Từ xác suất suy thoái đến cuộc họp FOMC, một tuần quan trọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ
Các thị trường tài chính sẽ công bố một loạt dữ liệu trong tuần này (25-31/07), trong đó có báo cáo được mong đợi nhiều về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2/2022. Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ kết quả cuộc họp chính sách tháng Bảy của Cục Dự trữ Liên bang.
Các cuộc khảo sát của các ngân hàng Fed khu vực, số liệu nhà ở, chỉ số tiêu dùng, số liệu về lao động và lạm phát cũng sẽ được công bố trong tuần này.
Đối với các nhà đầu tư, dữ liệu GDP và cuộc họp của Fed sẽ là trọng tâm chính trong những gì mà các chuyên gia cho là tuần quan trọng nhất của mùa hè năm nay.
Hoa Kỳ sẽ tránh được một cuộc suy thoái?
Cục Phân tích Kinh tế (BEA) sẽ công bố số liệu GDP quý 2/2022 hôm 28/07. Sự đồng thuận của thị trường đối với tốc độ tăng trưởng GDP đã tăng lên, ở mức tốc độ hàng năm là 0.5%.
Tuy nhiên, ước tính từ mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta (Fed Atlanta) cho thấy giá trị âm 1.6% trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu. Mô hình này mô phỏng các phương pháp được BEA sử dụng để ước tính tốc độ tăng trưởng.
Dự báo căn bản của Bank of America là một cuộc suy thoái, viện dẫn do áp lực giá mới trong năm 2022 và 2023.
“Một phần lớn của vấn đề là việc tăng giá ngay cả tạm thời (nhưng duy trì) có thể để lại hậu quả là kỳ vọng lạm phát cao hơn,” ông Ethan Harris, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu Global Research của Bank of America, cho biết trong bài bình luận hàng tuần của mình. “Do đó, các ngân hàng trung ương càng cần phải thực hiện một phần công việc khó khăn là đưa lạm phát giảm trở lại.”
Trong quý đầu tiên, nền kinh tế Hoa Kỳ giảm 1.6%. Nếu quý thứ hai cũng cho thấy một kết quả âm, thì đất nước sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, dựa trên định nghĩa chuẩn về suy thoái.
Trước khi báo cáo GDP được công bố, Tòa Bạch Ốc đã cố gắng hạ thấp khả năng suy thoái.
Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Cecilia Rouse và thành viên Jared Bernstein đã viết trong một bài đăng trên blog rằng ngay cả khi dữ liệu cho thấy hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng suy thoái.
Tòa Bạch Ốc viết: “Xác suất suy thoái không bao giờ bằng 0, nhưng các xu hướng trong dữ liệu của nửa đầu năm nay được sử dụng để xác định suy thoái không cho thấy có sự suy thoái.”
Nói chuyện trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Meet the Press” của đài NBC hôm 24/07, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, nhưng nói rằng một cuộc suy thoái không phải là không thể tránh khỏi. Bà ám chỉ đến số lượng việc làm cao và chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng.
“Đây không phải là một nền kinh tế đang suy thoái,” bà nói. “Nhưng chúng ta đang ở trong một giai đoạn chuyển đổi trong đó tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, và điều đó là cần thiết và phù hợp.”
Fed sẽ thắt chặt hay siêu thắt chặt?
Ông Giuseppe Sette, chủ tịch Toggle AI, một công ty nghiên cứu đầu tư dựa trên trí tuệ nhân tạo, cho biết Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan thiết lập chính sách của Fed, sẽ kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày hôm 27/07. Cuộc họp này sẽ là một trọng tâm chính của các thị trường tài chính trong tuần này.
Sau khi ghi nhận mức lạm phát 9.1% đáng báo động trong tháng Sáu, thị trường đã đặt cược rằng ngân hàng trung ương sẽ kích hoạt việc tăng lãi suất đủ 1%. Tuy nhiên, khả năng tăng 100 điểm cơ bản đối với lãi suất quỹ liên bang chuẩn, mức cao nhất kể từ những năm 1980, đã giảm đi trong tuần qua.
“Hiện tại, khả năng nghiêng nhiều về một mức tăng 75 điểm cơ bản, và các thị trường sẽ háo hức tìm thêm manh mối trong cuộc họp báo sau cuộc họp của [Chủ tịch Fed Jerome] Powell,” ông Sette viết trong một ghi chú hôm 25/07. “Một bất ngờ từ phía Fed — thắt chặt hơn khi đối mặt với dữ liệu kinh tế — hoặc lợi nhuận yếu hơn từ những công ty công nghệ hàng đầu có thể là một sự kích hoạt để xác định lại mức thấp của thị trường.”
Theo CME FedWatch Tool, xác suất của một mức tăng đủ 1% là 25%, giảm so với 42% hồi đầu tháng này.
