Hai tổng thống Biden và Zelensky ký thỏa thuận an ninh tại Hội nghị thượng đỉnh G7
Tổng thống Biden nói, ‘Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe đáng tin cậy của Ukraine trong dài hạn.’
PUGLIA, Ý—Hôm 13/06, Tổng thống Joe Biden đã ký một thỏa thuận an ninh song phương có thời hạn 10 năm với người đồng cấp Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky, thể hiện một sự cam kết không ngừng của Hoa Kỳ để trợ giúp đất nước bị chiến tranh tàn phá này chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận này bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở miền nam nước Ý. Thỏa thuận gồm có một cam kết của Hoa Kỳ nhằm nâng cao sự hợp tác quân sự với Ukraine theo các tiêu chuẩn của NATO và giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi thành một quốc gia phù hợp với các mục tiêu gia nhập Liên minh Âu Châu của nước này.
“Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe đáng tin cậy của Ukraine trong dài hạn,” Tổng thống Biden nói trong cuộc họp báo chung sau khi ký thỏa thuận. “Chúng tôi đã thực hiện ba bước quan trọng tại G7 để cùng cho ông Putin thấy là ông ấy không thể chờ đợi chúng tôi kết thúc. Ông ấy không thể chia rẽ chúng tôi và chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến khi họ thắng thế trong cuộc chiến này.”
Thỏa thuận cũng nêu rõ cam kết của Hoa Kỳ đối với việc phát triển nhiều phương diện của các lực lượng của Ukraine, trong đó có Phòng không và Phòng thủ bằng Phi đạn, xác nhận việc sử dụng hệ thống phi đạn Patriot trong tiến trình này.
Tòa Bạch Ốc còn công bố ý định cung cấp huấn luyện và tư vấn trong dài hạn cho các lực lượng của Ukraine và mời họ tham gia các cuộc tập trận đa phương và của Hoa Kỳ “khi thích hợp.”
Tuy vậy, Tổng thống Biden đã xác nhận một lần nữa rằng Hoa Kỳ sẽ không gửi quân đội Mỹ đến Ukraine để chiến đấu mà thay vào đó sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược, mở rộng chia sẻ thông tin tình báo, và tiếp tục huấn luyện quân đội Ukraine ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Thỏa thuận này được ký kết sau khi các nước G7 đồng tình về một kế hoạch mở phong tỏa những tài sản bị đóng băng của Nga để sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay trị giá nhiều tỷ dollar dành cho Ukraine. Tổng thống Biden nhận định thành quả đó là “một lời nhắc nhở khác tới ông Putin [rằng] chúng ta sẽ không lùi bước. Trên thực tế, chúng ta đang sát cánh cùng nhau chống lại cuộc xâm lược bất hợp pháp này.”
Hiệp ước an ninh này được đưa ra sau khi năm ngoái Tổng thống Biden và nhà lãnh đạo của các nước G7 đã đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius rằng mỗi nước sẽ ký các thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine.
Theo Tòa Bạch Ốc, cho đến nay, 15 quốc gia đã ký kết các thỏa thuận an ninh song phương trực tiếp với Ukraine.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã thông báo ngắn gọn với các phóng viên trước cuộc gặp song phương hôm 13/06, nhận định thỏa thuận này là một cột mốc quan trọng.
Ông Sullivan nói: “Chúng tôi nghĩ đây là một thỏa thuận lớn, một thời điểm quan trọng trong mối quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Ukraine.”
Ông nói thêm rằng thỏa thuận này là “một điểm đánh dấu thực sự” về cam kết lâu dài của Hoa Kỳ “cả trong việc bảo vệ trước sự xâm lược của Nga lẫn ngăn chặn sự xâm lược trong tương lai để Ukraine có thể trở thành một nền dân chủ có chủ quyền, vững vàng, thịnh vượng.”
Theo thỏa thuận, việc sử dụng một hệ thống phi đạn Patriot đã được xác nhận: “Dựa vào phạm vi năng lực phòng không mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho đến nay, trong đó có hệ thống Patriot, Hoa Kỳ cam kết trợ giúp Ukraine phát triển một hệ thống phòng không và hệ thống phòng thủ bằng phi đạn tích hợp, nhiều lớp.”
Theo ông Sullivan, thỏa thuận an ninh này không bao gồm các con số cụ thể bằng tiền để trợ giúp Ukraine.
“Thỏa thuận gồm có một cam kết hợp tác với Quốc hội về nguồn tài trợ bền vững về sau, điều mà chúng tôi sẽ thực hiện,” ông nói với các phóng viên hôm 12/06 trên chuyên cơ Air Force One bay tới Ý.
“Và thỏa thuận này lập ra một quy tắc cho cách chúng tôi làm việc với Ukraine cũng như với các đồng minh và đối tác khác để bảo đảm Ukraine có những gì họ cần về năng lực vật chất cũng như tình báo và các năng lực khác để có thể tự vệ một cách hiệu quả và ngăn chặn Nga.”
Tổng thống Biden gặp ông Zelensky lần thứ hai trong một tuần. Hai nhà lãnh đạo này đã gặp nhau tại Paris hôm 07/06 trong lễ kỷ niệm 80 năm sự kiện D-Day.
Trong cuộc gặp đó, Tổng thống Biden đã xin lỗi tổng thống Ukraine vì những chậm trễ trong việc thông qua một dự luật viện trợ ngoại quốc mà trong đó có 61 tỷ USD tài trợ cho Ukraine.
“Chúng tôi sẽ không quay lưng lại với ông,” Tổng thống Biden nói với ông Zelensky, đồng thời công bố khoản tài trợ mới 225 triệu USD cho nước này.
Tổng thống Biden bắt đầu các cuộc họp của ông tại Puglia, Ý, hôm 13/06, với các nhà lãnh đạo của nhóm G7, bảy quốc gia dân chủ giàu có trên thế giới, để thảo luận về nhiều chủ đề, trong đó có các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, an ninh kinh tế, và hợp tác quốc tế về vấn đề trí tuệ nhân tạo.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày này đang diễn ra tại khu nghỉ dưỡng khách sạn sang trọng Borgo Egnazia, nép mình giữa những lùm ô liu dọc theo bờ biển Adriatic ở thị trấn Savelletri di Fasano.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times