Các nhà đầu tư ‘thức tỉnh’ đe dọa an ninh của phương Tây
Trong thời đại căng thẳng địa chính trị gia tăng, thật ngu ngốc khi để Wall Street xác định chính sách năng lượng của quốc gia. Các nhà đầu tư ‘thức tỉnh’ đang đe dọa an ninh của phương Tây
Kể từ khi Nga tấn công Ukraine 2 tháng trước, các chính phủ phương Tây đã học hỏi được rất nhiều về tầm quan trọng của năng lượng đối với an ninh quốc gia của họ.
“Energiewende” (Chuyển đổi Năng lượng) trị giá ngàn tỷ USD trong 20 năm của Đức đã khiến nền kinh tế của nước này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga và bị tê liệt phản ứng trước sự hiếu chiến của Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải đối mặt với cuộc chiến tái tranh cử khó khăn hơn trong tháng này, do giá năng lượng tăng vọt và việc không thể thay thế các nhà máy điện hạt nhân đã già cỗi của quốc gia. Chính phủ Tổng thống Biden đang khai thác Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ trong nỗ lực giảm chi phí năng lượng khi lạm phát tăng lên hai con số.
Khi phương Tây vật lộn với những tác động về năng lượng của một liên minh Trung-Nga thù địch, nhóm dẫn dắt Liên minh Chủ sở hữu Tài sản Phát thải ròng Bằng không (Net-Zero), với các thành viên quản lý hơn 10.4 ngàn tỷ USD tài sản, đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi các chính phủ phương Tây không hy sinh các mục tiêu khí hậu cho An ninh năng lượng.
Trong tuyên bố của mình hôm 08/04, Liên minh do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn này cho biết: “Thế giới vẫn đang hướng tới việc sử dụng quá mức năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch làm vượt quá ngân sách carbon cần thiết để đạt mục tiêu của thỏa thuận Paris là 1.5°C. Xu hướng này phải được ngăn chặn,” và lập luận rằng “Lập luận về an ninh quốc gia ủng hộ cho việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phát thải ròng bằng không (net-zero) đã mạnh mẽ đáng kể.”
Người ta có thể hỏi, cơ sở của việc các nhà quản lý tài sản cho ý kiến về các vấn đề an ninh quốc gia là gì? Họ không có chuyên môn trong lĩnh vực này. Hóa ra là sự hiểu biết của họ về tính kinh tế của chính sách năng lượng cũng còn là khiếm khuyết.
Liên minh Chủ sở hữu Tài sản Net-Zero tuyên bố rằng việc phát triển các nguồn dự trữ dầu và khí đốt mới sẽ hạn chế các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, làm trầm trọng thêm những méo mó của thị trường. Trên thực tế, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo Net-Zero của cơ quan này trong năm 2021 có nêu rằng theo lộ trình Net-Zero của mình, doanh thu từ thuế bán lẻ dầu và khí giảm khoảng 40% trong 20 năm tới.
IEA cảnh báo: “Việc quản lý sự suy giảm này sẽ đòi hỏi phải lập kế hoạch tài khóa dài hạn và cải cách ngân sách. Tương tự như vậy, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Vương quốc Anh ước tính rằng các chính sách net-zero sẽ làm thất thoát các khoản thu thuế chiếm 1.6% GDP. Có quá nhiều huyền thoại về trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Nếu nhiên liệu hóa thạch được trợ cấp nhiều, thì việc loại bỏ chúng có nghĩa là trợ cấp nhiên liệu hóa thạch sẽ biến mất. [Nhưng] thay vào đó, lại chính là doanh thu thuế sẽ giảm về 0.
Các nhà đầu tư net-zero trích dẫn các số liệu về sự sụt giảm chi phí năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Những con số này dựa trên cái gọi là chi phí năng lượng được san bằng (LCOE), một số liệu nhằm mục đích đo lường chi phí trong vòng đời của một nhà máy. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời là không liên tục, nhưng các chỉ số LCOE loại trừ chi phí gián đoạn, làm tăng nhiều gió và mặt trời hơn được đưa vào lưới điện. Do sản lượng gió và năng lượng mặt trời thay đổi theo thời tiết chứ không theo nhu cầu, giá trị của sản lượng này sẽ giảm khi lắp đặt nhiều hơn công suất [năng lượng] mặt trời và gió.
