Ukraine: Cư dân Kherson ở cả hai bên bờ sông sơ tán sau vụ vỡ đập thủy điện
Cư dân địa phương ở vùng Kherson tiếp tục phải chật vật xoay xở với nước lũ dâng cao khi một đập thủy điện quan trọng bị vỡ do những nguyên nhân chưa được rõ.
“Mọi thứ đều chìm trong nước: tất cả đồ đạc, tủ lạnh, đồ ăn … mọi thứ đều nổi lềnh bềnh,” một cư dân 53 tuổi ở thành phố Kherson, thủ phủ khu vực do Ukraine kiểm soát, nói với Reuters.
Sáng hôm 06/06, đập Nova Kakhovka, bắc qua sông Dnipro, đã bị vỡ, gây ra lũ lụt trên diện rộng và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thảm họa nhân đạo và môi trường.
Ông Martin Griffiths, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chuyên trách các vấn đề nhân đạo, cảnh báo rằng vụ vỡ đập này sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng đối với hàng ngàn người … ở cả hai bên chiến tuyến [Nga-Ukraine].”
Trình bày tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tối hôm 06/06, ông Griffiths nói thêm rằng mức độ nghiêm trọng của thảm họa này “sẽ chỉ được biết rõ trong những ngày tới.”
Nước từ con đập Thời Xô Viết này được sử dụng để tưới cho đất nông nghiệp ở Kherson và vùng Hắc Hải lân cận thuộc Crimea. Nguồn nước này cũng được sử dụng để làm mát nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, nằm ở khu vực lân cận này.
Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea. Nước này hiện cũng kiểm soát hầu hết Zaporizhzhia, cùng với toàn bộ Kherson ở phía đông sông Dnipro.
Các cuộc sơ tán
Tháng Mười Một năm ngoái (2022), các lực lượng Nga đã rút khỏi toàn bộ lãnh thổ ở Kherson phía tây Dnipro. Kể từ đó, dòng sông này đã ngăn cách các bên tham chiến, vốn vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc đấu pháo thường xuyên.
Mặc dù đã rút lui hồi bảy tháng trước, nhưng các lực lượng Nga vẫn kiểm soát con đập này.
Ở phía bên kia sông do Ukraine kiểm soát, cho đến nay khoảng 2,000 người đã được sơ tán do mực nước dâng cao. Theo Kiev, 42,000 cư dân phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt, trong khi hàng trăm ngàn người có thể không có nước uống.
Các cuộc sơ tán hiện cũng đang được tiến hành ở phía Dnipro do Nga kiểm soát, nơi mà các quan chức do Moscow bổ nhiệm đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, 80 ngôi làng — tất cả đều nằm ở vùng đất thấp gần con đập — có nguy cơ bị ngập lụt.
Khi cư dân đang được sơ tán, thì cả hai bên đều cáo buộc bên kia tiếp tục nã pháo.
Công ước Geneva nghiêm cấm một cách rõ ràng hoạt động cố ý nhắm mục tiêu vào các đập trong thời chiến.
Các tuyên bố trái ngược nhau
Kiev đã cáo buộc các lực lượng Nga ở Kherson cố ý cho nổ con đập này. Về phần mình, Moscow cho rằng con đập rất có thể là mục tiêu của một hỏa tiễn của Ukraine.
Tuy nhiên, cả hai bên vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về những khẳng định của mình.
Lên tiếng tại Hội đồng Bảo an, ông Sergiy Kyslytsya, đặc phái viên của Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố “về mặt vật lý, không thể làm cho nổ [con đập] từ bên ngoài bằng pháo kích.”
Ông nói thêm rằng: “Kẻ chiếm đóng Nga đã khai thác con đập này và đã cho nổ tung con đập.”
Trong khi đó, các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ vẫn đang thu thập bằng chứng để xác định điều gì — hoặc ai — đứng sau vụ vỡ đập này.
Tuy nhiên, dựa trên các tuyên bố chính thức, thì hầu như có vẻ nghiêng về phía Nga có tội trong sự việc này.
“Tại sao Ukraine lại làm điều này với lãnh thổ và người dân của mình? Gây ngập lụt đất đai của họ, buộc hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Điều đó thật vô lý,” Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood nói với các phóng viên.
Tại một cuộc họp báo hôm 06/06, phát ngôn viên Vedant Patel cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “đang làm việc để xác định điều gì đã xảy ra.”
“Nhưng điều quan trọng là Nga đã bắt đầu cuộc chiến này, và chính Nga đã chiếm đóng khu vực này của Ukraine, và chính Nga đã kiểm soát con đập này,” ông Patel nói thêm.
Nói trên Twitter, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba chỉ trích các hãng thông tấn phương Tây vì không ủng hộ tuyên bố của Ukraine.
“Thật phẫn nộ khi thấy một số hãng truyền thông đưa tin ‘Kiev và Moscow cáo buộc lẫn nhau’ về việc phá hoại đập Kakhovka,” ông viết.
Ông Kuleba nói thêm rằng kiểu tường thuật như vậy “đặt sự thật và tuyên truyền ở vị trí ngang hàng nhau.”
Sự đáp trả của Nga
Tại một cuộc họp báo hôm 07/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã mô tả các phản ứng của phương Tây là “100% có thể đoán trước được.”
Kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về vụ vỡ đập này, bà than thở việc “vô cùng mong muốn đổ lỗi cho Nga về mọi chuyện xảy ra, bất kể điều đó có thực sự xảy ra hay không.”
Ông Vassily Nebenzia, đặc phái viên của Nga tại Liên Hiệp Quốc, đã rõ ràng quy trách nhiệm cho Kiev về vụ vỡ đập này, điều mà ông cho là nhằm trừng phạt Crimea vì đã gia nhập Nga hồi năm 2014.
Nói trước Hội đồng Bảo an, ông tuyên bố “hành động khủng bố” này cũng nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi những tổn thất trên chiến trường mới đây của Ukraine.
Ông Nebenzia tiếp tục trích dẫn một bài báo hồi cuối năm ngoái của Washington Post, trong đó dường như gợi ý rằng các lực lượng Ukraine trước đó đã nhắm đến con đập này bằng hỏa tiễn do Hoa Kỳ cung cấp.
Được phát vào ngày 29/12/2022, bài báo này dẫn lời ông Andriy Kovalchuk, một chỉ huy quân đội Ukraine, nói với tờ báo này rằng các lực lượng Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công thử nghiệm bằng bệ phóng HIMARS vào một trong những cửa xả lũ của con đập, tạo ra ba lỗ trên tấm kim loại này.
Bài báo viết: “Cuộc thử nghiệm đã thành công, ông Kovalchuk nói, nhưng bước đi này vẫn là phương sách cuối cùng.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times