OECD cảnh báo về kinh tế thế giới suy giảm ‘đáng kể’, lạm phát cao liên tục
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris, trong đó Hoa Kỳ là thành viên chủ chốt, đã cảnh báo về “sự suy giảm tăng trưởng đáng kể” đối với nền kinh tế thế giới vào năm 2023 cùng với lạm phát cao lan rộng và dai dẳng hơn.
OECD cho biết trong một thông cáo hôm 22/11: “Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những thách thức đáng kể. Tăng trưởng đã mất đà, lạm phát cao đã lan rộng ra khắp các quốc gia và sản phẩm, và đang tỏ ra dai dẳng. Rủi ro nghiêng về hướng suy giảm.”
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gồm 38 quốc gia thành viên, cảnh báo rằng tình trạng thiếu nguồn cung năng lượng có thể đẩy giá cả lên cao hơn nữa, do lạm phát ở Hoa Kỳ vẫn ở mức gần mức cao nhất trong 40 năm.
Các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang, đã gấp rút tăng lãi suất trong nỗ lực dập tắt áp lực giá, nhưng cho đến nay chỉ có tác động hạn chế đối với lạm phát trong khi làm tăng nguy cơ hỗn loạn thị trường và bất ổn tài chính.
OECD cảnh báo, “Lãi suất tăng, vốn cần thiết để kiềm chế lạm phát, làm tăng tính dễ bị tổn thương về tài chính,” và đồng thời cho biết thêm rằng cuộc xung đột ở Ukraine cũng làm tăng nguy cơ mất an ninh lương thực và nợ nần ở các nước thu nhập thấp.
Theo ước tính của OECD, nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 3.1% trong năm nay, giảm từ mức 5.9% vào năm 2021. Triển vọng tăng trưởng sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm tới, OECD dự đoán, dự báo tốc độ tăng trưởng nhẹ cho nền kinh tế thế giới là 2.2%.
Không giống như nhiều nhà kinh tế dự đoán rằng nhiều nền kinh tế trên thế giới — bao gồm cả Hoa Kỳ — sẽ rơi vào suy thoái, OECD không dự đoán có sự thu hẹp hoàn toàn.
“Đúng là chúng tôi không dự đoán suy thoái kinh tế toàn cầu,” Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nói tại một cuộc họp báo. “Nhưng đây là một triển vọng rất, rất thách thức, và tôi không nghĩ rằng bất cứ ai sẽ cảm thấy thoải mái với dự báo mức tăng trưởng toàn cầu 2.2%.”
Hoa Kỳ dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn. OECD dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ sẽ đạt mức mờ nhạt 1.8% vào năm 2022. Năm tới, GDP của Mỹ được dự báo sẽ tăng 0.5%, trước khi tăng với tốc độ 1.0% vào năm 2024.
Lạm phát
OECD cho biết áp lực lạm phát đã gia tăng, trong đó cuộc chiến ở Ukraine là yếu tố chính đẩy giá cả lên cao do chi phí năng lượng và các mặt hàng thực phẩm cao hơn.
Mặc dù cơ quan này dự đoán lãi suất cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm lại “cuối cùng” sẽ giúp giảm lạm phát, nhưng OECD dự đoán lạm phát sẽ vẫn ở mức “cao” cho đến năm 2023.
Lạm phát ở 38 quốc gia thành viên của OECD được dự đoán sẽ ở mức 9.4% trong năm nay, giảm xuống 6.5% vào năm 2023.
OECD dự đoán, lạm phát của Hoa Kỳ được dự báo ở mức 6.2% vào năm 2022, trước khi giảm xuống 3.5% vào năm tới.
Ông Alvaro Santos Pereira, nhà kinh tế trưởng của OECD, cho biết: “Do giá cả tăng bất ngờ, tiền lương thực tế đang giảm ở nhiều quốc gia, làm giảm sức mua.”
Ông nói thêm, “Lạm phát đang làm tổn thương mọi người ở khắp mọi nơi. Nếu lạm phát không được kiểm soát, những vấn đề này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Do đó, chống lạm phát phải là ưu tiên chính sách hàng đầu của chúng ta ngay bây giờ.”
OECD cho biết, sau nhiều thập niên lãi suất cực thấp, hậu quả của lạm phát cao kinh niên và các biện pháp để dập tắt lạm phát là không thể đoán trước, với sự không chắc chắn xung quanh triển vọng kinh tế là “cao,” và các rủi ro đã trở nên “nguy hiểm hơn” và nghiêng về hướng suy giảm.
OECD cho biết trong báo cáo của mình: “Các chiến lược tài chính được áp dụng trong thời gian dài áp dụng lãi suất siêu thấp có thể bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng nhanh và gây căng thẳng theo những cách không mong muốn.”
Cơ quan này cho biết chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ đặt ra những thách thức đối với các chính phủ, doanh nghiệp, và người tiêu dùng mắc nợ nhiều, khiến họ khó thanh toán các khoản phải trả hơn.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times