Truyền thông Trung Quốc hù dọa ‘bắn hạ’ phi cơ của bà Pelosi nếu quân đội theo hộ tống
Tòa Bạch Ốc đã từ chối bình luận về lời đe dọa của một nhân vật trong giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, người nói rằng quân đội Trung Quốc nên “bắn … hạ” phi cơ chở chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, nếu bà đến thăm Đài Loan với sự hộ tống của quân đội.
Hôm 29/07, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết, “Vì chuyện này liên quan đến chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện, nên đó là điều mà chúng tôi không tiện chia sẻ ở đây. Ngay lúc này, đó chỉ là một giả thuyết mà thôi.”
“Chúng tôi sẽ không chia sẻ về lịch trình của bà ấy … Tôi sẽ không nói chuyện về một tình huống giả định.”
Bình luận của bà Jean-Pierre được đưa ra để hồi đáp câu hỏi về quan điểm của Tòa Bạch Ốc trước những bình luận gần đây của ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.
Ông Hồ gợi ý rằng quân đội Trung Quốc, tức Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), nên sử dụng vũ lực chống lại bà Pelosi nếu bà ấy đến thăm Đài Loan với sự bảo vệ của quân đội Hoa Kỳ.
Ông Hồ viết một dòng tweet, “Nếu chiến đấu cơ của Mỹ hộ tống phi cơ của bà Pelosi vào Đài Loan, thì đó là hành động xâm lược.”
“PLA có quyền xua đuổi phi cơ của Pelosi và các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ bằng vũ lực, bao gồm bắn cảnh cáo và thực hiện chiến thuật di chuyển chặn đường. Nếu đuổi không đi, thì hãy bắn hạ phi đội này.”
Những bình luận của ông Hồ chỉ là tình tiết mới nhất trong danh sách ngày càng dài những luận điệu hiếu chiến phát ra từ Bắc Kinh và nhiều cơ quan ngôn luận khác của nhà cầm quyền này.
Hồi tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đe dọa sẽ bắt đầu một cuộc chiến “bằng bất kể giá nào” để ngăn chặn việc nền độc lập trên thực tế của Đài Loan được công nhận trên trường quốc tế. Tương tự như vậy, lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa Tổng thống Joe Biden trong một cuộc điện đàm hôm thứ Năm, cảnh báo rằng Hoa Kỳ đang “đùa với lửa” về vấn đề Đài Loan.
Chuỗi diễn biến này xảy ra trong bối cảnh có những tin tức cho rằng bà Pelosi đang lên kế hoạch cho một chuyến thăm cá nhân đến Đài Loan, vốn được ấn định vào tháng Tư. Nhưng thời gian đó, bà Pelosi đã nhiễm COVID-19 và hủy chuyến đi. Chủ tịch Hạ viện được cho là sẽ khởi hành để thực hiện chuyến công du Á Châu vào ngày 29/07, với một chặng dừng chân ở Đài Loan vẫn còn chưa biết chắc.
Nhờ có sự can thiệp của Tòa Bạch Ốc vào vấn đề này, mà tin tức về chuyến đi của bà Pelosi đã trở thành một cái gì đó như là một sự cố quốc tế. Khi nghe tin về chuyến đi, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã đe dọa thực hiện “các biện pháp mạnh mẽ” chống lại Hoa Kỳ và Đài Loan. Sau những lời đe dọa đó, ông Biden công khai nói rằng chuyến đi của bà Pelosi “không phải là một ý hay” và rằng phía quân đội không ủng hộ chuyến đi này.
Sau đó, bà Pelosi nói rằng bà ấy chưa nói chuyện với ông Biden về chuyến đi nhưng quân đội có thể lo ngại Trung Quốc sẽ bắn hạ phi cơ của bà.
Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh tin rằng nhiều lời đe dọa từ giới lãnh đạo cộng sản của Trung Quốc chỉ là nói suông, và phản ánh sự yếu kém trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Chuẩn tướng David Stilwell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nói với NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng: “Đây chỉ là những lời đe dọa vu vơ, huyền hoặc, sáo rỗng, [có nghĩa là] họ có được sự rút lui của chúng ta mà không cần mất gì.”
“Họ [Trung Quốc] vẫn đảm trách vai trò của một cường quốc bậc trung hạng hai… Nhưng với tư cách là một đại cường quốc, những lời đe dọa hão huyền, khi được thể hiện một cách sáo rỗng mà không có ý định chứng minh những lời lẽ đó, thì điều đó khiến họ khó thực sự tạo ra hiệu ứng răn đe mong muốn đối với các mối đe dọa trong tương lai.”
Đầu tuần này, một quan chức Tòa Bạch Ốc nói rằng bà Pelosi đang nhận được thông tin quân sự chuẩn về tình hình an ninh liên quan đến Đài Loan.
Ông John Kirby, một quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, cho biết: “Mỗi khi bà ấy công du ngoại quốc, chúng tôi thường cung cấp các dữ kiện và phân tích, bối cảnh, thực tế địa chính trị mà bà ấy sẽ phải đối mặt ở bất cứ nơi nào bà đến.”
“Và luôn có những vấn đề về an ninh xung quanh chuyến đi của bà ấy, mà đôi khi Bộ Quốc phòng cũng tham gia, tùy thuộc vào nơi bà ấy đi và thời gian bà ấy ở lại cũng như các mối đe dọa và thách thức là gì.”
ĐCSTQ cho rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. Ông Tập đã hứa sẽ thống nhất hòn đảo này với đại lục, và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để hiện thực hóa điều đó. Về phần mình, Đài Loan đã được tự quản kể từ năm 1949, chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, và tự hào có một nền dân chủ và kinh tế thị trường đang phát triển mạnh.
Hoa Kỳ không có mối bang giao chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó Hoa Kỳ cam kết cung cấp cho nước này những vũ khí cần thiết để tự vệ. Hoa Thịnh Đốn cũng duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược,” trong đó họ sẽ không xác nhận cũng không phủ nhận liệu họ có bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược hay không.
Giới lãnh đạo ĐCSTQ đã và đang tăng cường các hành động thù địch trong những năm gần đây nhằm nỗ lực khiến Hoa Kỳ cắt đứt mối liên hệ với Đài Loan. Mặc dù những nỗ lực này hoàn toàn không đem lại kết quả gì, nhưng Tòa Bạch Ốc đã cảnh báo rằng hành vi thù địch của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm các hành động nguy hiểm chống lại phi cơ quốc tế, có khả năng dẫn đến một “sự cố lớn”.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.