Tướng Mỹ: Chủ nghĩa Marx khiến quân đội Trung Quốc tin rằng chiến tranh với Hoa Kỳ là điều ‘không thể tránh khỏi’
Theo vị tướng lĩnh quân sự cao cấp nhất của Hoa Kỳ, giới lãnh đạo quân đội Cộng sản Trung Quốc ngày càng tin rằng chiến tranh với Hoa Kỳ là không điều thể tránh khỏi.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tập đoàn Truyền thông Government Executive của chính phủ liên bang hôm 31/03, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đại Tướng Lục quân Mark Milley cho biết, quân đội Trung Quốc đang thúc đẩy những luận điệu và quan điểm gây bất ổn có thể dẫn đến một cuộc xung đột thảm khốc với Hoa Kỳ.
“Có rất nhiều luận điệu ở Trung Quốc … có thể tạo ra nhận thức rằng chiến tranh sắp cận kề,” ông Milley nói.
“Trong phân tích của tôi về Trung Quốc, ít nhất quân đội của họ và có lẽ những người khác đã đi đến một kết luận nào đó rằng chiến tranh với Hoa Kỳ là điều không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ đó là một điều rất nguy hiểm.”
Ông Milley nói rằng hệ tư tưởng Marxist của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đóng vai trò chính trong việc hình thành tư tưởng này, và rằng chủ nghĩa đó dung dưỡng lối suy nghĩ bảo thủ trong giới lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có cả các tướng lĩnh.
Ông Milley nói: “Những suy nghĩ đó bắt nguồn từ hệ tư tưởng Marxist … họ tin vào thuyết tất định lịch sử, họ tin vào cách tiếp cận tuyến tính đối với lịch sử.”
“Đó không phải là cách người ở phương Tây chúng ta hay nghĩ.”
Cuối cùng, ông Milley nói rằng chiến tranh với chế độ ĐCSTQ không phải là không thể tránh khỏi và vẫn có thể ngăn chặn được, nhưng Hoa Kỳ sẽ cần “vững vàng trước Trung Quốc” và bảo đảm sẵn sàng chiến thắng bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra.
“Tôi không tin rằng chiến tranh là điều không thể tránh khỏi,” ông Milley nói. “Tôi không nghĩ điều đó sắp xảy ra. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải rất, rất thực tế và thận trọng trên con đường phía trước.”
Ông Milley cũng lưu ý rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã ấn định một thời điểm rõ ràng là năm 2027 để quân đội Trung Quốc sẵn sàng tấn công và chiếm giữ Đài Loan. Ông Milley nói, mặc dù quyết định xâm lược vẫn chưa được đưa ra, nhưng nhà cầm quyền nước này vẫn đang cố tình xây dựng năng lực của mình để làm như vậy.
“Họ đang đào tạo và điều động thiết bị để làm việc đó,” ông Milley nói về việc ĐCSTQ chuẩn bị xâm lược Đài Loan.
“Tôi đoán là chúng ta có ba hoặc bốn năm để đưa Đài Loan vào một vị thế mà họ sẽ tạo ra được một nhận thức trong đầu những người ra quyết sách của Trung Quốc rằng sẽ có nhiều tổn hại hơn là lợi ích [nếu họ tiến hành xâm lược hòn đảo].”
Cuộc chiến tiếp theo là AI và Robot
Nói rộng hơn về bản chất của cuộc xung đột và sự phát triển quân sự của Hoa Kỳ, ông Milley nói rằng đặc điểm của cuộc chiến này là trong một thời kỳ chuyển đổi vô cùng sâu sắc. Ông nói, cuộc chiến tranh quyền lực lớn tiếp theo sẽ không giống bất kỳ điều gì từng thấy trước đây.
Ông Milley nói: “Đứng từ góc độ quân sự, tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng trong lịch sử.”
Nhắc lại lời của vị tướng và đồng thời là nhà triết học quân sự người Phổ Carl von Clausewitz, ông Milley nói rằng, mặc dù bản chất của chiến tranh không thay đổi, nhưng tính chất của nó qua các thời đại thì lại biến đổi, và rằng thế giới hiện đang ở trong một thời kỳ mà “tính chất của chiến tranh đang có sự thay đổi căn bản.”
Ông Milley cho biết, do đó, người máy, trí tuệ nhân tạo, các loại vũ khí chính xác, và thông tin liên lạc toàn cầu sẽ trở nên tương thích và liên kết với nhau trong cuộc chiến tiếp theo. Thật vậy, ông nói, các đội quân lớn trên thế giới sẽ biến thành cơ chế điều khiển tự động với chủ yếu là robot.
Ông Milley nói: “Trong vòng mười, mười lăm năm tới, quý vị sẽ thấy phần lớn quân đội của các quốc gia phát triển trở thành người máy.”
“Tôi cho rằng quốc gia nào sử dụng những công nghệ đó và đưa những công nghệ đó vào các hoạt động quân sự một cách hiệu quả nhất, thì quốc gia đó có thể sẽ có lợi thế quyết định khi bắt đầu cuộc xung đột tiếp theo.”
Ông Milley đã ví cuộc đua khai triển những công nghệ như vậy với sự xuất hiện của cơ giới hóa và sức mạnh không quân giữa hai cuộc thế chiến.
Ông nói, giống như cách mà Đức Quốc Xã đã lợi dụng công nghiệp hóa để chinh phục châu Âu, quốc gia đầu tiên nào kết hợp được trí tuệ nhân tạo, người máy, và viễn thông trong một học thuyết chiến tranh nhất quán sẽ trở thành quốc gia hùng mạnh nhất trên vũ đài thế giới.
“[Đức] đã thống trị châu Âu trong một khoảng thời gian rất, rất ngắn … bởi vì họ có thể sử dụng những công nghệ đó và kết hợp những công nghệ đó lại với nhau trong một học thuyết mà ngày nay được gọi là ‘Blitzkrieg’,” ông Milley nói.
Ông nói thêm, Hoa Kỳ đang nỗ lực phát triển học thuyết chiến tranh phối hợp của riêng mình trong kỷ nguyên công nghệ mới này và sẽ khai triển tự động hóa, người máy, và các công nghệ khác tương ứng trong vòng năm đến bảy năm tới.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times