Từ vô tâm đến ích kỷ: Tại sao một số người chọn hành xử vô tri?
Mọi hành động đều có hậu quả, dù là cho chính bản thân mình hay là người khác — những hậu quả mà một số người không muốn biết đến. Hầu hết mọi người chọn được biết về hậu quả, trong khi những người khác chọn vô tri. Bạn thuộc nhóm nào?
Bạn có muốn biết hành động của mình có tác động gì đến những người xung quanh không? Nếu có, thì bạn thuộc nhóm 60% những người quan tâm đến điều này. 40% còn lại chọn sự vô tri — điều mà các nhà nghiên cứu cho rằng đó thường là cái cớ cho việc hành động ích kỷ.
“Có rất nhiều tình huống cố tình thiếu hiểu biết như vậy trong cuộc sống thường nhật. Chẳng hạn như khi người tiêu dùng bỏ qua thông tin về xuất xứ sản phẩm mà họ mua,” nhà nghiên cứu Linh Vũ đến từ Đại học Amsterdam, Hà Lan, giải thích. “Chúng tôi muốn biết mức độ phổ biến và tai hại của việc cố ý làm ngơ cũng như lý do tại sao mọi người lại chấp nhận hành xử như vậy.”
Sự vô tri và tính ích kỷ
Linh Vũ và các đồng nghiệp của cô đã thực hiện một phân tích tổng hợp, tức là một đánh giá tổng hợp mới về 22 nghiên cứu trên tổng cộng 6,531 người tham gia. Tất cả các nghiên cứu đều nhằm mục đích đặt người tham gia vào vị thế đưa ra quyết định. Trong khi một nửa số người tham gia được thông báo trực tiếp về kết quả từ quyết định của họ, thì một nửa còn lại được tự do lựa chọn giữa sự vô tri hoặc hiểu biết.
Ví dụ, những người tham gia phải quyết định xem liệu họ muốn nhận một phần thưởng nhỏ hơn (trị giá 5 euro) hay một phần thưởng lớn hơn thế (trị giá 6 euro). Nếu họ chọn phần thưởng nhỏ thì một người ẩn danh khác cũng nhận được 5 euro. Tuy nhiên, nếu họ chọn phần thưởng trị giá 6 euro thì người kia chỉ nhận được 1 euro.
Sau đó, một nhóm có cơ hội được biết kết quả từ quyết định của mình, trong khi nhóm còn lại được thông báo một cách tự động về kết quả của quyết định đó. Trong tất cả các nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 40% tổng số người tham gia không muốn biết về kết quả hành động của họ khi tiến hành ra quyết định.
Kết luận của phân tích này là: Việc cố ý thiếu hiểu biết gắn liền với hành động ít vị tha hơn — sự vô tâm. Thay vào đó, nếu những người tham gia được thông báo về kết quả xuất phát từ quyết định của họ, thì khả năng họ rộng lượng với ai đó sẽ cao hơn 15.6 điểm phần trăm so với khi họ được giữ nguyên trạng thái vô tri.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân của sự vô tri có chủ đích này có thể xuất phát từ một lý do: một số người cư xử vị tha vì họ muốn duy trì hình ảnh tích cực về bản thân như một người có lòng vị tha. Trong những trường hợp như vậy, sự vô tri có chủ đích có thể cho phép họ duy trì hình ảnh này về bản thân mình mà không cần phải hành động một cách vị tha. Nói cách khác: Hành động vị tha của họ không đến từ tự tâm mà là vì để bảo vệ hình ảnh của họ trong lòng người khác.
Ấn tượng bên ngoài thay vì niềm tin bên trong
Theo ông Shaul Shalvi, Giáo sư Đạo đức Hành vi tại Đại học Amsterdam và là đồng tác giả của nghiên cứu này, thì phân tích tổng hợp đó đã xác nhận giả thuyết rằng: những người lựa chọn trải nghiệm kết quả từ hành động của mình thì rộng lượng hơn. Cụ thể, những người tự nguyện lựa chọn biết kết quả có khả năng rộng lượng hơn 7 điểm phần trăm so với những người nhận được kết quả một cách tự động. Điều này cho thấy những người thực sự có lòng vị tha lựa chọn trải nghiệm kết quả từ hành động của mình.
“Những kết quả này thật thú vị,” Giáo sư Shalvi tiếp tục nhận xét. “Kết quả cho thấy rằng nhiều hành động vị tha mà chúng ta quan sát thấy đều bắt nguồn từ mong muốn hành xử như cách người khác mong đợi ở chúng ta.”
“Hầu hết mọi người sẵn lòng làm điều đúng khi họ được thông báo đầy đủ về kết quả từ hành động của mình. Tuy nhiên, sự sẵn lòng này không phải lúc nào cũng đến từ mong muốn tốt cho người khác. Một phần lý do khiến mọi người hành động vị tha là do áp lực xã hội, nhưng cũng có phần do mong muốn được nhìn nhận bản thân theo hướng tích cực. Vì công lý hay lẽ phải thường không phải là miễn phí và đòi hỏi người ta phải bỏ ra thời gian, tiền bạc, và công sức, nên sự vô tri đưa ra một lối thoát đơn giản hơn,” Giáo sư Shalvi giải thích.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nghiên cứu trong tương lai nên hướng đến mục tiêu khám phá sự vô tri có chủ đích trong những bối cảnh đa dạng hơn. Đây là cách duy nhất để tìm ra phương pháp thay đổi cách nghĩ, để từ đó thay đổi hành vi của con người dẫn tới hành động chân thành xuất phát từ tự tâm.