Tỷ phú Bill Gates thừa nhận sự thật phũ phàng về biến đổi khí hậu
Tỷ phú Bill Gates bác bỏ khả năng mà theo đó mọi người thực hiện những thay đổi đáng kể trong lối sống của họ, chẳng hạn như từ bỏ thịt và trở thành những người ăn chay thì có thể chống lại những tác động được cho là của biến đổi khí hậu.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể trông cậy vào những người thực hiện một lối sống nghèo khó như một giải pháp cho biến đổi khí hậu được,” ông Gates nói tại một sự kiện ở Ấn Độ hôm 01/03. “Quý vị biết đấy, mức tiêu thụ thịt ở Ấn Độ sẽ ít hơn … Điều đó thật tuyệt vời. Tất cả người dân Ấn Độ sẽ trở thành người ăn chay? Tất cả người Mỹ sẽ trở thành người ăn chay? Tôi sẽ không muốn trông cậy vào điều đó đâu. Bất cứ ai muốn nói về điều đó, họ đều được hoan nghênh thôi. Tôi sẽ hoàn toàn không phản đối gì hết.”
Trước đó, ông Gates đã thúc đẩy các quốc gia giàu có sử dụng thịt bò tổng hợp 100% được làm từ protein thực vật như đậu hoặc đậu Hà Lan, carb như tinh bột khoai tây, chất béo như cải dầu hoặc dầu dừa, khoáng chất và hương liệu.
Trong một phản hồi trực tuyến trên Reddit hồi tháng Một, ông Gates đã thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi các sản phẩm thịt từ thực vật.
“Đối với những người muốn ăn chay thì điều đó thật tuyệt nhưng tôi không nghĩ rằng hầu hết mọi người sẽ làm điều đó. Có những công ty sản xuất ‘thịt bò’ theo những cách mới và những người làm việc vẫn sử dụng bò nhưng giảm lượng khí thải methane,” ông viết.
“Tôi đã ủng hộ một số nhà đổi mới trong lĩnh vực này trong đó có Beyond and Impossible và Memphis. Tôi nghĩ cuối cùng những sản phẩm này sẽ rất tốt mặc dù hiện nay thị phần của chúng rất nhỏ.”
Việc ông Gates thúc đẩy ngừng tiêu thụ thịt và sử dụng các sản phẩm thay thế dựa trên thực vật diễn ra khi ông đang bận rộn mua đất nông nghiệp ở Mỹ.
Theo một bức thư hồi tháng 07/2022 do Dân biểu Dusty Johnson (Cộng Hòa-South Dakota) gửi để tìm kiếm lời khai của ông Gates về việc mua trang trại của ông, người sáng lập hãng Microsoft này là “chủ sở hữu đất nông nghiệp tư nhân lớn nhất” ở Hoa Kỳ, sở hữu hơn 270,000 mẫu đất nông nghiệp ở 19 tiểu bang.
Tiêu thụ năng lượng
Tại sự kiện ở Ấn Độ nói trên, ông Gates cũng nói về tiêu thụ năng lượng. Ông cho biết nếu các chính phủ sẵn sàng thi hành luật cứng rắn, thì đơn giản là có thể cấm điều hòa nhiệt độ, điều này sẽ “tốt cho khí hậu”. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng điều này sẽ không xảy ra vì khí hậu ấm hơn sẽ tiếp tục làm tăng nhu cầu làm mát.
“Nhưng khi Ấn Độ ngày càng ấm hơn, tôi cược rằng nhu cầu về điều hòa không khí sẽ tăng vọt. Quốc gia có nhiều máy điều hòa nhất cho đến nay là Hoa Kỳ. Ngay cả châu Âu cũng không có nhiều như chúng ta. Và vì vậy, khi trời nóng hơn, quý vị biết đấy, quý vị cần nhiều điện hơn, nếu điện này không ‘xanh’, thì quý vị đang gặp rắc rối rồi đó,” ông cho hay.
Ông Gates cũng chỉ ra rằng hầu hết nhu cầu về năng lượng, xi măng, và thép nhiều hơn đến từ các quốc gia có thu nhập trung bình như Ấn Độ, “nơi mà ngay cả khi quý vị dừng lại ở mức, chẳng hạn như một phần tư cường độ năng lượng của Mỹ, thì biến đổi khí hậu là rất, rất nghiêm trọng.”
Người đồng sáng lập hãng Microsoft cũng gợi ý rằng ngay cả khi Hoa Kỳ sử dụng “một nửa mức năng lượng mà mỗi người dân đang tiêu thụ”, thì sẽ là “bất công” nếu yêu cầu Ấn Độ duy trì mức tiêu thụ ở mức hiện tại.
Theo Our World in Data, mức sử dụng năng lượng của mỗi người ở Hoa Kỳ là 76,634 kilowatt giờ vào năm 2021, gần gấp 11 lần mức tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ là 6,992 kilowatt giờ trên đầu người.
Nghị trình về biến đổi khí hậu
Năm 2022, ông Patrick Moore, một trong những người sáng lập tổ chức Greenpeace, tuyên bố rằng biến đổi khí hậu dựa trên những câu chuyện sai lầm.
Trong một thư điện tử mà The Epoch Times có được, ông Moore, người đã rời tổ chức nói trên vào năm 1986, nói rằng Greenpeace đã bị cánh tả chính trị “cướp đoạt” khi họ biết về tiền và quyền lực liên quan đến phong trào môi trường.
“Phong trào ‘môi trường’ đã trở thành một phong trào chính trị hơn là một phong trào môi trường,” ông Moore nói. “Họ chủ yếu tập trung vào việc tạo ra những câu chuyện kể, những câu chuyện được tạo ra để gieo rắc nỗi sợ hãi và cảm giác tội lỗi cho công chúng để công chúng gửi tiền cho họ.”
Hồi tháng 06/2022, tổ chức độc lập Climate Intelligence (CLINTEL) đã nhận được chữ ký từ hơn 1,100 nhà khoa học và chuyên gia trên toàn thế giới cho Tuyên bố Khí hậu Thế giới (WCD) của họ vốn tuyên bố rằng không có tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Marcel Crok, người sáng lập CLINTEL, nói rằng ngay cả khi người ta chấp nhận rằng carbon dioxide là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu hiện nay, thì vẫn không có “tình trạng khẩn cấp về khí hậu.”
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times