BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Chính trị và lòng tham cản trở giấc mơ mang Internet giá cả phải chăng đến châu Phi của ông Elon Musk
JOHANNESBURG, Nam Phi — Lời hứa của ông Elon Musk về việc cung cấp Internet rẻ hơn, nhanh hơn, và đáng tin cậy hơn ở châu Phi tỏ ra rất khó giữ được, kể cả đối với một người nổi tiếng là không biết mệt mỏi như ông.
Ông trùm kinh doanh và là nhà đầu tư siêu hạng là người sáng lập và kỹ sư trưởng của SpaceX, Giám đốc điều hành của Tesla, đồng thời là chủ sở hữu của Twitter, nhưng ông ấy đang gặp phải khó khăn để đưa dịch vụ Starlink mang tính cách mạng của mình được thuận lợi ở châu Phi, lục địa quê hương của ông, khi ông ấy phải đối mặt với một mạng lưới phức tạp, quan liêu, tham lam, và bất tài.
Chính phủ ở châu Phi mới nhất cố gắng ngăn chặn doanh nhân vừa nổi tiếng vừa tai tiếng của Mỹ khai triển trong cục bộ dịch vụ Internet vệ tinh của mình là Nam Phi, nơi ông Musk sinh ra và lớn lên.
Theo trang web của công ty này, Starlink, “chòm sao Internet vệ tinh” do SpaceX điều hành đã cung cấp dịch vụ truy cập Internet từ năm 2019, với các dịch vụ hiện hữu sẵn có ở 53 quốc gia.
Tuy nhiên, chỉ có hai trong số 54 quốc gia ở châu Phi — Nigeria và Rwanda — đã cho phép Starlink tiếp cận các thị trường địa phương, bảo đảm rằng lục địa này vẫn không biết nhiều khi nói đến khả năng truy cập Internet của đại đa số 1.4 tỷ người.
Starlink sử dụng các vệ tinh quay quanh trái đất ở một độ cao tương đối thấp để cung cấp kết nối Internet mà ông Musk tuyên bố là nhanh nhất và rẻ nhất hiện có.
Ông Arthur Goldstuck, người sáng lập tập đoàn công nghệ World Wide Worx của Nam Phi, nói với The Epoch Times rằng Starlink đã đi đầu trong một “cuộc cách mạng” trong việc sử dụng Internet trên toàn cầu.
“Ví dụ ấn tượng nhất là Ukraine, nơi được phép tiếp tục truy cập Internet mà không bị gián đoạn, một phần vì chính ông Musk đã vận chuyển một lượng lớn đầu thu [Internet vệ tinh] đến Ukraine. Mặc dù vậy, ông mong rằng chính phủ Hoa Kỳ trả tiền cho ông cho những thứ đó. Thế nên, ông không làm bất cứ điều gì mà không có sự đền đáp nào đó cho bản thân mình.”
Các thị trường nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở châu Phi do các công ty viễn thông thống trị áp đảo, đáng chú ý nhất là Tập đoàn MTN của Nam Phi và Vodacom.
MTN là nhà cung cấp lớn nhất ở châu Phi, với gần 300 triệu người ghi danh, trong khi Vodacom có 125 triệu người ghi danh.
Chuyên gia công nghệ độc lập David Kilanji, sống tại Nairobi, Kenya, nói với Epoch Times: “Các tập đoàn di động và ISP của Phi Châu tính giá dữ liệu di động cao nhất trên thế giới, mong muốn những người nghèo nhất trên thế giới phải trả những mức giá này.”
“Các chính phủ Phi Châu xem sự bùng nổ viễn thông, và nhu cầu kết nối to lớn này như là một món lợi đồ sộ. Vì vậy, họ đánh thuế nặng vào ngành viễn thông và các dịch vụ và hàng hóa liên quan. Cơ sở hạ tầng nói chung cũng không có sẵn, hoặc có chất lượng kém ở châu Phi, và điều này càng làm cho chi phí tăng lên.”
Theo một báo cáo hồi tháng 08/2022 của dịch vụ thống kê toàn cầu Statista, các quốc gia Phi Châu cận Sahara nằm trong số những quốc gia có chi phí mua dữ liệu di động đắt đỏ nhất thế giới, với một gigabyte (GB) có giá trung bình gần 4.5 USD.
