TT Biden cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine trong cuộc gặp với ông Zelensky và các nhà lãnh đạo G7
Hôm 12/07, Tổng thống (TT) Joe Biden đã gặp các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy Nước (G7) tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đề nghị trợ giúp an ninh cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham gia cuộc họp, trong đó các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra “Tuyên bố Chung về Trợ giúp cho Ukraine.”
Tuyên bố chung này sẽ “làm rõ rằng sự trợ giúp của chúng tôi sẽ kéo dài trong tương lai,” ông Biden tuyên bố sau khi kết thúc cuộc họp.
“Chúng tôi sẽ giúp Ukraine xây dựng một hệ thống phòng thủ có khả năng mạnh mẽ, trên bộ, trên không, và trên biển.”
Ông lưu ý rằng bước này sẽ bảo đảm ổn định khu vực và ngăn chặn mọi mối đe dọa.
TT Biden nói: “Tôi nghĩ đây là một tuyên bố có tác động mạnh, một tuyên bố mạnh mẽ về cam kết của chúng tôi với Ukraine, khi nước này bảo vệ nền tự do của mình ngày hôm nay và khi họ xây dựng lại tương lai và chúng tôi sẽ ở đó chừng nào họ cần.”
Trước hội nghị thượng đỉnh, Tòa Bạch Ốc cho biết Ukraine có thể nhận được các bảo đảm an ninh “kiểu Israel” trong cuộc chiến với Nga.
Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ “cung cấp nhiều hình thức viện trợ quân sự, tình báo và chia sẻ thông tin, trợ giúp mạng, và các hình thức viện trợ vật chất khác để Ukraine có thể vừa tự vệ vừa ngăn chặn xâm lược trong tương lai,” cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên hôm 09/07.
Là một phần của tuyên bố này, TT Biden giải thích rằng mỗi quốc gia sẽ đàm phán riêng về các thỏa thuận an ninh song phương dài hạn với Ukraine.
Sau sự kiện này, ông Zelensky nói rằng: “Phái đoàn Ukraine đang mang về nước một chiến thắng an ninh quan trọng cho Ukraine, cho đất nước của chúng tôi, cho người dân của chúng tôi, cho con em chúng tôi.”
Sau đó, ông Biden đã gặp ông Zelensky trong một cuộc thảo luận song phương, trong đó ông nói rằng ngay từ thế kỷ 14 Nga đã xâm lược Ukraine và ca ngợi lòng dũng cảm và sự kiên cường của ông Zelensky.
Ông Biden ghi nhận sự thất vọng của ông Zelensky với tốc độ viện trợ chậm chạp của Hoa Kỳ.
“Nhưng tôi hứa với ông,” ông Biden nói, “Hoa Kỳ sẽ làm mọi thứ có thể để trao cho các ông những gì các ông cần nhanh nhất có thể.”
Con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine
Thông báo bảo đảm an ninh được đưa ra sau khi ông Zelensky bày tỏ sự thất vọng khi thông cáo của NATO công bố hôm 11/07 đã không đưa ra mốc thời gian để Ukraine gia nhập liên minh quân sự này.
Trong hội nghị thượng đỉnh, ông chỉ trích liên minh này, gọi quyết định đó là “chưa từng có và vô lý.”
Lãnh đạo các nước thành viên NATO tham gia hội nghị thượng đỉnh năm nay ở Vilnius đã ra một thông cáo hôm 11/07, nói rằng Ukraine có thể tham gia liên minh quân sự này “khi các Nước đồng minh đều đồng ý và các điều kiện được đáp ứng.”
“Tương lai của Ukraine là ở NATO,” Thông cáo (pdf) viết.
Tuy nhiên, liên minh này đang yêu cầu Kyiv cải cách hơn về an ninh và dân chủ trước khi có thể tham gia.
