Truyền thuyết các loài hoa: Hoa cải từng cứu mạng danh y Tôn Tư Mạc
Gió xuân lại khiến bờ Giang Nam xanh thắm, ánh nắng tưới tắm khắp trời, khi hoa cải nở khắp mặt đất, trong tiếng chim bồ câu mang theo tin xuân nồng đượm.
“Vũ thủy” là tiết trời đến sau thời điểm Lập xuân, cũng là mùa ngắm hoa cải. Cánh đồng xuân bát ngát um tùm hoa cải, gió xuân từ xa thổi đến làm hoa vàng rủ xuống, gần cũng là hoa cải, xa cũng là hoa cải, từ sáng đến chiều, sắc vàng kim chiếu rọi đến chân trời.
Nói về nguồn gốc rau cải
Rau cải đến từ bên ngoài Vạn Lý Trường Thành. Tương truyền, thời cổ đại có Vân Đài Thú bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, nơi này trồng rất nhiều cây cải nên rau này được gọi là cải Vân Đài, đồng thời cũng có một số tên gọi khác như Hồ thái, Hàn thái, Đài thái, Đài giới, v.v.
Cả Vân Đài thái và Hồ thái đều cho thấy nguồn gốc rau cải đến từ đất Hồ bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, loại rau này đã sống sót qua sương tuyết trong mùa đông mà không bị thương. Trong thơ của Hoằng Lịch tức Hoàng đế Càn Long đã viết về rau cải rằng: “Bản căn lai sóc tái, kim nhật thịnh Đông Ngô” (Vốn có nguồn gốc từ biên cương phía Bắc, nay trồng nhiều ở Đông Ngô). Rau cải khiến Giang Nam thêm phần cảnh sắc vui mắt, thanh mát.
“Mọc đài” – cuống hoa dài là nét đặc sắc của các loại rau như rau cải. Rau cải mọc đài, các cây nối nhau tạo thành một biển hoa cải, trở thành cảnh đẹp đầu xuân. “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân cho biết: “Loại rau này rất dễ mọc đài, nên hái nó làm thức ăn thì sẽ có được nhiều cành nhánh, vì vậy nó được gọi là Vân Đài.” Điều đó có nghĩa là, nếu muốn cây cải mọc nhánh dài thì cần hái cành để ăn. Nghiên cứu hiện đại về rau cải đã phát hiện ra rằng, đây là loại rau rất giàu dinh dưỡng, còn có công dụng làm sạch máu, lại có chất xơ, có lợi cho việc làm sạch đường ruột trong cơ thể.
Hàm lượng dầu trong hạt cải do hoa cải tạo ra cao tới 35% ~ 50%, sau khi sao có thể ép dầu, dầu màu cam có thể ăn được, dùng làm dầu thắp đèn rất sáng. Hạt cải cũng có thể được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Có thể nói cải là loại rau quan trọng ở vùng nông thôn. Hoàng đế Càn Long nhà Thanh hiểu sâu sắc về điều này, khi đi ngang qua đê Tô ở Hàng Châu, ông nhìn thấy hoa cải đang nở rộ, bèn phân phó tùy tùng đi cẩn thận không được giẫm nát ruộng cải, thơ ông có đoạn như thế này:
“Tô đê đào lý lược quá thời, du thái thường thường hoa chính nhuy.
Phân phó tòng nhân giới nhựu lận, ngô dân y thực thử thâm tư.”
(“Tự Tô đê bạt mã chí Thánh Nhân hành cung, Kỳ nhị”)
Tạm dịch nghĩa:
Khi đào, mận ở đê Tô vừa tàn, hoa cải khoác xiêm y nở rộ.
Dặn dò thuộc hạ không được giẫm nát, cơm áo dân ta nhờ hết vào đây.
Rau cải trị chứng phù nề, Tôn Tư Mạc nói: “Ứng nghiệm như thần”
Cây cải vốn đã rất “nổi tiếng” vào thời Đường, nhà thơ Lưu Vũ Tích từng ca ngợi cảnh đẹp khi hoa cải nở rộ: “Bách mẫu đình trung bán thị đài, đào hoa tĩnh tận thái hoa khai” (Tạm dịch nghĩa: Trong đình nhìn trăm mẫu phân nửa là đài hoa, hoa đào đã tàn, chỉ có hoa cải nở rộ”. “(Bài thơ “Tái du Huyền Đô quan”).
