Tỷ lệ doanh nghiệp Hoa Kỳ phá sản ở mức cao nhất trong 13 năm
Tỷ lệ phá sản doanh nghiệp ở Hoa Kỳ đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2010.
Nhiều công ty Mỹ đã gặp khó khăn sau đại dịch do lãi suất ngày càng tăng, các vấn đề về chuỗi cung ứng, và các chi phí gia tăng.
Một số công ty đã nộp đơn xin phá sản sau khi khả năng tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp và khả năng tiếp cận tiền dễ dàng bắt đầu suy yếu.
“Trong năm 2009, đã có 118 vụ phá sản tính đến hết tháng Tư. Trong năm 2020 bị ảnh hưởng bởi COVID, đã có 71 vụ phá sản. Vào năm 2023, con số này là 70. Đây là khởi đầu năm tồi tệ thứ ba kể từ năm 2000,” ông Mike Shedlock, một nhà kinh tế học, cho biết.
Cục Dự trữ Liên bang đang dự đoán một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm nay, với tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng.
Nhiều vụ phá sản hơn dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2023
Theo dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence, số lượng các công ty Mỹ đã phá sản vào năm 2023, trong bốn tháng đầu năm, đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2010.
Theo Fortune đưa tin, nhà đầu tư quỹ phòng hộ Stanley Druckenmiller cho biết trong Hội nghị Đầu tư Sohn 2023: “Tôi không dự đoán điều gì tồi tệ hơn năm 2008.”
Tuy nhiên, ông nói thêm, để trở thành một nhà quản lý rủi ro giỏi, “thật ngây thơ nếu không cởi mở với một điều gì đó thực sự, thực sự tồi tệ đang diễn ra.”
Có 54 đơn xin phá sản công ty được báo cáo vào tháng Tư, giảm so với 70 đơn trong tháng Ba, nhưng số lượng đơn đã tăng hơn gấp đôi, lên 236, so với một năm trước.
Theo S&P Global, các công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng không thiết yếu ghi nhận số vụ phá sản cao hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác vào năm 2023.
Ví dụ điển hình nhất gần đây là sự sụp đổ của nhà bán lẻ đồ gia dụng Bed Bath & Beyond, vốn đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm 23/04 sau khi công ty này không bảo đảm được nguồn vốn để duy trì hoạt động.
Công ty này đã thông báo rằng họ không còn chấp nhận phiếu giảm giá, nhưng nói rằng thẻ quà tặng và giấy chứng nhận khách hàng thân thiết vẫn còn hiệu lực.
Ông James Gellert, Giám đốc điều hành của Rapid Ratings, nói với hãng thông tấn Forbes: “Bối cảnh tiêu dùng nhịp độ nhanh của ngày nay đòi hỏi sản phẩm phải được giao nhanh chóng và khả năng tiếp cận dễ dàng, điều này khiến các nhà bán lẻ truyền thống phải vật lộn để cạnh tranh.”
Lạm phát và nhu cầu tiêu dùng yếu gây ảnh hưởng
Đã có một số vụ phá sản khác có khoản nợ phải trả trị giá hơn 1 tỷ USD vào năm 2023.
Ví dụ, Whittaker, Clark & Daniels đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong năm nay sau khi đối mặt với vô số vụ kiện cáo buộc rằng các sản phẩm bột talc của họ gây ra bệnh ung thư liên quan đến amiăng.
Hồi tháng Ba, Tập đoàn Tài chính Silicon Valley Bank đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi đơn vị ngân hàng khu vực của họ bị Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang tiếp quản, dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng khác.
Diamond Sports Group, nhà cung cấp dịch vụ phát sóng truyền hình địa phương cho gần một nửa số trận đấu NBA, NHL, và MLB, gần đây đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 [của Luật Phá sản Hoa Kỳ], sau khi chi phí thỏa thuận bản quyền phát sóng tăng lên và số lượng người xem thấp hơn đã cắt giảm lợi nhuận của họ.
Serta Simmons Bedding và Party City đều nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng Một sau khi chi phí gia tăng đã làm giảm số lượng người tiêu dùng của họ.
Tình hình dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các nhà bán lẻ phải đối mặt với một cuộc suy thoái lớn do chi phí vốn tăng cao và những rắc rối trong lĩnh vực cho vay.
Các yếu tố khác như thị trường địa ốc suy yếu, mức nợ gia đình cao, và lạm phát dai dẳng đều đang ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Gellert giải thích: “Môi trường lạm phát, lãi suất cao, và khả năng tiếp cận vốn hạn chế hiện nay chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề đối với các công ty có đòn bẩy tài chính cao với lượng hàng tồn kho lớn và sự đa dạng sản phẩm hạn chế”.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times