Chủ nghĩa tư bản thức tỉnh: Nó đã xảy ra như thế nào?
Không ai còn lạ gì với việc các doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ, vốn vẫn được coi là đồng minh của nhóm chính trị hữu khuynh, giờ đây công khai ủng hộ các chính sách cấp tiến cực đoan, đến mức bắt nạt các tiểu bang theo khuynh hướng truyền thống và các chính trị gia không cùng quan điểm với họ.
Vào tháng 03/2021, Thống đốc Cộng Hòa của South Dakota, bà Kristi Noem, đã phủ quyết một dự luật cấm các nam sinh chuyển giới tham dự các cuộc thi thể thao dành cho nữ giới tại các trường công lập—sau khi có thông tin rõ ràng rằng Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia sẽ trả đũa bằng cách loại trừ tiểu bang này khỏi các cuộc thi vô địch thể thao hiện tại hoặc trong tương lai.
Vài tuần sau đó, một Thống đốc Cộng Hòa khác, ông Asa Hutchinson của tiểu bang Arkansas, đã phủ quyết một dự luật cấm các thuốc ngăn dậy thì, các hormone khác giới, và việc phẫu thuật cắt bỏ ngực và bộ phận sinh dục cho thanh niên dưới 18 tuổi muốn chuyển giới. Ông Tucker Carlson, người dẫn chương trình của đài Fox, cho rằng ông Hutchinson có thể đã phải đối mặt với áp lực phải phủ quyết dự luật từ Walmart, nhà tuyển dụng lớn nhất của Arkansas có trụ sở tại Bentonville. Dự luật này cuối cùng đã được Quốc hội tiểu bang Arkansas thông qua.
Sự gia nhập đáng kinh ngạc nhất của tầng lớp doanh nghiệp Hoa Kỳ vào thế giới chính trị “thức tỉnh” là phản ứng hàng loạt trước việc Thống đốc Cộng Hòa Brian Kemp của tiểu bang Georgia đã ký thành luật một dự luật cải cách bầu cử nhằm thắt chặt các yêu cầu về bỏ phiếu trực tiếp và khiếm diện, bao gồm cả việc phải có giấy tờ nhận dạng. Đạo luật này là một phản ứng cho các quy định bầu cử qua thư lỏng lẻo, vốn đã dẫn đến các cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020 ở Georgia và các nơi khác.
Nhưng Đảng Dân Chủ coi bất kỳ nỗ lực nào nhằm thắt chặt việc giám sát bỏ phiếu là phân biệt chủng tộc (câu khẩu hiệu “Jim Crow” của Tổng thống Joe Biden), mặc dù đạo luật của Georgia thực sự mở rộng quyền tiếp cận bầu cử thông qua việc bỏ phiếu sớm, và đa số người dân Hoa Kỳ, bao gồm cả người da đen và thu nhập thấp, đều ủng hộ nhận dạng cử tri.
Có thể đoán được rằng các doanh nghiệp lớn đã đứng về phía Đảng Dân Chủ. Major League Baseball đã thông báo rằng họ sẽ rút giải All-Star Game và giải nghiệp dư 2021 ra khỏi Atlanta. Delta Air Lines và Coca-Cola với trụ sở tại Atlanta cũng lên án đạo luật này.
Vào ngày 10/04, hơn 100 giám đốc điều hành và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác đã gặp mặt trên Zoom để thảo luận về cách tổ chức phản đối những đạo luật tương tự ở các tiểu bang khác. Danh sách các công ty có lãnh đạo tham gia cuộc gọi này, và sau đó đã ký một bức thư ngỏ dài hai trang trên tờ New York Times tự nhận họ là những người bảo vệ “quyền bầu cử,” trông như một danh sách các công ty nổi tiếng: Apple, Amazon, Starbucks, Merck, Ford Motor Co., American Express, United Airlines, American Airlines, Target, Netflix, Levi Strauss.
Điều này—sự biến đổi của doanh nghiệp Hoa Kỳ không chỉ thành một khối cấp tiến mà còn thành một khối có tính chất đảng phái công khai—đã diễn ra như thế nào? Cho đến đầu thế kỷ 21, các doanh nghiệp lớn đã tránh các hình thức chính trị gây tranh cãi và chỉ quảng bá những thông điệp nhẹ nhàng nhất về sự hòa hợp chủng tộc và sắc tộc trong các quảng cáo của họ: “Tôi muốn dạy hát cho cả thế giới.” Ví dụ, có ít tập đoàn lớn quyên góp cho Planned Parenthood, vì hoạt động phá thai của họ được cho là sẽ ngăn trở việc thu hút các khách hàng tiềm năng.
