TT Biden tăng tốc sự thúc đẩy của ông Obama cho một quân đội ‘thức tỉnh’, làm suy yếu tính sẵn sàng chiến đấu
Khi quân đội Hoa Kỳ khai triển Bài kiểm tra Thể lực Chiến đấu trong Quân đội (ACFT) mới, áp đặt các tiêu chuẩn và yêu cầu thể chất khác nhau đối với nam và nữ quân nhân, các nhà phân tích và quan sát quốc phòng lâu năm cho rằng quân đội đang thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập — một xu hướng phát triển nhanh dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và chính phủ Tổng thống (TT) Biden tích cực tiến hành — làm suy yếu quá trình huấn luyện và tính sẵn sàng chiến đấu.
Bà Elaine Donnelly, người sáng lập và chủ tịch của Trung tâm Tính sẵn sàng của Quân đội, một tổ chức chính sách công ở Livonia, Michigan, cho biết: “Chính phủ TT Biden đã chỉ định ưu tiên cho sự đa dạng, hòa nhập, và công bằng như là các tiêu chí chính. Đó là một quyết định then chốt và từ đó bắt nguồn mọi thứ khó hiểu khác” trong quân đội ngày nay.
Bà Donnelly coi Kế hoạch Chiến lược Đa dạng và Hòa nhập năm 2021 do Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Hoa Kỳ (SOCOM) phát hành là cung cấp một thước đo tốt về những ưu tiên mới nói trên. “Mục tiêu Chiến lược 2” của kế hoạch này là “Đào tạo các chuyên gia và nhà lãnh đạo SOCOM của Hoa Kỳ để giúp tạo điều kiện và duy trì một văn hóa đa dạng và hòa nhập.” Một trong những mục tiêu khác của kế hoạch này là “Tăng tỷ lệ tuyển dụng các ứng viên đa dạng.”
Bà Donnelly lưu ý, kế hoạch này đặt ra một kế hoạch tiến hành sâu rộng “để giải quyết và khắc phục sự thiên vị” và gọi sự đa dạng và hòa nhập là “một mệnh lệnh chiến lược” nhiều lần chỉ trong 20 trang.
TT Biden tiếp bước cựu TT Obama
Theo các nhà quan sát, dưới thời TT Biden, quân đội đã thúc đẩy một loạt các mệnh lệnh và ưu tiên ít liên quan đến chức năng truyền thống là huấn luyện binh sĩ để chiến đấu hiệu quả nhất có thể và giảm thiểu thương vong cho Hoa Kỳ. Nhưng sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng chính phủ hiện tại đã có một hướng đi mới khi họ đang tiếp tục và mở rộng các chỉ thị, chính sách và chương trình đã phát triển mạnh mẽ dưới thời cựu TT Obama.
Ông Kingsley Browne, giáo sư luật tại Đại học bang Wayne và là tác giả của cuốn sách “Cuộc chiến nam nữ đồng giáo: Bằng chứng mới cho thấy phụ nữ không nên chiến đấu trong các cuộc chiến tranh của quốc gia” (“Co-Ed Combat: The New Evidence That Women Shouldn’t Fight the Nation’s Wars”) cho rằng, “Có vẻ như đây là nhiệm kỳ thứ ba đối với cựu TT Obama về thực tế này. Chúng ta có một tổng thống nói rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Hoa Kỳ, người đã thay đổi hoàn toàn sắc lệnh cấm dạy cho quân nhân về các khái niệm phân biệt chủng tộc mà đôi khi được gọi là ‘thuyết sắc tộc trọng yếu’ của cựu Tổng thống Trump, và cũng là người bãi bỏ tất cả các hạn chế cho người chuyển giới (và hứa hẹn sẽ tài trợ cho quá trình chuyển giới) trong quân đội.”
Ông Browne coi những thay đổi về chính sách và văn hóa trong quân đội này không chỉ là công việc của một tổng thống hay quan chức nội các nhằm thúc đẩy một nghị trình ‘thức tỉnh”, mà là một nghị trình mà nhiều quan chức quân đội ở các cấp chỉ huy khác nhau đã tán thành, cho dù họ tin tưởng nó hoặc bởi vì họ nhận thức được tác động mà lập trường của họ về những vấn đề này sẽ có đối với sự nghiệp của họ.
