Tự tẩy tịnh bản thân khỏi những ham muốn vô độ: ‘Midas gột rửa tại đầu nguồn sông Pactolus’
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim.
Bạn có bao giờ mong muốn một điều gì đó thật tệ đến mức mình có thể nếm trải? Tôi chắc chắn rằng nhiều người trong chúng ta đã từng trải qua sự khao khát mãnh liệt đối với một điều nào đó: chẳng hạn như nhiều tài phú hơn, nhiều tình yêu hơn, nhiều danh tiếng hơn và nhiều thứ khác. Thế nhưng, thường là, những điều mà chúng ta khao khát ấy lại không giống như vẻ ngoài hấp dẫn mà còn có thể để lại mùi vị khó chịu trong miệng của chúng ta.
Trong câu chuyện cảnh báo về vua Midas, những ham muốn của ông đã khiến ông không còn chút vị giác nào – theo nghĩa đen. Mặc dù cảm thấy thật khốn khổ, nhưng cuối cùng ông đã hồi phục.
Làm thế nào chúng ta có thể phục hồi sau hậu quả tệ hại từ những ham muốn tột độ của chúng ta?
Ứng nghiệm điều ước của Midas
Vua Midas là một nhân vật trong thần thoại Greco-La Mã với tâm trí lấp đầy lòng tham lam. Chuyện kể rằng, Midas đã tỏ ra rất hiếu khách với satyr Silenus thông thái, người cố vấn cho thần Dionysus. Khi thần Dionysus nhận thấy rằng Midas là một vị vua tốt bụng, ngài đã ban cho ông một điều ước. Midas chẳng mảy may suy nghĩ mà mặc sức để cho ham muốn giàu sang phú quý choán hết tâm trí mình, ông đã ước rằng mọi thứ mà ông chạm vào đều biến thành vàng.
Thần Dionysus đã chấp nhận ban cho Midas điều ước, và Midas đã nôn nóng chờ được trải nghiệm. Ông đã đi bộ trong khuôn viên cung điện, chạm tay vào bất cứ vật nào để kiểm tra khả năng của mình. Ông đã chạm tay vào những quả táo, những trái bắp ngô, nhành cây, tán lá thậm chí là bụi bẩn. Tất cả đều biến thành vàng. Ông vô cùng mãn nguyện với món quà được ban cho.
Tuy nhiên, nhà vua nhanh chóng phát hiện một vấn đề. Khi ông cố gắng đưa thức ăn vào miệng, thức ăn cũng ngay lập tức biến thành vàng. Ông nhận ra rằng việc mang quyền năng đó đã không cho ông được ăn hoặc uống.
Bị choáng váng bởi hệ quả tàn khốc từ điều ước của mình, Midas đã cầu xin thần Dionysus giải thoát ông khỏi lời nguyền và khôi phục mọi thứ trở lại như bình thường. Thần Dionysus đã đồng ý và hướng dẫn cho Midas ra đầu nguồn sông Pactolus mà gột rửa.
Vua Midas đã nhanh chân chạy ra bờ sông, gột rửa và được giải thoát khỏi những tham muốn giàu có và lời nguyền dục vọng ứng nghiệm lên ông.
Trong bức tranh “Midas gột rửa ở nguồn sông Pactolus,” họa sĩ Baroque người Pháp Nicolas Poussin đã miêu tả khoảnh khắc Midas rửa sạch tội lỗi của mình.
Những nhân vật chính ở đây được sắp xếp theo đường chéo của bức tranh từ phía trái bên dưới sang phía trên bên phải, và những đường chéo này làm tăng cảm giác chuyển động. Thần sông là nhân vật là nhân vật lớn nhất ở trung tâm của bố cục, ông là hiện thân của con sông Pactolus. Ông ngả người quay lưng về phía chúng ta. Trước mặt ông, hầu như đã ẩn đi đối với chúng ta, là một chiếc bình mà từ đó dòng nước đổ ra đang gột sạch cho một Midas đang hối lỗi.
