Chuyên gia: Thỏa thuận Hoa Kỳ-Congo có thể giúp cứu vãn ngành công nghiệp cobalt bị Trung Quốc chi phối
Thỏa thuận tìm cách ngăn chặn sự kiểm soát của Trung Quốc đối với khoáng sản trọng yếu này
Phân tích tin tức
Cuối năm 2022, Hoa Kỳ đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Zambia. Thỏa thuận này nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển chuỗi cung ứng pin xe điện, liên quan đến việc khai thác các khoáng sản trọng yếu như cobalt và đồng.
Thỏa thuận này đã làm dấy lên lo ngại vì việc khai thác cobalt ở Congo hiện đang bị Trung Quốc độc chiếm. Các nhà phê bình lo ngại rằng biên bản ghi nhớ này cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc, bằng cách chuyển sự tập trung của Hoa Kỳ vào thứ mà một số người xem là nguồn nguyên liệu kém tin cậy, hơn là phát triển các nguồn trong nước.
Mặc dù cả Zambia và Congo đều là những nhà sản xuất kim loại hàng đầu, nhưng Congo lại giàu có hơn, sản xuất hơn 70% lượng cobalt của thế giới, thường được khai thác dưới dạng sản phẩm phụ của các mỏ đồng hoặc niken. Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng Biên bản ghi nhớ (pdf) được ký kết vào ngày 13/12 này có thể giúp Hoa Kỳ bảo đảm chuỗi cung ứng và dần cho phép biên bản này thay thế các hành vi tham nhũng mà Trung Quốc dung dưỡng.
Năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết rằng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, việc phát triển các chuỗi cung ứng mới cho các khoáng chất trọng yếu như cobalt sẽ “xác định an ninh năng lượng của thế kỷ 21” bởi vì mặc dù mức tiêu thụ các sản phẩm chạy bằng pin EV đang gia tăng, nhưng việc sản xuất cobalt tiếp tục bị chi phối chỉ bởi một vài quốc gia.
Nếu thành công, biên bản ghi nhớ này, vốn nhằm mục đích “tạo điều kiện phát triển một chuỗi giá trị tích hợp để sản xuất pin xe điện (EV) ở Congo và Zambia,” có thể giúp bẻ gãy gọng kìm của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng khoáng sản bên ngoài châu Phi, ông Christian Géraud Neema Byamungu cho biết trong một bài bình luận do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế xuất bản hôm 06/03.
Bộ Ngoại giao cho biết trong một thông cáo hôm 18/01, rằng khu vực tư nhân của Mỹ có thể cung cấp kiến thức kỹ thuật và tài chính để phát triển thương mại, còn chính phủ Hoa Kỳ “sẽ làm việc với Congo và Zambia để bảo đảm khu vực tư nhân có một sân chơi bình đẳng để tham gia vào các dự án này.”
Doanh nghiệp Mỹ cải thiện chất lượng
Ông J. Peter Phạm từng là đặc phái viên của Hoa Kỳ tại khu vực Sahel và Ngũ Đại Hồ của châu Phi dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ông nói với The Epoch Times rằng sự can dự của Hoa Kỳ sẽ tác động tích cực đến Congo.
“Việc Hoa Kỳ can dự nhiều hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp Hoa Kỳ có uy tín cần bảo vệ, sẽ cải thiện môi trường, xã hội, và quản trị,” ông Phạm bày tỏ. “Việc không can dự vào Congo đã làm được gì trong nhiều năm ngoại trừ việc đem đến cho Trung Quốc vị trí thống trị mà nước này đạt được do muốn cạnh tranh?”
Theo một bản tin hồi tháng 10/2022 trên tờ The Diplomat, 15 trong số 19 cơ sở khai thác cobalt ở quốc gia Phi Châu này là do các tổ chức Trung Quốc sở hữu hoặc đồng sở hữu. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bị giám sát chặt chẽ về hoạt động của họ tại Congo.