Nhà phân tích cao cấp Joseph Trevisani của FXStreet cho biết, nếu nước Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái, thì đó sẽ là một thách thức đối với ông Powell để tái khẳng định cam kết của ngân hàng trung ương trong việc giảm tỷ lệ lạm phát mục tiêu xuống 2%, trong khi đối mặt với một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
“Ngay cả khi Fed tiếp tục gia tăng chống lạm phát, thì một sự suy thoái kinh tế sẽ buộc lãi suất giảm trong năm tới, hoặc sớm hơn. Các cuộc khảo sát về sản xuất của các ngân hàng Fed khu vực hầu như đều chỉ ra mức thấp hơn, theo hướng thu hẹp,” ông nói với The Epoch Times. “Trong trường hợp khó có khả năng xảy ra là quý thứ hai ghi nhận mức tăng trưởng dương, thì lạm phát, thiếu hụt lao động, và các vấn đề sản xuất phần lớn sẽ không suy giảm và ăn mòn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế.”
‘Phải chi tháng 11 đến nhanh hơn’
Một số dữ liệu kinh tế đã được công bố hôm 25/07 trước khi có những số liệu được nhiều người mong đợi của tuần này.
Chỉ số Sản xuất của Fed Dallas, một thước đo hoạt động kinh doanh chung cho lĩnh vực này ở Texas, đã suy yếu, xuống mức âm -22.6 trong tháng Bảy, từ âm -17.7 trong tháng Sáu. Đây là tháng thứ ba liên tiếp mà chỉ số này nằm trong vùng âm.
Các đơn đặt hàng mới giảm dần, -9.7, trong khi chỉ số sử dụng công suất không đổi, ở mức 3.5. Giá cả và tiền lương tăng với tốc độ khiêm tốn. Việc làm và các chuyến hàng đã tăng lên trong tháng này. Kỳ vọng của doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất là khác nhau.
Những người tham gia khảo sát đã nêu bật một ngành đang trải qua sự chậm lại đáng kể trong hoạt động, đặc biệt là trong thị trường xây dựng nhà và thi công. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lưu ý rằng họ chưa thấy lạm phát giảm xuống, và những người được hỏi khác nói thêm rằng họ “không thể tìm được những người đủ năng lực để mở rộng sản lượng của chúng tôi.”
Theo một người trong ngành sản xuất máy móc, sự thiếu ổn định trong chuỗi cung ứng đã tạo áp lực lên các doanh nghiệp.
Người trả lời khảo sát này cho biết: “Chúng tôi giải quyết một vấn đề, chỉ để thấy một nhà cung cấp khác báo tin xấu cho chúng tôi về sự chậm trễ/hủy đơn hàng.”
Nhưng sự tạm dừng hỗ trợ của Tổng thống Joe Biden đối với lĩnh vực năng lượng trong nước cũng gây thêm nhiều bất ổn cho các công ty dầu khí.
Một người được hỏi khác nói: “Việc Tổng thống Biden ra ngoại quốc để thỉnh cầu thêm nguồn cung dầu thay vì làm việc với các nhà sản xuất trong nước đã thực sự gây thêm bất ổn cho các nhà sản xuất trong nước và ngân sách của họ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các kế hoạch mở rộng kinh doanh của chúng tôi.”
Một người trả lời khác nói: “Phải chi tháng 11 đến nhanh hơn.”
Trong khi đó, Chỉ số Hoạt động Quốc gia của Fed Chicago, một thước đo hàng tháng về hoạt động kinh tế tổng thể và áp lực lạm phát liên quan, đã chững lại trong tháng Sáu, ở mức -0.19, trong tháng thứ hai liên tiếp. Báo cáo nhấn mạnh sự sụt giảm về sản xuất và việc làm, với các mức doanh thu, đơn đặt hàng, và hàng tồn kho ảm đạm.
Ngoài ra, chỉ số trung bình động ba tháng của chỉ số này đã giảm xuống -0.04 hồi tháng trước, mức âm đầu tiên trong khoảng hai năm.
Các dữ liệu khác cần theo dõi
Tuần này, các nhà đầu tư cũng sẽ xem xét các thông tin quan trọng khác, trong đó có:
Chỉ số giá nhà S&P/Case-Shiller, doanh số bán nhà mới của Cục Điều tra Dân số, và doanh số bán nhà đang chờ bán sẽ được công bố.
Ngân hàng Fed Richmond và Ngân hàng Fed Kansas sẽ công bố chỉ số sản xuất của họ.
Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng của Conference Board cho tháng Bảy dự kiến sẽ giảm trở lại. Kết quả Chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng cuối cùng của Đại học Michigan sẽ được công bố hôm 29/07.
Các đơn đặt hàng lâu bền được dự đoán sẽ giảm 0.4% trong tháng Sáu.
Trong tháng Sáu, thu nhập và chi tiêu cá nhân được dự đoán sẽ tăng lần lượt là 0.5% và 0.9%.
Chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE), vốn là thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố cho tháng Sáu. Ngoài ra, dữ liệu chi phí nhân viên của Cục Thống kê Lao động, kể cả phúc lợi và tiền lương, sẽ được công bố cho quý trước.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).