Vua Midas được cởi áo choàng và đi xuống sống. Chúng ta có thể thấy chiếc áo choàng đỏ của ông được treo trên cây ở hậu cảnh. Ông cúi đầu về phía vị Thần tỏ lòng biết ơn và sự tôn kính và rồi hứng lấy nước rót bằng một tay của mình.
Hai thiên sứ nhỏ hiện lên ở phía dưới bên phải bức tranh. Những chiếc mũ đội đầu giống cây nho tương tự như chiếc mũ mà thần sông đang đội, cho chúng ta biết rằng họ đi cùng và hỗ trợ ông khi ông thực hiện mệnh lệnh của Dionysus.
Loại bỏ những ham muốn vô độ
Câu chuyện vua Midas ngay lập tức ngụ ý rằng, chúng ta nên thận trọng bởi những gì mà chúng ta mong muốn; một mong muốn thỏa mãn khao khát không phải lúc nào cũng có thể khiến người ta thỏa mãn. Ham muốn giàu có quá mức của Midas chỉ có thể khiến ông thêm đau đớn và thống khổ mà thôi.
Với cách này, ước muốn của ông thật phi lý. Ông đã là vua của một nước, là người giàu nhất vương quốc của mình, nhưng ông vẫn còn ao ước có được nhiều hơn thế. Midas đã không dành thời gian để suy nghĩ kỹ lưỡng và cân nhắc hậu quả về điều ước của mình. Vì không có sự suy xét cần thiết một cách lý trí để tiết chế những ham muốn phi lý của mình nên ông đã tự làm hại chính mình.
Thần Dionysus đã hướng dẫn cho Midas gột rửa ở nguồn của sông Pactolus để phá bỏ bùa chú đã đeo bám ông. Midas và thần sông là điểm thu hút chính trong bức tranh của Poussin và chúng ta có thể coi thần sông là đại diện của thần Dionysus.
Họa sĩ Poussin đã vẽ Midas cởi bỏ quần áo, điều này đã đặt ra một vài nghi vấn đối với tôi. Hành động trút bỏ lớp trang phục kia có phải là hình ảnh đại diện cho việc ông trút bỏ những ham muốn của cải thế gian sang một bên? Ông phải gạt đi của cải sang bên để đến gần với vị thần đúng không? Có phải đây là điều kiện tiên quyết để ông tự thanh tẩy tội lỗi của chính mình?
Có lẽ là việc cởi bỏ trang phục là biểu tượng cho một ý nghĩa nào đó còn sâu sắc hơn nữa. Có phải Midas đến gần vị thần trong một sự thật trần trụi, không có gì giấu diếm, để vị thần chấp nhận ông và tẩy tịnh tội lỗi của ông?
Midas cúi đầu của ông để tỏ lòng biết ơn và tôn kính. Tâm trí của ông không còn bận tâm đến việc tích lũy nhiều của cải vật chất nữa. Thay vào đó, ông xuất hiện với lòng tôn kính đối với vị thần. Có phải lúc này Midas tiếp cận vị Thần với một cảnh giới tinh thần hợp lý đúng không – một cảnh giới tâm trí mang chân lý và hướng đến sự kính ngưỡng cùng biết ơn vô hạn, nếu ông được tha thứ cho ham muốn phá hoại của mình.
Thật thú vị, vị thần quay mặt lại với chúng ta để hướng về phía Midas. Họa sĩ Poussin không thể vẽ cả hai nhân vật ấy đối diện với chúng ta, dù vậy ông đã cố tình vẽ bức tranh với sự quay lưng của vị thần về phía chúng ta. Vì sao ông làm như vậy?
Chúng ta tự hỏi, “Tại sao chúng ta không nhìn thấy thần? Đây có phải là cách mà Poussin giúp chúng ta tự soi xét nội tâm của chúng ta rằng liệu chúng ta có lòng biết ơn và tôn kính đối với những vị thần hay không? Đây có phải là cảnh giới tinh thần mà chúng ta nên có nếu chúng ta muốn các thần hướng về phía mình và biểu đạt lại điều đó với thế giới này? Đây có phải là cách để chữa lành khỏi những hậu quả xấu từ các ham muốn độc hại của chúng ta hay không?
Mai Hoa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times