Theo một bài báo điều tra của nhật báo Tây Ban Nha El País, các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc đang khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên ở phía bắc Congo, “sử dụng giấy phép với các tờ chi phiếu ký khống.”
Vài tháng trước khi biên bản ghi nhớ này được ký kết, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến thăm Congo. Hoa Kỳ hoan nghênh “các cam kết mới” của Congo nhằm diệt trừ nạn “tham nhũng tràn lan,” Bộ Ngoại giao cho biết trong một tờ thông tin về chuyến đi.
Ông Phạm cho biết các vấn đề mang tính hệ thống và lâu dài về tham nhũng ở Congo không thể biến mất trong một sớm một chiều. Để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải có sự cam kết lâu dài và cảnh giác từ chính phủ Congo và các nhà đầu tư quốc tế.
“Tuy nhiên, điều đó nói lên rằng các doanh nghiệp Mỹ sẽ cho thấy sự cải thiện về chất lượng so với các đối thủ Trung Quốc đại lục,” ông Phạm nói. “Các doanh nghiệp Mỹ không chỉ phải tuân theo các nghĩa vụ pháp lý chặt chẽ theo Đạo luật Chống Tham nhũng ở Ngoại quốc và các luật khác của Hoa Kỳ, mà các doanh nghiệp Mỹ còn phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông của họ, những người nhạy cảm với các mối quan tâm về uy tín, và cũng hoạt động theo các đặc tính văn hóa khác nhau.”
Thách thức đa chiều
Việc Trung Quốc độc quyền khai thác cobalt ở Congo đã gây lo ngại cho những người trong ngành, các nhà hoạt động nhân quyền, và các nhà lập pháp.
Bà Melissa Sanderson là cựu nhân viên ngoại giao cao cấp người Mỹ, từng giữ chức Đại biện lâm thời ở Kinshasa, Congo. Bà Sanderson viết trên tờ Investor Intel rằng, Congo và Zambia không thể được xem là nguồn đáng tin cậy. Bà cảm thấy biên bản ghi nhớ thể hiện sự tuyệt vọng của chính quyền Hoa Kỳ trong việc “giải quyết thảm họa sắp xảy ra đối với xe điện, năng lượng xanh, và các ngành công nghiệp quốc phòng” do tình trạng thiếu nguyên liệu toàn cầu.
Bà Sanderson cho biết: “Bị mắc kẹt giữa các tranh chấp ưu tiên về chính trị và quốc phòng, chính phủ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các nguồn đáng tin cậy của các nguyên liệu nói trên mà không cần phải thực sự cấp phép cho các mỏ khai thác mới ở Hoa Kỳ.”
Những người chỉ trích như bà Sanderson muốn biết tại sao chính phủ không thực hiện các nỗ lực xây dựng một chuỗi cung ứng trong nước đối với các vật liệu như cobalt và đồng, thay vào đó dường như (họ) đang khuyến khích điều ngược lại.
Dự trữ cobalt của khu vực Bắc Mỹ
Tuy nhiên, ông Phạm cho biết những lập luận này không thực sự áp dụng cho cobalt, một loại khoáng sản vốn không chỉ được sử dụng cho pin xe điện mà còn cho một loạt các ứng dụng khác, gồm hợp kim chịu nhiệt cho chiến đấu cơ và nam châm được sử dụng trong công nghệ tàng hình.
Ông Phạm nói với The Epoch Times rằng trữ lượng cobalt ở Hoa Kỳ hữu hạn đến mức nếu được khai thác, loại khoáng sản này chỉ sẽ tồn tại trong khoảng dưới 8 năm.
Ông nói: “Thực tế đơn giản là Thượng Đế đã không ban tặng cho Mỹ quốc lượng cobalt phong phú. Ngược lại, lượng cobalt của Congo thì lại nhiều bằng cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Nếu chúng ta muốn có đủ cobalt cho nhu cầu của mình, thì Congo sẽ phải trở thành một phần trong chuỗi cung ứng. Không có cách nào khác.”
