TT Biden sẽ ký thỏa thuận an ninh với Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh G7
Tổng thống Joe Biden chuẩn bị ký một thỏa thuận an ninh song phương với người đồng cấp Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky, vào thứ Năm (13/06), thể hiện sự ủng hộ không ngừng của Hoa Kỳ đối với an ninh quốc gia của Ukraine.
Hôm thứ Tư (12/06), trong một cuộc thảo luận với các phóng viên trên chiếc Air Force One, Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã loan báo các kế hoạch để hoàn tất thỏa thuận song phương này.
Thỏa thuận song phương Hoa Kỳ-Ukraine sắp tới được đưa ra sau khi Tổng thống Biden và những nhà lãnh đạo các quốc gia gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, và Vương quốc Anh — được gọi chung là các nước G7 — cùng tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái (2023) rằng mỗi bên sẽ thiết lập các điều khoản an ninh trực tiếp của riêng họ với Ukraine.
Ông Sullivan cho biết Tổng thống Biden và ông Zelensky sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay để thảo luận về việc Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Sau đó, “các nhà lãnh đạo sẽ ký một thỏa thuận an ninh song phương nêu rõ sự trợ giúp của chúng tôi sẽ tiếp tục lâu dài trong tương lai và cam kết hợp tác không ngừng, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.”
15 quốc gia đã ký kết các thỏa thuận an ninh song phương trực tiếp với Ukraine, thể hiện sự ủng hộ của họ khi quân đội Ukraine chiến đấu trước một cuộc xâm lược của Nga vào khu vực Donbas phía đông Ukraine.
“Bất kỳ nền hòa bình lâu dài nào ở Ukraine đều phải được bảo đảm bằng chính khả năng tự vệ của Ukraine và ngăn chặn sự xâm lược trong tương lai,” ông Sullivan nói. “Và bằng việc ký kết thỏa thuận này, chúng tôi cũng sẽ gửi cho Nga một tín hiệu về quyết tâm của chúng tôi. Nếu [Tổng thống Nga Vladimir Putin] nghĩ rằng ông ấy có thể tồn tại lâu hơn liên minh đang trợ giúp cho Ukraine thì ông ấy đã lầm. Ông ấy thật sự không thể chờ đợi chúng tôi, và thỏa thuận này sẽ thể hiện quyết tâm và cam kết không ngừng của chúng tôi.”
Ông Sullivan cho biết thỏa thuận mới này bao gồm kiểu viện trợ quân sự mà chính phủ Hoa Kỳ từng cung cấp cho Ukraine nhưng sẽ không buộc quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.
“Họ đã yêu cầu chúng tôi cung cấp vũ khí và sự trợ giúp khi họ chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ của mình. Họ chưa từng yêu cầu lực lượng của chúng ta tham gia chiến đấu. Vì vậy, thỏa thuận này không bao gồm bất kỳ cam kết nào về việc sử dụng lực lượng của chúng tôi để bảo vệ Ukraine,” ông nói.
Mặc dù thỏa thuận song phương mới sẽ thể hiện một sự cam kết không ngừng của Hoa Kỳ trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho các lực lượng Ukraine, nhưng ông Sullivan cho biết phía Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi “từ những kiến giải và kinh nghiệm của Ukraine, những đổi mới trên chiến trường, và những bài học rút ra từ mặt trận.”
Vị cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc này còn cho biết thỏa thuận song phương mới sẽ bao gồm một số cam kết mới của Ukraine liên quan đến các hệ thống vũ khí khác nhau mà chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp.
Ông Sullivan cung cấp thêm một số thông tin chi tiết về các điều khoản cụ thể và quy định thi hành đối với thỏa thuận an ninh sắp tới, có hiệu lực trong những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.
Sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho chính phủ Tổng thống Zelensky có thể tiếp tục nếu Tổng thống Biden giành được nhiệm kỳ thứ hai sau cuộc tổng tuyển cử ở Hoa Kỳ vào tháng Mười Một. Mặt khác, cựu Tổng thống Donald Trump — có thể trở thành đề cử viên Đảng Cộng Hòa — lại lưỡng lự về việc có nên tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine hay không.
Năm ngoái (2023), cựu Tổng thống Trump nhiều lần gợi ý rằng ông muốn nhanh chóng đàm phán một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra này. Có lúc ông cho thấy rằng ông có thể đạt được một cuộc ngừng bắn trong vòng 24 tiếng nếu giành lại Tòa Bạch Ốc.