Trung Quốc trở thành mắt xích mơ hồ trong chuỗi cung ứng pin lithium của TT Biden
Một công ty khai thác do Trung Quốc chi phối đã kiếm được hàng triệu dollar trợ cấp của Hoa Kỳ để chiết xuất lithium tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do Hoa Kỳ thiếu năng lực sản xuất, nên khoáng chất này có khả năng được gửi đến Trung Quốc mà không có một sự bảo đảm nào để pin lithium thành phẩm sẽ được đưa trở lại nhằm cung cấp năng lượng cho nền kinh tế xanh theo viễn cảnh của Tổng thống (TT) Biden.
Những người chỉ trích cho rằng kịch bản này sẽ làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của Hoa Kỳ vào một cường quốc thù địch – một quốc gia bị cáo buộc đã sử dụng lao động cưỡng bức trong sản xuất pin lithium lẫn tấm pin quang năng – đồng thời làm giảm sự chú trọng của chính phủ TT Biden về nguồn cung cấp năng lượng xanh trong nước.
“Chúng ta cần thành phẩm ngay tại đây,” ông Glenn Miller, một giáo sư đã về hưu chuyên ngành khoa học môi trường tại Đại học Nevada, Reno, người đã dành nhiều thập niên trong lĩnh vực hóa học khai thác cho biết. “Tôi hy vọng [chúng ta] sẽ có lợi thế khi lấy lithium đó và vận chuyển 200 dặm về phía nam để sản xuất [thay vì] vận chuyển đi khắp thế giới. Tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối bởi sự kiểm soát [khoáng sản] của Trung Quốc. Tại sao chúng ta không thể làm điều này?”
Mặc dù Hoa Kỳ có nguồn cung cấp lithium dồi dào, nhưng quốc gia này hiện đang thiếu khả năng sản xuất thành dạng có thể sử dụng được, có nghĩa là 7 tỷ USD tiền thuế của người dân đầu tư vào chuỗi cung ứng pin của quốc gia sẽ phải bao gồm một thành phần ngoại quốc trong đó. Điều đó gần như chắc chắn có cả Trung Quốc, quốc gia sản xuất 79% pin lithium-ion trên thế giới.
Lithium đã trở thành tiêu điểm trong kế hoạch năng lượng của TT Biden, vì đây là một yếu tố chủ chốt để sản xuất pin cho xe điện và bộ lưu trữ tấm pin quang năng. Chính phủ ngầm thừa nhận thách thức sản xuất lithium trong một báo cáo hồi tháng 06/2021 do Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đưa ra. Báo cáo viết: “Quốc gia sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự phát triển và tăng trưởng của quá trình sản xuất nguyên liệu trong nước với chi phí cạnh tranh cho nguyên liệu pin lithium.”
Phát ngôn viên Bộ Năng lượng David Mayorga không phúc đáp danh sách các câu hỏi về lithium nội địa.
Hồi tháng Ba, Tòa Bạch Ốc đã ban hành một lệnh viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (Defense Production Act), một đạo luật có từ năm 1950 nhằm ưu tiên sản xuất vật liệu nhân danh an ninh quốc gia. Hành động này cho phép chính phủ liên bang điều phối ngân quỹ từ tiền thuế của người dân cấp cho các công ty tư nhân để chiết xuất nhiều lithium hơn tại Hoa Kỳ — kể cả các lợi ích từ ngoại quốc.
Nổi bật trong sáng kiến này là Lithium Americas có trụ sở tại Canada, một tập đoàn mậu dịch đại chúng có cổ đông lớn nhất là đại công ty khai thác lithium Cống Phong Lithium (Ganfeng Lithium) thuộc sở hữu của Trung Quốc, hiện đang bị điều tra tại Trung Quốc vì cáo buộc thương mại nội gián.
Công ty Lithium Americas đang tìm cách khai thác lithium từ mỏ Thacker Pass, một khu vực hoang dã rộng 18,000 mẫu Anh ở biên giới Nevada-Oregon. Nếu việc khai thác này được chấp thuận, Thacker Pass sẽ là một trong số ít mỏ lithium đang hoạt động duy nhất ở Hoa Kỳ cùng với một mỏ ở Silver Peak bên ngoài Tonopah, Nevada. Công ty dự kiến mỏ này sẽ khai thác 80,000 tấn lithium mỗi năm, trở thành một trong những mỏ lithium lớn nhất trên thế giới, đáp ứng 1/4 nhu cầu của thế giới.