Ông Browne nói: “Chúng ta có một chủ tịch của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân nói về ‘cơn thịnh nộ của người da trắng’ và một Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt đã tuyên bố rằng ‘sự đa dạng và hòa nhập là các mệnh lệnh hoạt động’. Phù hợp với thông lệ trước đây, các chỉ huy thường xuyên được đánh giá bằng cách họ đáp ứng các yêu cầu đa dạng tốt như thế nào, ngay cả khi những mệnh lệnh đó làm giảm tính sẵn sàng [chiến đấu].”
Từ bỏ các yêu cầu truyền thống
ACFT mới đang được khai triển ngay khi tranh cãi nảy sinh về việc đào tạo hòa nhập về giới trong một lĩnh vực khác của các quân chủng, cụ thể là Lực lượng Không quân. Một phụ nữ ẩn danh đang được huấn luyện gần đây đã rời khỏi Trường Kiểm soát Chiến đấu của Không quân được cho là đã viết trong một bản ghi nhớ hồi tháng 04/2021 rằng những người hướng dẫn đã hạ thấp các tiêu chuẩn thể lực để chúng phù hợp với cô.
ACFT mới, có tiêu chuẩn thể chất thấp hơn so với các phiên bản trước — yêu cầu khả năng thực hiện 9 lần chống đẩy thay vì 10 lần — và các yêu cầu khác nhau đối với nam và nữ ở các hạng mục như sức mạnh, độ bền, và tốc độ chạy, đã không ra đời trong một sớm một chiều. Các nhà quan sát cho biết, thay vào đó, đó là kết quả cuối cùng của một nỗ lực dài hạn nhằm loại bỏ các tiêu chuẩn và kỳ vọng mà nam giới có thể đáp ứng hơn.
Vào tháng 12/2015, Bộ trưởng Quốc phòng đương thời Ashton Carter đã ra lệnh mở rộng tất cả các vị trí chiến đấu trong quân đội cho phụ nữ trong vòng 30 ngày, từ chối một yêu cầu từ Thủy quân lục chiến về việc miễn một phần từ lệnh này cho một số vị trí như trinh sát bộ binh và hỗ trợ hỏa lực. Đến cuối thời hạn 30 ngày, tất cả các quân chủng của lực lượng vũ trang phải trình bày với ông Carter các kế hoạch thực hiện về hòa nhập giới của họ.
Ông Carter nói vào thời điểm đó: “Việc phụ nữ hòa nhập đầy đủ vào tất cả các vị trí trong quân đội sẽ khiến các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ tốt hơn và mạnh mẽ hơn,” mặc dù ông thừa nhận rằng “sẽ có những vấn đề cần sửa đổi và những thách thức cần vượt qua.”
Ông Browne nói, phản hồi chính thức đối với những người bày tỏ sự lo ngại về tính hiện thực của kế hoạch của ông Carter là đưa ra những bảo đảm rằng các tiêu chuẩn về thể chất và năng lực sẽ vẫn trung lập về giới. Nhưng những khác biệt về thể chất giữa các giới tính, trong các lĩnh vực như sức mạnh phần trên cơ thể và tầm vóc, có nghĩa là mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra như những người ủng hộ sự đa dạng hy vọng.
Ông Browne nói, “Việc sử dụng các tiêu chuẩn trung lập về giới sẽ tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Quý vị có thể áp dụng các tiêu chuẩn thách thức nam giới, trong trường hợp này rất ít phụ nữ có thể vượt qua, hoặc quý vị có thể áp dụng các tiêu chuẩn mà có số lượng hợp lý những phụ nữ có thể vượt qua thì sẽ là điều rất dễ dàng với nam giới.”
Ông nhắc nhở: “Lựa chọn được đưa ra sau năm 2015 là để cố gắng cân bằng giữa hai lựa chọn này — để làm cho nó không quá khó nhưng cũng không quá dễ. Nhưng ngay cả với sự thỏa hiệp đó, quý vị vẫn có một số lượng thiếu cân đối những phụ nữ trượt bài kiểm tra đó.”
Đối mặt với những khó khăn trong việc mang lại sự hòa nhập hoàn toàn về giới theo yêu cầu của ông Carter, các nhà lập pháp tại Quốc hội đã ủy thác cho một nghiên cứu của Công ty RAND, nhằm giải quyết câu hỏi liệu binh lính ở mọi lứa tuổi và giới tính có nên tuân theo các tiêu chuẩn thể chất giống nhau hay không. Nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng một bài kiểm tra thể lực Quân đội theo giới tính sẽ “bảo đảm sự ngang bằng về tỷ lệ đậu giữa các nhóm, nhưng nó cũng yêu cầu Quân đội chấp nhận sự khác biệt về khả năng sẵn sàng chiến đấu giữa những người lính được xếp theo các tiêu chuẩn kiểm tra khác nhau.”