Giờ đây, các công ty như Amazon, Starbucks, Johnson & Johnson và Unilever tự hào vận hành các chương trình quyên góp cho Planned Parenthood. Khi North Carolina ban hành “dự luật nhà vệ sinh” năm 2016 nhằm bảo vệ quyền riêng tư và cấm sử dụng nhà vệ sinh khác giới trong các cơ sở công cộng, đủ kiểu tẩy chay của các công ty—từ việc rút lui của NCAA đến việc PayPal hủy bỏ kế hoạch xây dựng một cơ sở ở Charlotte—đã dẫn đến việc bãi bỏ hầu hết các điều khoản của đạo luật.
Một trong các lý do cho sự chuyển đổi ý thức hệ hàng loạt của các tập đoàn chính là sự sợ hãi. Hoa Kỳ có thể bị chia đều giữa hữu khuynh và tả khuynh, nhưng chính bên tả khuynh mới nắm giữ các đòn bẩy văn hóa, kiểm soát các cơ sở giáo dục, giải trí, truyền thông, và mạnh mẽ nhất là mạng xã hội, vốn nằm trong tay của những ông trùm thức tỉnh ở Thung lũng Silicon. Các lãnh đạo tôn giáo cấp tiến đã yêu cầu một cuộc tẩy chay trên toàn quốc đối với công ty Home Depot có trụ sở tại Atlanta vì công ty này đã không tham gia cùng phần còn lại của các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc phản đối luật bầu cử Georgia.
Có vẻ như ngày nay, trái ngược với quá khứ, cách thận trọng nhất để một doanh nghiệp tránh được các tranh cãi là đứng về phía thắng cuộc, tức là phía được nhóm tả khuynh tán thành.
Nhưng có một khía cạnh khác khiến các vị giám đốc điều hành điềm đạm đột nhiên lại đứng về phía Black Lives Matter, các nhà hoạt động về chuyển giới, và Đảng Dân Chủ cực đoan ngày nay: đó là con người khao khát được ngưỡng mộ và tôn trọng.
Ông William L. Anderson, một giáo sư kinh tế tại Đại học Frostburg State ở Maryland, đã so sánh những người đứng đầu doanh nghiệp hiện nay, dù là Mark Zuckerberg của Facebook hay James Quincey của Coca-Cola, với những doanh nhân lớn của thế kỷ 19, những người đã xây dựng đường sắt, các nhà máy thép và các xưởng sản xuất.
Ông Anderson nói: “Họ thích được gọi là ‘những thủ lĩnh trong ngành. Nhưng họ không phải là thủ lĩnh gì cả. Họ là những doanh nhân làm ra những thứ mà mọi người muốn mua. Bill Gates không phải là một thủ lĩnh của ngành công nghiệp. Ông ta là một doanh nhân đã có những ý tưởng rất tốt về việc bán nhu liệu, và giờ ông ta nghĩ rằng mình có những ý tưởng hay về mọi thứ khác”.
Theo ông Anderson, điều mà những ông trùm kinh doanh ở thế kỷ 19 đó khao khát là “sự tôn trọng.” Họ thành lập thư viện, bảo tàng, bệnh viện, viện khoa học và trường đại học—“nhưng họ cũng dính vào những thứ kỳ quặc như thuyết ưu sinh,” ông Anderson nói. Khi đã rất thành công trong việc điều hành công ty của mình, “họ tự cho mình là phát ngôn viên” cho những phong trào thời thượng trong thời đại của họ.
Nếu John D. Rockefeller có thể tự khen mình vì đã tài trợ cho nghiên cứu về điều mà tầng lớp trí thức thời đó gọi là cải thiện nhân loại, bằng cách ngăn cản các thành phần “khiếm khuyết” của nó được sinh sản, thì không có gì ngạc nhiên khi các giám đốc điều hành ngày nay thích đăng quảng cáo trên tờ New York Times để tự chúc mừng vì đã ủng hộ những phong trào thức tỉnh đang được giới trí thức và tinh hoa ngày nay thúc đẩy.
Hay cũng chính các giám đốc điều hành đó đã đưa ra các thông cáo báo chí đầy nhiệt tình về cam kết của họ đối với “công lý chủng tộc” trong vòng vài giờ sau bản án sát nhân trong phiên tòa xét xử vụ George Floyd.
Ông Anderson nói: “Tôi không nghĩ rằng họ là một nhóm cực đoan. Nếu không, họ đã không thể điều hành thành công các công ty. Nhưng họ muốn yên ổn—và không ai muốn bị tẩy chay.”
Triết gia và tác gia người Ý Machiavelli đã viết một câu nổi tiếng rằng thà được kính sợ còn hơn được yêu. Các công ty ngày nay dường như muốn vừa được kính sợ, lại vừa được yêu mến.
Tác giả Charlotte Allen là biên tập viên của Catholic Arts Today và là cộng tác viên thường xuyên của Quillette. Bà có bằng tiến sĩ về trung cổ học tại Catholic University of America.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Charlotte Allen
Joe Nguyễn biên dịch
Xem thêm: