Hoa Kỳ và Trung Quốc đàm phán trong bối cảnh căng thẳng song phương tại cuộc gặp ở San Francisco
Tổng thống Biden tuyên bố rằng mặc dù cả hai bên đã đạt được một số tiến bộ nhưng ông vẫn không thay đổi quan điểm về việc ông Tập là một nhà độc tài.
Hôm 15/11, Tổng thống Joe Biden đã gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tại San Francisco để thảo luận về một loạt các vấn đề gây tranh cãi, trong đó có Đài Loan, nhân quyền, và fentanyl.
Hai nhà lãnh đạo và các đại diện của họ đã hội kiến tại một tòa nhà theo phong cách phục hưng thời kỳ vua George ở phía nam San Francisco.
“Tôi luôn nhận thấy các cuộc thảo luận giữa chúng ta đều minh bạch và thẳng thắn, và tôi luôn đánh giá cao điều đó,” Tổng thống Biden nói trong diễn văn khai mạc cuộc gặp.
Tổng thống Biden nói rằng ông đã quen biết lãnh đạo Trung Quốc từ lâu và không phải lúc nào cũng đồng tình với ông ấy, nhưng các cuộc thảo luận của họ là luôn cởi mở, thẳng thắn, và hiệu quả.
“Tôi trân trọng sự đàm luận giữa chúng ta vì tôi nghĩ điều tối quan trọng là ông và tôi hiểu rõ nhau, như giữa các lãnh đạo với nhau, không có nhận thức sai lầm hoặc hiểu lầm. Chúng ta phải bảo đảm rằng cạnh tranh không biến thành xung đột,” ông nói.
Tuy nhiên, khi được một phóng viên hỏi trong một cuộc họp báo, Tổng thống Biden nói rằng mặc dù cả hai bên đã đạt được một số tiến bộ nhưng ông vẫn không thay đổi quan điểm về việc ông Tập là một nhà độc tài.
Về phía ông Tập, lãnh đạo ĐCSTQ đã bắt đầu bài diễn văn của mình bằng cách đề cập đến các vấn đề kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến Trung Quốc. Ông nói rằng nền kinh tế toàn cầu đang cải thiện chậm, chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, và chuỗi cung ứng đang bị đe dọa. “Tất cả những điều này đều là vấn đề nghiêm trọng,” ông nói.
Hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại San Francisco từ ngày 11 đến ngày 17/11.
Sau cuộc gặp, Tổng thống Biden tuyên bố rằng hai bên đã đạt được tiến bộ trên một số lĩnh vực, bao gồm hợp tác về fentanyl, khôi phục các cuộc đàm phán trực tiếp giữa quân đội với quân đội, và giải quyết các vấn đề về rủi ro cũng như an toàn liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Tổng thống Biden cho biết trong cuộc họp báo rằng cả hai bên đã có cuộc gặp “mang tính xây dựng và hiệu quả nhất.”
Trước cuộc gặp, Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng Tổng thống Biden sẽ khẳng định lập trường vững chắc về những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ và yêu cầu thay đổi.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo trước cuộc gặp: “Như mọi khi, khi chúng ta có những cuộc gặp như thế này với các nhà lãnh đạo ngoại quốc, đặc biệt khi nhân quyền là một vấn đề, thì tổng thống không bao giờ né tránh việc nêu ra vấn đề đó.”
Ông Kirby từ chối chia sẻ những gì mà tổng thống sẽ nói trong nghị trình của mình về nhân quyền, hay mô tả về bầu không khí và phong thái được mong đợi trong cuộc thảo luận trước cuộc gặp này.
“Nhưng tôi nghĩ quý vị hoàn toàn có thể mong đợi rằng tổng thống sẽ nêu lên những mối lo ngại của chúng ta về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, kể cả vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ,” ông nói, đề cập đến một dân tộc thiểu số Hồi Giáo ở vùng viễn tây Trung Quốc đang bị chế độ cộng sản đàn áp một cách có hệ thống.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có khả năng thuyết phục Bắc Kinh thay đổi đường hướng của họ về nhân quyền hay không thì ông Kirby không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục nêu lên mối lo ngại của mình,” ông nói với các phóng viên. “Chúng tôi sẽ có thể làm điều đó một cách thẳng thắn, không thiên vị, như chúng tôi vẫn luôn làm. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng tình hình này cần phải được khắc phục.”
“Tôi ước mình tại đây có thể dự đoán hoàn hảo về kết quả, nhưng tôi có thể nói với quý vị rằng mong muốn chứng kiến tình hình thay đổi của chúng tôi sẽ không suy giảm.”
Trước cuộc gặp, các nhà lập pháp và các nhóm nhân quyền đã kêu gọi tổng thống nhấn mạnh đến các cuộc đàn áp nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền Trung Quốc, bao gồm cuộc đàn áp kéo dài hàng thập niên đối với nhóm tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, cuộc đàn áp các dân tộc thiểu số, những người theo đạo Cơ Đốc, và người Tây Tạng, cũng như việc làm suy giảm sự tự do ở Hồng Kông.
Thay vì mong đợi một cuộc tái thiết lớn, thì cả hai bên đã đến cuộc gặp với mục tiêu ổn định mối bang giao của họ.
Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ hai của hai nhà lãnh đạo kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Lần trước, hai người đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022.
Với cuộc bầu cử sắp tới của Đài Loan vào năm 2024, chủ đề về Đài Loan hiện đang là mối quan tâm lớn của hai nước.
Tòa Bạch Ốc tỏ ra cảnh giác về nỗ lực của Trung Quốc nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan. Rủi ro lần này là cao đến mức chính phủ Tổng thống Biden khó có thể bỏ qua, vì hậu quả [của việc không có hành động trước sự can thiệp] có thể dẫn đến một chính phủ thân Trung Quốc hơn Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp báo, Tổng thống Biden cho biết ông đã thảo luận về cuộc bầu cử ở Đài Loan với lãnh đạo Trung Quốc và không hy vọng có bất kỳ sự can thiệp nào từ phía Trung Quốc.
Một số thành viên Quốc hội đã yêu cầu Tổng thống Biden nêu lên vấn đề người Mỹ bị giam giữ oan sai ở Trung Quốc.
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) nói với The Epoch Times: “Bất chấp những nhượng bộ liên tục từ Hoa Thịnh Đốn trong năm qua, Bắc Kinh đã không làm gì mà lại vẫn tiếp tục đe dọa các lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times