Ông Browne lưu ý, ACFT mới mà Quân đội hiện đang trong quá trình thực hiện không áp đặt các tiêu chuẩn mà bất kỳ ai hy vọng trở thành một người lính phải đáp ứng như trong quá khứ, mà thay vào đó đưa ra các tiêu chuẩn khác nhau cho nam và nữ cũng như cho những người ở các độ tuổi khác nhau. Ông Browne coi tên của bài kiểm tra này là một cách dùng tên sai vì nó không thực sự tìm cách đánh giá xem mọi người có thể thực hiện tốt như thế nào trong các nhiệm vụ tác chiến, mà là để đo thể lực chung. Nó đặt điểm số tối đa và tối thiểu trên cơ sở phần trăm trong danh mục hoặc “nhóm thuần tập” được đề cập. Nó đặt điểm số vượt qua bài kiểm tra ở phân vị thứ năm cho một nhóm tuổi và giới tính, mà ông Browne coi là mức thấp và điểm tối đa ở phân vị thứ 96.
Theo quan điểm của ông Browne, một minh họa cho các vấn đề vốn có trong bài kiểm tra mới là bài kiểm tra “chạy nước rút-kéo-vác”, nhằm mục đích đo lường không chỉ một năng lực đơn lẻ mà cả sức mạnh, sự nhanh nhẹn, sức bền và vận động cần oxy. Bài kiểm tra này cho phép phụ nữ 18 tuổi vượt qua với thời gian 3 phút 15 giây, nhưng nam giới mất không quá 2 phút 28 giây để vượt qua.
Trên chiến trường, súng ống hạng nặng hoặc thân thể một thương binh phải chuyển đến nơi an toàn trong lửa đạn không được thừa nhận theo giới tính của quân nhân phải thực hiện nhiệm vụ đó. Trước thực tế này, các quan chức quân đội đã không giải thích bài kiểm tra nói trên hữu ích hoặc phù hợp như thế nào.
Ông Browne nói: “Ai là người mà quý vị muốn sẽ cố gắng mang quý vị đi và đưa quý vị đến nơi an toàn nếu quý vị bị thương? Tôi đoán câu trả lời trong Quân đội là điều đó không quan trọng, bởi vì cả hai người cứu hộ tiềm năng [nam và nữ] đều ‘phù hợp.’”
Ông Browne và những người khác tin rằng những quy chuẩn mới này không chỉ là trở ngại duy nhất đối với tính sẵn sàng chiến đấu trong quân đội nơi các sĩ quan phải đối mặt với áp lực lớn về chính trị để vượt qua phụ nữ.
“Ngay cả khi không có tiêu chuẩn giới tính của các bài kiểm tra thể chất được đề cập ở trên mà sử dụng các tiêu chuẩn giống nhau cho nam và nữ, vẫn có thể gian lận. Có một niềm tin rộng rãi rằng phụ nữ thường có thêm cơ hội để vượt qua khóa đào tạo, đặc biệt là trong Các lực lượng Chiến dịch Đặc biệt.”
Để chứng thực cho quan điểm này, ký giả kiêm nhà phân tích quốc phòng Susan Katz Keating đã viết một bài báo sự kiện cho tạp chí People vào năm 2015 để đưa tin về những phát hiện của bà rằng hai phụ nữ đã đỗ Trường Biệt động quân tinh nhuệ của Quân đội tại Fort Benning, Georgia, đã được đối xử đặt biệt và những người hướng dẫn đã cho họ đậu sau những vi phạm mà khiến các thực tập sinh nam bị loại. Sự phơi bày này được đưa ra sau khi tờ People’s đưa tin rằng Dân biểu Steve Russell, khi đó là nghị sĩ Đảng Cộng Hòa của Oklahoma, đã lo ngại về các báo cáo liên quan tới tiêu chuẩn kép dựa trên giới tính trong khóa huấn luyện Biệt động quân và đã yêu cầu Bộ Quốc phòng cung cấp các tài liệu liên quan đến hai nữ thí sinh Kristen Griest và Shaye Haver.
