‘Đừng tin ĐCSTQ’: Học giả Đài Loan chia sẻ trải nghiệm ở Trung Quốc
Một học giả Đài Loan đã chia sẻ trải nghiệm của mình trong việc bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giám sát khi ông còn là một giáo sư đại học ở Trung Quốc, và lý do tại sao ông lại quyết định rời khỏi đại lục. Tất cả những trải nghiệm này được ông đúc kết trong tuyển tập chưa xuất bản của mình, có nhan đề “Tỉnh mộng sau 20 năm chìm đắm trong giấc mơ Trung Hoa.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, ông Ngô Minh Năng (Wu Mingneng), người đã có 20 năm học tập và làm việc ở Trung Quốc, đã chia sẻ rằng bài học khó nhất mà ông đã học được đó chính là: đừng bao giờ tin ĐCSTQ.
Sau một thời gian dài bị nhà cầm quyền Trung Quốc giám sát, ông Ngô đã mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Sau khi trở về Đài Loan, ông đã phải nằm viện trong bốn năm và hiện giờ hầu như chỉ có thể kiếm sống bằng những công việc lặt vặt với sự trợ giúp của gia đình.
Ông Ngô muốn cảnh báo những người Đài Loan khác đừng bị cám dỗ trước danh vị và tiền bạc của ĐCSTQ, chỉ để bị mắc kẹt trong hệ thống của ĐCSTQ, điều đó sẽ chỉ dẫn bản thân họ và những người khác đến một kết cục bi thảm.
Đến Trung Quốc để nghiên cứu sâu hơn về văn hóa Trung Quốc
Ông Ngô luôn ôm giữ một niềm đam mê bất tận với văn hóa Trung Quốc.
Sinh ra ở Đài Loan, ông Ngô có bằng cử nhân và thạc sĩ tiếng Trung. Ông muốn học cao học để nghiên cứu sâu hơn về văn hóa Trung Hoa, do đó năm 1994, ông đã đến Đại học Bắc Kinh để lấy bằng tiến sĩ về văn học cổ điển.
Sau khi tốt nghiệp, ông giảng dạy tại Đại học Tứ Xuyên, và trở thành phó giáo sư Khoa Lịch sử và Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn học Tây Nam Trung Quốc.
Từ chối lời đề nghị của ĐCSTQ khiến nhà cầm quyền tức giận
Trong thời gian ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã ba lần đề nghị ông Ngô trở thành thành viên trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị, nhưng lần nào ông cũng từ chối. Điều này khiến ĐCSTQ khó chịu.
Trong một số trường hợp khác, mặc dù ông đã cẩn thận, nhưng ĐCSTQ lại cho rằng ngôn từ của ông đã vượt quá lằn ranh đỏ.
Ví dụ, bí thư trường đại học đã nhiều lần cảnh cáo ông Ngô, “Khi ông giảng về nhật ký Tưởng Giới Thạch, ông không thể sử dụng lối diễn đạt thế này ‘đại lục thất thế, và ông Tưởng đã giao đại lục cho Đảng Cộng sản thống trị.” Tuyên bố của ĐCSTQ trong sách giáo khoa là đảng này “đánh bại Tưởng Giới Thạch và giải phóng Trung Quốc.”
Tưởng Giới Thạch là chủ tịch của Chính phủ Quốc dân ở Trung Quốc từ năm 1928 đến năm 1949 và lãnh đạo cuộc chiến chống Nhật của Trung Quốc trong Đệ nhị Thế chiến. Ông dời chính phủ Quốc dân sang Đài Loan vào năm 1949. Ông mất ngày 05/04/1975, tại Đài Bắc, Đài Loan. Nhật ký Tưởng Giới Thạch (từ năm 1917 đến năm 1972) hiện được lưu giữ trong Viện Hoover, một cơ quan tư vấn chính sách công của Mỹ.
Những sự cố tương tự tiếp tục xảy ra với ông Ngô, nhưng chính những nhận xét của ông tại một hội thảo ở Nam Kinh vào tháng 04/2013 đã đẩy ông vào cuộc đàn áp trực tiếp của ĐCSTQ.
Không chịu nổi việc bị giám sát
Hội thảo Nam Kinh bàn về “Chủ nghĩa tự do” mà ông Hồ Thích (Hu Shih), một học giả hàng đầu về Trung Quốc hiện đại và là đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ từ năm 1938 đến năm 1942, đế xướng.
