Tỷ lệ lạm phát ở Sri Lanka tăng lên 70.2% trong tháng Tám
Bộ thống kê cho biết lạm phát tiêu dùng ở Sri Lanka đã tăng vọt lên 70.2% trong tháng Tám, khi quốc đảo này chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Cục Điều tra dân số và Thống kê cho biết trong một tuyên bố, Chỉ số Giá tiêu dùng Quốc gia (NCPI) đã tăng lên 70.2% trong tháng trước so với một năm trước đó, sau khi tăng 66.7% vào tháng Bảy.
Giá lương thực tăng 84.6%, trong khi giá của các mặt hàng phi lương thực tăng 57.1%.
Hồi tháng Tám, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka (CBSL) cho biết tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức vừa phải sau khi đạt đỉnh khoảng 70% do nền kinh tế của đất nước tăng trưởng chậm lại.
NCPI nắm bắt được mức lạm phát giá bán lẻ trên phạm vi rộng hơn và được công bố với độ trễ là 21 ngày mỗi tháng.
Chỉ số Giá tiêu dùng Colombo (CCPI) được giám sát chặt chẽ hơn, được công bố vào cuối mỗi tháng, đã tăng 64.3% trong tháng Tám. Chỉ số này hoạt động như một chỉ báo hàng đầu cho giá cả quốc gia và cho thấy lạm phát đang diễn biến như thế nào ở thành phố lớn nhất của Sri Lanka.
Nền kinh tế của Sri Lanka đã giảm 8.4% trong quý II (đến tháng Sáu) so với một năm trước, một trong những đợt sụt giảm mạnh nhất trong khoảng thời gian ba tháng, trong bối cảnh thiếu hụt phân bón và nhiên liệu.
Ông Dimantha Mathew, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty đầu tư First Capital có trụ sở tại Colombo, cho biết: “Lạm phát dự kiến sẽ giảm dần từ tháng Chín.”
“Tuy nhiên, lạm phát có khả năng chỉ ở mức vừa phải và đạt một con số vào nửa cuối năm 2023.”
Tình trạng thiếu hụt dollar trầm trọng, do quản lý kinh tế yếu kém và tác động của chính sách phong tỏa COVID-19, đã khiến Sri Lanka phải gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các mặt hàng nhập cảng thiết yếu bao gồm thực phẩm, nhiên liệu, phân bón, và thuốc men.
Do Uditha Jayasinghe của Reuters thực hiện
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times