Bậc thầy y học thời Đường đã lưu danh vào lịch sử thế giới, Dược vương Tôn Tư Mạc, từng uống quá nhiều rượu vào một ngày nào đó vào tháng 3 năm Trinh Quán thứ 7. Đến ban đêm, toàn thân ông đau nhức, trán sưng phù một cục như viên đan lớn, thân thể phù nề đau đớn, mắt không mở được, mới một ngày mà cơ hồ như gần chết. Ông nhớ đến bài thuốc cổ xưa rằng rau cải có thể chữa khỏi chứng sưng phù, liền lấy lá cây cải giã nát đắp lên trán để tự cứu mình. Tôn Tư Mạc nói, “Nó biến mất ngay khi chạm tay vào, ứng nghiệm như thần”. [1]
Vương Dương Minh, bậc đại Nho một thời ngắm hoa cải
Bậc đại Nho một thời, chính trị gia triều Minh là Vương Thủ Nhân (tự Bá Ân, người Từ Diêu, Chiết Giang, 1472-1528) vào năm Chính Đức thứ 14 (năm 1519) đã bình định được cuộc phản loạn lớn – loạn Thần Hào. Sau khi trở về đất Việt, Giang Nam (một phần Chiết Giang), ông đã viết “Cư Việt thi” (Bài thơ lúc ở đất Việt), trong đó lấy hoa cải làm chủ đề chính.
“Du thái hoa khai mãn địa kim, bột cưu thanh lý hựu xuân thâm.
Lư diêm chính khổ cơ dân sắc, quyến mẫu trường hoài lão phố tâm.
Tự hữu mẫu đan kham phú quý, dã tòng phong diệp mạn truy tầm.
Niên niên khai lạc hỗn nhàn sự, lai thưởng hà nhân cộng thử khâm?”
(“Hòa Đổng La Thạch thái hoa vận”)
Tạm dịch nghĩa:
Hoa cải nở rộ đất ánh vàng, bồ câu kêu rộn mùa xuân sang.
Cổng làng chính lúc dân đói chết, mẹ già vò võ lòng trĩu mang.
Nghĩ có mẫu đơn dễ phú quý, cũng bị ong bướm truy đuổi khan.
Năm nào nở rộ hết việc nhàn, hỏi ai đến thưởng cùng lòng hoan?
Mỗi mùa xuân, khi hoa cải nở rộ sáng chói, thì mặt đất như được dát vàng, đối ứng với bách tính trong dân gian còn đang đói chết, lão nông trồng rau khổ sở, họ cũng đều là những việc, những người mà bậc đại Nho Vương Thủ Nhân quan tâm. Hoa mẫu đơn được cho là phú quý, người đời như ong bướm truy tìm xoắn xuýt, thực ra, làm sao phù hợp với cuộc sống của người dân như hoa cải nở rộ khắp cánh đồng mỗi độ xuân về?
Vương Thủ Nhân nhấn mạnh công phu trong việc truy cầu sự hiểu biết là “tri hành hợp nhất” (sự hiểu biết và hành động thống nhất với nhau), lấy “trí lương tri” (đạt được lương tâm) làm ngọn đèn sáng dẫn đường trên con đường đi của các bậc Thánh hiền. Ông đã từng xây dựng động Dương Minh, được người đời tôn xưng là “Dương Minh tiên sinh”. Ông lấy triết lý “tri hành hợp nhất” hướng dẫn con người phát huy bản tính thiện lương, ảnh hưởng sâu sắc đến Nho học đời sau và đưa giáo dục đi xa hơn.
Cuộc đời của Vương Thủ Nhân mang màu sắc truyền kỳ, trải qua nỗi xấu hổ khi bị triều đình phạt trượng trước công chúng, nỗi sợ hãi khi ở trong ngục chờ chết, nỗi tuyệt vọng khi bị đày đến một vùng đất hoang vu, nguy cơ bệnh dịch hoành hành và sự cô đơn ngột ngạt trong vùng hoang dã tịch liêu, cuối cùng mới chuyển biến có được niềm vui ngộ đạo.
Hoa cải nở và rụng vào đầu mùa xuân hàng năm, thong dong tự tại. Hầu hết người đời đều truy cầu phú quý, nếu trong mệnh số không tích được phúc đức phú quý thì truy cầu sẽ là vô ích. Ai đến thưởng lãm hoa cải, cùng tận hưởng cuộc sống tự tại trong chốn bình phàm này đây?
Chú thích:
Phương Phái biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