TT Biden ca ngợi cuộc hội đàm với Trung Quốc ‘mang tính xây dựng’ giữa lúc bị chỉ trích chưa đạt được tiến triển trong các vấn đề chính
Lời nhận xét bất ngờ của tổng thống vào cuối cuộc họp báo đã trở thành phương diện thu hút sự chú ý nhất của cuộc họp.
Sau một cuộc họp đầy rủi ro ở San Francisco, Tổng thống (TT) Joe Biden ca ngợi rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có “một số thảo luận mang tính xây dựng và hiệu quả nhất” bên lề Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các nhà phê bình nêu ra rằng hội nghị thượng đỉnh đạt được rất ít tiến triển trong các vấn đề song phương quan trọng.
Sau nhiều giờ gặp gỡ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại một khu di sản lịch sử hẻo lánh ở phía nam San Francisco, TT Biden đã nhấn mạnh một số kết quả chính: khôi phục đối thoại quân sự cao cấp, đạt được cam kết của Trung Quốc về giảm xuất cảng fentanyl sang Hoa Kỳ, và thảo luận những rủi ro về trí tuệ nhân tạo.
Tổng thống Biden nói rõ rằng mục đích của cuộc họp là để kiểm soát “cạnh tranh một cách có trách nhiệm để không dẫn đến xung đột.”
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh này đạt được rất ít hoặc không có tiến triển nào trong các vấn đề song phương quan trọng nhất, trong đó có vấn đề Đài Loan, cũng như việc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ, cưỡng ép kinh tế, và vi phạm nhân quyền.
Lời nhận xét bất ngờ của tổng thống vào cuối cuộc họp báo đã trở thành phương diện thu hút sự chú ý nhất của cuộc họp.
Khi rời khỏi cuộc họp báo, Tổng thống Biden được hỏi liệu ông có còn gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc là “nhà độc tài” như ông đã gọi hồi tháng Sáu hay không.
“Chà, xem ra ông ấy đúng là vậy,” Tổng thống Biden trả lời. “Ý tôi là ông ấy là một nhà độc tài theo nghĩa ông ấy là người điều hành một quốc gia, mà đó là một quốc gia cộng sản dựa trên một hình thức chính phủ hoàn toàn khác với hình thức chính phủ của chúng ta.”
Đáng chú ý hơn nữa là phản ứng của Ngoại trưởng Antony Blinken. Đoạn video cho thấy ông nhăn mặt khi tổng thống gọi lãnh đạo ĐCSTQ là một “nhà độc tài” lần thứ hai trong năm nay.
Ngày hôm sau, Bắc Kinh đã lên án bình luận của Tổng thống Biden.
Cuộc gặp nhiều rủi ro bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương này là cuộc gặp mặt trực tiếp thứ hai của cả hai nhà lãnh đạo trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Cuộc gặp trực tiếp trước đó của họ diễn ra vào tháng 11/2022 tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia.
Câu hỏi hóc búa về Đài Loan
Trước cuộc họp, Tòa Bạch Ốc bày tỏ lo ngại về nỗ lực của Trung Quốc nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan. Đài Loan là một trong những vấn đề song phương gây tranh cãi nhất giữa hai nước, vì Trung Quốc coi hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của mình.
Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Biden cho biết ông cảnh báo nhà lãnh đạo Trung Quốc không nên can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới của Đài Loan.
“Tôi đã nói rõ: Tôi không muốn có bất kỳ sự can thiệp nào, không một chút nào,” ông nói với các phóng viên trong cuộc họp báo.
Các cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Đài Loan vào tháng Một rất quan trọng, vì sự kiện này sẽ quyết định mối bang giao của hòn đảo này với Trung Quốc.
Theo ông Keith Krach, một doanh nhân tỷ phú và là cựu thứ trưởng ngoại giao, căng thẳng về Đài Loan vẫn chưa được giải quyết trong các cuộc thảo luận.
