TT Biden phân bổ 1.1 tỷ USD để duy trì hoạt động nhà máy điện hạt nhân California
Hôm 21/11, nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn đang hoạt động của California đã được cấp một khoản tài trợ khác khi các nhà vận hành tìm cách duy trì hoạt động của nhà máy này thêm tám năm nữa.
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã trao cho Nhà máy Điện Hạt nhân Diablo Canyon 1.1 tỷ USD từ Chương trình Tín dụng Hạt nhân Dân sự được tài trợ theo một dự luật cơ sở hạ tầng được Quốc hội thông qua hồi năm 2021.
Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm cho biết trong một tuyên bố hôm 21/11, “Đây là một bước đi quan trọng để bảo đảm rằng hạm đội hạt nhân nội địa của chúng ta sẽ tiếp tục cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy và giá cả phải chăng cho người dân Mỹ với tư cách là nguồn điện sạch lớn nhất của đất nước này.”
Theo cơ quan này, năng lượng hạt nhân chiếm một nửa lượng điện phi carbon của quốc gia. Kể từ năm 2013, 13 lò phản ứng trên khắp Hoa Kỳ đã ngừng hoạt động.
Các quan chức cho biết, Bộ Năng lượng sẽ cần phải hoàn tất các điều khoản cuối cùng của khoản tài trợ này. Nhà máy này sản xuất khoảng 15% năng lượng tái tạo của California.
Theo ủy ban năng lượng của tiểu bang, Diablo Canyon sản xuất khoảng 9% năng lượng cho tiểu bang.
Các chính trị gia đã hoan nghênh khoản tài trợ này, vốn sẽ giúp kéo dài vòng đời hoạt động cho nhà máy điện từng bị tuyên bố đóng cửa nằm ở trung tâm California gần San Luis Obispo này.
Thống đốc California Gavin Newsom cho biết trong một tuyên bố, “Khoản đầu tư này mở ra một con đường tươi sáng cho việc kéo dài thời gian hoạt động có thời hạn của nhà máy điện Diablo Canyon nhằm hỗ trợ cho tính đáng tin cậy [của lưới điện] trên toàn tiểu bang và mang đến một bước khởi đầu cho nhiều dự án năng lượng sạch hơn nữa đi vào hoạt động.”
Hôm 01/09, ông Newsom đã ký một dự luật nhằm đảo ngược kế hoạch chấm dứt hoạt động của nhà máy này, vốn được ấn định đóng cửa vào năm 2025.
Theo người chấp bút cho dự luật là Thượng nghị sĩ Bill Dodd (Dân Chủ-Napa), dự luật này rất cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng cúp điện luân phiên và giá điện tăng ở California. Luật này cho phép Pacific Gas & Electric (PG&E) tiếp tục vận hành nhà máy Diablo Canyon cho đến năm 2030. Luật này cũng cung cấp một khoản vay không cần trả lại trị giá 1.4 tỷ USD từ tiểu bang để giúp mở rộng những hoạt động này.
Sáu năm trước, PG&E đã đồng ý đóng cửa nhà máy San Luis Obispo trước áp lực từ các nhóm hoạt động vì môi trường cũng như cộng đồng địa phương.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Dân Chủ-California) cho biết trong một tuyên bố rằng bà hoan nghênh tin tức này.
“Việc gia hạn ngắn hạn này là cần thiết nếu California muốn đạt được các mục tiêu năng lượng sạch đầy tham vọng của mình mà vẫn tiếp tục cung cấp nguồn điện đáng tin cậy,” bà Feinstein viết. “Điều này đặc biệt quan trọng vì lưới điện California đã phải đối mặt với các thách thức ngày càng tăng từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do khí hậu gây ra.”
Theo văn phòng của bà Feinstein, hồi tháng trước, PG&E đã chính thức nộp đơn yêu cầu gia hạn giấy phép hoạt động từ Ủy ban Điều tiết Hạt nhân.
Một số nhóm hoạt động vì môi trường phản đối việc gia hạn giấy phép này. Tổ chức Những người Mẹ vì Hòa bình (Mothers for Peace), Những người bạn của Trái đất (Friends of the Earth), Nhóm Hành động vì Môi trường (Environmental Working Group), và Ủy ban Kết nối sự Khác biệt (Committee to Bridge the Gap) đã gửi thư tới Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Hoa Kỳ yêu cầu các thành viên không khôi phục lại đơn gia hạn này.
Một luật sư của nhóm phản đối hạt nhân Những người mẹ vì Hòa bình có trụ sở tại San Luis Obispo đã tuyên bố trong bức thư nói trên rằng tai nạn phóng xạ tại các lò phản ứng dễ gây ra bởi động đất có thể mang đến những tác động thảm khốc đến sức khỏe cộng đồng, nền kinh tế, và môi trường.
Theo một bài đăng trên Twitter, Quỹ Samuel Lawrence, một tổ chức bất vụ lợi phản đối chất thải hạt nhân có trụ sở tại San Diego, đã thất vọng với quyết định phân bổ tài trợ này của liên bang.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times