TT Biden tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida tại Hoa Thịnh Đốn khi căng thẳng với Trung Quốc gia tăng
Thủ tướng Kishida sẽ ở lại Hoa Thịnh Đốn để cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với tổng thống Philippines.
HOA THỊNH ĐỐN — Hôm 08/04, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến Hoa Thịnh Đốn trong một chuyến thăm kéo dài nhiều ngày được cho là sẽ củng cố liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc cộng sản ngày càng công khai gây hấn.
Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất Phu nhân Jill Biden sẽ lần đầu tiên chào đón ông Kishida và phu nhân tới Tòa Bạch Ốc vào đêm trước ngày 09/04 trước chuyến thăm chính thức và quốc yến trang trọng. Vị lãnh đạo Nhật Bản này sẽ là nhà lãnh đạo ngoại quốc thứ năm được Tổng thống Biden đón tiếp trọng thể trong bữa tiệc chiêu đãi cấp quốc gia kể từ khi ông nhậm chức hồi năm 2021.
Sau lễ đón tiếp chính thức tại Bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc vào ngày 10/04, hai nhà lãnh đạo sẽ tổ chức cuộc gặp song phương, sau đó là một cuộc họp báo chung.
Theo Tòa Bạch Ốc, cả hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận nhiều chủ đề khác nhau trong cuộc gặp, từ các vấn đề ngoại giao và kinh tế đến những lo ngại về an ninh khu vực và toàn cầu.
Trong cuộc họp báo hôm 09/04, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết hai nhà lãnh đạo này sẽ thảo luận về việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác trong các vấn đề như công nghệ không gian, đầu tư kinh tế, hợp tác ngoại giao toàn cầu, và chống biến đổi khí hậu.
“Họ sẽ công bố các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh của chúng ta nhằm tạo thuận tiện cho sự phối hợp và thống nhất tốt hơn giữa các lực lượng của chúng ta,” ông nói. “Sẽ có những thứ quan trọng cần chuyển giao trong ngành không gian khi chúng ta dẫn đầu hành trình khám phá không gian và quay trở lại mặt trăng.”
Ngoài ra, cả hai nước sẽ công bố mối quan hệ đối tác nghiên cứu về các công nghệ quan trọng và mới phát triển như AI, chất bán dẫn lượng tử, và năng lượng sạch.
Ông Kishida sẽ ở lại Hoa Thịnh Đốn để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, Jr. vào ngày 11/04.
Với cuộc gặp ba bên đầu tiên giữa ba nhà lãnh đạo, ông Sullivan cho biết Hoa Kỳ cố gắng bảo đảm “một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, và thịnh vượng.”
Chuyến công du của ông Marcos đến Hoa Thịnh Đốn và hội nghị thượng đỉnh ba bên diễn ra vào thời điểm Bắc Kinh đang gia tăng áp lực lên Philippines trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Ba nhà lãnh đạo này dự kiến sẽ thảo luận về các hành động khiêu khích đang gia tăng của chính quyền Trung Quốc trong khu vực.
“Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Philippines là ba nền dân chủ hàng hải có liên kết chặt chẽ với các mục tiêu chiến lược, lợi ích chiến lược ngày càng hội tụ, và nói thẳng ra là cả những mối lo ngại ở các khu vực như Biển Đông,” cố vấn truyền thông an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 08/04.
Ông cho biết thêm rằng các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra những sáng kiến mới trong hội nghị thượng đỉnh ba bên này.
‘Duy trì hòa bình và ổn định’
“Hợp tác giữa ba nước chúng ta là vô cùng quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và để bảo vệ trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật lệ,” ông Kishida nói hôm 08/04 trước khi lên đường đến Hoa Thịnh Đốn.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng thường xuyên tiếp cận các đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát ở gần Đài Loan.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel đã chỉ trích Trung Quốc vì leo thang căng thẳng trong khu vực. Ông nói tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế được tổ chức hôm 08/04 và tuyên bố rằng Bắc Kinh sử dụng cưỡng chế và gây áp lực lên các nước, trong đó có cả Nhật Bản và Philippines.
Cuộc gặp ba bên cũng diễn ra sau khi Nhật Bản và Philippines cùng với Hoa Kỳ và Úc tham gia cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông hôm 07/04, cùng vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh đã xung đột với Manila về quyền kiểm soát lãnh thổ. Khóa huấn luyện đó tập trung vào tác chiến chống tiềm thủy đỉnh, cũng như các hoạt động liên lạc và sĩ quan tham gia diễn tập canh gác nhằm cải thiện khả năng cùng tác chiến giữa bốn quốc gia.
Hoa Kỳ và Nhật Bản đã cho thấy dấu hiệu hợp tác ngày càng tăng trong những tuần gần đây, khi cả hai nước đồng bảo trợ cho một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi cấm khai triển và phát triển vũ khí hạt nhân trong không gian. Liên minh NATO đã gửi lời mời ông Kishida tới tham dự hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập ở Hoa Thịnh Đốn vào tháng Bảy. Nhật Bản không phải là thành viên của liên minh này. Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng dự kiến sẽ tổ chức một cuộc thảo luận ba bên với Nam Hàn trong hội nghị thượng đỉnh đó.
Nhưng gần đây nhất, Nhật Bản được kỳ vọng sẽ trở thành một đối tác của AUKUS, một hiệp ước an ninh ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ, nhằm chống lại sự gây hấn ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc.
Ba bộ trưởng quốc phòng AUKUS — Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Grant Shapps, và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles — đã công bố sự hợp tác trong một tuyên bố chung hôm 08/04.
Các bộ trưởng quốc phòng tuyên bố rằng họ sẽ xem xét đưa Nhật Bản vào “Trụ cột II” của hiệp ước, vốn nhằm mục đích tăng cường hợp tác công nghệ và khả năng tác chiến giữa các lực lượng vũ trang của các nước thành viên.
Sự hợp tác này bao gồm phát triển trí tuệ nhân tạo, vũ khí siêu thanh, và công nghệ radar.
“Mục tiêu của chúng tôi vẫn là tiếp tục cung cấp các năng lực quân sự tân tiến cho các lực lượng phòng thủ tương ứng của chúng tôi nhằm trợ giúp cho sự ổn định và an ninh khu vực; chúng tôi tin tưởng rằng việc thu hút các đối tác cùng chí hướng vào công việc của Trụ cột II sẽ chỉ củng cố mục tiêu này,” tuyên bố viết.
“Nhận thấy sức mạnh của Nhật Bản và mối quan hệ đối tác quốc phòng song phương chặt chẽ với cả ba nước, nên chúng tôi đang xem xét hợp tác với Nhật Bản trong các dự án nâng cao năng lực AUKUS Pillar II.”
Chuyến thăm của ông Kishida diễn ra sau khi Tổng thống Biden phản đối việc bán công ty U.S. Steel cho công ty Nippon Steel Corp của Nhật Bản.
Trong một tuyên bố hồi tháng Ba, Tổng thống Biden nói: “U.S. Steel đã là một công ty thép mang tính biểu tượng của Mỹ quốc trong hơn một thế kỷ, và điều quan trọng là đây vẫn là một công ty thép của Mỹ được sở hữu và điều hành trong nước.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times