Chuẩn bị chiến tranh? Trung Quốc muốn tuyển cựu chiến binh và sinh viên
Những thay đổi trong luật pháp Trung Quốc đã hé lộ các kế hoạch chiến tranh. Theo một chuyên gia, mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc có thể không chỉ là riêng Đài Loan.
Những cải tổ trong luật pháp Trung Quốc không chỉ bao gồm việc sửa đổi luật chống gián điệp theo hình thức áp dụng rộng rãi hơn, mà còn bao quát luật nghĩa vụ quân sự mới. Cải tổ có hiệu lực từ ngày 01/05 năm nay và chủ yếu tập trung vào giải quyết vấn đề về tăng quân số.
Đặc biệt, trọng tâm là thu nhận lại các quân nhân có kinh nghiệm đã về hưu hoặc tuyển dụng sinh viên đại học có chuyên môn về kỹ thuật không gian vũ trụ và chiến tranh mạng.
Theo ước tính, có khoảng hai triệu nhân viên quân sự hiện đang phục vụ tại Trung Quốc. Ngoài ra còn có 625,000 thành viên của các đơn vị bán quân sự và 510,000 quân trừ bị. Rõ ràng lực lượng này là chưa đủ, vì vậy Trung Quốc đang tìm kiếm quân nhân trong những người già và trẻ hơn.
Các cựu binh giàu kinh nghiệm và các vấn đề về người kế thừa
Đài truyền hình NTD của Mỹ quốc đã có buổi nói chuyện với ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu trung tá của Bộ Tư lệnh Hải quân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), về phiên bản mới của luật nghĩa vụ quân sự ở Trung Quốc. “Những người lính về hưu dưới 45 tuổi phải tham gia lực lượng quân sự trừ bị ở Trung Quốc. Trên thực tế, lực lượng trừ bị động viên cũng là một bộ phận cấu thành nên lực lượng vũ trang, tự nguyện và không tự nguyện hay không không có sự khác biệt. Nếu quý vị thuộc lực lượng trừ bị, thì quý vị cũng là một người lính,” ông Diêu nói.
Nhưng tại sao các cựu binh lại là nhóm đối tượng chính của luật mới này?
Ông Diêu cho rằng chiến tranh hiện đại được tiến hành trong điều kiện công nghệ cao và để đào tạo một người lính kỹ thuật chuyên nghiệp thì phải tốn rất nhiều tiền. “Về cơ bản, những người về hưu đều có đủ trình độ chuyên môn giống như phi công lái phi cơ. Ngay cả khi đã về hưu được nhiều năm, nếu như quân đội cần, họ vẫn có thể lái phi cơ chiến đấu ngay,” ông Diêu nói.
Theo chia sẻ của ông Trần Thế Dân (Chen Shimin), giáo sư phụ tá tại Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU), với Hãng thông tấn Trung ương (CNA) thì còn có một lý do khác cho việc sử dụng các cựu binh. Theo đó, lực lượng nhân sự là nguồn lực quan trọng trong cuộc chiến, tuy nhiên do dân số tăng trưởng giảm mạnh nên ĐCSTQ hiện phải đưa những người về hưu trở lại, ông Trần nói.
Chiêu binh tại các trường đại học, cao đẳng
Sinh viên là nhóm chính thứ hai mà luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi nhắm đến. Theo quy định mới, các trường đại học và cao đẳng sẽ được trao quyền để chiêu mộ sinh viên. Sau đó, sinh viên có thể nhập ngũ tại địa điểm ghi danh hộ khẩu hoặc trường học của họ.
Trong năm qua, ĐCSTQ đã nhắm vào các sinh viên đại học để tuyển dụng cho nghĩa vụ quân sự. Với việc tuyên truyền trên truyền thông, sinh viên và nghiên cứu sinh được thuyết phục ghi danh tham gia. ĐCSTQ đặc biệt nhắm vào các sinh viên ngành khoa học và kỹ thuật, cũng như những người có khả năng về công nghệ và chiến đấu.