Chính vì những lý do này mà trong một bài báo mang tính nền tảng trong năm 2011 giáo sư kinh tế học Paul Joskow của MIT đã kết luận rằng việc sử dụng các chỉ số LCOE để so sánh các công nghệ sản xuất không liên tục với công nghệ sản xuất nhanh gọn, chẳng hạn như than và khí đốt tự nhiên, là một “bài tập vô nghĩa.”
Các nhà đầu tư năng lượng gió và mặt trời không cần phải hiểu tính kinh tế của lưới điện để kiếm tiền — họ được bảo vệ khỏi chi phí về sự gián đoạn mà các khoản đầu tư của họ gây ra cho phần còn lại của lưới điện, một lý do tại sao quan điểm của họ về chính sách năng lượng có thể là đáng ngờ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hiểu biết về kinh tế của họ khiến họ dễ dàng gắn vào câu chuyện cổ tích xanh về 100% năng lượng tái tạo. Họ không chịu trách nhiệm giữ cho đèn sáng liên tục — yêu cầu vốn phụ thuộc vào việc các nhà máy điện truyền thống luôn được cung cấp nhiên liệu và sẵn sàng hoạt động, và là yêu cầu mà Đức không thể thực hiện nếu không có khí đốt của Nga.
Hãy thông qua lời kêu gọi không đầu tư mới vào nhiên liệu hóa thạch của liên minh net-zero, và rồi chi phí năng lượng sẽ tăng nhanh. Còn nếu đèn tắt, thì các chính trị gia— chứ không phải các nhà đầu tư ‘thức tỉnh’—sẽ phải chịu trách nhiệm.
Nếu không có quyền lực chính trị, thì ý kiến của các nhà đầu tư về năng lượng và an ninh quốc gia đã ít gây ảnh hưởng hơn. Cây bút Matt Levine của Bloomberg cho rằng các nhà quản lý tài sản của các quỹ lớn hình thành một hệ thống chính phủ song song thực hiện quyền lập pháp chồng chéo với quyền lập pháp của các chính phủ. Thứ chính phủ của những người quản lý tài sản này, như ông Levine gọi, yêu cầu các công ty làm những việc mà họ cho là tốt cho toàn xã hội, “đưa ra các quyết định tập thể lớn về cách xã hội nên được điều hành, không chỉ là các quyết định kinh doanh mà còn cả các quyết định về môi trường và quyền của người lao động và về bất bình đẳng chủng tộc và các chủ đề chính trị gây tranh cãi khác.”
Quan trọng nhất trong số các lĩnh vực này là chính sách về khí hậu. Mặc dù chính phủ ông Biden đã đặt ra mục tiêu Net-Zero, Quốc hội đã không lập pháp cho mục tiêu này, và mục tiêu này thiếu tính bắt buộc của pháp luật. Tuy nhiên, việc không có luật do các nhà lập pháp có trách nhiệm thông qua một cách dân chủ lại không để lại rào cản nào đối với chính phủ của các nhà quản lý tài sản trong việc hoạch định chính sách về khí hậu đối với các công ty mà họ đầu tư.
Nhà đánh giá Kirsten Snow Spalding của Mạng lưới các nhà đầu tư bất vụ lợi Ceres về Rủi ro về Khí hậu và Bền vững cho biết: “Các nhà đầu tư đang đưa ra các cam kết phát Net-Zero cho chính họ và yêu cầu rằng các công ty đưa ra các mục tiêu giảm khí nhà kính và các kế hoạch chuyển đổi để đạt được các mục tiêu đó.”
Cả bà Spalding và Liên minh chủ sở hữu tài sản Net-Zero đều không chứng minh được rằng việc ép buộc các mục tiêu Net-Zero đối với các công ty sẽ làm tăng lợi nhuận của nhà đầu tư, chứng tỏ rằng đây không phải là mối quan tâm truyền thống của nhà đầu tư—kiếm tiền —mà là sự theo đuổi chính trị theo các cách khác. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đang hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư ‘thức tỉnh’ về khí hậu trong việc này. Bình luận về quy tắc về công bố thông tin về rủi ro khí hậu do SEC mới đề nghị, bà Spalding nói rằng đối với các nhà đầu tư đã cam kết không phát thải vào năm 2050, “dự thảo quy tắc này là hoàn toàn quan trọng.”