Ông Ngô nghĩ là chủ đề này có liên quan mật thiết đến nền kinh tế quốc gia và sinh kế của người dân, vì vậy ông đã chỉ trích các vấn đề hiện tại của Trung Quốc và các quan chức Trung Quốc. Nhưng ông chỉ cẩn thận đề cập đến giá lương thực thay vì hệ thống quản trị của chế độ cộng sản như mục tiêu chỉ trích của mình.
Tại thời điểm đó, ông Ngô nói: “Các nhà chức trách không quan tâm đến nền kinh tế quốc gia và sinh kế của người dân. Tại Tứ Xuyên, giá sườn heo đã tăng gấp ba lần trong hai tháng, [giá] rau củ cũng thế, nhưng tiền lương thì không tăng. Lạm phát đã khiến cuộc sống của mọi người trở nên khó khăn. Là những học giả có lương tâm, chúng ta có nên nêu vấn đề này ra không? Ông Hồ Thích bước ra khỏi tháp ngà để hiểu điều gì là quan trọng đối với mọi người khi nói về chủ nghĩa tự do.”
Khán giả im lặng một hồi sau những lời nhận xét của ông Ngô.
Trên chuyến bay trở về Thành Đô, ngồi bên ông Ngô là hai người đàn ông với vẻ mặt nghiêm nghị.
Họ đã chủ động nói chuyện với ông Ngô trong suốt chuyến bay, và những gì họ nói cho thấy họ biết rõ lai lịch của ông Ngô. Họ cũng cảnh báo ông, “Ông hãy nghĩ kỹ trước khi nói gì đó, nếu không ông sẽ phải gánh chịu hậu quả đấy.”
Sau khi trở về Tứ Xuyên, ông luôn bị giám sát, kể cả ở nhà lẫn giảng đường.
Khi trở lại khuôn viên trường Thành Đô, đột nhiên, ông Ngô nhận thấy có nhiều người đứng vây quanh ông và đi theo ông bất cứ nơi nào ông đến. Có những người đang theo dõi ông từ bên đường phía đối diện nhà của ông. Sau đó, một chiếc camera đã được lắp trong lớp học của ông để ghi lại quá trình giảng dạy của ông.
Ông Ngô không thể làm gì khác ngoài báo cáo tình hình cho bí thư đảng bộ của khoa lịch sử. Vị bí thư này nói rằng những người này thuộc hệ thống an ninh quốc gia và có cấp bậc cao hơn những người trong hệ thống giáo dục. Ông này nói với ông Ngô rằng ông không thể làm được gì trong chuyện này.
Khi phải sống dưới áp lực tinh thần cực đại, một năm sau, ông Ngô đã trở nên suy sụp.
Ông cởi áo và bôi mực lên người rồi đi lại ở nơi công cộng, để biểu tình phản đối việc nhân viên an ninh can thiệp vào việc dạy thư pháp của ông. Ông đã thử dọa họ rằng ông sẽ tự cắn đứt lưỡi mình để tự sát, hòng đuổi họ đi. Sự việc chỉ kết thúc sau khi Đại học Tứ Xuyên hứa với ông Ngô rằng họ sẽ giải quyết mọi chuyện với ông.
Tuy nhiên, trường đại học này đã không làm tròn lời hứa của mình và đuổi ông khỏi trường. Sợ bị bắt, ông Ngô trốn về Đài Loan, để lại vợ và cô con gái bé ở Tứ Xuyên.
‘Đừng bao giờ tin ĐCSTQ’
Tổn thương tinh thần trong thời gian ở Trung Quốc đã để lại những vết sẹo trong lòng ông Ngô, ngay cả trong môi trường an toàn của Đài Loan. Đáng buồn thay, dù đã được xuất viện sau bốn năm điều trị, nhưng bệnh tình của ông ấy vẫn không tiến triển.
Ông đã ngộ ra một điều, rằng ngay cả sau khi ông ở Trung Quốc hai mươi năm và biết lằn ranh đỏ của ĐCSTQ, thì ĐCSTQ vẫn không nương tay với ông.
Hai mươi năm ở Trung Quốc giống như một cơn ác mộng đối với ông Ngô. Nhưng giờ đây, ông đã thức tỉnh.
Bản tin có sự đóng góp của Lee Se-hoon