So với trữ lượng cobalt 3.6 triệu tấn của Congo, Hoa Kỳ chỉ sở hữu 55,000 tấn kim loại dạng này, theo tạp chí Mining Digital, trong khi Canada có lượng dự trữ bổ sung là 230,000 tấn.
Theo tạp chí Mining, điều may mắn trong chuỗi cung ứng cobalt ở Bắc Mỹ là nguồn dự trữ của Canada có chất lượng cao nhất — đến mức các nhà đầu tư bao gồm cả tỷ phú Bill Gates cũng đang tài trợ cho dự án thăm dò cobalt ở Canada. Công ty khởi nghiệp Kobold Metals có trụ sở tại California, được ông Bill Gates, ông Jeff Bezos và các tỷ phú khác hậu thuẫn, đang áp dụng một phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu để tìm kiếm trữ lượng cobalt ở Canada, sử dụng cái mà họ gọi là “máy dò tìm.”
Hệ sinh thái khai khoáng của Congo
Mặt khác, hệ sinh thái khai khoáng của Congo rất lớn và đang hoạt động, mặc dù hệ sinh thái này chưa bao giờ không xảy ra vấn đề và tranh cãi.
Theo ông Cade Ahlijian, viết trên blog Global Edge của Đại học Tiểu bang Michigan, cobalt đã trở thành một loại hàng hóa độc quyền vì vật liệu này chỉ được kiểm soát bởi hai quốc gia: Trung Quốc và Congo. Trong khi Congo cung cấp khoảng 70% lượng cobalt của thế giới, thì Trung Quốc tài trợ hoặc sở hữu 80% các mỏ cobalt công nghiệp ở quốc gia Trung Phi này.
Nếu điều đó không đủ thách thức đối với các nền kinh tế tự do dân chủ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng này, thì vẫn còn một sự thật đó là các hoạt động khai thác ở Congo có dính líu đến việc sử dụng lao động trẻ em tràn lan. Theo báo cáo của Trung tâm Wilson, các mỏ ở Congo sử dụng 40,000 lao động là trẻ em, trong đó có một số bé chỉ mới 6 tuổi.
Căn nguyên của vấn đề này là khai thác cobalt thủ công. Theo báo cáo của Reuters, có đến 200,000 thợ mỏ thủ công hiện đang làm việc tại Congo. Theo báo cáo của Trung tâm Wilson, các mỏ cobalt quy mô nhỏ, thường xuyên thiếu thiết bị bảo hộ thích hợp và không có nhiều tiêu chuẩn an toàn, chiếm 20% sản lượng cobalt của cả nước.
Để giải quyết vấn đề khai thác thủ công và quy mô nhỏ (ASM), hồi tháng 03/2021, Congo đã ra mắt công ty khai thác cobalt do nhà nước hậu thuẫn có tên là Entreprise Générale du Cobalt (EGC), nhằm “chính thức hóa chuỗi cung ứng cobalt ASM với trọng tâm chính là bảo tồn và tôn trọng các tiêu chuẩn về nhân quyền, an toàn, và môi trường,” theo một bản thông báo của EGC. Doanh nghiệp này có quyền độc quyền đối với toàn bộ lượng cobalt được khai thác thủ công. Theo thông cáo trên, EGC sẽ hợp tác với Pact, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, để “bảo đảm các tiêu chuẩn khai thác có trách nhiệm.”
Bà Sanderson cho biết rắc rối cũng xuất hiện ở phía đông và phía bắc Congo, trong bối cảnh các nhóm dân quân vũ trang ngày càng lộng hành.
Giải quyết các thách thức
Ông Phạm nói rằng các thách thức đối với việc khai thác cobalt ở Congo không phải là không thể vượt qua.