Lithium Nevada, một công ty con của Lithium Americas tại địa phương, đã được chấp thuận để nhận khoản giảm thuế của tiểu bang Nevada trị giá 8.5 triệu USD. Và công ty mẹ đã nộp đơn đề nghị trợ cấp thông qua Bộ Năng lượng, trong đó có khoản tiền mà ông Biden cung cấp thông qua Đạo luật Sản xuất Quốc phòng.
Nhưng những người nhận được hỗ trợ giảm thuế và trợ cấp không đưa ra hứa hẹn nào để bảo đảm rằng thành phẩm cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ. Trong một tuyên bố với RCI, Giám đốc điều hành Jonathan Evans của Lithium Americas đã hạ thấp mối quan hệ với Trung Quốc của công ty và đặt câu hỏi về việc liệu lithium được khai thác có chuyển đến các đối tác Hoa Kỳ để sản xuất hay không.
“Trong khi Lithium Americas hợp tác với Cống Phong Lithium tại Cauchari Olaroz ở Argentina, [Lithium Americas] sở hữu 100% mỏ Thacker Pass và không cam kết 100% bao tiêu,” ông Evans cho biết. “Chúng tôi vẫn nỗ lực sản xuất nguồn cung cấp lithium thiết yếu trong nước từ dự án Thacker Pass của chúng tôi, tập trung vào việc bán cho các khách hàng tập trung tại Hoa Kỳ để củng cố chuỗi cung ứng pin trong nước.”
Ông Daniel Simmons, cựu trợ lý Bộ trưởng tại Bộ Năng lượng dưới thời chính phủ TT Trump, vốn tập trung vào năng lượng tái tạo, cho biết: “Mọi công ty khai thác mà tôi từng nói chuyện đều muốn thấy lithium mà họ khai thác phải được sản xuất và biến thành pin tại Hoa Kỳ. Nhưng nếu không có đủ cơ sở ở Hoa Kỳ, thì người Trung Quốc có thể sẽ chế biến nó và biến nó thành pin.”
Thị phần sản xuất trên toàn thế giới của Hoa Kỳ đã giảm từ 27% vào năm 1996 xuống 1% vào năm 2020 trong khi các quốc gia khác đã tăng cường khai thác lithium kể từ giữa những năm 1990, khi đó loại khoáng chất này chủ yếu được sử dụng cho vật liệu xây dựng, thủy tinh, nhôm cường lực và magiê.
Sự tăng trưởng sản xuất lithium trên toàn thế giới xảy ra đồng thời với sự gia tăng sản xuất xe điện. Theo một báo cáo của công ty tư vấn McKinsey & Company, trong năm 2015, chưa đến 30% nhu cầu lithium dành cho pin. Công ty McKinsey dự đoán rằng đến năm 2030, 95% lượng lithium được sản xuất sẽ dành cho pin.
Năm ngoái (2021), Hoa Kỳ đã sản xuất 2,500 tấn lithium – khác xa so với con số 80,000 tấn được dự đoán tại mỏ Thacker Pass – và đã xuất cảng 1,900 tấn trong số đó.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, điểm đến xuất cảng lithium của Hoa Kỳ hồi năm ngoái vẫn chưa được tổng hợp và con số của năm 2020 bị sai lệch. Hồi năm 2019 – trước khi có mục tiêu tái tạo năng lượng của ông Biden – Đức và Nhật Bản là những quốc gia nhận lithium lớn nhất do Hoa Kỳ khai thác. Theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, một lượng nhỏ lithium của Hoa Kỳ đã đến Trung Quốc hồi năm 2020.
Bất chấp ưu tiên chiến lược cao đối với lithium của chính phủ TT Biden, Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy sự thống trị về khoáng sản trên thế giới. Điều đó có nghĩa là “Trung Quốc sẽ tiếp tục thống trị sản xuất hóa chất lithium trong tương lai gần,” theo dự báo từ Benchmark Mineral Intelligence, một cơ quan chuyên thực hiện báo cáo giá cả có trụ sở tại London.
Việc phụ thuộc vào hoạt động sản xuất lithium của Trung Quốc một lần nữa sẽ khiến chính phủ TT Biden rơi vào tình thế phiền toái về mặt chính trị khi coi thường các hành vi lạm dụng nhân đạo và vi phạm thương mại của Trung Quốc.
Lao động cưỡng bức đã được phát hiện trong cái gọi là các ngành công nghiệp xanh ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, một khu vực sản xuất tấm pin quang năng và một số nhà máy sản xuất lithium lớn của quốc gia này.