Ukraine là một chủ đề thảo luận chính tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, với việc các đồng minh tranh luận về tư cách thành viên trong tương lai của nước này và viện trợ thêm cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Tuy nhiên, các nước đồng minh đã có nhiều quan điểm khác nhau về khả năng trở thành thành viên của Ukraine trong những tháng trước khi diễn ra cuộc họp.
Hoa Kỳ, Đức, và các đối tác phía nam NATO tỏ ra thận trọng hơn về tư cách thành viên của Ukraine, trong khi các quốc gia Baltic và các quốc gia Đông Âu như Ba Lan giữ lập trường hiếu chiến và quyết đoán nhất.
Tòa Bạch Ốc bảo vệ thông cáo của NATO
Đáp lại thông điệp của ông Zelensky, hôm 12/07, Tòa Bạch Ốc đã bảo vệ quyết định của NATO, lưu ý rằng bản thông cáo này gửi đi một “thông điệp rất mạnh mẽ, hướng về tương lai” cho Ukraine.
“Tôi đồng ý rằng thông cáo này là chưa từng có, nhưng tôi nhìn nó theo hướng tích cực,” bà Amanda Sloat, quản lý cao cấp phụ trách Âu Châu của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, nói với các phóng viên hôm 12/07.
“Ngày hôm qua, chúng tôi đã cùng với các Đồng minh đồng ý với một thông điệp rất mạnh mẽ, tích cực. Chúng tôi tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của Liên minh NATO.”
Các đồng minh đã tái khẳng định cam kết được lập tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008 và công nhận rằng Kyiv đã đạt được “tiến triển đáng kể trên con đường cải cách của mình.”
Trong bản thông cáo, NATO cũng loại bỏ yêu cầu Ukraine thực hiện cái gọi là Kế hoạch Hành động của Tư cách thành viên.
Thay vào đó, các thành viên đã quyết định thành lập “Hội đồng NATO-Ukraine”, một tổ chức chung mới mà trong đó các đồng minh và Ukraine là những thành viên bình đẳng để tiếp tục đối thoại và hợp tác chính trị.
Họ cũng đã điều chỉnh “Chương trình Quốc gia Hằng năm” để xem xét tiến độ một cách thường xuyên.
Bà Sloat nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, thì đây là một thông điệp rất mạnh mẽ, hướng tới tương lai vượt xa hơn hẳn những gì đã được nói trong quá khứ, như trong hội nghị Bucharest.”
Bà cho biết các đồng minh G7 sẽ tiếp tục cung cấp cho Kyiv viện trợ an ninh để giúp đỡ Ukraine trên chiến trường cũng như về mặt kinh tế và nhân đạo.
Tuy nhiên, quyết định này khiến ông Zelensky thất vọng.
“Quả là chưa từng có và vô lý khi khung thời gian không được ấn định cho cả lời mời cũng như tư cách thành viên của Ukraine. Đồng thời, từ ngữ mơ hồ về ‘các điều kiện’ cũng được thêm vào ngay cả khi mời Ukraine,” ông viết trên Twitter hôm 11/07.
Ông Zelensky cũng cho biết Ukraine “đáng được tôn trọng” và chỉ trích cách viết trong thông cáo là “được thảo luận mà không có Ukraine.”
Ông Sullivan nhắc lại quan điểm của TT Biden rằng việc cho phép Ukraine gia nhập NATO sẽ dẫn đến xung đột với Nga.
Ông nói với CNN hôm 12/07, “Nghe này, tôi hiểu mong muốn gia nhập NATO càng nhanh càng tốt của Ukraine. Tất nhiên đó là quyền của họ để xin được gia nhập, gây sức ép để được gia nhập, và vận động để được gia nhập.”
“Nhưng mọi đồng minh NATO, bao gồm cả Hoa Kỳ, cần nhìn thẳng vào thực tế rằng việc kết nạp Ukraine vào NATO trong tình hình này đồng nghĩa với chiến tranh với Nga. Đó là một thực tế không thể tránh được.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times