“Về vấn đề nhân quyền và các mối quan tâm khác, không ai khẳng định mọi thứ ở Congo (hay bất kỳ nơi nào khác) là hoàn hảo, nhưng nếu chúng ta muốn có cobalt, địa chất không cho chúng ta những lựa chọn thực tế khác,” ông Phạm nói. Ông nói thêm, sự hiện diện của các doanh nghiệp Hoa Kỳ có khả năng nâng cao các tiêu chuẩn chính sách của ngành công nghiệp này ở Congo.
Ngay sau khi biên bản ghi nhớ được ký kết, KoBold Metals đã công bố khoản đầu tư trị giá 150 triệu USD để thăm dò và phát triển mỏ đồng Mingomba ở Zambia (pdf).
Giải quyết vấn đề tham nhũng của Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật vô đạo đức để độc quyền sản xuất cobalt ở Congo.
“Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp Trung Quốc có được giấy phép khai thác nhờ tham nhũng và/hoặc không thực hiện các nghĩa vụ mà họ đã cam kết – một ví dụ khét tiếng đó là thỏa thuận ‘khai thác khoáng sản đổi lấy cơ sở hạ tầng’ mà cựu Tổng thống Joseph Kabila đã thực hiện,” ông Phạm nói.
Cái gọi là Thỏa thuận Sicomines, được ký năm 2007, là một tài liệu trị giá hàng tỷ dollar cho thỏa thuận cơ sở hạ tầng. Thỏa thuận này đã trao cho các đối tác Trung Quốc quyền khai thác để đổi lấy việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và xã hội ở Congo, được tài trợ bởi các khoản vay từ China Eximbank thuộc sở hữu nhà nước.
Ông Byamungu cho biết Hoa Kỳ đã thực hiện các nỗ lực chính trị để buộc Tổng thống Congo, ông Felix Tshisekedi sửa đổi các thỏa thuận trước đây của Congo với Trung Quốc, bao gồm cả thỏa thuận Sicomines. Tuy nhiên, “cho đến nay, hành động này đã không thể mang lại kết quả rõ ràng, khiến Hoa Thịnh Đốn nản chí,” ông Byamungu nói.
Ông Phạm cho biết khi ông còn làm đặc phái viên Hoa Kỳ tại Ngũ Đại Hồ, chính phủ Congo đã bắt đầu “điều tra những nghi vấn này” và cũng đã bắt đầu “một số tranh chấp” với các công ty Trung Quốc.
Ngăn chặn nút thắt cổ chai của Trung Quốc
Ông Phạm cho biết vấn đề không chỉ dừng lại ở việc khai thác cobalt. “Thách thức chiến lược đối với Hoa Kỳ là sở hữu chuỗi cung ứng an toàn – đó chính là quyền tiếp cận – với cobalt. Và do đó, đến cuối cùng, sẽ ít đáng lo ngại hơn nếu các công ty Trung Quốc khai thác cobalt. Vấn đề là liệu Trung Quốc có thể thắt nút cổ chai chuỗi cung ứng và ngăn chặn sự tiếp cận của Mỹ đối với cobalt tinh luyện hay không.”
Ông nói, mục đích đằng sau biên bản ghi nhớ này là giúp Congo và Zambia, nơi có trữ lượng lớn đồng, nắm bắt chuỗi giá trị này bằng cách phát triển chế biến ở đó.
“Vì vậy, ngay cả khi các công ty Trung Quốc giữ lại giấy phép khai thác, thì việc chế biến khoáng sản thô sẽ được thực hiện ở đó bởi một số kiểu liên doanh gồm người Congo, Zambia, Mỹ, và các bên liên quan khác,” theo ông Phạm.
Sản phẩm cuối cùng của nỗ lực này, nếu thành công, sẽ là trữ lượng cobalt sẵn có cho tất cả mọi người với giá thị trường. Ông Phạm cho biết, Trung Quốc sẽ không thể nắm bắt được chuỗi giá trị cũng như không có khả năng biến quá trình chế biến cobalt thành một điểm án ngữ.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times