“Cảnh báo của Tổng thống Biden để Trung Quốc không can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Đài Loan nhấn mạnh tính chất nhạy cảm về chủ quyền của Đài Loan và tầm quan trọng của các tiến trình dân chủ. Điều này cho thấy mặc dù các cuộc thảo luận chiến thuật có thể diễn ra, nhưng những khác biệt về chiến lược và ý thức hệ liên quan đến Đài Loan vẫn là một điểm gây bất hòa đáng kể giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,” ông nói với The Epoch Times.
Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết của ông đối với chính sách Một Trung Quốc, trong đó tuyên bố rằng Hoa Kỳ không công nhận nền độc lập của Đài Loan.
“Chúng tôi duy trì một thỏa thuận rằng có chính sách Một Trung Quốc và tôi sẽ không thay đổi điều đó. Điều đó sẽ không thay đổi,” ông nói với các phóng viên khi được hỏi về các hoạt động quân sự của Trung Quốc quanh hòn đảo này và cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ hòn đảo này.
“Đó là về chừng mực mà chúng tôi đã thảo luận [vấn đề này],” Tổng thống Biden nói.
Theo ông Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-Đài Loan, một tổ chức bất vụ lợi chuyên thúc đẩy những mối quan hệ thương mại và kinh doanh giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, thì kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp mặt giữa ông Biden và ông Tập là bản thân cuộc gặp đó.
“Quan trọng là Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh hội đàm và có đường dây liên lạc cởi mở. Tuy nhiên, không thể đối thoại chỉ để đối thoại,” ông nói với The Epoch Times. “Trong thời đại TT Bush và TT Obama, các cuộc thảo luận song phương là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ, và chúng ta sẽ tự kiểm duyệt lợi ích của mình khi theo đuổi việc đối thoại đó. Trung Quốc hiểu rõ điều này và lợi dụng làm đòn bẩy, kiếm được lợi ích đáng kể từ sự tổn thất của Hoa Kỳ dưới hai nhiệm kỳ tổng thống đó.”
Ông Hammond-Chambers lo ngại rằng ĐCSTQ đang kiên trì những nỗ lực nhằm hạn chế sự hậu thuẫn của chính phủ TT Biden dành cho Đài Loan thông qua cưỡng ép.
“Trước cuộc gặp mặt, Chính phủ TT Biden đã hạn chế trợ giúp cho Đài Loan,” ông cho biết, đồng thời lưu ý rằng việc quá cảnh của ứng cử viên tổng thống Đài Loan và là Phó Tổng thống William Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) qua Hoa Kỳ một vài tháng trước “đã bị hạn chế nghiêm trọng trong một nỗ lực nhằm xoa dịu cơn giận của Bắc Kinh đối với chuyến đi của ông ấy.”
Hạn chế xuất cảng Fentanyl
Trong cuộc hội đàm, Trung Quốc đã đồng ý về nguyên tắc sẽ hạn chế xuất cảng các hóa chất được sử dụng để sản xuất fentanyl, một loại thuốc gây nghiện tổng hợp mạnh hơn heroin 50 lần, gây ra đại dịch ma túy nguy hiểm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao cho biết, như là một phần của thỏa thuận, Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Viện Khoa học Pháp y Trung Quốc, cơ quan bị cáo buộc là đã thực hiện giám sát hàng loạt và vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương.
Khi bắt đầu cuộc hội đàm, cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại bất luận có những khác biệt. Tuy nhiên, nhiều người đã lên tiếng nghi ngờ về sự chân thành của ĐCSTQ.
Trong một tuyên bố với The Epoch Times, Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) nói rằng cuộc gặp mặt giữa ông Biden và ông Tập “đã là một sự ngượng nghịu nhưng không có gì đáng ngạc nhiên.”
“Tôi không tin một lời nào mà ông Tập Cận Bình nói, và bất kỳ người Mỹ nào, kể cả ông Joe Biden cũng nên vậy. Hành động có ý nghĩa hơn lời nói. Và hành động của Trung Quốc cộng sản đã cho chúng ta biết họ chọn trở thành kẻ thù của chúng ta.”