Những tiêu chuẩn kép
Trong số những phát hiện của bà Keating, là việc cô Griest và cô Haver đã có thể tham gia một khóa đào tạo dự bị đặc biệt trước hai tuần mà các học viên nam không thể tham gia; rằng họ đã nhận được lời khuyên và động viên cá nhân trực tiếp từ một lính biệt động giàu kinh nghiệm mà các đồng nghiệp nam của họ không nhận được, rằng họ được phép lặp lại các cuộc tuần tra sau khi mắc lỗi mà thông thường các ứng cử viên nam sẽ bị loại; và bản thân cô Griest bày tỏ sự ngạc nhiên rằng cô và cô Haver đã vượt qua khóa học sau khi thất bại một phân đoạn huấn luyện quan trọng tại Fort Benning không chỉ một lần mà hai lần.
Bà Keating đồng ý với ông Browne rằng những thay đổi được đẩy mạnh dưới thời chính phủ cựu TT Obama thậm chí còn phát triển rõ rệt hơn dưới thời TT Biden.
Bà Keating nói: “Chính phủ TT Biden đã áp dụng các chính sách trước đây và khuếch đại chúng. Ví dụ, ngay sau khi ông Biden nhậm chức, ông đã đảo ngược chính sách hiện hành về quân nhân chuyển giới, mở rộng cửa để họ phục vụ công khai, và cũng sẽ tài trợ quá trình chuyển giới, bao gồm phẫu thuật, bằng tiền thuế của dân.”
Bà Keating cũng nhận thấy tương đối ít bất đồng trong quân đội về sự thay đổi này trong khóa học.
Bà Keating nói: “Từ những gì tôi đã thấy ở một số quân chủng, những quân nhân không đồng ý với nhiều chính sách, nhưng nhận thức rõ ràng rằng họ đang làm việc trong một cấu trúc chỉ huy không yêu cầu họ bỏ phiếu về các chính sách. Khi nói đến chính sách, quân đội không hỏi, mà họ ra lệnh.”
Các ưu tiên mới
Bên cạnh những ảnh hưởng đến những gì diễn ra trong quá trình huấn luyện, những tiêu chuẩn và yêu cầu liên quan, sự thay đổi văn hóa trong quân đội theo hướng đa dạng, hòa nhập và bình đẳng đã gây ra những thay đổi sâu rộng về cách các thí sinh tham gia nghĩa vụ quân sự sử dụng thời gian của họ. Theo quan điểm của ông Browne, thời gian mà các học viên dành để học về thuyết sắc tộc trọng yếu, thành kiến ngầm, đại từ đúng đắn chính trị, và các hành vi tấn công rất nhỏ [vào người chuyển giới] — thay vì những thứ truyền thống như bắn chính xác hoặc vượt chướng ngại vật khi mang đồ bảo hộ toàn thân — đi kèm với một cái giá quá đắt.
Ông Browne nói: “Bất cứ lúc nào mà nhân lực bị chuyển hướng khỏi việc huấn luyện nhằm mục đích làm cho quân đội hiệu quả hơn trong chiến đấu đều phải trả giá. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người không quen với quân đội cho rằng khi nhân lực không được khai triển, họ chỉ ngồi đó không làm gì. Theo quan điểm này, việc đào tạo thêm cho họ cách trở thành một chiến binh công bằng xã hội là tương đối rẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian và nguồn lực dành cho những vấn đề như thế không phải là thời gian và nguồn lực dành cho việc nâng cao hiệu quả chiến đấu.”
Khi sự khắc sâu thuyết sắc tộc trọng yếu, một khuôn khổ có nguồn gốc từ chủ nghĩa Marx coi Hoa Kỳ là một “kẻ áp bức” mang tính hệ thống đối với các dân tộc thiểu số, và các học thuyết mới là ưu tiên, ông Browne cũng nhận thấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự gắn kết trong các đơn vị quân đội. Ông nói, mục tiêu đào tạo trong quá khứ là thúc đẩy sự thống nhất, còn các học thuyết này phân chia các học viên thành các loại người bị áp bức và kẻ áp bức không có khả năng thúc đẩy ý thức về mục đích chung.
Ông Browne nói thêm, “Tương tự như vậy, thông điệp mà các quân nhân nam thường nhận được — rằng các đồng nghiệp nữ của họ được đánh giá cao hơn — tạo ra sự bực bội và tương tự như vậy sẽ phá hủy sự gắn kết.”
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Quốc phòng để yêu cầu bình luận.
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).