Hồi tháng 07/2022, nghiên cứu của công ty công nghệ Cable có trụ sở tại Vương quốc Anh, được xuất bản trên Tạp chí Mobile, tiết lộ rằng 6 trong số 10 quốc gia có dữ liệu đắt đỏ nhất là ở vùng hạ Sahara của châu Phi.
Cable nêu tên Equatorial Guinea là quốc gia bán dữ liệu giá cao nhất trên toàn cầu. Ở chế độ đạo tặc (kleptocracy) giàu khoáng sản nhỏ bé ở Trung Phi, 1GB có giá gần 50 USD.
Saint Helena, ngoài khơi bờ biển phía tây nam Phi Châu, tính chi phí cho 1GB gần 40 USD, với São Tomé và Príncipe tính chi phí cho 1G gần 31 USD. Cả hai đều viện cớ là những hòn đảo xa xôi … Ở Malawi thì không như vậy, 1GB có giá gần 26 USD; Chad, gần 24 USD, và Namibia, khoảng 22 USD cho 1GB.
Goldstuck cho biết chi phí dữ liệu là “cao một cách quá đáng” trên khắp châu Phi, với 1GB thường có giá lên tới 10 USD.
“Làm thế nào châu Phi có thể phát triển được, trong bối cảnh này?” ông Kilanji đặt câu hỏi. “Một lần nữa, chúng ta có một sự kết hợp giữa các doanh nghiệp lớn và các chính trị gia đang hợp tác để tiêu diệt lục địa của chúng ta, trong khi nói dối và nói rằng họ đang làm tất cả những gì có thể, về phương diện đầu tư, để giúp chúng ta thoát khỏi đói nghèo. Trong khi đó, họ kết hợp với nhau để bảo đảm không có hoặc có ít sự cạnh tranh trên thị trường di động trong nước.”
Ông cho biết nhiều chính phủ Phi Châu “làm việc bằng mọi giá” để ngăn người dân của họ truy cập Internet.
“Đó là lợi ích của họ khi giữ người dân của họ trong cảnh tối tăm, theo đúng nghĩa đen,” ông Kilanji nói. “Internet mang lại kiến thức và kiến thức là một thứ nguy hiểm. Nhiều chế độ e sợ rằng nếu người dân biết sự thật về họ, thì sẽ có những cuộc đảo chính và cách mạng của cánh tả, cánh hữu, và ôn hòa. Tôi sẽ nói rằng đó là một mối lo ngại có ý nghĩa, phải không?”
Ông cho biết tiềm năng tiếp cận thị trường Phi Châu của Starlink không chỉ là một công ty quốc tế muốn bán dữ liệu ở một thị trường chưa được khai thác.
Ông Kilanji nói, “Ở đây chúng ta đang nói về chính trị và quyền lực. Chúng ta đang nói về giới tinh hoa Phi Châu mất hàng tỷ USD nếu ông Elon Musk được phép vào đây.”
Goldstuck nói thêm rằng Starlink sẽ phá vỡ “thế độc quyền dữ liệu do tương đối ít đại công ty di động nắm giữ như hiện nay,” một thế độc quyền về căn bản cho phép họ “tính phí bất cứ bao nhiêu họ muốn, trong trường hợp không có những quy định về cạnh tranh” ở châu Phi.
Gói ghi danh căn bản hàng tháng của Starlink có giá 110 USD, và cho phép người dùng tải xuống 1,000 GB dữ liệu, nghĩa là 1GB sẽ tiêu tốn của người dân Phi Châu chưa đến 50 cent Mỹ.
Nam Phi là một trong những quốc gia ở châu Phi mua dữ liệu với giá rẻ hơn, với 1GB có giá khoảng 2 USD.
Tuy nhiên, ngay cả chính phủ của họ cũng đang phản đối việc Starlink gia nhập nền kinh tế lớn thứ hai và có công nghệ tiên tiến nhất của Phi Châu này.