Ông Adam Savit, giám đốc Sáng kiến Trung Quốc tại Viện Chính sách Mỹ quốc Trước tiên, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đồng tình và nói rằng nhà lãnh đạo ĐCSTQ này không thành thật về việc hàn gắn lại với chính phủ Hoa Kỳ.
Ông nói với The Epoch Times: “Hành động của ông Tập cho thấy ông ấy không xứng đáng với những lời hứa của mình và không nghiêm túc về việc cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ.”
Theo ông Savit, ĐCSTQ đã tăng cường liên minh với Nga và Iran, cả hai nước này vốn đều tích cực tham gia vào các cuộc chiến chống lại đồng minh của Hoa Kỳ, và uy hiếp Đài Loan và vi phạm chủ quyền của Đài Loan, gia tăng hành động gây hấn trên biển đối với Philippines ở Biển Đông, tiếp tục đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc, và đánh cắp tài sản trí tuệ một cách trắng trợn.
“Việc cấp cho ông Tập một cuộc gặp hệ trọng với tổng thống Mỹ trên đất Mỹ là phần thưởng cho hành vi nguy hiểm này,” ông nói.
Các nhà phê bình về Trung Quốc khác cũng chỉ trích chính phủ TT Biden vì đã không làm nhiều hơn để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm.
Trong một cuộc phỏng vấn, Dân biểu Harriet Hageman (Cộng Hòa-Wyoming) nói với NTD, hãng truyền thông cùng cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng, “Tôi không nghĩ rằng ban lãnh đạo mà chúng ta hiện có lại đủ cứng rắn để chống lại Trung Quốc.”
Bà cho biết chỉ riêng số người tử vong vì cuộc khủng hoảng fentanyl là đủ lý do để chính phủ chống lại một cách rất mạnh mẽ các chính sách của Trung Quốc và ĐCSTQ.
Dạ yến độc quyền thu hút sự chỉ trích
Một sự kiện quan trọng khác tại hội nghị thượng đỉnh là buổi dạ yến giữa các nhà điều hành doanh nghiệp Hoa Kỳ và nhà lãnh đạo Trung Quốc. Được biết, mỗi nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã trả 40,000 USD cho cuộc gặp riêng với nhà cầm quyền cộng sản. Việc này thu hút rất nhiều lời chỉ trích.
Theo Bloomberg, trong số những nhà điều hành doanh nghiệp Hoa Kỳ ngồi cùng bàn với ông Tập tại sự kiện này có ông Tim Cook của Apple, ông Larry Fink của BlackRock, và ông Stephen Schwarzman của Blackstone.
Trong một bức thư, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch ủy ban đặc biệt về ĐCSTQ, đã chỉ trích sự kiện này.
“Thật vô lương tâm khi các công ty của Mỹ có thể trả hàng ngàn dollar để tham gia một ‘bữa dạ yến chào đón’ được tổ chức bởi chính những quan chức ĐCSTQ, những người đã tạo thuận tiện cho một cuộc diệt chủng đối với hàng triệu người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em vô tội ở Tân Cương,” ông Gallagher viết trong bức thư gửi Ủy ban Quốc gia về bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, một đơn vị tổ chức sự kiện này.
“Trung Quốc sẵn sàng trở thành một đối tác và bằng hữu của Hoa Kỳ,” lãnh đạo ĐCSTQ nói trong cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo doanh nghiệp.
Ông Krach tin rằng Trung Quốc không mở cửa cho kinh doanh và các nhà điều hành doanh nghiệp của Hoa Kỳ sẽ không bị ảnh hưởng bởi “cuộc tấn công đầy mê hoặc” của Bắc Kinh.
“Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhận thức sâu sắc về sự bất ổn kinh tế ở Trung Quốc, không dễ bị thuyết phục bởi những cam đoan của ông Tập Cận Bình,” ông nói.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times