏi dự kiến một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra một lúc nào đó trong năm tới.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cuối cùng của Cục Phân tích Kinh tế (BEA) cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.
Trong suốt cuộc họp báo sau khi diễn ra cuộc họp FOMC trong tháng này, ông Powell đã từ bỏ ý định hạ cánh nhẹ nhàng và ám chỉ về một cuộc suy thoái tăng trưởng.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times