Tuần trước (11-17/07), bảy nhà lập pháp Đảng Dân Chủ đã gửi một bức thư tới Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas hỏi tại sao ba công ty quang điện lớn của Trung Quốc bị loại khỏi danh sách các công ty có sản phẩm bị cấm do vi phạm các quy tắc lao động cưỡng bức. Theo Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Forced Labor Prevention Act) có hiệu lực từ ngày 21/06, tất cả hàng hóa được sản xuất ở Tân Cương đều được cho là do lao động cưỡng bức thực hiện và nên bị chặn nhập cảng vào Hoa Kỳ.
Một trường hợp khác mới đây đã gây khó chịu cho những người ủng hộ môi trường và nhân quyền vốn thường theo phe của ông Biden. Trong chuyến công du xuất phát từ việc giá xăng của Hoa Kỳ tăng vọt tại trạm xăng và nhằm thu hút sản lượng dầu lớn hơn từ vương quốc này, Tổng thống đã gặp gỡ Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman, có liên quan đến vụ sát hại ký giả Jamal Khashoggi năm 2018. Ở trong nước, chính phủ vốn tập trung vào biến đổi khí hậu đã áp đặt hoặc đề xướng các chính sách nhằm cản trở các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các lợi ích từ ngoại quốc đối với lithium thành phẩm, cũng như các tấm pin quang năng, lặp lại tình trạng ở Âu Châu khi một số quốc gia ở đó đã tìm đến các nguồn năng lượng của Nga trong những năm trước khi xảy ra cuộc xâm lược Ukraine của ông Vladimir Putin. Điều đó khiến Đức và Ý gần đây đã công bố kế hoạch cải tiến việc sử dụng than để cung cấp cho các nhu cầu năng lượng của họ.
Việc ông Biden sẵn sàng ly khai đường lối truyền thống của Đảng Dân Chủ trong chính sách năng lượng sẽ gây ra những hậu quả khác. Khai thác và phát triển nhà máy quang năng đang phá hoại các vùng đất liên bang mà các bộ lạc người Mỹ bản địa tuyên bố là có ý nghĩa văn hóa. Và Thuộc địa người Anh Điêng Reno-Sparks cũng như Bộ lạc Burns Paiute tọa lạc tại Oregon đã kiện Cục Quản lý đất đai Hoa Kỳ để dừng dự án Thacker Pass. Họ tuyên bố khu vực này là một tiền đồn tôn giáo và văn hóa. Lithium Americas đã đàm phán với Cục đất đai để xây dựng một mỏ trên khu đất này ít nhất từ năm 2017, theo đánh giá của RealClearInvestigations về hồ sơ tòa án.
Các cộng đồng người Mỹ bản địa nghiêng về phía Đảng Dân Chủ và vào năm 2020 họ đã dành cho ông Biden ước tính 60% phiếu bầu của họ, tuy nhiên sự ủng hộ đó hiện đang được cân bằng trở lại do Hiệp hội Khai thác mỏ Quốc gia (National Mining Association), một nhóm vận động khai thác than lâu năm, vốn ủng hộ các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa.
Trong thập niên qua, Ủy ban hành động chính trị của hiệp hội khai thác mỏ đã quyên góp cho các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa với tỷ lệ 9-1 so với Đảng Dân Chủ, nhưng năm nay tỷ lệ này giảm xuống còn 3-1 vì các công ty khai thác đã hài lòng khi chính phủ chuyển từ than sang lithium.
Ông Rich Nolan, chủ tịch hiệp hội khai thác mỏ, đã không phúc đáp yêu cầu phỏng vấn.
Ông Gary McKinney, phát ngôn viên của People of Red Mountain, một tổ chức người Mỹ bản địa thách thức mỏ Thacker Pass, nhận thấy một động cơ ngầm quen thuộc đang diễn ra. Ông nói: “Quý vị không thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu thông qua khai thác mỏ bẩn,” ông nói, “Tất cả đều là tiền, không phải môi trường.”
Ông Steve Miller là một tác giả và là ký giả. Sau 12 năm làm nhạc sĩ indie, ông Miller bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình với tư cách là phóng viên tòa án và cảnh sát tại Dallas Morning News và là phóng viên quốc gia của Washington Times. Ông đã từng làm một phóng viên quốc gia cho The Daily Beast, tạp chí People, High Times, U.S. News và World Report, RealClearInvestigations, và một số tuần báo khác như Houston Press và Miami New Times.