Goldstuck giải thích, “Đây sẽ là một trong những thị trường sinh lợi nhất của Starlink ở các nước đang phát triển. Tuy vậy, cho đến nay, chính phủ này vẫn chưa cấp cho công ty này những phê chuẩn cần thiết để hoạt động ở đây.”
Hồi đầu tháng Ba, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã bổ nhiệm quan chức cao cấp của Quốc hội Phi Châu (ANC) Mondli Gungubele làm Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ Kỹ thuật số.
Ông Ramaphosa cho biết ông Gungubele sẽ dẫn đầu “sự chuyển đổi kỹ thuật số” của Nam Phi.
Tuy nhiên, vị bộ trưởng này nói với The Epoch Times rằng ông “không quen thuộc với vấn đề về Starlink.”
“Tôi đã đọc về Starlink trên một số tờ báo,” ông cho biết. “Đó không phải là một trường hợp trên bàn của tôi vào lúc này, vì vậy, là một bộ trưởng mới, tôi không thể bình luận về Starlink.”
Ông Gungubele đã trả lời tương đối chi tiết cho đảng đối lập, Liên Minh Dân Chủ (DA), khi đảng này vừa viết thư cho ông hỏi tại sao Starlink không hoạt động ở Nam Phi.
Ông nói với DA rằng, theo luật, “những người thuộc các nhóm có hoàn cảnh khó khăn trong lịch sử” phải sở hữu 30% các chi nhánh địa phương của các công ty đa quốc gia như của ông Musk, và rằng Starlink đã không đồng ý với điều này.
Các cổ phần trao quyền kinh tế cho người gốc Phi như thế này thường được trao cho các quan chức của đảng cầm quyền hoặc những người thân cận với đảng này.
“Tất cả chúng ta đều biết điều gì xảy ra ở đất nước này khi chúng ta nghe thấy những từ như ‘khó khăn trong lịch sử,’” Ông Goldstuck nói. “Điều đó có nghĩa là các đại công ty cống hiến gần một phần ba số tiền của họ cho ANC.”
Trong bối cảnh này, chuyên gia cho biết, “không có gì ngạc nhiên” khi ông Musk từ chối giao nộp một “phần lớn” lợi nhuận trong tương lai của Nam Phi cho “những người không quen biết.”
Bà Dianne Kohler Barnard, phát ngôn viên của DA về viễn thông, nói với The Epoch Times rằng thật “nực cười” khi mong đợi một công ty quốc tế trị giá hàng tỷ USD chuyển giao ít nhất 30% vốn cổ phần của mình cho chính phủ ANC.
Bà nói, “Câu trả lời của Bộ trưởng Gungubele cho tôi cho thấy rằng ANC không hề có ý định khai triển Internet ra đại chúng ở Nam Phi. Vì vậy, hàng triệu người sẽ tiếp tục sống mà không được tiếp cận với công nghệ, trừ phi công nghệ này được một cán bộ của ANC cung cấp.”
Ông Goldstuck cho biết Nam Phi “không phải là chính phủ duy nhất ở châu Phi tìm cách chặn” Starlink.
“Chẳng hạn, Tanzania đang yêu cầu Starlink thành lập một trụ sở kiểu Đông Phi tại quốc gia này. Bây giờ tại sao một công ty hoạt động trên bầu trời thông qua vệ tinh và thông qua một trụ sở lớn ở Hoa Kỳ lại thiết lập cửa hàng trên mặt đất cách xa hàng ngàn dặm?”
“Vì vậy, nhiều quốc gia Phi Châu đang tìm những phương cách quan liêu để ngăn chặn sự cạnh tranh hơn nữa xảy đến, để ngăn chặn việc tiếp cận phổ cập. Các chính phủ Phi Châu nói về ngôn ngữ truy cập Internet phổ cập, nhưng họ không tạo ra bất kỳ tác dụng nào cho phát ngôn đó. Và đó là bởi vì họ ưu tiên những lợi ích cá nhân hẹp hòi của riêng họ, chứ không phải của người dân của họ.”
Ông Goldstuck cho biết, cho đến khi thái độ này thay đổi, hàng triệu người dân Phi Châu sẽ không có một con đường nào tiếp cận với công cụ được cho là thiết yếu nhất để tiến bộ trong thế giới hiện đại.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times