Không phải ngẫu nhiên mà chủ tịch SEC Gary Gensler đã chọn Ceres để xuất hiện lần đầu tiên để nói về quy tắc do SEC đề nghị. Tất nhiên, ông Gensler đã không biện minh cho điều đó giống như bà Spalding. Làm như vậy sẽ làm tăng nguy cơ tòa án bác bỏ quy tắc này trong việc kiện tụng tiếp theo. Thay vào đó, ông Gensler đã cố gắng biện minh cho quy tắc này là mang lại “một số tiêu chuẩn hóa cho cuộc đàm luận” và đưa thông tin quan trọng về môi trường—SEC đã ban hành hướng dẫn vào năm 2010 về cách các công ty nên công bố những rủi ro như thế— vào một nơi, giúp các nhà đầu tư khỏi bị phiền phức về việc phải kết hợp thông tin với nhau từ các nguồn khác nhau.
Giải thích của ông Gensler, nói một cách lịch sự, là một lời giải thích không hợp lý khi áp đặt lên các doanh nghiệp Mỹ những gì rốt cuộc là một chế độ báo cáo về khí hậu song song với khuôn khổ báo cáo tài chính đã được thiết lập. Ông Gensler có thể nói bất cứ điều gì trước công chúng, [nhưng] tác dụng của quy định của SEC— nếu được thực thi — sẽ là trao quyền cho các nhà đầu tư áp đặt các mục tiêu net-zero lên các công ty, theo dõi tiến độ đạt được các mục tiêu đó, và buộc các hội đồng quản trị công ty chịu trách nhiệm về việc này.
Không giống như các chính trị gia được bầu, các nhà đầu tư ‘thức tỉnh’ về khí hậu không chịu trách nhiệm về những tác động của các chính sách khí hậu của họ: Họ thực thi quyền lực mà không chịu trách nhiệm. Sự xếp đặt này làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc ứng phó với những thách thức địa chính trị của một nước Nga theo chủ nghĩa xét lại và một Trung Quốc theo chủ nghĩa bành trướng.
Hồi tháng trước, tại hội nghị năng lượng CERA tại Houston, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm đã tuyên bố: “Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh — một trường hợp khẩn cấp. Chúng ta phải tăng nguồn cung ngắn hạn một cách có trách nhiệm ở những nơi chúng ta có thể tăng ngay lúc này để ổn định thị trường và giảm thiểu thiệt hại cho các gia đình Mỹ.” Nói chuyện trước các giám đốc điều hành trong ngành dầu mỏ, bà Granholm nói với họ: “Tôi hy vọng các nhà đầu tư của quý vị cũng nói những lời này với quý vị: Trong thời điểm khủng hoảng này, chúng ta cần thêm nguồn cung… ngay bây giờ, chúng ta cần tăng sản lượng dầu và khí đốt để đáp ứng nhu cầu.”
Như bà Granholm đã gợi ý, các nhà đầu tư ‘thức tỉnh’ đang cố gắng làm điều ngược lại. Bất chấp cuộc chiến ở Ukraine, các nhà đầu tư đã không hề từ bỏ áp lực buộc các công ty dầu và khí đốt giảm quy mô hoạt động. Dù có những lời chỉ trích nào về cách xử lý của chính phủ của ông Biden đối với cuộc chiến ở Ukraine, thì chính phủ ông Biden vẫn phải chịu trách nhiệm về việc đưa ra những quyết định ‘tuyệt vời’ liên quan đến chiến tranh. Trái lại, các nhà đầu tư thì không có trách nhiệm đối với an ninh quốc gia và khả năng của Mỹ trong việc dẫn dắt phương Tây.
Bằng cách giúp các nhà đầu tư áp đặt các chính sách năng lượng mong muốn của họ đối với các công ty dầu và khí đốt của Mỹ, SEC đang làm suy yếu các đặc quyền về an ninh quốc gia của chính phủ ông Biden và làm xói mòn khả năng của Mỹ trong việc đáp ứng những thách thức của một thế giới nguy hiểm. SEC đang hoạt động trong một phạm vi mà SEC không có thẩm quyền tham gia.
Từ RealClearWire
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Rupert Darwall là thành viên cao cấp của Tổ chức RealClear và là tác giả của “Chế độ chuyên chế xanh: Vạch ra gốc rễ toàn trị của Tổ hợp công nghiệp khí hậu” và báo cáo “Thòng lọng khí hậu: Kinh doanh, Net Zero, và chủ nghĩa chống tư bản của IPCC.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: