Nghệ thuật và Tình yêu của Trí tuệ: ‘Thần Mercury đội vương miện cho Triết học, người Mẹ của Nghệ thuật’
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim
Liệu có vẻ đẹp thực sự tồn tại bên ngoài nhận thức cảm tính và đóng vai trò là tiêu chuẩn để chúng ta có thể phân biệt những gì là thực sự đẹp và không đẹp?
Cách đây 2500 năm, triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates đã quay lưng lại với các nhà thơ, đẩy họ ra khỏi nền Cộng hòa không tưởng của mình. Ông cho rằng các nhà thơ quá nguy hiểm vì họ đã sáng tạo ra những điều ảo tưởng khiến công chúng xa rời thực tế. Liều thuốc giải độc mà ông đã đề nghị là một vị vua – triết gia: một nhà lãnh đạo thông thái sẽ kiểm duyệt các nhà thơ và dẫn dắt họ trong các sáng tác.
Đức vua triết gia sẽ không cho phép các nhà thơ kể chuyện về các vị thần ranh mãnh, giống như những câu chuyện trong thơ của Homer. Thay vào đó, vị vua triết gia này sẽ chỉ lối cho họ cách mô tả những vị thần vĩ đại và tôn nghiêm, sao cho những hành động của họ trở thành hình mẫu cho công chúng.
Tuy nhiên, vua triết gia sẽ không chỉ hạn chế về thơ thôi. Tất cả mọi loại hình nghệ thuật đều sẽ nằm dưới quyền điều khiển của nhà vua. Ví dụ, vua triết gia sẽ lệnh cho các nhạc sĩ biên soạn những ca khúc về võ thuật để gia tăng nhuệ khí của các binh sĩ và chuẩn bị cho chiến tranh hơn là những giai điệu sướt mướt có thể làm họ trở nên mềm lòng và làm suy giảm năng lực phụng sự và bảo vệ đất nước của họ.
Với ý kiến bình phẩm của nhà triết học Nietzsche về Socrates vào thế kỷ 19, Socrates đã bị xem là người kiểm duyệt ý tưởng và cảm xúc, từ đó mà hạn chế tiềm năng của con người. Nietzsche đề xuất rằng nghệ sĩ là người sau khi chịu đựng những thử thách của số phận, có thể tự sáng tạo và hình thành tác phẩm nghệ thuật của riêng mình, một công trình nghệ thuật mà anh ta có thể tự hào khi qua đời.
Hai nhà tư tưởng này đã tiếp cận nghệ thuật theo những cách rất khác nhau. Triết gia Socrates tin rằng chân lý nghệ thuật nằm bên ngoài trải nghiệm của con người và tồn tại bên trong thế giới của lý trí thần tính; Ngược lại, Nietzsche đề xuất rằng chân lý nghệ thuật có liên quan đến trải nghiệm của con người và cuối cùng kết nối chúng ta lại với nhau.
Những quan điểm khác biệt này đặt ra câu hỏi rằng liệu cái đẹp là khách quan hay chủ quan. Liệu có vẻ đẹp thực sự tồn tại bên ngoài nhận thức cảm tính, đóng vai trò như một tiêu chuẩn để chúng ta có thể đo lường những gì là thực sự đẹp và không đẹp? Hay vẻ đẹp được hình thành dựa trên nhận thức chủ quan của chúng ta, cũng chính là những kinh nghiệm liên quan trong thế giới quanh mình?
Vương miện của Triết học
Họa sĩ người Ý Pompeo Batoni đã đưa ra những gì tôi tin là một câu trả lời nghệ thuật cho chủ đề này. Năm 1747, Batoni đã vẽ hoạ phẩm “Vị thần Mercury đội vương miện cho Triết học, người Mẹ của nghệ thuật.”
Ở ngoài cùng bên trái của bố cục, vị thần Mercury, khoác trên mình chiếc mũ sắt có đôi cánh màu vàng và nắm chặt vương trượng (cây gậy), hướng tầm nhìn của chúng ta vào mặt phẳng bức tranh. Chàng đang ra hiệu cho một thiên thần ở góc trên bên phải của bố cục. Nàng đang chuẩn bị trao vòng nguyệt quế cho một nữ nhân tên là Triết học.
Triết học là tâm điểm của hoạ phẩm. Nàng ăn vận giản dị, nhưng chiếc vương miện vàng trên đầu và quyền trượng trên tay thể hiện địa vị vương giả của nàng. Nàng đang cầm một trong những cuốn sách của Plato, và tay kia của nàng mở ra như thể sẵn sàng trao đi hoặc nhận một thứ gì đó, thu hút ánh mắt của chúng ta về phía đứa trẻ mới biết đi bên dưới nàng, người mà chúng ta có thể đoán là con của Triết học.
Đứa trẻ đang chơi đùa giữa các công cụ sáng tạo như cọ vẽ, tượng bán thân, la bàn và đàn lia. Trong vùng tối nhất của bố cục, cậu bé cầm một ngọn đuốc, và vị trí của ngọn đuốc thu hút sự chú ý của chúng ta đến thiên thần đứng sau Triết học.
Giải đáp của họa sĩ Batoni cho câu hỏi chưa có lời đáp
Vậy, bức tranh của Batoni đã giải đáp câu hỏi triết học ở trên như thế nào? Chúng ta hãy bắt đầu với vị thần Mercury.
Mercury là vị thần đưa tin của người Hy Lạp. Chàng là một sứ giả truyền tin giữa các vị thần. Chàng đang cầm vương trượng, được Apollo, vị thần của mặt trời, sắc đẹp và âm nhạc, trao cho khi Mercury phát minh ra đàn lia. Bây giờ thì chúng ta đã có thể nhận thấy mối quan hệ của vị thần Mercury đối với Thiên thượng, nghệ thuật và vẻ đẹp.
Thần Mercury chỉ dẫn thiên thần đặt chiếc vương miện nguyệt quế lên đầu của Triết học— một phần thưởng đến từ Thiên đàng. Triết học nhìn lên Mercury trong khi chàng đang hướng dẫn thiên thần, thuyết phục chúng ta rằng Triết học đang tập trung vào sứ giả thiên thượng và vì thế đó là một thông điệp thần thánh.
Điều khá thú vị là vòng nguyệt quế đang được đặt trực tiếp lên trên chiếc vương miện mà Triết học đã đội, và chúng ta có thể đoán rằng nó sẽ che đi chứ không phải thay thế chiếc vương miện thế gian của nàng.
Nàng Triết học trong tay cầm một cuốn sách của Plato, người từng là học trò của Socrates. Batoni đang cho chúng ta biết triết lý mà ông tin là hữu ích đối với nghệ thuật: Đó là triết lý của Socrates, vì lợi ích tốt nhất dành cho nghệ sĩ và cả công chúng.
Triết học đưa bàn tay như thể nàng đang trao và nhận một thứ gì đó. Có lẽ nàng đang làm cả hai: nhận được một thông điệp thiêng liêng từ thần Mercury và gửi một thông điệp siêu nhiên khác qua con của mình, đứa trẻ đại diện cho nghệ thuật.
Theo cách này, triết học là phương tiện mà qua đó nghệ thuật truyền tải thông điệp của thần. Đây có phải là lý do tại sao đứa trẻ mang theo một ngọn đuốc trong phần tối nhất của bố cục, bởi vì hình ảnh đó đại diện cho thông điệp linh thiêng có thể đưa nhân loại thoát khỏi bóng tối và hướng đến ánh sáng của chân lý nơi thiên đàng?
Tương tự như triết gia Socrates, Batoni dường như tin rằng sứ mệnh của nghệ thuật là thể hiện những thông điệp của thần vì sự tồn tại của nền văn minh nhân loại. Thần, chứ không phải là trải nghiệm của con người, trở thành tiêu chuẩn tuyệt đối để đo lường vẻ đẹp, và con đường dẫn đến thiên thượng là thông qua triết học, tức là trui rèn trí huệ để khám phá ra cội nguồn ở thiên thượng.
Triết gia Socrates thường xuyên bị buộc tội kiểm duyệt nghệ thuật vì ông luôn quay lưng lại với các nhà thơ cùng những ảo tưởng mà họ tạo nên. Tuy nhiên, chúng ta không thể thực hành trí tuệ mà không trau dồi sự sáng suốt. Đó là, chúng ta phải nói “vâng” với một số điều nhất định trong khi nói “không” với những thứ khác. Nói cách khác, sự thông tuệ yêu cầu một mức độ kiểm duyệt nhất định.
Vì vậy, trong khi Socrates có thể nói “không” với những nhà thơ đang tạo ra ảo tưởng, thì trong cuốn sách thứ 10 của Plato, “Nền cộng hòa,” Socrates khuyến khích các nhà thơ nêu lên trường hợp của họ và tự bảo vệ mình. Theo hiểu biết của chúng ta về tác phẩm nghệ thuật của Batoni, nhà thơ nào sẽ được Socrates hoan nghênh đến nước cộng hòa? Socrates sẽ nói “vâng” với những nhà thơ nào đây?
Sẽ không phải là những nhà thơ đang nghiêm túc suy tư, truy tìm chân lý vì lợi ích của xã hội sao? Chẳng phải các nhà thơ đã khai sinh ra tác phẩm của họ nhờ vào tình yêu của trí tuệ trao lại cho triết học sao? Chẳng phải là các nhà thơ mong mỏi tìm kiếm và biểu đạt những gì thần thánh và ngay chính nhất đó sao?
Nghệ thuật truyền thống thường chứa đựng những biểu tượng tâm linh và những ý nghĩa mà chúng ta có thể mất đi trong thời hiện đại. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim”, chúng tôi giải thích nghệ thuật thị giác theo những cách sâu sắc về mặt đạo đức đối với chúng ta ngày nay. Chúng tôi không định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đang phải vật lộn tìm kiếm, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình trở thành những con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Eric Bess là họa sĩ nghệ thuật đại diện (representational art), hiện đang học Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).