Trên con đường xâm lược Đài Loan
Ông Masashi Iida, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản, nói với tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản rằng, Trung Quốc đang cố gắng tuyển dụng sinh viên đại học và cựu chiến binh cho cuộc chiến: “Quân đội có thể gặp khó khăn trong việc tìm đủ nhân sự để đáp ứng việc xây dựng quân đội và chiến tranh tình báo.”
Theo tạp chí này, khi tuyển dụng sinh viên, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tập trung vào những người có kỹ năng về trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, và kỹ thuật. Những sinh viên này phải được đào tạo chuyên sâu để vận hành vũ khí trên chiến đấu cơ và trên chiến hạm. Họ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng cho các loại chiến tranh mới như chiến tranh mạng, chiến tranh không gian vũ trụ, và các hoạt động tình báo. Báo cáo cũng đề cập đến một mục tiêu cụ thể: chinh phục Đài Loan bằng vũ lực.
Hay chống lại Philippines?
Cựu Trung tá Diêu của quân đội Trung Quốc cũng chắc chắn, Trung Quốc có kế hoạch cụ thể: “Mục đích phải là chiến đấu; nếu không có chiến tranh, thì nói đi nói lại những điều này làm gì?”
Tuy nhiên, ông Diêu cho rằng nhiều khả năng là còn có mục tiêu khác.
Người ta có thể thấy rằng môi trường địa chính trị hiện đang rất khó khăn đối với ĐCSTQ và chiến trường chính có thể là trên biển, cựu trung tá Diêu cho biết. “Trọng tâm là Biển Đông. Điểm đến chính ở Biển Đông là Philippines.”
Ông Diêu tin rằng ĐCSTQ không thể tấn công Đài Loan ngay lúc này, “nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ không thể tấn công trong tương lai.” Trung Quốc “chắc chắn sẽ xâm lược Đài Loan, nhưng không phải bây giờ.” Theo ông Diêu, điều này cũng có liên quan đến môi trường chính trị hiện nay, vốn là rất khó khăn đối với Trung Quốc.
Các biện pháp chuẩn bị hơn nữa cho chiến tranh
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp để chuẩn bị cho chiến tranh.
Luật quân nhân trừ bị đã được thực thi từ ngày 01/03. Điều này đã nâng giới hạn độ tuổi cao hơn đối với các cấp bậc khác nhau trong lực lượng trừ bị của Trung Quốc lên 60.
Ngày 25/03, một quyết định điều chỉnh việc áp dụng một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự đối với quân nhân trong thời chiến đã bắt đầu có hiệu lực. Những điều chỉnh mới nhắm đến “tội phạm có tính chất quân sự” như đào tẩu và đào ngũ trong thời chiến. Quyết định này cũng đặt ra cơ sở pháp lý để tuyên bố thiết quân luật nhằm kiểm soát nội địa nếu cần thiết.
‘Hãy tạo ra hòa bình chứ không phải chiến tranh!’
Những nỗ lực chiến tranh của nhà cầm quyền đã bị chỉ trích trên mạng Internet. Gần đây, một bài đăng phản đối chiến tranh đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và đã nhận được rất nhiều phản hồi. Một cư dân mạng trả lời: “Vợ con của các quan chức cao cấp đều đã chuyển đến Mỹ quốc. Tại sao chúng ta, những người dân thường, phải liều mạng [tham chiến vì họ]?”
Một cư dân mạng khác thì đề nghị: “Hãy để các quan chức đi trước.” Còn một người khác thì mong muốn nhắm bắn vào các cán bộ đảng: “Hãy đưa súng cho tôi và xem tôi bắn vào ai. Tôi chắc chắn sẽ nhắm vào những người buộc tôi phải ra chiến trường. Tôi không có thù oán với ai khác.”
Do Steffen Munter thực hiện
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức